Khai thác lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hồng Thoan| 03/05/2021 08:42

Tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) theo vùng, chuỗi giá trị, với mục tiêu từng bước xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Những năm qua, các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh việc khảo sát, rà soát, đánh giá các khu vực có nhiều lợi thế để phát triển thành vùng NNƯDCNC. Trong đó, nhiều yếu tố được quan tâm như tiềm năng đất đai, nguồn nước, thuận lợi về hạ tầng, trình độ canh tác của người dân, khả năng thu hút, phát triển doanh nghiệp...

Sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) đạt chứng nhận VietGAP và OCOP hạng 3 sao

Trên cơ sở đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều ngành, địa phương, đoàn thể đã chung sức phát triển các vùng NNƯDCNC, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 3 vùng NNƯDCNC có quy mô tương đối lớn.

Điển hình là vùng sản xuất lúa ƯDCNC tại xã Buôn Choáh (Krông Nô) với quy mô 538,77 ha. Vùng này có Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Buôn Choáh và Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh với 408 hộ dân tham gia sản xuất lúa, tạo nên vùng chuyên canh lúa trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Bà con chuyên sản xuất các giống lúa có chất lượng cao, đặc sản như RVT, ST24, ST25... Hầu hết diện tích lúa của vùng đều được bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, vùng sản xuất lúa ƯDCNC ở Buôn Choáh là một ví dụ điển hình cho kết quả nỗ lực của người nông dân, các cấp Hội nông dân, các cơ quan, đơn vị chức năng. Ngoài chất lượng sản phẩm, vùng sản xuất lúa Buôn Choáh đã hình thành được chuỗi liên kết giữa các khâu. Bà con nông dân đã biết cách sản xuất lúa theo hướng hàng hóa chất lượng cao.

Vùng sản xuất lúa gạo ƯDCNC Buôn Choáh (Krông Nô) có quy mô trên 538 ha (Ảnh: Phan Tuấn)

ADQuảng cáo

Bà Trần Thị Thanh Vân, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm lúa với mức giá khá cao và ổn định. Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị ở khâu sấy lúa nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào thời tiết.

Vùng sản xuất hồ tiêu ƯDCNC xã Thuận Hà (Đắk Song) với quy mô 416,4 ha cũng thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. Vùng này có Tổ hợp tác sản xuất tiêu sạch thôn 7 và Hợp tác xã Hoàng Nguyên. Trong vùng, có 187 hộ nông dân tham gia sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm hồ tiêu.

Cũng ở huyện Đắk Song, UBND tỉnh đã công nhận vùng sản xuất hồ tiêu ƯDCNC tại xã Thuận Hạnh. Người dân đã áp dụng thuần thục các tiêu chuẩn hữu cơ và Rainforest để sản xuất hồ tiêu.

Việc được công nhận vùng NNƯDCNC là cơ sở cho nông dân có thể yên tâm phát triển sản xuất, đầu tư kỹ thuật, nâng cao tính bền vững trong sản xuất. Đây còn là tiền đề cho bà con bảo vệ, tiếp nối, sử dụng có hiệu quả các nhãn hiệu hàng hòa đã được công nhận.

Đến nay, Đắk Nông cơ bản đạt mục tiêu về vùng NNƯDCNC theo Nghị quyết số 12 ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh và Quyết định số 02/QĐ-UBND, ngày 3/1/2019 về thực hiện Đề án phát triển vùng NNƯDCNC.

Việc hình thành và phát triển các vùng NNƯDCNC theo hướng tập trung, chuyên canh là ưu tiên của tỉnh từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ giúp Đắk Nông tận dụng được những lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO