Đắk R’lấp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Mai Lương| 31/08/2021 09:02

Thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 11/6/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), huyện Đắk R’lấp triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra.

ADQuảng cáo

Bước đầu có chuyển biến tích cực

Sau khi Huyện ủy Đắk R’lấp ban hành Kế hoạch số 22, UBND huyện đã tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN. UBND huyện, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hàng năm để thực hiện. Công tác triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN kịp thời, bảo đảm tính nhất quán và sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân để thực hiện và giám sát.

Công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo được huyện Đắk R'lấp coi trọng gắn với mở rộng phòng ngừa tham nhũng

Công tác phổ biến, tuyên truyền và lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, kiểm tra về PCTN ngày càng được quan tâm chú trọng; chính sách, pháp luật về PCTN tiếp tục được tăng cường, cụ thể hóa và triển khai nghiêm túc. Công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo được coi trọng gắn với mở rộng công tác phòng ngừa tham nhũng. Công tác đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng có chiều sâu.

Huyện ủy Đắk R’lấp xác định việc kê khai tài sản và kiểm soát kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác PCTN. Việc kê khai tài sản theo Nghị định 78 của Chính phủ và Thông tư 08 của Thanh tra Chính phủ được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản thu nhập đều đã thực hiện kê khai theo quy định (năm 2018 có 388/388 người kê khai, năm 2020 có 436/436 người kê khai).

Huyện đặc biệt chú trọng công khai, minh bạch những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: Quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý thu chi ngân sách nhà nước, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; mua sắm tài sản công; xây dựng cơ bản… Để phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong quá trình giao dịch, hoạt động, huyện đã thực hiện tốt quyền tự chủ về tài chính, biên chế, giao khoán kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị, trả lương qua tài khoản ngân hàng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.

ADQuảng cáo

Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, lấy ngăn ngừa làm chính nên thời gian qua công tác PCTN trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Tuy nhiên, công tác PCTN còn một số hạn chế như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN lãng phí chưa được thường xuyên, còn mang tính hình thức. Vai trò giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục, nhiều lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng nhưng thiếu giám sát…

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, Huyện ủy Đắk R’lấp tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải xác định công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác PCTN gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết luận chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh… Các cấp ủy đảng kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại, loại bỏ tư tưởng lo ngại về đẩy mạnh PCTN, làm “hạn chế sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, “nhụt chí”, “cầm chừng” trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Bí thư cấp ủy và người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của luật PCTN; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương theo nguyên tắc công khai, dân chủ trong hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức bảo đảm khoa học, hợp lý, phù hợp chuyên môn đào tạo, vị trí việc làm, thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện công tác cải cách hành chính.

Cùng với nâng cao hơn nữa hiệu quả  giám sát của HĐND, đại biểu Nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị tuyên dương kịp thời các cá nhân tích cực, dám đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch.

Từ năm 2017 đến tháng 6/2021, quá trình thanh tra đã đề nghị thu hồi 117 triệu đồng do UBND các xã thanh toán cho đơn vị thi công không đúng quy định. Huyện thực hiện tiết kiệm trong dự toán từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên tương đương trên 24,5 tỷ đồng… Về công tác tổ chức cán bộ, huyện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương, không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng được thực hiện quyết liệt, triệt để. Đến nay 11/11 xã, thị trấn các chức danh chủ chốt như: bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch đều được điều chuyển từ huyện xuống hoặc từ địa phương khác qua bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO