Bài học từ giải quyết tranh chấp đất đai ở Công ty Long Sơn

Phạm Khánh| 21/08/2018 10:09

Sau gần 2 năm xảy ra, vụ án giết người Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Công ty Long Sơn) tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã được đưa ra xét xử. Các đối tượng nhận bản án thích đáng cho hành vi của mình. Nhiều bài học đắt giá được rút ra từ vụ án này đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai.

ADQuảng cáo

Hiện trường vụ án nơi xảy ra tranh chấp đất đai với Công ty Long Sơn

Không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo

Trước khi vụ án xảy ra, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết tranh chấp đất đai giữa Công ty Long Sơn với người dân trên địa bàn xã Quảng Trực.

Cụ thể, ngày 26/5/2006, UBND tỉnh có văn bản số 1022/ UBND-NL, chỉ đạo Công ty Long Sơn phối hợp với Lâm trường Quảng Tín, chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân để thống nhất đưa diện tích xâm canh vào trong vùng dự án, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai trong khu vực. Công ty phải phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép. Tuy nhiên, sự chỉ đạo của UBND tỉnh đã không được các bên thực hiện nghiêm túc.

Tiếp đến, ngày 11/1/2008, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Công ty Long Sơn công khai minh bạch về dự án, phải tự thỏa thuận đền bù cho người dân có đất trong vùng dự án. Ngày 1/2/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 241/ QĐ-UBND, giao đất cho công ty thuê trên 1.000 ha với thời hạn 50 năm. Điều 2 của quyết định này nêu rõ, Công ty Long Sơn tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép. Công ty phải phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận, hỗ trợ bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng đất. Ngoài ra, Công ty Long Sơn chỉ được phép sử dụng diện tích trên để thực hiện dự án, sau khi được sự chấp thuận của chủ sử dụng đất cũ (các hộ dân).

Trong các văn bản số 4001, 4620, 4142, 2515, 1022, UBND tỉnh cũng chỉ đạo rất rõ, Công ty Long Sơn không được tự ý giải tỏa mà phải thỏa thuận để đền bù, hỗ trợ, giải quyết thỏa đáng cho người dân có đất trồng cây cối, hoa màu. Đồng thời Công ty Long Sơn phải phối hợp với địa phương, cơ quan có thẩm quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động, tuyệt đối không được để xảy ra tranh chấp đất đai trong khu vực.

Đặc biệt, sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vào ngày 23/7/2016, UBND tỉnh đã quyết định thành lập đoàn liên ngành tiến hành khảo sát toàn bộ diện tích đất của các hộ xâm canh trên địa bàn xã Quảng Trực để tiến hành thu hồi, bố trí, quản lý đất theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Đồng thời, yêu cầu Công ty Long Sơn không được tự ý san ủi khi chưa có quyết định cho phép của UBND tỉnh.

Thế nhưng, những chỉ đạo nói trên đã không được thực hiện nghiêm túc. Nghiêm trọng hơn, từ năm 2008 đến năm 2016, Công ty Long Sơn còn nhiều lần tự tổ chức lực lượng tự ý san ủi, phá hoại cây trồng của người dân nên đã xảy xung đột. Đỉnh điểm của sự xung đột xảy ra vào ngày 29/3/2013, Công ty Long Sơn đã đưa 130 người tiến hành tự giải tỏa, san ủi cây trồng của người dân khi mà chưa có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Điều đáng nói, việc giải tỏa bất hợp pháp này được công ty thuê các đối tượng côn đồ, “xã hội đen” do Nguyễn Văn Thành, tức Thành “nghĩa địa” cầm đầu thực hiện.

ADQuảng cáo

Tháng 10/2016, Công ty Long Sơn tiếp tục huy động 30 công nhân mang theo khiên chắn, áo giáp, đá, gậy gộc cùng phương tiện tiến hành chốt chặn, ngăn cản người dân để san ủi vườn điều và một số cây trồng khác của ông Hoàng Văn Thắng, Đặng Văn Hiến. Hậu quả, Đặng Văn Hiến với sự hỗ trợ của Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường đã dùng súng giết 3 người của Công ty Long Sơn.

Sau khi phiên tòa xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt tử hình đối với Đặng Văn Hiến, phạt Ninh Viết Bình 18 năm tù giam và Hà Văn Trường 9 năm tù giam. Hội đồng xét xử đã giảm mức án cho Nghiêm Xuân Thiên Sửu xuống còn 4 năm tù giam, Phạm Công Thiện còn 2 năm  tù giam.

Đặng Văn Hiến và các đồng phạm gây án chịu sự trừng phạt của pháp luật

Thiếu sót và giải quyết chậm trễ

Trong vụ án này, còn có bài học đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã chậm trễ, thiếu sót trong thực hiện chủ trương và chưa kịp thời ngăn chặn mâu thuẫn trước khi trở nên căng thẳng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trong bản kết luận số 62 của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an nêu rõ, bắt đầu từ tháng 10/2005 công tác đo đạc, rà soát, phân loại diện tích đất còn rừng, bị lấn chiếm được tiến hành. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số đơn vị chức năng, chuyên môn rà soát không đúng với thực tế, nên phải đo đạc nhiều lần, mất hơn 2 năm 6 tháng mới tiến hành xong. Vì vậy, dẫn đến việc Sở Tài nguyên và Môi trường phải chờ đợi báo cáo tổng hợp, rồi xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh mới thu hồi, bàn giao cho Công ty Long Sơn thực hiện.

Đến tháng 2/2008, UBND tỉnh mới có quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn. Trong khoảng thời gian này, người dân tiếp tục lấn chiếm, nên diện tích đất có rừng đã bị biến động. Qua đo đạc thực tế thì đất có rừng là 186,7 ha, chênh lệch nhiều so với lần đo trước đó là 321,6 ha. Việc để người dân tiếp tục lấn chiếm, tự ý sang nhượng cho nhau cho thấy công tác quản lý đất rừng của các đơn vị chức năng bị buông lỏng.

Chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, và nhất là chính quyền cơ sở đã thiếu sự quan tâm, sâu sát, tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân để họ thấu hiểu, đồng thuận và chấp hành chủ trương đúng đắn của tỉnh. Khi mâu thuẫn trở lên gay gắt, các đơn vị chức năng tại địa bàn không nắm bắt cụ thể, xử lý triệt để. Từ đó, mâu thuẫn vẫn âm ỉ, kéo dài và đến lúc bùng phát, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Rõ ràng tội lỗi do Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường gây ra là rất nghiêm trọng, bị xử lý là đúng pháp luật. Tuy nhiên, các đối tượng này gây án trong hoàn cảnh thụ động, tâm lý bức xúc khi người của Công ty Long Sơn nhiều lần tổ chức đàn áp. Nếu như Công ty Long Sơn thực hiện đúng các chỉ đạo của UBND tỉnh thì chắc chắn sẽ không xảy ra thảm kịch này. Hơn thế nữa, chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành, đoàn thể không phát huy hết vai trò của mình trong giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách. Khi sự việc xảy ra, các đơn vị chức năng không kịp thời ngăn chặn. Đây là những bài học đắt giá trong giải quyết mọi mâu thuẫn mà không được lặp lại.

(Luật sư Nguyễn Thành Huy, Phó Đoàn luật sư tỉnh)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ giải quyết tranh chấp đất đai ở Công ty Long Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO