Để hạn chế người nước ngoài vi phạm pháp luật khi đến Đắk Nông

Song Việt| 09/06/2016 09:49

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài (NNN) trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

NNN luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu trú, làm việc, du lịch. Nhờ đó, số lượng NNN đến tỉnh ta ngày càng nhiều, góp phần đáng kể vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Đắk Nông. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực đó, có một bộ phận NNN khi đến trên địa bàn đã có những vi phạm về luật pháp Việt Nam.

Theo Sở Ngoại vụ, những lỗi phổ biến nhất của NNN khi đến Đắk Nông là vi phạm các quy định về luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật Xuất nhập cảnh).

Theo đó, luật Xuất nhập cảnh quy định, NNN khi đến Việt Nam sẽ không được phép tự ý chuyển đổi mục đích thị thực. Trong trường hợp có nhu cầu chuyển mục đích thị thực thì NNN buộc phải xuất cảnh để đăng ký thị thực mới. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng NNN nhập cảnh vào Đắk Nông và có những hoạt động khác với thị thực đã đăng ký diễn ra khá phổ biến.

Chẳng hạn, mặc dù chỉ được cấp thị thực du lịch, nhưng khi đến Đắk Nông, nhiều NNN lại có những hoạt động như gặp gỡ người dân địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư, dạy học, học tập, nghiên cứu khoa học… Cho dù đó là những hoạt động có mục đích tốt, thế nhưng nó lại vi phạm pháp luật Việt Nam về mục đích thị thực.

Bên cạnh đó, NNN đến Đắk Nông cũng hay vi phạm về Quy chế khu vực biên giới. Theo Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về “Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì Đắk Nông có 7 xã được công nhận là khu vực biên giới, gồm: Quảng Trực, Đắk Búk So (Tuy Đức); Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song); Thuận An, Đắk Lao (Đắk Mil) và Đắk Wil (Chư Jút).

Nghị định số 34/NĐ-CP cũng quy định, NNN thường trú, tạm trú ở khu vực biên giới Việt Nam phải có giấy phép do Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc giám đốc công an cấp tỉnh nơi NNN thường trú, tạm trú hoặc giấy phép của giám đốc công an tỉnh biên giới nơi đến. Trường hợp ở lại qua đêm trong khu vực biên giới, NNN phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để phải khai báo tạm trú cho công an cấp xã sở tại theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, tình trạng NNN cư trú tại các xã biên giới của tỉnh ta không thực hiện theo các quy định này diễn ra khá nhiều. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là khách du lịch vãng lai dừng chân nghỉ ngơi, lưu trú qua đêm nhưng không khai báo hoặc không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép...

ADQuảng cáo

Cũng theo Sở Ngoại vụ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xu hướng hội nhập quốc tế, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh giải quyết có hiệu quả, hợp tình, hợp lý các trường hợp sai phạm của NNN. Đối với từng trường hợp sai phạm, bên cạnh việc hướng dẫn, giải thích cho NNN nắm rõ về luật pháp Việt Nam thì cơ quan chức năng cũng đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng có thái độ và cách cư xử có văn hóa, lịch sự, thể hiện được tinh thần trân trọng và chào đón NNN đến với tỉnh Đắk Nông. Để hạn chế tình trạng NNN vi phạm pháp luật Việt Nam, các cấp, các ngành cần thực hiện một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, đối với các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cần tăng cường trách nhiệm trong việc phổ biến những quy định của luật pháp Việt Nam có liên quan đến NNN. Để qua đó, giúp NNN nắm rõ về những quy định chung và góp phần làm hạn chế tối đa tình trạng NNN vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, trường hợp NNN muốn vào khu vực biên giới, cơ quan chức năng cần hướng dẫn họ xin giấy phép của Phòng quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh để bảo đảm tính hợp pháp. Trường hợp NNN muốn ở lại qua đêm trong khu vực biên giới, người quản lý trực tiếp, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú phải khai báo tạm trú cho người nước ngoài với công an địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, cơ quan chức năng, người dân ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, khi có cơ hội cũng cần nêu cao tinh thần tuyên truyền pháp luật Việt Nam cho NNN. Qua đó, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện được tính chuyên nghiệp trong việc quản lý NNN theo xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay.

Thứ tư, cơ quan chức năng cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát về hoạt động, lưu trú của NNN tại địa phương.

Thứ năm, đối với những trường hợp có vi phạm, cần có biện pháp xử lý phù hợp, vừa bảo đảm được sự tế nhị, vừa thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hạn chế người nước ngoài vi phạm pháp luật khi đến Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO