Đa dạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Đặng Hiền| 29/01/2018 10:04

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từng bước hướng đến các nhóm đối tượng đặc thù.

ADQuảng cáo

Người dân rất quan tâm, tìm hiểu pháp luật

Người dân quan tâm tìm hiểu pháp luật

Cuối năm 2017 vừa qua, Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Nông phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật về biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia và kết quả phân giới cắm mốc cho người dân các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song) và Quảng Trực (Tuy Đức).

Tại xã Thuận Hà, khi biết thông tin này, ngay từ sáng sớm, bà Triệu Thị Nảy (73 tuổi, dân tộc Dao) trú tại bản Đầm Giỏ đã có mặt tại hội trường xã để tham gia buổi tuyên truyền. Bà Nảy cho biết: “Tôi nay tuổi đã cao, sức đã yếu nên phải kêu con trai đưa đi nghe tuyên truyền. Nghe, hiểu thêm về pháp luật, về những thông tin nơi mình sinh sống, về đất nước là rất tốt, rất bổ ích. Có những buổi tuyên truyền như thế này tôi rất thích đi nghe”.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về vùng sâu vùng xa, vùng biên giới nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân (ảnh: tuyên truyền về biên giới tại xã Thuận Hà (Đắk Song)

Buổi tuyên truyền tại xã Thuận Hà diễn ra rất thành công, hội trường xã chật kín chỗ do có sự tham gia của đông đảo cán bộ và người dân trên địa bàn.

Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho biết: “Là một xã vùng biên giới, để tuyên truyền pháp luật đến người dân, bên cạnh công tác phối hợp, UBND xã còn chủ động giao cho cán bộ tư pháp, văn hóa - thông tin xây dựng kế hoạch, chương trình phát thanh có nội dung phù hợp. Việc tuyên truyền PBGDPL còn được thực hiện lồng ghép qua các hội nghị giao ban, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, tủ sách pháp luật, băng rôn, khẩu hiệu…”.

Hội nghị tuyên truyền về biên giới đất liền nói trên là một trong những hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được tổ chức trong năm 2017 vừa qua. Việc đa dạng hóa các hình thức, đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

ADQuảng cáo

Năm 2017, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện tham mưu UBND cùng cấp triển khai tổ chức được 710 cuộc tuyên truyền, với 45.411 lượt người tham dự và cấp 35.624 bộ tài liệu (trong đó có 970 bộ bằng tiếng dân tộc thiểu số). Các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức được 301 cuộc tuyên truyền, phổ biến nội dung của các bộ luật, các văn bản pháp luật mới, nghị định, thông tư hướng dẫn chuyên ngành, thu hút 22.445 lượt người tham dự và cấp 12.939 bộ tài liệu.

Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả

Thời gian qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh luôn bám sát vào các nhóm đối tượng ưu tiên phổ biến là người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên, học sinh, người lao động trong các doanh nghiệp... Việc kết hợp giữa PBGDPL với hướng dẫn, áp dụng pháp luật thực hiện khá đồng bộ, chặt chẽ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, dễ nhớ, dễ vận dụng trong cuộc sống của người dân.

Năm 2017, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổ chức 2 hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới ban hành cho các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương. Thông qua các hội nghị đã cấp phát hơn 600 đầu sách các loại để làm cơ sở tiếp tục tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong cơ quan, đơn vị và địa phương.

Nội dung pháp luật đã được lựa chọn để tuyên truyền, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, chú trọng các văn bản luật liên quan thiết thực đến đời sống, lao động của nhân dân như: Luật Dân sự, luật Đất đai, luật Hôn nhân và gia đình, luật Khiếu nại, luật Tố cáo, luật Giao thông đường bộ, luật Bảo vệ và phát triển rừng, luật Phòng chống ma túy...

Chiếu phim-một hình thức tuyên truyền hiệu quả (ảnh: người dân bon Jâng Plây I, xã Trường Xuân (Đắk Song) tham gia buổi tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị)

Bên cạnh những hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, tổ chức hội nghị, truyền thanh cơ sở, các hình thức tuyên truyền thông qua công tác xét xử, cuộc thi, hội thi, hoạt động trợ giúp pháp lý cũng được chú trọng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể thông qua các bản tin nội bộ, trang thông tin điện tử đã lồng ghép tuyên tuyền phổ biến các văn bản pháp luật chuyên ngành đến với cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân cũng như in ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay và các tài liệu pháp luật khác.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, góp phần đưa đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO