Bắt, giữ người trái phép, bị pháp luật xử lý thích đáng

Hiền Ny| 15/12/2017 09:05

Tình trạng bắt, giữ hoặc giam người trái phép bắt nguồn từ việc đòi nợ, trả thù cá nhân hoặc thực thi công vụ quá đà… là hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp phạm tội sẽ bị pháp luật xử lý một cách thích đáng, tạo sự răn đe chung cho xã hội.

ADQuảng cáo

Mâu thuẫn cá nhân, bắt giữ người để trả thù

Ngày 23/8/2017, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Mil mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự và xử phạt 1 năm tù đối với Vàng Mí C (SN 1994), quê tại Hà Giang vì tội bắt giữ người trái pháp luật.

Cụ thể, ngày 17/11/2012, Vàng Mí C xảy ra xô xát với anh Mùa (SN 1987), trú tại thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la (Đắk Mil) và bị anh Minh, ông Lí (công an viên và trưởng thôn Năm Tầng) lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Vì còn ấm ức chuyện cũ nên hôm sau, Vàng Mí C cùng 2 người nữa tiếp tục mang theo dao đến gây sự, đánh đập anh Mùa. Không những vậy, cả nhóm còn dùng dao khống chế, giam lỏng, không cho anh Mùa bỏ chạy.

Khi chị Sán (vợ Mùa) đến xin thả Mùa ra thì các đối tượng yêu cầu chị Sán gọi anh Minh và ông Lí đến để giải quyết. Nhận được tin báo, anh Minh, ông Lí cùng 2 nhân viên an ninh của thôn Năm Tầng đến để yêu cầu thả người thì bị các đối tượng chống cự, rồi rủ nhau bỏ trốn. Đến ngày 13/4/2017, Vàng Mí C bị bắt theo lệnh truy nã của Công an huyện Đắk Mil.

Với suy nghĩ đơn giản, nhận thức pháp luật hạn chế, Vàng Mí C đã giam giữ Mùa tại nhà nhằm uy hiếp, trả thù cá nhân giữa mình với Mùa và các cán bộ thôn. Đương nhiên, Vàng Mí C phải trả giá đắt bằng những tháng ngày tù tội do hành vi nông nổi, coi thường pháp luật của mình là điều không thể tránh khỏi.

ADQuảng cáo

Thực thi công vụ, giữ người không đúng luật

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một những những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam công nhận. Việc bắt, giữ, tạm giam một người chỉ được thực hiện khi đã hội đủ các yếu tố, quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bắt, giữ và giam người. Những người thực thi công vụ khi không thực hiện đúng những quy định, thủ tục trên mà tự ý giam người cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đơn cử như 2 trường hợp: Trần Văn Tùng, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, ma túy, môi trường Công an thị xã Gia Nghĩa và Lê Mạnh Nam, nguyên Phó Trưởng Công an thị xã Gia Nghĩa bị đưa ra xét xử và nhận án tù vì tội giữ người trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trước đó.

Ngày 14/3/2013, Công an thị xã Gia Nghĩa tiếp nhận 2 nghi can là Lý Thị Mỵ và Lý Thị Sông, cùng trú tại xã Đắk D’rông (Chư Jút) vì liên quan đến hành vi hủy hoại rừng trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Trong quá trình điều tra vụ án, Trần Văn Tùng đã đề xuất với Lê Mạnh Nam về việc tạm giữ hành chính đối với Mỵ, Sông cùng Tú, Pá, Ngài, Lý (người nhà của Mỵ và Sông) và được Nam đồng ý.

Đến ngày 17/3, Công an thị xã Gia Nghĩa phát hiện Ngài nằm bất động trong phòng giam và tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi sự việc xảy ra, Nam, Tùng đã soạn thảo và ký các quyết định tạm giữ, chấm dứt tạm giữ “khống” đối với các nghi can trên nhằm tạo chứng cứ pháp lý cho hành vi tạm giữ người sai trái của mình. Những vi phạm của Tùng và Nam đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ và tiến hành khởi tố vụ án, đem ra xét xử theo pháp luật.

Rõ ràng, việc bắt, giữ người trái phép sẽ bị xử lý và cũng là bài học cho nhiều người về cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giải quyết công vụ phải theo đúng pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt, giữ người trái phép, bị pháp luật xử lý thích đáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO