Dắt nhau “gỡ lịch” vì phá rừng

Linh Thư| 09/08/2019 09:57

Trong quá trình đến Đắk Nông sinh sống, để có đất canh tác, nhiều hộ dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đã ngang nhiên phá rừng làm nương rẫy. Việc làm trên khiến cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Người có hành vi đốt phá rừng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, nghiêm trọng hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

ADQuảng cáo

Nhiều vụ án liên quan đến hành vi hủy hoại rừng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh

Cuộc sống khó khăn, nhóm Hờ A Chệnh, Hạng A Vàng, Lầu A Chu, Lầu A Dua, Mùa A Giàng, Mùa A Nênh, Tráng A Phềnh, Tráng A Phông, Tráng A Dua, Lầu A Páo, Mùa A Sáu, Mùa A Cheo, Mùa A Ghia, Tráng A Chu, Sồng A Vàng rủ nhau di dân tự do đến thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (Krông Nô) sinh sống và lập nghiệp. Tại vùng đất mới, không có tiền, thiếu đất canh tác, cả nhóm rủ nhau đem dao phát, lương thực, thực phẩm và một số vật dụng khác để vào rừng chặt phá, đốt rừng để lấy đất canh tác.

Theo đó, cả nhóm đã dựng 10 lán trại tại khu vực rừng thuộc lô 18, khoảnh 6, tiểu khu 1303 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, ở xã Nâm N’đir (Krông Nô) để sinh hoạt và thực hiện ý đồ. Cả nhóm phát được 2,7 ha đất rừng, trong đó có 2,4 ha rừng đặc dụng thì bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

 Từ những bằng chứng có được, ngày 9/5 vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện Krông Nô đã tiến hành xét xử hình sự và tuyên phạt 15 bị cáo mỗi bị cáo 3 năm 6 tháng tù giam, về tội “hủy hoại rừng”. Bên cạnh đó, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường số tiền hơn 154,3 triệu đồng thiệt hại về môi trường rừng do hành vi mà mình gây ra.

ADQuảng cáo

Trước đó, Tòa án Nhân dân huyện Đắk Glong cũng tiến hành xét xử Lù A Tàng và vợ là Giàng Thị Pà ở tại thôn 4, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) vì tội “hủy hoại rừng”. Tàng và Pà đều là người dân tộc Mông, sau khi kết hôn, cả hai đem con cái rời quê Lào Cai vào địa bàn huyện Đắk Glong sinh sống. Dựng nhà cửa, ổn định chỗ ở, Tàng bàn với vợ cùng nhau đến khu vực rừng thuộc tiểu khu 1738 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng quản lý để chặt phá rừng lấy đất canh tác.

Nghĩ là làm, cả hai mang dao phát để chặt phá những cây rừng nhỏ như lồ ô, cây bụi, gặp những cây gỗ lớn thì dùng cưa xăng để cưa hạ. Sau 1 tháng, hai vợ chồng Tàng đã phá được 2,92 ha đất. Với diện tích đất phá được, cả hai đem thu gom cây để đốt dọn và đào hố trồng cây cà phê thì bị lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành điều tra, xét xử. Tòa án đã tuyên phạt Lù A Tàng 3 năm 6 tháng tù giam, Giàng Thị Pà 3 năm tù treo vì hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Có thể thấy, ở một số nơi, do nhận thức còn hạn chế, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, nhiều người có hành vi chặt phá, lấn chiếm rừng để có đất canh tác. Đáng nói hơn, có những người biết hành vi phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm với hy vọng không ai biết hoặc được “bỏ qua”, “giơ cao đánh khẽ”.

Vì vậy, việc tiến hành xét xử, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm liên quan đến phá rừng là bài học thích đáng, giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định về bảo vệ rừng, góp phần đẩy lùi tình trạng hủy hoại, chặt phá rừng làm nương rẫy diễn ra tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dắt nhau “gỡ lịch” vì phá rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO