Cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình

Mỹ Hằng| 27/03/2018 10:20

Ghen tuông, xung đột về tài chính, bất hòa trong cuộc sống…, là một trong những nguyên nhân làm cho không khí gia đình căng thẳng, khiến người trong cuộc cảm thấy ức chế, mất kiểm soát và dẫn đến bạo lực gia đình.

ADQuảng cáo

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về luật Phòng, chống bạo lực gia đình là biện pháp cần thiết

Muôn kiểu bạo hành

Có với nhau 2 mặt con nhưng gia đình anh N.K.L và chị M.T.H ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) luôn sống trong những chuỗi ngày cãi vã. Nguyên nhân cũng chỉ vì rượu mà ra, mỗi khi có rượu vào, anh L lại gây gổ, kiếm chuyện rồi đánh đập vợ.

Nhiều lúc khuya nửa đêm, anh L vẫn đuổi vợ ra khỏi nhà, những lúc như vậy, chị H đành phải ngủ nhờ nhà hàng xóm hoặc ngồi ngủ trước hiên. Sau khi tỉnh rượu, anh L lại làm việc như không có chuyện gì. Chị H cũng năm lần bảy lượt muốn ly hôn nhưng vì thương con, nên chị im lặng nhẫn nhịn cho qua ngày, chỉ mong một ngày nào đó chồng mình sẽ thay đổi.

Gia đình anh N.H.T và chị N.T.A ở phường Nghĩa Thành cũng lục đục trong nhiều năm liền. Anh T vốn là một công chức nhà nước, còn chị A ở nhà kinh doanh, buôn bán. Việc kinh doanh ngày càng tiến triển đồng nghĩa với việc thu nhập cũng tăng lên và cũng chính vì lẽ đó, vai trò người đàn ông trụ cột trong gia đình như bị lu mờ dần.

Mỗi khi có việc gì lớn, anh đưa ra ý kiến của mình đều bị chị gạt phăng và nói theo kiểu trịch thượng “lương tháng được bao nhiêu mà bày đặt”. Phần vì sĩ diện, phần vì muốn giữ hòa khí trong nhà nên anh thường im lặng, mãi cũng thành quen. Là một người quan hệ rộng, thi thoảng anh mời bạn bè, đồng nghiệp đến nhà “lai rai” nhưng chị A không đồng ý, “mặt nặng mày nhẹ” khiến  mọi người đều ái ngại. Anh T cũng đã nói chuyện thẳng thắn với chị nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì. Cuối cùng, anh đành nộp đơn ly hôn để tránh tình trạng bạo hành về tinh thần.

Không chỉ tổn hại về tinh thần mà nhiều trường hợp bạo hành đã khiến cho nhiều gia đình tan cửa nát nhà, lao vào vòng tù tội. Mới đây, Lương Xuân Bắc (SN 1984) ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) bị khởi tố vì hành vi giết người. Trong quá trình sinh sống với vợ là Vi Thị Anh, cả hai thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do Bắc nghi vợ ngoại tình.

ADQuảng cáo

Trong lúc cãi cọ, Bắc đã dùng xăng tưới lên người vợ để châm lửa đốt. Chị Anh né vùng bỏ chạy thì bị Bắc cầm dao đuổi theo chém gây thương tích ở đầu, tai và 2 ngón tay bị đứt lìa. Trước sự việc trên, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lương Xuân Bắc.

Những con số biết nói

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn từ năm 2008-2017, toàn tỉnh có 1.838 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực người già: 78 vụ, chiếm 4,2%; bạo lực trẻ em: 135 vụ chiếm 67,3%; phụ nữ bị bạo lực: 1.532 vụ, chiếm 83,4% và nam giới bị bạo lực: 93 vụ, chiếm 5,1%. Hành vi bạo lực gia đình gồm: Bạo lực thân thể có 993 vụ; bạo lực tinh thần 620 vụ; bạo lực kinh tế 141 vụ và bạo lực tình dục là 84 vụ. Từ kết quả trên cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến bạo lực gia đình là do lạm dụng rượu bia và các tệ nạn xã hội khác như: Cờ bạc, nghiện ma túy, tác động của sản phẩm đồi trụy dẫn tới xâm hại tình dục trẻ em… Không những vậy, do người dân còn thiếu hiểu biết pháp luật nên việc tiếp cận các đối tượng gây bạo hành trong gia đình cũng khó khăn hơn. Mặt khác, các thành viên trong gia đình thường che giấu khi bị bạo hành và sự thờ ơ của những người khác khi cho rằng bạo lực là chuyện riêng của gia đình mỗi người.

Nhiều vụ bạo lực gia đình chỉ được biết đến khi có hậu quả nghiêm trọng như thương tích, chết người… Một số cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể ở địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thực tế khi xảy ra sự cố, người bị hại phải đi cấp cứu hoặc điều trị tại các cơ sở y tế thì cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể mới biết và vào cuộc. Công tác hòa giải, tư vấn vẫn còn theo lối mòn là khuyên giải nạn nhân trở về nhà-nơi bạo lực vẫn rình rập.

Có thể nói, tình trạng bạo lực gia đình hiện nay đang là một hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với gia đình mà toàn xã hội. Vì vậy, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, các thành viên khác trong gia đình cần đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người thân hóa giải mâu thuẫn.

Mặt khác, các hội, đoàn thể cơ sở, tổ hòa giải khu dân cư cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền luật Phòng, chống bạo lực gia đình, luật Bình đẳng giới nhằm giáo dục cho mọi người biết hành động bạo lực gia đình là trái pháp luật. Đặc biệt, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở cần được duy trì, nhân rộng cũng như cung cấp các kiến thức liên quan đến gia đình cho các tầng lớp nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO