Hết lòng vì đồng đội hy sinh

Hoàng Hoài| 06/06/2017 08:50

Giữ trọn lời thề với những đồng đội đã hy sinh, hàng chục năm qua, ông Đỗ Thanh Bình ở thị trấn Ea T’ling (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn không ngừng đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, với tâm nguyện đưa các anh về lại với quê hương, gia đình.

ADQuảng cáo

Hiện tuy tuổi cao, nhưng ông Bình vẫn luôn hồi tưởng, xác định địa hình để hy vọng đưa đồng đội đã hy sinh về nơi an nghỉ đàng hoàng

Năm 1953, ông Bình lên đường nhập ngũ, rồi ra Bắc tập kết và được học tập, đào tạo trở thành sĩ quan đặc công. Những năm 1960-1970, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận tỉnh Quảng Đức cũ, với chức vụ là Đại đội trưởng Đại đội đặc công rồi Tham mưu phó Tỉnh đội Quảng Đức.

Năm 1971, ông Bình được điều động về Lâm Đồng làm Huyện đội trưởng huyện Tân Rai. Chiến tranh kết thúc, ông về lại Đắk Lắk công tác tại Trường Quân sự tỉnh Đắk Lắk.

Chiến tranh ác liệt, người còn, người mất là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng mỗi một người, mỗi đồng đội ngã xuống, ruột ông lại đau như cắt. Từ đó, ông tự nhủ bản thân, nếu mình may mắn sống sót đến khi hòa bình thì phải có trách nhiệm đưa anh em về quê, không thể để nằm mãi ở những nơi lạnh lẽo, hoang vu. Vậy nhưng, hòa bình chưa bao lâu, năm 1976 Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên phải chiến đấu với thế lực Fulro.

Đầu năm 1977, ông được tổ chức phân công về làm Bí thư Đảng ủy xã Chư Jút, nay là huyện Chư Jút (Đắk Nông) kiêm Trưởng đoàn phát động quần chúng truy quét Fulro. 5 năm sau, nhiệm vụ truy quét Fulro hoàn thành, được sự đồng cảm, chia sẻ của vợ, ông Bình lại bắt đầu hành trình tìm kiếm đồng đội.

Với thuận lợi là người trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức cũ, ông biết được vị trí mà đồng đội ngã xuống khi tham gia những trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy.

ADQuảng cáo

Ông còn nhớ, khi lần đầu tiên tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, để xác định nơi đơn vị từng chiến đấu, ngay từ sáng sớm, ông đã cơm đùm cơm nắm hướng về những cánh rừng, khe suối để tìm bạn. Thế nhưng, thời gian trôi đi, vật đổi sao dời, mọi dấu vết xưa đều bị xóa nhòa, rừng núi rậm rạp, tên xóm, tên làng cũng thay đổi, dẫu biết rõ nơi chôn cất nhưng cũng lắm phen đi về tay không.

Nhiều lúc cảm thấy lực bất tòng tâm, ông tự trách mình, rồi lại khấn nguyện liệt sĩ - đồng đội có linh thiêng hãy báo mộng để ông thực hiện được tâm nguyện. Không biết ngẫu nhiên hay sao mà lần đầu tiên đó, ông phối hợp quy tập được 7 hài cốt liệt sĩ; trong đó, 1 hài cốt liệt sĩ đưa về Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và 6 hài cốt chôn cất tại Nghĩa trang huyện Chư Jút.

Tìm được một ngôi mộ, đưa được một người về với quê hương, gia đình là nguồn động lực to lớn thôi thúc ông Bình nỗ lực hơn nữa để tiếp tục thực hiện lời hứa của mình với anh em, đồng đội. Sau này, ông cùng với một số bạn bè từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức cũ như các ông Phạm Ngọc Định, Lê Trúc Phương, Lê Văn Ly, Hồ Phi Ngàn… (ở thị xã Gia Nghĩa) cùng tìm kiếm.

Có đồng đội sát cánh kề vai, nhưng việc tìm kiếm cũng không hề đơn giản. Có những ngôi mộ, các ông đi năm lần bảy lượt vẫn không thấy, dù đã xác định rõ địa hình, nơi chôn cất. Sau những khó khăn đó, các ông đã tìm được 5 hài cốt. Trong đó, ông Bình phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk trực tiếp đưa 2 hài cốt liệt sĩ ra tận ngoài Bắc an táng. Một liệt sĩ được ông liên lạc với gia đình đưa về TP. Hồ Chí Minh thờ phụng.

Đến năm 2016, trong một lần tham dự cuộc giao lưu, gặp mặt truyền thống cựu chiến binh chống Pháp do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức, ông Bình nhớ lại trận đánh sân bay Gia Nghĩa vào khoảng tháng 9/1968. Sau khi xác định lại nơi đã chôn cất đồng đội hy sinh, ông phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Gia Nghĩa quy tập được 1 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Ông Bình cho biết: “Chúng tôi đi tìm vì cái tình, cái nghĩa của đồng chí, đồng đội. Do đó, dù tuổi cao, trí nhớ cũng đã giảm sút nhiều, nhưng tôi vẫn mong mình sẽ góp được phần nào đó để tìm hài cốt liệt sĩ đưa các anh về với gia đình, quê hương”.

Hiện nay, trong trí nhớ và sổ sách, ông Bình vẫn còn ghi địa chỉ, tên tuổi của 27 liệt sĩ đã hy sinh hoặc mất tích. Bây giờ, tuổi gần 90, sức yếu, dẫu đã cung cấp địa chỉ đồng đội hy sinh cho cơ quan chức năng, nhưng mỗi dịp ghé qua nơi nào đó, ông đều cố gắng hồi tưởng, xác định địa hình để hy vọng tìm được mộ phần các liệt sĩ, đưa đồng đội về nơi an nghỉ đàng hoàng, thực hiện tâm nguyện canh cánh bao nhiêu năm nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết lòng vì đồng đội hy sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO