Những luẩn quẩn từ một vụ khiếu nại đất đai ở Gia Nghĩa

Lê Phước| 06/10/2020 08:57

Từ năm 2013, một số người dân bị thu hồi đất hạng mục bờ kè Đông (công trình hồ Gia Nghĩa) kiến nghị về việc Nhà nước áp giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư còn chưa chính xác. Cũng từ đó tới nay, vụ khiếu nại đã rơi vào bế tắc, luẩn quẩn, vì cơ quan chức năng và người dân chưa tìm được tiếng nói chung...

ADQuảng cáo

Rối vì giá đền bù

Gia đình ông Trần Công Ba, trú tại tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), có hơn 2.800m2 đất, tại tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức. Thửa đất này đã được gia đình ông đã sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trên đất, gia đình ông trồng nhiều loại cây và dựng một nhà gỗ để ở vào năm 1988. Năm 2005, Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án hồ Gia Nghĩa và toàn bộ diện tích đất này của gia đình ông nằm trong danh mục bị thu hồi.

Ông Trần Công Ba chưa tháo dỡ căn nhà gỗ nằm trong diện tích bị giải tỏa thực hiện hạng mục bờ kè Đông, hồ Gia Nghĩa

Ngày 21/11/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2044 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án hồ Gia Nghĩa (đợt 5). Gia đình ông Ba nằm trong danh sách 38 hộ dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, ông đã không đồng ý với phương án bồi thường, nên kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Theo ông Ba, ban đầu, gia đình ông được tính giá bồi thường với đơn giá 500.000 đồng/m2 đất. Sau đó ít lâu, cơ quan chức năng đã xác định lại và nhiều lần điều chỉnh các mức giá 350.000 đồng/m2, rồi 250.000 đồng/m2, 275.000 đồng/m2... Cuối cùng, gia đình ông được nhận hỗ trợ với đơn giá 370.000 đồng/m2 đất.

“Tại sao cùng một thửa đất bị thu hồi, nhưng cơ quan chức năng nhiều lần tính toán khác nhau và áp nhiều khung giá khác nhau? Bản thân gia đình tôi thấy có sự thiếu minh bạch và thiệt thòi trong vụ việc này”, ông Ba thắc mắc.

Ngoài ra, một số hộ dân có đất bị thu hồi lân cận khu đất của ông Ba đã có những phản ánh tương tự. Tuy không bị áp nhiều khung giá như gia đình ông Ba, nhưng họ cho rằng, việc điều chỉnh giá bồi thường đất từ 500.000 đồng/m2 xuống 350.000 đồng/m2 đã gây thiệt thòi cho họ. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại không cung cấp được văn bản nào liên quan đến việc phải điều chỉnh giá bồi thường tại Quyết định 2044 nói trên.

Ngoài việc áp nhiều khung giá, ông Ba cho rằng, gia đình mình bị áp giá hỗ trợ đất nông nghiệp lệch so với các hộ dân liền kề. Ông Ba bức xúc: “Các gia đình khác được nhận hỗ trợ với hệ số cao nhất là 0,78 nhưng gia đình tôi chỉ nhận được hệ số 0,52. Các hệ số hỗ trợ khác cũng thấp hơn tương ứng. Cùng một địa giới hành chính, nhưng hệ số tiền hỗ trợ của gia đình tôi được nhận đều thấp hơn các hộ xung quanh”.

Theo ông Trần Công Ba, năm 2006, sau khi có chủ trương giải tỏa, gia đình ông đã chuyển về khu vực tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức dựng nhà tạm để ở. Nguyên nhân là do nhà cửa đã xuống cấp, chật chội mà không được phép sửa sang do vướng quy hoạch. Phần đất nông nghiệp cũng không biết khi nào Nhà nước thu hồi, nên gia đình ông không thể trồng trọt, phát triển kinh tế được.

Chuyển về nơi ở mới, nhưng 2 con của ông Ba vẫn ở trên nhà cũ để học hành, chăm nom vườn tược. Năm 2007, ông Ba hợp đồng với Chi nhánh Điện lực Gia Nghĩa để kéo điện về phục vụ con cái học hành, sinh hoạt. Năm 2010, sau khi con gái lớn đi học tại TP. Hồ Chí Minh, ông Ba đã cho 1 người dân khác thuê lại căn nhà này để ở cho đến thời điểm kê khai giải tỏa (năm 2013).

Ông Ba khẳng định, gia đình sử dụng đất liên tục tại thửa đất trên. Tuy nhiên, UBND phường Nghĩa Đức lại xác định gia đình ông không ở trên khu đất này tại thời điểm tiến hành kê khai. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình ông không đủ điều kiện được bố trí đất tái định cư theo quy định.

ADQuảng cáo

Điện được gia đình ông Ba kéo về sinh hoạt từ năm 2007 và tồn tại từ đó tới nay

Loay hoay giải quyết khiếu nại

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh, việc bồi thường về đất dự án hồ Gia Nghĩa được thực hiện theo bảng giá đất tại Quyết định số 23, ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh (gọi tắt là QĐ23). Tuy nhiên, trong QĐ23 của UBND tỉnh có sự nhầm lẫn, thiếu sót giữa phương án và thực tế.

Cụ thể, tại đoạn đường N’Trang Lơng từ cầu Bà Thống trước đây là ngã tư, gồm: đi thẳng vào BQLDA; rẽ phải vào đường tái định cư Đắk Nur và rẽ trái vào tổ an ninh tổ dân phố 4 (khu vực nhà ông Ba). Trong QĐ23, đường 1 chiều đi thẳng có giá 900.000 đồng/m2 và đường rẽ phải có giá 450.000 đồng/m2. Đường vào các tổ an ninh có khung giá 500.000 đồng/m2 nhưng lại ghi là đi thẳng từ cầu Bà Thống đến BQLDA. Phương án bồi thường ban đầu do đơn vị tư vấn là Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) được UBND thị xã Gia Nghĩa phê duyệt, các hộ dân trong tổ an ninh được áp giá 500.000 đồng/m2.

BQLDA cho rằng, việc UBND thị xã Gia Nghĩa khi đó áp giá 500.000 đồng/m2 là thiếu căn cứ. Vì QĐ23 có tổ an ninh, nhưng không có đường rẽ trái. Do đó, BQLDA đã có kiến nghị lên cấp trên. Tháng 1/2014, UBND tỉnh đã có công văn xác định giá đất ở của đoạn đường từ cầu Bà Thống rẽ trái vào tổ an ninh có giá bằng với mức đường nhựa còn lại là 350.000 đồng/m2. Căn cứ vào đó, UBND thị xã Gia Nghĩa đã điều chỉnh phương án hỗ trợ đất tại khu vực này theo giá 350.000 đồng/m2.

Riêng kiến nghị của ông Trần Công Ba về việc không được hỗ trợ di dời và không được bố trí tái định cư, BQLDA đã căn cứ vào xác nhận của UBND phường Nghĩa Đức thời điểm thu hồi đất để xử lý. Cụ thể, vào ngày 3/5/2013, UBND phường Nghĩa Đức xác nhận tại thời điểm thu hồi đất, hộ ông Ba không ở trên thửa đất bị thu hồi. Do đó, ông Ba không thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở, không đủ điều kiện bố trí đất tái định cư.

Sau khi ông Ba kiến nghị, tháng 12/2013, Hội đồng tư vấn phường Nghĩa Đức đã tổ chức họp để xác định về nguồn gốc thời điểm sử dụng đất, thời điểm xây dựng nhà và vật kiến trúc trên đất thuộc dự án. Tại Công văn số 25 ngày 31/3/2014 của UBND phường Nghĩa Đức xác định: “Nhà xây dựng năm 1988 trên đất ở tại tổ 4, phường Nghĩa Đức, đến năm 2006 chuyển về ở tại tổ 3 phường Nghĩa Đức. Hiện nay nhà ông Trần Công Ba có hai cặp vợ chồng sinh sống trong cùng một nhà tại tổ 3, phường Nghĩa Đức”.

Mới đây, vào ngày 4/9/2020, Hội đồng tư vấn phường Nghĩa Đức cũng thống nhất bảo lưu kết quả xác nhận theo Công văn số 25 ngày 31/3/2014 của UBND phường Nghĩa Đức. Căn cứ vào đó, BQLDA đã có công văn ngày 9/9/2020 gửi ông Trần Công Ba. Trong văn bản này, BQLDA khẳng định, thời điểm kiểm kê đất đai, tài sản trên đất (4/5/2011) và thời điểm thu hồi đất (21/11/2013), hộ ông Ba không sinh sống trên thửa đất bị thu hồi. Do ông Ba còn có chỗ ở khác tại tổ dân phố 3, nên không đủ điều kiện bố trí đất tái định cư (theo quy định tại Quyết định 05 ngày 23/2/2010 của UBND tỉnh quy định các trường hợp được bố trí tái định cư) và các chính sách hỗ trợ về di chuyển chỗ ở, hỗ trợ thuê nhà…

Cũng theo ông Lê Văn Thuấn, ông Ba chỉ được tính giá hỗ trợ bằng 40% giá đất trung bình cộng các mức giá trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (370.000 đồng/m2) thay vì 60% như các hộ đang sinh sống ở xung quanh thời điểm thu hồi đất. Theo đó, với hệ số K = 1,3, ông Ba sẽ được hỗ trợ 0,52 (hệ số K x 40%) thay vì 0,78 (hệ số K x 60%) như các hộ khác.

Đơn thư của ông Trần Công Ba và kiến nghị của các hộ dân bắt đầu từ năm 2013. Trong các buổi tiếp dân, UBND thị xã Gia Nghĩa (nay là TP. Gia Nghĩa) đã chuyển nội dung này về BQLDA xem xét, xử lý. Và tất cả các trả lời của BQLDA đều được thống nhất theo các quan điểm nêu trên. Sau đó, người dân lại không đồng tình và tiếp tục kiến nghị. Chính quyền địa phương lại chuyển về cho BQLDA xử lý, giải quyết. Vòng luẩn quẩn này được lặp đi, lặp lại nhiều lần kể từ năm 2013 đến nay...

Báo Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những luẩn quẩn từ một vụ khiếu nại đất đai ở Gia Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO