Tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Hồng Thoan| 02/09/2020 08:42

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại thu nhập cho nông dân. Thời gian qua, Đắk Nông đã chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.

ADQuảng cáo

Ứng dụng ở nhiều khâu

Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (Đắk Mil), có 2 ha xoài khoảng 10 năm. Những năm đầu, ông còn sản xuất theo kiểu truyền thống, dùng kinh nghiệm là chính, nên hiệu quả không cao, thu nhập bấp bênh. Chất lượng sản phẩm xoài của ông cũng không cao, nên bán giá thấp.

Ứng dụng công nghệ cao giúp sản phẩm xoài của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, xã Đắk Gằn (Đăk Mil) đạt chất lượng tốt hơn

Thế nhưng, 5 năm lại đây, gia đình ông đã đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất xoài, đem lại hiệu quả cao. Cụ thể, ông Khánh đã đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống tưới tiết kiệm nước; áp dụng các quy trình, kỹ thuật trong bón phân; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng”.

Ông Khánh cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao giúp tôi tiết kiệm được sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm xoài của gia đình cũng đã đạt tiêu chuẩn Viet GAP, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn trước. Thu nhập hàng năm từ 2 ha xoài vào khoảng 200 triệu đồng đã trừ chi phí”.

Giống cà phê dây chống hạn, chín đồng đều cho năng suất cao tại HTX nông nghiệp Công bằng Thuận An (Đắk Mil)

Lâu nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) đã liên kết với 58 hộ dân sản xuất cà phê theo chứng nhận quốc tế Flo- thương mại công bằng. Đơn vị cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân, với mức giá mua cao hơn thị trường từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm bảo đảm sản phẩm an toàn, chất lượng tốt. Cụ thể, đơn vị đã đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến cà phê ướt với công suất 3 tấn/giờ; hệ thống máy móc, chế biến cà phê bột đồng bộ.

ADQuảng cáo

Đến nay, HTX là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được Hiệp hội Thương mại công bằng thế giới chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn thương mại công bằng. Những năm gần đây, HTX có sản lượng chế biến hơn 520 tấn cà phê nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì phát triển theo chuỗi liên kết, nên nhãn hiệu cà phê bột Đắk Đam của HTX ngày càng được người tiêu dùng trong nước, quốc tế đánh giá cao.

HTX nông nghiệp Công bằng Thuận An (Đắk Mil) liên kết từ trồng trọt đến chế biến, xây dựng nhãn hiệu cà phê Đắk Đam

Xử lý các hạn chế, bất cập

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh hiện có khoảng 270 ha cây nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được triển khai ở nhiều khâu, lĩnh vực như giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi, trồng, chế biến, tiêu thụ.

Trong trồng trọt, một số công nghệ, kỹ thuật được áp dụng hiệu quả gồm nhà màng, nhà lưới, màng phủ, giá thể... Nhiều nơi, nông dân, tổ hợp tác, HTX được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tốt trong sản xuất nông nghiệp như VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn hữu cơ, oganic. Trong đó, có 60 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP.

UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá, việc ứng dụng công nghệ cao thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, nhất là việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, nhiều hạn chế, bất cập cũng được chỉ ra. Đó là chậm nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao; việc liên kết sản xuất còn chưa đồng bộ; nông sản ứng dụng công nghệ cao chịu nhiều tác động của thị trường; nhiều sản phẩm dù đạt các tiêu chuẩn, nhưng vẫn khó tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại...

Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, những năm tiếp theo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được tỉnh chú trọng phát triển, nhân rộng, gắn với chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh tập trung giải quyết các hạn chế, bất cập, triển khai nhiều giải pháp cả về quy hoạch và quản lý quy hoạch, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu từ sản xuất, đến chế biến, nhãn hiệu, phân phối, tiêu thụ. Tỉnh sẽ nhân rộng hoạt động ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị nông sản thế mạnh, đặc trưng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO