Nhiều công trình nước sạch nông thôn “hồi sinh”

Hồng Thoan| 05/10/2022 08:35

Nhiều công trình nước sạch ở khu vực nông thôn từng bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí ngưng hoạt động đã được tu sửa, nâng cấp, vận hành trở lại. Điều này đã đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân khu vực nông thôn.

ADQuảng cáo

Tháng 3 và tháng 10/2021, UBND tỉnh đã bàn giao các công trình cấp nước tập trung nông thôn (CNTTNT) cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông quản lý.

Theo đó, có 101 công trình được Công ty tiếp nhận quản lý. Trong số này, 58 công trình hoạt động tốt, còn 43 công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không vận hành suốt thời gian dài.

Theo lãnh đạo Công ty, hầu hết các công trình ngưng hoạt động đều có thiết bị, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Nhiều công trình có đường ống dẫn nước bị vỡ; bể lọc, bể lắng nhiều năm không được súc rửa, nên nhiều cặn bã; máy móc hư hỏng.

Với những hư hỏng, xuống cấp nhỏ, đơn giản, đội ngũ nhân viên Công ty đã chủ động thực hiện sửa chữa, khắc phục. Đối với các hư hỏng lớn, Công ty đã thuê đơn vị thứ 2 thực hiện sửa chữa.

Nhiều công trình nước sạch hư hỏng đã được phục hồi, vận hành hiệu quả

Anh Trần Văn Minh, nhân viên quản lý Công trình cấp nước tập trung xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp) cho biết, lúc tiếp nhận công trình, đường ống bị vỡ nhiều đoạn làm thất thoát nước rất lớn.

Nhân viên kỹ thuật Công ty đã phải đào đất lần mò từng đoạn đường ống, một số đoạn sâu 1-2m để tìm kiếm chỗ ống vỡ. Việc súc, rửa bồn chứa, hệ thống lọc, lắng cũng không dễ dàng.

Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng tu sửa, công trình đã được phục hồi, nâng cấp, đi vào hoạt động. "Chúng tôi đã giảm được lượng nước thất thoát khoảng 30%, lượng điện tiêu thụ cũng giảm đáng kể, giúp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng", anh Minh cho biết.

Trên địa bàn xã Nghĩa Thắng có 350 hộ dân ở các thôn Quảng Chánh, Quảng Thuận, Quảng Tiến đang dùng nước từ công trình này. Bà con rất vui mừng vì có nước sạch để dùng.

ADQuảng cáo

Bà Nguyễn Thị Đào, thôn Quảng Chánh, cho biết, khoảng 9 tháng nay, khi có đơn vị mới quản lý công trình CNTTNT, hoạt động cấp nước cho người dân trở nên bài bản, nước được cấp thường xuyên. Chất lượng nước cũng tốt lên, không còn cặn, đục như trước.

Ngoài Nghĩa Thắng, nhiều công trình CNTTNT ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng được quản lý, vận hành hiệu quả trong thời gian gần đây. Cụ thể như công trình tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) hiện cấp nước cho 270 hộ dân.

Bà Thị Yron, bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) vui mừng khi có nước sạch sử dụng

Theo bà Thị Yron, bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực, gia đình rất vui mừng, yên tâm khi có nước sạch để sinh hoạt từ công trình CNTTNT. Có nước sạch dùng là điều kiện để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Ông Nguyễn Thừa Anh, Giám đốc Công ty cho biết, Đắk Nông là tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc giao công trình CNTTNT cho doanh nghiệp quản lý.

Khi nhận bàn giao, Công ty cũng có không ít áp lực. Tuy nhiên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phần lớn các công trình CNTTNT ngưng hoạt động trước đây đã được sửa chữa, phục hồi và quản lý, vận hành bài bản, cung ứng nước sạch đến người dân.

Hiện Công ty đã hoàn thiện việc xây dựng khung giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn và gửi các sở, ngành liên quan thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Công ty sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt.

"Khi có khung giá nước, Công ty sẽ quản lý, vận hành các công trình CNTTNT hiệu quả hơn, bảo đảm việc hoạch toán kinh tế và an sinh xã hội”, ông Anh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Hùng Nam, Vụ trưởng Vụ Nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN- PTNT) cho rằng, việc Đắk Nông giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành các công trình CNTTNT là rất hợp lý.

Điều này cho thấy sự đổi mới, sáng tạo của tỉnh trong việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Đây là mô hình quản lý mới mà Bộ NN- PTNT sẽ gợi ý cho các địa phương khác tham khảo, học tập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều công trình nước sạch nông thôn “hồi sinh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO