Sưu tầm tài liệu có liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Tỉnh Đắk Nông: Cần thiết và phù hợp với điều kiện của tỉnh

Tường Mạnh| 06/01/2017 14:29

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 2411 về việc phê duyệt Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm; các tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Đắk nông” giai đoạn 2017-2021. Theo đó, Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện.

ADQuảng cáo

Cựu nữ dân quân Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) tham quan Triển lãm trưng bày tư liệu nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Gia Nghĩa. Ảnh: Anh Bằng

Theo đánh giá, từ khi tái thành lập tỉnh (1/1/2004) cho đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội thì công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, công tác lưu trữ, sưu tầm tài liệu có giá trị của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, tỉnh và các huyện, thị xã chưa xây dựng được kho lưu trữ chuyên dụng.

Các sở, ban ngành chưa bố trí phòng (kho) chuyên dụng để lưu trữ, bảo quản các tài liệu có giá trị phát sinh trong quá trình hoạt động. Tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách liên quan đến công tác sưu tẩm, bảo quản tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

Mặt khác, do đặc thù của tỉnh Đắk Nông từ năm 1959 đến nay đã được chia tách, sáp nhập nhiều lần nên các tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của tỉnh bị thất lạc, phân tán ở nhiều nơi, ở nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mà chưa được thu thập, sưu tầm về tỉnh để phục vụ công tác lưu trữ.

Việc nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu có liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Đắk Nông là cần thiết và phù hợp với điều kiện của tỉnh hiện nay. Mục tiêu của đề án là nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Đây cũng là những bằng chứng lịch sử để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ cũng như bảo tồn và phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ quý, hiếm - một bộ phận di sản quý giá của dân tộc. Qua đó, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có điều kiện hiểu rõ hơn về giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tiêu biểu qua các tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

ADQuảng cáo

Đề án được thực hiện theo nguyên tắc là, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương thực hiện việc sưu tầm, chỉnh lý, đánh giá, bảo quản và giao nộp tài liệu có giá trị lịch sử theo các quy định của pháp luật về lưu trữ.

Phát huy tinh thần tự bảo quản, kê khai, tự nguyện giao nộp, hiến tặng, chuyển nhượng, ký gửi tài liệu quý, hiếm cho các cơ quan nhà nước có chức năng lưu trữ tài liệu lịch sử có giá trị đang được cất giữ trong cộng đồng dân cư, nơi thờ tự, trong tổ chức, cá nhân. Cơ quan lưu trữ các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật bảo quản đối với các tài liệu do cá nhân, tổ chức tự bảo quản.

Một trong những nội dung của đề án đó là xác định nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử, tài liệu quý, hiếm và xây dựng tiêu chí xác định các tài liệu quý, hiếm. Theo đó, nguồn tài liệu lưu trữ là từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như Bảo tàng, thư viện, lưu trữ, phòng truyền thống, nhà văn hóa, cơ sở thờ tự (đình, chùa, đền, nhà thờ họ...), tổ chức kinh tế phi nhà nước.

Đặc biệt, nguồn tài liệu phong phú nhất là từ các cá nhân, gia đình, dòng họ như nhà hoạt động chính trị, xã hội có nhiều cống hiến cho đất nước, địa phương; cá nhân đạt giải thưởng cấp Nhà nước và quốc tế; Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh hoạt động trong quân đội, cựu chiến binh; nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà hội họa, âm nhạc, lịch sử, văn học; gia đình, dòng học có nhiều dấu ấn trong lịch sử; gia đình có công với cách mạng; gia đình thương binh, liệt sĩ; cá nhân, gia đình, dòng họ lưu giữ được nhiều tài liệu có giá trị...  

Nội dung của các tài liệu bao gồm: phản ánh sự kiện lịch sử của tỉnh, của dân tộc; phản ánh những bước phát triển về tư tưởng, chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa nghệ thuật và thể thao; phản ánh lịch sử bộ máy nhà nước Việt Nam, bộ máy chính quyền địa phương qua các thời kỳ; phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của con người, vùng đất Đắk Nông, của con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh thân thế và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử tiêu biểu của cả nước và địa phương; phản ánh sự hình thành và phát triển của các ngành nghề truyền thống...

Đề án còn nêu rõ, trong quá trình sưu tầm tài liệu, bên cạnh chi trả kinh phí theo đơn giá quy định, tỉnh cũng sẽ có hình thức khen thưởng, tặng thưởng xứng đáng cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Tỉnh cũng kêu gọi các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức, cơ quan tự nguyện hiến tặng, ký gửi tài liệu quý, hiếm cho Nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sưu tầm tài liệu có liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Tỉnh Đắk Nông: Cần thiết và phù hợp với điều kiện của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO