Xót cảnh mẹ ôm con tật nguyền sống trong túp lều

Thanh Hằng| 15/06/2022 08:28

Có với nhau 4 người con, nhưng H’Len và chồng ở bon B’Rạ, xã Quảng Khê (Đắk Glong) vẫn chưa đăng ký kết hôn. Kể từ ngày đứa con út phát hiện bị viêm màng não bẩm sinh, cuộc sống của H’Len là chuỗi ngày đau khổ vì phải chạy trốn những đòn roi của chồng.

ADQuảng cáo

Giữa trưa nắng, H’Len (SN 1992) lật đật bế đứa con từ nhà ngoại trở về nhà. Tấm áo khoác bên ngoài ướt sũng mồ hôi, cơ thể đứa trẻ 3 tuổi vẫn đỏ ửng vì phơi mình dưới nắng gắt. K’Hổ (SN 2019)-đứa con trai út của H’Len mắc căn bệnh viêm màng não bẩm sinh nên suốt 3 năm nay, cơ thể co quắp, chỉ biết nằm gọn trong vòng tay mẹ.

Nghèo khó, hứng chịu bạo lực

Nhà của H’Len được quây tạm bằng những tấm tôn cũ. Gọi là nhà, nhưng xung quanh cỏ dại mọc um tùm, bên trong chỉ có duy nhất một chiếc đệm cũ, là nơi ngủ của cả 5 mẹ con.

Từ ngày sinh đứa con đầu đến nay đã hơn 12 năm, cũng từng ấy thời gian, cả mấy mẹ con H’Len chưa được sử dụng điện. Việc thắp sáng trong nhà chỉ nhờ vào một bóng đèn, cắm trực tiếp vào bình ắc quy. Đến ngay cả việc học của những đứa trẻ cũng phải tranh thủ lúc trời còn chưa tối vì thứ ánh sáng duy nhất trong nhà chỉ đủ nhìn rõ mặt mỗi người.

Chị H'Len và đứa con trai thứ 4 mắc căn bệnh viêm màng não bẩm sinh

H’Len kể: “Căn nhà được dựng từ ngày hai vợ chồng về ở với nhau nhờ hỗ trợ của anh em bên ngoại. Những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống lại khó khăn, cả hai vợ chồng tôi không có việc làm ổn định nên bao năm nay không đủ điều kiện để mở rộng căn nhà. Cũng vì không có tiền kéo điện nên 5 mẹ con chỉ dùng một bình ắc quy, phục vụ việc thắp sáng”.

Nói rồi, H’Len đặt đứa con nhỏ xuống đất, chạy xuống bếp để chuẩn bị bữa trưa cho mấy mẹ con. Căn bếp thấp lè tè, nóng bức và ngột ngạt. Khói bếp quẩn quanh không thể thoát ra nổi khiến khuôn mặt người phụ nữ nhem nhuốc và nhạt nhòa nước mắt.

H’Len bỗng bật khóc nức nở: “Từ ngày sinh K’Hổ, cả nhà khó khăn hơn, chồng tôi phải sang xã khác để làm thuê cho người ta, thi thoảng mới mang tiền về cho vợ con. Thế nhưng về ngày nào là say ngày đó, có ngày nó (chồng H’Len- PV) kéo mẹ con tôi ra đánh, hàng xóm vào can mà nó vẫn đánh”.

Chịu đựng những trận đòn roi của chồng, không biết bao lần nhiều người khuyên H’Len bỏ chồng. Nhưng vì những đứa trẻ cần có bố, bao năm qua người phụ nữ Mạ này chưa từng nghĩ tới chuyện rời xa người hành hạ, đánh đập mình. Chính bởi vậy, mỗi lần bị chồng đánh, H’Len chỉ tạm đưa những đứa con chạy trốn khỏi nhà, chờ khi chồng tỉnh táo mới đưa con trở về.

“Những ngày nào không say xỉn, nó rất chịu khó đi làm và thương vợ, thương con. Thương tôi bị đánh đập, mẹ tôi kêu về sống chung nhưng tôi không về. Tôi đi lấy chồng rồi, không thể làm liên lụy nhà ngoại được. Có chết thì tôi cũng chết ở nhà mình”, H’Len nức nở.

ADQuảng cáo

Căn nhà của 5 mẹ con H'Len chỉ được quây tạm bằng những tấm tôn

Nghỉ học thay mẹ chăm em

Câu chuyện về cuộc đời và hoàn cảnh của gia đình cứ tiếp nối trong dòng nước mắt của người mẹ trẻ. 30 tuổi, ngày hạnh phúc nhất của H’Len là ngày đón những đứa con chào đời và có lẽ đau đớn và bất lực nhất là giây phút nhận được tin con bị viêm màng não bẩm sinh. Suốt 3 năm qua, một mình ngược xuôi đưa con đi điều trị bệnh, H’Len dường như đã khóc cạn nước mắt mỗi khi nhắc về bệnh tình của con.

“Đã hơn 1 tháng nay gia đình không còn tiền để đưa cháu đi tái khám. Ngày trước khi uống thuốc thường xuyên, mỗi tháng cháu chỉ lên cơn co giật một lần, nhưng bây giờ cứ 2-3 ngày cháu lại lên cơn, căng cứng cả người. Nhiều lúc tôi không muốn sống, nhưng nếu nghĩ mình chết đi rồi thì 4 đứa con sẽ khổ nên tôi cố gắng sống vì con”, H’Len nghẹn ngào chia sẻ.

Trong lúc mẹ nấu bữa trưa, H’Linh (SN 2014) thay mẹ chăm em. Dù mới 8 tuổi nhưng cô bé đã thành thạo mọi việc, từ cho em ăn đến thay tã khi em không kiểm soát được vệ sinh. H'Linh là người con thứ hai, cũng là đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi nhất khi phải bỏ học một năm ở nhà phụ mẹ chăm em.

H'Linh phụ mẹ chăm sóc em trai

Chị Nguyễn Thị Dung, cán bộ văn hóa-xã hội xã Quảng Khê cho biết, trước H’Linh còn có một chị gái, năm nay 12 tuổi. Tuy nhiên, sau khi học xong lớp 1, H’Linh phải ở nhà chăm em do thời điểm đó gia đình phát hiện ra K’Hổ mắc bệnh và thường xuyên phải đi TP.HCM điều trị.

“Cô bé rất ngoan, sau khi đi học về là phụ mẹ chăm sóc em. Nhiều lần chứng kiến cô bé đen nhẻm, gầy gò phải dỗ dành, xoa bóp đứa trẻ đang căng cứng người vì bệnh tật, chúng tôi đều rất xót xa, thương cảm”, chị Dung kể.

Nói về ước mơ của mình, cô bé H’Linh chỉ thỏ thẻ: “Con ước có một phép màu đến với K’Hổ, một ngày nào đó em sẽ đi lại được và theo chân anh chị trong nhà đi chơi”.

Hoàn cảnh của chị H’Len rất cần được giúp đỡ để vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống. Mọi đóng góp, giúp đỡ xin gửi về: chị H’Len, bon B’Rạ, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông thông qua chị Nguyễn Thị Dung, cán bộ văn hóa-xã hội xã Quảng Khê, SĐT: 0975.530.428; Hoặc thông qua Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông, tài khoản: 63510000006838 tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Đắk Nông; tài khoản: 5300666787979 tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank Đắk Nông, SĐT: 02613.544244.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xót cảnh mẹ ôm con tật nguyền sống trong túp lều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO