Nâm Nung - Vùng đất, con người và truyền thống

25/04/2019 16:09

Lời Tòa soạn: Để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng, về vùng đất và con người Đắk Nông, Báo Đắk Nông trân trọng giới thiệu một số nội dung trong cuốn sách “Lịch sử căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959-1975)” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện, Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị phát hành. Cuốn sách gồm 3 chương: Chương I: Vùng đất-Con người và truyền thống; Chương II: Tỉnh Quảng Đức được thành lập, đảm nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ và hành lang chiến lược địa bàn Tây Nguyên xuống chiến trường Đông Nam bộ (1954-1960); Chương III: Cuộc đấu tranh chống Mỹ và bảo vệ hành lang chiến lược Bắc-Nam trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1961-1975).

ADQuảng cáo

Hiện nay, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Nâm Nung (còn gọi là căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV) gồm hai địa điểm Bắc Nâm Nung và Nam Nâm Nung thuộc địa bàn huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong.

Núi Nâm Nung (Krông Nô). Ảnh: Ngọc Tâm

Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Bắc Nâm Nung trải dài trên địa bàn xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Phía Bắc giáp với xã Đắk Rồ, phía Đông Nam giáp với xã Nâm N’Dri, phía Tây Bắc giáp với xã Đắk Rồ và xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, phía Nam giáp với xã Nâm N’Dri. Căn cứ kháng chiến Nam Nâm Nung nằm ở phía núi Nâm Jer Bri, trực thuộc địa phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Lâm trường Đắk N’Tao (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’Tao) trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, phía Bắc giáp với xã Đắk Môl và Nâm N’Dri, huyện Krông Nô, phía Đông giáp với núi Yok Nor Tou Rdéh, phía Tây giáp với xã Đắk N’Drung và phía Nam giáp với suối Đắk Rung.

Căn cứ kháng chiến Nâm Nung thuộc vùng đất cao nguyên có địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, rừng rậm nguyên sinh, đỉnh cao nhất là 1.546m so với mực nước biển, tạo thế liên hoàn theo hướng Đông Nam. Từ Nâm Nung nối liền với xã Nâm Xoni là căn cứ vững chắc của huyện Khuyên Đức nối liền dãy núi Tà Đùng, phía Tây dãy Tà Đùng là xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), phía Nam là căn cứ kháng chiến tỉnh Lâm Đồng, tạo thành địa thế hiểm trở, núi liền núi, sông liền sông, tạo thế vững chắc cho căn cứ kháng chiến của tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thuận lợi cho việc đóng quân, xây dựng và bảo toàn lực lượng cách mạng, đi lại và chiến đấu trong vùng căn cứ.

Đất đai màu mỡ, chủ yếu là đất đỏ bazan, được thiên nhiên kiến tạo nhiều ao hồ, đầm lầy, suối rạch, thuận lợi cho việc phát triển cây lương thực, thực phẩm vừa bảo đảm cho nhu cầu lương thực tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ, thuận lợi cho phát triển cây nông, công nghiệp, như: lúa, ngô, khoai, sắn, cà phê, bông, hồ tiêu,…

Nơi đây chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm. Một năm chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 (dương lịch), mùa khô từ tháng 11 đến cuối tháng 3 năm sau. Mưa nhiều vào tháng 7, tháng 8, tháng 9, nắng nhiều vào tháng 1, tháng 2. Lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 2.178mm. Độ ẩm trung bình năm là 81%. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,2o. Nói chung khí hậu nơi đây tương đối mát mẻ, thuận lợi cho việc trồng, phơi sấy các sản phẩm nông, công nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Trong tỉnh, đây là địa bàn quốc lộ 14 xuyên qua, là con đường huyết mạch giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa với các miền giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ. Căn cứ kháng chiến Nâm Nung có nhiều cảnh đẹp, là điều kiện tốt để xây dựng điểm văn hóa du lịch và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc M’nông là dân tộc bản địa quần tụ lâu đời nhất nơi đây. Từ xa xưa, dân tộc M’nông được phân chia thành các nhóm địa phương như Pnông, Nông, Preh, Bu đâng, Đi Pri, Rơ lan, Chil…; mỗi nhóm địa phương vừa mang trong mình bản sắc chung của dân tộc M’nông, vừa mang một số sắc thái văn hóa riêng của các nhóm địa phương. Vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung với 7 bon đồng bào dân tộc M’nông Preh và 5 bon Nam Nâm Nung là đồng bào dân tộc Prơng…

Người M’nông sống chủ yếu bằng nông nghiệp, canh tác trên đất rẫy là chính. Theo tập quán lâu đời, việc sử dụng đất rẫy (mir) của đồng bào thường theo chế độ luân khoảnh khép kín và luân khoảnh mở rộng. Thời gian luân khoảnh trên đám rẫy tùy thuộc vào độ phì nhiêu của đất đai. Mỗi bon của người M’nông đều có một khu vực canh tác nhất định. Ranh giới đất đai của các bon thường được dựa vào những đặc điểm địa lý tự nhiên như ngọn suối, mỏm đá, đỉnh đồi… để làm mốc phân giới, do các chủ bon liên giới với nhau quy ước, thường đã xác định từ xa xưa và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Cùng với kinh tế nương rẫy, người M’nông còn chăn nuôi gia súc gia cầm; săn bắt và hái lượm. Một số nghề thủ công của người M’nông đã đạt tới trình độ khá tinh tế như nghề dệt vải có hoa văn, đan lát đồ dùng gia đình bằng mây tre lá, nghề rèn cũng khá phổ biến nhằm rèn công cụ, sửa chữa những đồ dùng bằng sắt, rèn vũ khí (lao, xà gạc…) và một số công cụ khác bằng kim loại.

Truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc trên địa bàn Nâm Nung, đặc biệt là nền văn hóa của dân tộc bản địa M’nông, Êđê… hết sức đặc sắc, gắn với hệ thống nghi lễ - lễ hội, liên quan chặt chẽ đến hệ thống thần linh và tín ngưỡng đa thần. Là những cư dân nông nghiệp, nên các lễ nghi đều phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, gắn với nông nghiệp hết sức phong phú như lễ trừ sâu bệnh, lễ cúng giữa vụ lúa, lúc lúa trổ đòng, lễ tuốt lúa, lễ cơm mới; những nghi lễ trong tang lễ, cưới hỏi, lễ lập bon mới,…

Trong lúc thanh bình cũng như trong quá trình kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn duy trì, tổ chức nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng của dân tộc, trong đó có lễ mừng chiến thắng vẫn được tổ chức trong kháng chiến. Có thể nói, những nghi lễ, lễ hội trên địa bàn Nâm Nung nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung rất phong phú, đa dạng, là chất keo gắn kết những con người của cộng đồng thành một khối vững chắc trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc.

Trong quá trình lịch sử và cuộc sống hàng ngày của người M’nông, họ đã sáng tạo ra được một số loại nhạc cụ độc đáo, tuy còn rất thô sơ nhưng phong phú về số lượng và chủng loại: Bộ gõ có dàn chiêng (cĩng), trống (ding gơr), đàn môi (guốc)… Ca hát dân gian rất phong phú và đa dạng, hình thức truyền miệng được coi là phương tiện chủ yếu của đồng bào dùng để chuyển tải văn hóa từ vùng này sang vùng khác, từ đời này qua đời khác, tiêu biểu là những thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ, các luật tục dưới dạng văn vần hay hát đối đáp nam – nữ.

Trong trang phục hàng ngày, nghệ thuật tạo hình được thể hiện rất sinh động. Hoa văn trên nền vải của người M’nông chủ yếu tạo hình theo một mô tuýp truyền thống được cách điệu bằng nhiều hình thức khác nhau. Đàn ông thường đóng khố, rộng chừng 20cm và dài trên 1cm, đàn bà quấn yêng, lấy khăn che ngực. Trong những dịp lễ tết, đàn ông còn mặc thêm một cái áo ngắn không cổ, hở bụng và đàn bà thường quấn yêng màu tím đỏ. Cộng thêm vào đó là những trang sức đi cùng phục trang rất đa dạng. Họ thường đeo những vòng đồng, đeo chồng chất ở cổ tay, cổ chân, càng đeo nhiều càng thể hiện sự giàu sang.

Cũng như các dân tộc khác trên toàn miền sơn nguyên Nam Đông Dương, M’nông vùng căn cứ Nâm Nung là dân tộc có tinh thần yêu độc lập tự do, có truyền thống bất khuất chống xâm lược. Đặc biệt, từ những thế kỷ xa xưa đến thời kỳ cận đại, họ là những dân tộc luôn gìn giữ được cuộc sống độc lập tự do cho quê hương. Khi kẻ thù xâm lược tàn phá quê hương, bon rẫy thì tinh thần yêu nước cũng được nhen nhóm và bùng nổ, kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương.

Những cuộc đấu tranh trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Năm 1856, trong lúc triều đình nhà Nguyễn khủng hoảng trầm trọng, nông dân khắp nơi nổi dậy, chính quyền phong kiến ở nhiều địa phương bị tê liệt. Bên ngoài giặc Pháp đang lăm le tìm cớ để vũ trang xâm lược Việt Nam. Nắm được thời cơ thuận tiện, các giáo sĩ ở hội thánh Ba Na liền lập ngay một tòa đại lý ở Kon Tum để cai trị xứ này. Tòa đại lý gồm những quan cai trị mặc áo đen, đeo thập ác, từ năm 1889 trở về sau trực thuộc vào chính quyền của thực dân Pháp ở Lào.

Sau nhiều năm truyền đạo, thăm dò nghiên cứu, khảo sát về cảnh quan địa lý, phong tục, tập quán, tìm hiểu về tình hình chính trị trên địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số tại Nam Tây Nguyên (địa bàn Nâm Nung và vùng lân cận), thực dân Pháp đã dùng lực lượng quân sự đánh chiếm, bình định và thống trị vùng này.

Khu khánh tiết và Tượng đài chiến thắng Khu di tích căn cứ kháng chiến B4 -  Liên tỉnh IV. Ảnh tư liệu

Năm 1905, thực dân Pháp chính thức bãi bỏ chế độ “Sơn phòng” của triều đình nhà Nguyễn, trực tiếp đảm nhiệm các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh trên địa bàn lãnh thổ các tỉnh Tây Nguyên.

Với chế độ thuế khóa của thực dân Pháp, hàng năm, mỗi người Ê đê, M’nông và các dân tộc khác ở Đắk Lắk phải nộp cho chính quyền thực dân một khoản tiền thuế thân và đi làm phu 20 ngày. Cùng với các loại thuế khác như thuế nóc nhà, thuế làm rẫy, thuế voi. Ngoài ra, chính quyền thực dân còn bày ra các chế độ phạt vạ đối với các dân tộc bản địa như: phạt làm hỏng đường sá, phạt làm hỏng các cây, chống lại chính quyền.

Đồng thời, thực dân Pháp đã khuyến khích tất cả các nhà nông nghiệp Pháp đầu tư vốn mở mang đồn điền cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, tại những vùng đất rộng lớn trên địa bàn cư trú của người M’nông, Ê đê. Hàng chục đồn điền trồng cây công nghiệp của tư sản Pháp lần lượt được dựng lên như đồn điền Ca Đa, Đắk Nia, đồn điền lúa ở Nâm Kạ,… Quy mô các đồn điền này ngày càng mở rộng, tỷ lệ thuận với chế độ bắt xâu đối với đồng bào địa phương ngày càng ráo riết và tàn bạo.

Bên cạnh chính sách khai thác kinh tế, thực dân Pháp tập trung ở Tây Nguyên một lực lượng quân sự khá mạnh, ngay tại thị xã Buôn Ma Thuột có một trung đoàn lính khố đỏ (quân cơ động) thường trực là một quan năm (đại tá) chỉ huy và một tiểu đoàn lính khố xanh (quân địa phương) do một quan tư (thiếu tá) chỉ huy.

Năm 1899, thực dân Pháp đã thiết lập tòa Đại lý hành chính tại Bản Đôn (Buôn Đôn). Ngày 22/11/1904, tỉnh Đắk Lắk được chính thức thành lập, tỉnh lỵ đóng tại Buôn Ma Thuột. Từ đây, bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp được thiết lập xuống tới các bon, buôn của đồng bào các dân tộc ở Nam Tây Nguyên với mục đích nhằm cắt đứt mọi liên lạc giữa vùng đồng bằng Việt Nam và miền sơn nguyên Nam Đông Dương, một số khu vực đã bình định ở bên kia sông Đắk Sal, Krông Nô sẽ được ngăn chặn nghiêm ngặt.

Cùng với việc cai trị về kinh tế, quân sự, thực dân Pháp thực hiện chính sách “ngu dân” để hòng dễ cai trị vùng Tây Nguyên. Chúng chỉ mở một số trường sơ học bên cạnh một số trường Giáo phận dùng để truyền giáo. Ngoài ra, trên phương diện văn hóa, chúng chỉ thị các tỉnh trưởng Pháp có nhiệm vụ điều chế và góp nhặt tất cả những phong tục tập quán của người sơn cước.

Dưới chiêu bài “bảo vệ và phát triển các chủng tộc Thượng” hoặc “không đụng chạm đến văn hóa bản địa”, ngăn cấm đến mức tối đa sự tiếp xúc liên lạc giữa người sơn cước Việt Nam và người đồng bằng, thực dân Pháp đã tạo điều kiện duy trì và khuyến khích phục hồi những hủ tục, mê tín dị đoan trong nhân dân. Mặt khác, mọi sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng đều bị cấm.

Chính sách của Pháp trên các mặt trận chính trị - quân sự, kinh tế và văn hóa – xã hội đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các dân tộc trên toàn miền sơn nguyên Nam Đông Dương. Trước nguy cơ bị một kẻ thù lớn mạnh cướp mất cuộc sống độc lập và tự do tổ tiên giữ được, các dân tộc miền sơn nguyên Nam Đông Dương hoặc lẻ tẻ, hoặc liên minh phối hợp với nhau vùng lên chống lại bọn xâm lược, đánh vào các đồn bót và cuộc hành quân của giặc; chống thuế, chống xâu, hay lánh cư, bất hợp tác, không phục tùng…

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của các dân tộc ở Tây Nguyên ngay từ khi thực dân Pháp vừa đặt chân đến vùng đất này đã diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do N’Trang Gưh lãnh đạo (1900-1914) và đỉnh cao là phong trào chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng kéo dài gần một phần tư thế kỷ (1912-1936).

N’Trang Gưh là người Bih (một nhóm của dân tộc Ê đê), quê ở buôn Choáh (nay thuộc buôn Choáh, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô). Không chịu khuất phục trước kẻ thù, năm 1900, N’Trang Gưh kêu gọi đồng bào Bih và các dân tộc anh em trong vùng nổi dậy đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và bảo vệ quê hương.

Ngày 1/3/1900, quân Pháp đánh chiếm các buôn của người Bih dọc lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana. Ở đây, ngoài sự hỗ trợ của lực lượng nghĩa quân do tù trưởng Y Kơn dẫn đầu, vị thủ lĩnh N’Trang Gưh đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, chuyển thế từ bị động sang chủ động, bao vây tên chỉ huy Pháp – Bourgeois, khiến hắn phải rút lui. Trên đường tháo chạy, quân Pháp đốt phá tàn trụi buôn Tur và Buôn Trấp (nay là thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).

Hai ngày sau (3/3/1900), tên Bourgeois đem quân trở lại, vượt sông Krông Nô tiến đánh buôn Choáh. Đây không chỉ là cái nôi mà còn là trung tâm hoạt động trọng yếu của nghĩa quân. Do vậy, Bourgeois tập trung một lực lượng quân lớn xông vào đốt phá buôn Choáh, bắt, giết nhiều người vô tội. Sau nhiều đợt chống trả quyết liệt, biết không thể đánh nổi lực lượng hùng hậu của địch, để dưỡng binh và bảo toàn lực lượng, N’Trang Gưh và nghĩa quân đưa bà con trong buôn tạm lánh trong cánh rừng gần buôn Choáh hướng về phía Nam.

Sau một thời gian chỉnh đốn lực lượng, N’Trang Gưh cùng với nghĩa quân trở lại buôn Choáh, quyết tâm giải phóng buôn làng. Năm 1901, hơn 600 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của N’Trang Gưh đã vượt sông Krông Nô tấn công, bao vây đồn buôn Tur, bắn hàng loạt tên vào đồn giặc, toàn bộ quân xâm lược bị tiêu diệt, tên đồn trưởng Bourgeois chết gục trước sân đồn, người cắm đầy tên.

Sự có mặt của lực lượng khởi nghĩa do N’Trang Gưh lãnh đạo cách Buôn Ma Thuột khoảng 15-30 km là mối đe dọa lớn đối với âm mưu đô hộ và bình định của thực dân xâm lược. Vì vậy, từ năm 1901 đến 1913, quân Pháp ở Buôn Ma Thuột liên tục mở nhiều cuộc hành quân khá quy mô, càn quét, đánh phá nghĩa quân, nhằm tiêu diệt và thôn tính phong trào đấu tranh yêu nước của người Ê đê, đặt ách cai trị và bóc lột vùng đất này. Nghĩa quân N’Trang Gưh đã chiến đấu dũng cảm, bảo vệ quê hương trong suốt 13 năm.

Trước sức kháng cự mạnh mẽ của phong trào khởi nghĩa N’Trang Gưh, thực dân Pháp đã huy động lực lượng quân sự mở nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, quyết tâm tiêu diệt bằng được phong trào khởi nghĩa của N’Trang Gưh. Trước tình hình đó, năm 1913 N’Trang Gưh chỉ huy nghĩa quân cùng đồng bào buôn Choáh tạm lánh vào rừng. Cùng đi với nghĩa quân là 250 gia đình người Bih tiến vào phía Nam lưu vực sông Sêrêpốk, xây dựng buôn mới, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.

Năm 1914, giặc hành quân bao vây tấn công khu vực đóng quân của N’Trang Gưh. Trong tình thế tương quan lực lượng quá chênh lệch nên khu vực đóng quân của nghĩa quân N’Trang Gưh rơi vào tay giặc, chúng đã bắt và giết thủ lĩnh N’Trang Gưh. Sau khi N’Trang Gưh mất, phong trào đấu tranh đi vào thoái trào và kết thúc.

Phong trào yêu nước của Nghĩa quân N’Trang Gưh đã thực sự là ngòi nổ kích hoạt phong trào chống giặc giữ làng của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Phong trào khởi nghĩa do N’Trang Gưh lãnh đạo phát triển mạnh mẽ nhưng cuối cùng đã bị thất bại, thực dân Pháp ngày càng tăng cường thống trị Tây Nguyên. Tuy nhiên, tinh thần đấu tranh chống kẻ thù vẫn luôn bền bỉ, đợi thời cơ tiếp tục bùng lên đấu tranh. Chính vì vậy, khi thủ lĩnh N’Trang Lơng đứng lên đấu tranh, nhân dân các dân tộc trong vùng căn cứ Nâm Nung đã sẵn sàng đứng lên cùng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược trong những năm 1912-1936.

N’Trang Lơng sinh khoảng năm 1870, gốc người M’nông Biêt. Từ khi đứng lên đánh Pháp, N’Trang Lơng đã tập hợp được nhiều thủ lĩnh, đầu làng của đồng bào các dân tộc như B’Heng Reng, R’Đing, R’Ong Leng, N’Xinh. Họ là những thủ lĩnh yêu nước, là những cánh tay đắc lực của N’Trang Lơng. N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh tiến hành xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết (tức B Jeng Kiet hay Bu Jang Chet) giáp ranh với Bu N’Drung ở thượng nguồn suối Buk Xô thuộc núi Nâm Nung. Đây là cơ quan đầu não của nghĩa quân, với lực lượng từ 150-170 tay súng. Phần lớn nghĩa quân là người M’nông Biêt và M’nông Nông do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy. Họ xây dựng lán trại, kho lương, nhà chứa vũ khí, đào hầm, cắm chông gài bẫy xung quanh căn cứ. Bên cạnh căn cứ là những nương rẫy trồng lúa, bắp để thực hiện nhiệm vụ tự túc lương thực cho nghĩa quân chiến đấu.

Cuối năm 1908, Henri Maitre được chỉ định cầm đầu “Phái bộ khảo sát – hành chính Đông Cao Miên”. Hắn ra sức khủng bố giết chóc đồng bào Tây Nguyên, đàn áp buôn làng. Khi đánh phá quê hương N’Trang Lơng, Henri Maitre đã bắt bớ, hãm hiếp vợ và con gái ông. Để trả nợ nước, thù nhà, N’Trang Lơng đứng lên lãnh đạo nhân dân các dân tộc M’nông, Ê đê đấu tranh. Phong trào mở đầu bằng trận đánh đồn Pu Sra giành thắng lợi vào năm 1912. Chiến thắng Pu Sra làm nức lòng dân chúng và làm tên tuổi N’Trang Lơng vang dội khắp Tây Nguyên.

Vào mùa khô 1913-1914 trên cao nguyên M’nông, phong trào xây dựng làng chiến đấu chuẩn bị chống giặc diễn ra rầm rộ, đặc biệt trong nguồn sông Đắk Huich. Ngày 30/7/1914, N’Trang Lơng đã lập mưu, dựng nên lễ “kết minh” tiêu diệt tên Henri Maitre và đồng bọn của hắn. Ngày 31/7/1914, N’Trang Lơng lãnh đạo nghĩa quân tiến đánh đồn Bu Mêra, tiêu diệt toàn bộ lính và chỉ huy còn lại trong đồn, nghĩa quân thu toàn bộ vũ khí và đồ tiếp tế của địch.

Năm 1915, sau chiến thắng Bu Tiên, N’Trang Lơng cùng nghĩa quân tiếp tục giành nhiều chiến thắng. Vì thế, quân Pháp co hẳn về vùng châu thổ tỉnh Kratie – Cao Miên, lập một hành lang an toàn gồm các đồn do các đội khố xanh để chặn đường nghĩa quân đánh xuống vùng châu thổ. Cả một vùng M’nông rộng lớn thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp trong thời gian dài (1916-1927).

Năm 1928, thực dân Pháp lộ rõ âm mưu chính thức xâm chiếm trở lại cao nguyên M’nông, chúng tập trung ra sức tìm  diệt N’Trang Lơng. Trong những năm 1918-1934, phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo vẫn liên tục nổ ra, thách thức và chiến đấu chống thực dân Pháp quyết liệt.

Tháng 10/1931, tên Patkiê – toàn quyền Đông Dương và Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch tiêu diệt bằng được phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo. Trước tình thế bất lợi đó, để bảo toàn lực lượng, N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh quyết định rút quân về dãy núi Nâm Nung lập căn cứ kháng chiến. Tại đây, nghĩa quân đã xây dựng căn cứ kháng chiến, đào hầm chông, giếng chông làm bẫy đá, bẫy chông… tạo thành một địa bàn “bất khả xâm phạm”. Ngoài ra, nghĩa quân còn tham gia trồng trọt, tự túc về lương thực, thực phẩm, đồng thời làm điểm tụ quân, xuất quân đánh địch. Tại đây, N’Trang Lơng và các thủ lĩnh nghĩa quân đã kêu gọi đồng bào bản địa cùng tham gia kháng chiến, bỏ làng vào rừng, bất hợp tác với giặc Pháp. Đồng bào đã hăng hái, sẵn sàng tham gia cùng nghĩa quân N’Trang Lơng chiến đấu chống kẻ thù.

Trong hai tháng 2 và tháng 3/1933, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, có pháo binh yểm trợ, từ nhiều hướng mở cuộc càn quét với quy mô lớn, tiến công vào căn cứ Nâm Nung – một trong những căn cứ quan trọng của nghĩa quân N’Trang Lơng. Cánh quân thứ nhất do tên Gerber chỉ huy, xuất phát từ Bu Đengum tiến đánh vào phía Đông núi Nâm Nung; cánh quân thứ hai, xuất phát từ căn cứ Lơrôlăng của Pháp (bên kia biên giới Campuchia) đánh vào hướng Tây Nam núi Nâm Nung; cánh quân thứ ba, xuất phát từ Bù Đốp (Đông Nam bộ) tiến đánh vào phía Nam núi Nâm Nung. Trong cuộc càn quét này, giặc Pháp vừa tấn công bằng quân sự, vừa đốt phá nương rẫy, buôn, bon và rừng núi của người M’nông tại vùng căn cứ Nâm Nung để triệt nguồn lương thực, nhằm dồn đồng bào M’nông và nghĩa quân N’Trang Lơng vào cảnh thiếu đói. Nghĩa quân N’Trang Lơng chống trả giặc Pháp rất quyết liệt. Nhiều trận đánh diễn ra tại vùng căn cứ Nâm Nung, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Cuộc chiến giằng co, kéo dài, phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng vẫn liên tiếp đánh địch ở nhiều nơi.

Bước vào mùa khô 1934-1935, khắp cao nguyên M’nông, đồng bào M’nông, Ê đê và S’tiêng lại nổi lên rào làng, dấp rừng chống Pháp. Cuộc đối đầu ngày càng quyết liệt giữa nghĩa quân N’Trang Lơng và giặc Pháp. Giặc Pháp truy lùng ráo riết buộc nghĩa quân phải không ngừng di chuyển, nhưng khi giáp mặt với quân thù, nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng. Từ đầu tháng 5/1935, chúng tung quân ra sức truy lùng nghĩa quân N’Trang Lơng, bất chấp các cơn mưa đầu mùa xối xả, núi cao, rừng sâu. Trong hoàn cảnh đó, N’Trang Lơng tạm lánh về quê cũ, ẩn náu trong một vùng rừng gần Bu Par, chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù. Tuy nhiên, do bị tên phản bộ Bơ Mpông Phê chỉ điểm và đưa quân Pháp đến bao vây. Tại đây, diễn ra trận chiến đấu, bất ngờ và không cân sức, ông bị quân Pháp bắn bị thương và mất ngày 23/5/1935.

N’Trang Lơng hi sinh, nghĩa quân của ông vẫn tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp trên cao nguyên M’nông. Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đi vào thoái trào và đánh dấu kết thúc vào năm 1936. Ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lại đứng lên đấu tranh chống kẻ thù. Kiên cường, bất khuất, phong trào này lắng xuống, phong trào khác lại nổi lên, người trước ngã người sau tiếp bước, cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên lúc sôi nổi, mãnh liệt, lúc tạm thời âm ỉ chờ thời cơ lại bùng lên với khí thế mạnh liệt hơn. Tuy nhiên, do thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn, nên những cuộc đấu tranh đó vẫn chưa đưa lại kết quả thắng lợi cuối cùng.

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của những thủ lĩnh yêu nước như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, N’Trang Gưh, N’Trang Lơng, Săm Brăm,… diễn ra rất anh dũng song cuối cùng đều thất bại. Điều đó cho thấy, cách mạng Việt Nam còn thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, là bước ngoặt lịch sử, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và vai trò lãnh đạo của một chính Đảng cách mạng Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố thành lập, thực dân Pháp ở Đông Dương càng ra sức đàn áp, khủng bố và bóc lột nhân dân ta. Ở Tây Nguyên, thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa, tiếp tục thành lập, xây dựng và mở rộng các đồn điền trồng lúa, chè, cà phê, cao su… Công nhân ở các đồn điền này là những người Êđê, M’nông, các dân tộc bản địa khác và người Kinh. Các chủ đồn điền người Pháp bóc lột công nhân, bần cùng hóa công nhân, biến họ thành lao động khổ sai tại các đồn điền của chúng.

Vởi bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, lực lượng công nhân tại các đồn điền của Pháp đã từng bước giác ngộ về quyền lợi giai cấp, đoàn kết chặt chẽ cùng đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào công nhân tại các đồn điền của tư bản Pháp ở Nam Tây Nguyên, tuy chưa có sự lãnh đạo trực tiếp của các cơ sở đảng, nhưng vẫn là một bộ phận của cuộc vận động giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.

Những cao trào cách mạng diễn ra ở miền xuôi đã tạo ra và rèn luyện đội ngũ cán bộ của cách mạng đông đảo. Hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị bắt, bị đày ải qua các nhà tù đế quốc, trong đó có nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú, có trình độ, kinh nghiệm tuyên truyền và khả năng tập hợp, tổ chức quần chúng. Trong các lao tù, thực dân Pháp thực thi chính sách giam cầm và tra tấn các tù nhân chính trị, các chiến sĩ cách mạng vô cùng dã man và hiểm độc, hòng tiêu diệt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Trong đó, thực dân Pháp đã dựng lên một hệ thống các nhà tù ở Trung Kỳ và Tây Nguyên nhằm khai thác sức lao động khổ sai phục vụ cho việc mở đường, lập đồn điền và độc ác hơn là lấy khí hậu khắc nghiệt “rừng thiêng nước độc” để tiêu diệt ý chí cách mạng, lấy đói rét, bệnh tật để giết chết các tù nhân chính trị.

Năm 1940, do số lượng tù chính trị tại nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày càng đông và để phục vụ việc thi công tuyến đường qua cao nguyên M’nông, thâm hiểm hơn là hằm thủ tiêu những chiến sĩ yêu nước, kiên cường của cách mạng Việt Nam, thực dân Pháp lập thêm một nhà ngục tại Đắk Mil (thuộc tỉnh Đắk Lắk).

Đầu năm 1941, đoàn tù đầu tiên bị đày tới ngục Đắk Mil là các tù chính trị từ nhà đày Buôn Ma Thuột. Để tiếp tục đấu tranh tại ngục Đắk Mil, các tù nhân đã lựa chọn và bầu ra Ban chỉ đạo đầu tiên của nhà ngục gồm các đồng chí Trần Văn Quang, Nguyễn Tạo, Kinh, Hòa, Tring, Bửu, Toàn… Ban chỉ đạo đề ra chủ trương trong giai đoạn này là nhanh chóng chuẩn bị chiến đấu, chống đàn áp, bảo vệ quyền lợi tù nhân và tổ chức vượt ngục.

Phong trào đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản tại đây đã giành nhiều thắng lợi, như: Đầu năm 1942, tù nhân đấu tranh thắng lợi, tổ chức được Tết đầu tiên tại nhà ngục, tù nhân được nghỉ 3 ngày, được diễn tuồng, ngâm thơ, đánh cờ tướng và trang trí câu đối Tết; cuối tháng 6/1942, tù nhân ngục Đắk Mil thành công trong việc phá lò gạch của địch, khoảng 38.000/40.000 viên gạch ra lò bị hỏng, góp phần phá vỡ kế hoạch mở rộng nhà ngục của địch,… Những chiến sĩ cộng sản không chỉ biến nhà tù thành trường học đấu tranh cách mạng, rèn luyện khí tiết mà hơn thế nữa, vượt ra khỏi chế độ lao tù hà khắc, họ đã gieo những hạt giống đó, những tư tưởng cộng sản trên mỗi mảnh đất quê hương nơi các đặt chân tới.

Chính việc thực dân Pháp tăng cường đày ải tù chính trị cộng sản lên Tây Nguyên, dù muốn hay không chúng đã đưa những người có tư tưởng cộng sản đến với mảnh đất, với quần chúng chưa giác ngộ lý tưởng đấu tranh cách mạng.

Hoạt động của các tổ chức và phong trào đấu tranh cách mạng trong tù vượt qua sự ngăn chặn, bưng bít của kẻ thù, đến với đồng bào các dân tộc, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng luôn âm ỉ trong những người con của núi rừng Tây Nguyên.

Phong trào đấu tranh của  các dân tộc Tây Nguyên, với nhân dân trên địa bàn Nâm Nung chịu ảnh hưởng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản qua phong trào đấu tranh của chiến sĩ cách mạng tại nhà đày Buôn Ma Thuột và nhà ngục Đắk Mil. Được sự giác ngộ của các chiến sĩ cộng sản, có những người từng là cai tù, binh lính trước đây theo Pháp đã bỏ ngũ đi theo cách mạng, giữ vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp cho Đảng, cho nhân dân, như ông Quản Lé (tức đồng chí YBih Alêo).

Năm 1943 chi bộ cộng sản được thành lập trong nhà ngục Đắk Mil do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Chi bộ cộng sản đã lãnh đạo phong trào đấu tranh tại nhà ngục Đắk Mil, điển hình là tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa một số chiến sĩ cách mạng tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 3/1943, cuộc vượt ngục đầu tiên thành công, đưa các đồng chí Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Trần Ngọc Oánh về với cách mạng, tiếp tục hoạt động. Đây là một thành công lớn, đánh dấu một bước tiến mới trong việc tổ chức bộ máy lãnh đạo cách mạng đối với tù chính trị trên địa bàn Tây Nguyên.

Cuộc vượt ngục Đắk Mil lần thứ hai gồm các đồng chí Nguyễn Khải, Trần Tống, Vũ Nhân vào năm 1943. Tuy thực dân Pháp đã bắn chết 4 tù nhân đẩy xe đưa các đồng chí vượt ngục để khủng bố tinh thần tù nhân, nhằm ngăn chặn các vụ vượt ngục tiếp theo nhưng đã đánh dấu sự thất bại trong âm mưu của thực dân Pháp. Vì vậy, vào cuối năm 1943, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù nhân ở đây về nhà đày Buôn Ma Thuột và cho phá hủy nhà ngục Đắk Mil.

Thất bại của thực dân Pháp ở Đắk Mil chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù không thể ngăn trở được bước tiến của cách mạng mà trái lại đã rèn luyện người tù cộng sản càng thêm vững vàng, bền bỉ quyết chí đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Ngục Đắk Mil chính là “gậy ông đập lưng ông”, chính nơi xa xôi hẻo lánh của ngục Đắk Mil đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng của Đảng ở Đắk Mil. Ngọn lửa cách mạng đã lan truyền cho những phong trào, những thắng lợi to lớn của vùng Đắk Nông trong những giai đoạn kế tiếp.

Từ cuối năm 1943, Pháp đưa những chiến sĩ cách mạng từ nhà ngục Đắk Mil về giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, những tù nhân chính trị tiếp tục tổ chức đấu tranh với nhiều hình thức, góp phần tạo nên một đội ngũ cán bộ cốt cán, kiên trung, được trải nghiệm trong đấu tranh cách mạng, để cùng toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại!.

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến thuận lợi cho phong trào cách mạng ở Đông Dương. Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính, thay thế thực dân Pháp cai trị Đông Dương. Lúc này, Đảng ta xác định kẻ thù trực tiếp, trước mắt của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật và tay sai. Tháng Tám năm 1945, sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tuyên chiến với Phát xít Nhật đánh tan đạo quân Quan Đông thiện chiến hơn một triệu tên của Nhật. Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng phải tuyên bố đầu hàng Đồng Minh và Liên Xô không điều kiện.

Tại Đông Dương, tinh thần lực lượng quân đội Nhật suy sụp, chính quyền tay sai hoang mang cực độ. Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến. Trung ương Đảng và Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng ra lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trên toàn quốc.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, theo chủ trương của Trung ương Đảng, ở Đắk Lắk nói chung, trên địa bàn Đắk Nông nói riêng đã đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị mọi điều kiện tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Chi bộ cộng sản và các tổ chức cách mạng trong nhà đày Buôn Ma Thuột chủ trương tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích đường lối, nhiệm vụ cách mạng, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, chống lại những luận điệu tuyên truyền phản động của phát xít Nhật và tay sai.

Ngày 23/8/1945, tại huyện lỵ Đắk Mil trong cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện.

Đúng 15 giờ ngày 24/8/1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng, 3.000 quần chúng cách mạng và gần 500 binh lính có vũ trang người M’nông, Êđê, Gia Rai đã đi theo cách mạng, từ các địa phương nhân dân đã hăng hái tham gia vào cuộc mít tinh, biểu tình lớn lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đại diện Mặt trận Việt Minh tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phản động của phát xít Nhật và thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân lao động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ủng hộ chính quyền, tham gia xây dựng cuộc sống mới. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột thành công.

Tại các huyện, buôn, bon trong tỉnh Đắk Lắk,… dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công tại Đắk Lắk (bao gồm tỉnh Đắk Nông), góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước. Thắng lợi này là kết quả cụ thể của cả một quá trình tuyên truyền, vận động của các chiến sĩ cách mạng, các đảng viên thuộc các chi bộ nhà đày Buôn Ma Thuột và nhà ngục Đắk Mil, là sự giác ngộ và tích cực hưởng ứng cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mặt trận Việt Minh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Nâm Nung cùng nhân dân trong tỉnh Đắk Lắk hăng hái tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng từ cấp huyện, tổng đến các buôn, bon, thực hiện các chương trình của Mặt trận Việt Minh, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự trị an, trừng trị bọn phản động.

Nhiều cơ sở cách mạng trên địa bàn được tham dự các lớp đào tạo cán bộ do Việt Minh tỉnh, huyện tổ chức. Sau khi kết thúc các lớp học đã trở về các buôn làng để xây dựng, củng cố chính quyền và các đoàn thể cách mạng cấp cơ sở, vận động nhân dân tham gia hạ đài kỷ niệm H.Maitre do Pháp dựng nên, xây dựng đài kỷ niệm N’Trang Lơng ở vùng ba ranh giới Bu Prăng và góp phần xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại nhà ngục Đắk Mil và nhà đày Buôn Ma Thuột; xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng như Hội Thanh niên cứu cuốc, Hội Phụ nữ cứu quốc…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, có nhiều cải tiến kỹ thuật làm nương rẫy, tổ chức làm lúa nước, tập kéo cày bằng sức trâu bò, tổ chức đánh cá, săn bắt để cải thiện thêm đời sống. Chính quyền cách mạng bãi bỏ các thứ thuế của chế độ thực dân phong kiến như thuế thân, thuế voi và các chế độ sưu dịch nặng nề. Tổ chức bán muối, gạo cho nhân dân, trao đổi hàng hóa, chủ yếu là nông, lâm, thổ sản đưa về miền xuôi buôn bán, đổi hàng hóa đem về phục vụ lại nhân dân địa phương.

Làm theo lời Bác, cùng cả nước thi đua diệt giặc dốt, nhân dân Nâm Nung và các vùng lân cận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tích cực hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Các tàn tích của thực dân để lại được vận động xóa bỏ. Cán bộ các trạm y tế đã xuống tận các tổng, thôn, buôn để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh, huyện, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy nhiệt tình cách mạng, bước đầu thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng của Tây Nguyên.

Thời gian này, chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk đã vận động được nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức và cả các vị chỉ huy, binh lính người dân tộc thiểu số đã từng làm cho Pháp như: YBih Alêo, Y Blốc ÊBan, Y Blô, Y Wang, Y Ngông… tham gia chính quyền cách mạng càng làm tăng thêm niềm tin của nhân dân trong tỉnh vào chế độ mới. Tháng 10/1945, nhằm thực hiện các chủ trương tăng cường hơn nữa đoàn kết các dân tộc, tại Buôn Ma Thuột, Ủy ban hành chính miền Nam Trung bộ tổ chức “Hội chợ liên hoan đoàn kết giữa các dân tộc”, nhân dân trên địa bàn hăng hái tham dự trong không khí sôi động, đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh – Thượng.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là thắng lợi của việc thực hiện sáng tạo đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống thực dân đế quốc và chống phong kiến, tập hợp, đoàn kết các dân tộc, trên nền tảng liên minh công nông. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã đánh giá đúng tình hình cụ thể của địa phương, nhạy bén nắm và hành động đúng thời cơ.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Tây Nguyên càng củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, càng nhận thức sâu sắc là chỉ có đi theo con đường cách mạng do Đảng vạch ra mới thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than, tiến tới giải phóng đất nước, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc

Cùng cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1946-1954)

Cũng từ năm 1950, Trung ương Đảng đã chủ trương chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Không khí cách mạng trên địa bàn căn cứ Nâm Nung hòa cùng không khí sôi động của các tỉnh Tây Nguyên, các cơ sở cách mạng đã được xây dựng trong các buôn, bon người M’nông, Êđê. Phong trào chống xâu, chống thuế lên cao, đặc biệt là phong trào diệt ác, trừ gian trên địa bàn đã gây tác động mạnh mẽ đối với bọn tề, ngụy tại địa phương.

Trong giai đoạn chuyển sang tổng phản công địch, các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ ở Nâm Nung được tổ chức xây dựng và phát triển. Một số cuộc đấu tranh trực diện với địch đã nổ ra. Qua các cuộc đấu tranh này đã lựa chọn được hàng ngũ cán bộ cốt cán đưa vào đào tạo nhằm tăng cường cán bộ cho các cơ sở xã, buôn, bon trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây, một trung đội du kích được thành lập (tuyển chọn một số thanh niên người M’nông), vận động nhân dân rào làng chiến đấu, đưa một số buôn làng đấu tranh bất hợp pháp với tề ngụy ở địa phương. Lực lượng vũ trang bí mật đã hỗ trợ đắc lực cho các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân.

Trước khí thế cách mạng và sự hoạt động kiên trì, táo bạo và khéo léo của đội VT3.124, nhiều tên vốn là lính của Pháp tham gia trong hệ thống chính quyền thực dân tại Nâm Nung đã được cách mạng cảm hóa, từ bỏ con đường làm tay sai cho giặc. Đi theo cách mạng; nhiều người dân ở địa phương trên địa bàn Đắk Mil đã hy sinh để bảo vệ đội, như Y Muôn Blô bị giắc Pháp bắt đem ra đường 14 chặt hết chân tay vẫn không khai về nơi đóng quân của đội VT3.124, nữ du kích H’Mai chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh bên bờ suối Đắk Đam để bảo vệ đội,…

Đến cuối năm 1950, cơ sở cách mạng được mở rộng ra 5 xã (Đắk Lô, Đắk Đam, Đắk La, Đắk Sua, buôn Bu róa). 5 chi bộ đảng đầu tiên ở Đắk Mil được thành lập. Các căn cứ lớn được hình thành và tạo một mạng lưới liên kết giữa lực lượng chiến đấu của Đắk Mil với lực lượng hoạt động ở địa bàn Đông Campuchia. Các cơ sở 5 xã xây dựng được lực lượng du kích, đào hầm chông, cài bẫy đá, rào buôn để chống địch, cùng một số buôn cơ sở khác tiến hành bất hợp tác với địch.

Giữa năm 1951, cơ quan tiền phương của tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Lê Vụ, Phó Bí thư ban cán sự trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng cơ sở ở huyện Đắk Mil. Cùng với cán bộ cơ sở, đội vũ trang tuyên truyền VT3.124 quay trở lại Đắk Mil hoạt động. Từ cuối năm 1951, đầu năm 1952, trên địa bàn Nâm Nung đã hình thành các tổ chức cơ sở đảng. Cụ thể như bon Đắk Prí có 7 đảng viên do đồng chí Ama Beo làm Bí thư, bon R'cập có 4 đảng viên do đồng chí  Y Lớ làm Bí thư, bon Jriah có 4 đảng viên do đồng chí Ama Hùng làm Bí thư.

Tháng 4/1952, thực hiện chung của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng tỉnh Đắk Lắk, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn Nâm Nung đã thực hiện tốt đợt chỉnh Đảng, chỉnh quân lần đầu tiên nhằm làm cho mọi chiến sĩ và đảng viên nhận rõ tính cách toàn dân, toàn diện, trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đội vũ trang tuyên truyền VT3.124 và các tổ chức cơ sở đảng tại Nâm Nung đã quyết tâm phải bám đất, bám dân, gây cơ sở cách mạng trong lòng địch, phát động chiến tranh du kích và hỗ trợ phong trào nổi dậy đấu tranh chống địch của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Các đồng chí đảng viên, chiến sĩ đội vũ trang tuyên truyền đã tự nguyện học tiếng M’nông, Êđê, thực hiện đóng khố, xăm tai, mang gùi, để tóc dài, hòa mình vào quần chúng để hoạt động và che mắt địch. Các chi bộ hoạt động tại vùng Nâm Nung nhắc nhớ các cán bộ, đảng viên và chiến sĩ hoạt động ở địa phương phải chú ý tìm hiểu về phong tục, tập quán của các dân tộc tại địa phương. Nhiều tấm gương cán bộ tiêu biểu như các đồng chí Nguyễn Tùy (năm Tùy), Lê Văn Cát (Ba Đạo)… đã kiên trì học tiếng M’nông, Êđê, cùng ăn cháo chua, đóng khố, cùng phát rẫy với đồng bào ở các buôn làng, qua đó tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, xây dựng và phát triển các cơ sở cách mạng ở trong vùng.

Cuộc kháng chiến của quân và dân ta ngày càng phát triển, quân Pháp ngày càng rơi vào thế bị động, lúng túng trên các chiến trường. trong tình hình đó, tháng 5/1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chính Pháp tại Đông Dương với hy vọng cứu vớt danh dự cho nước Pháp, Nava vạch ra một số kế hoạch quân sự mang tên “Kế hoạch Nava” với tham vọng trong vòng 18 tháng sẽ tạo ra một cục diện chiến trường có lợi thế cho Pháp. Riêng trên chiến trường Liên khu V, theo “Kế hoạch Nava”, quân Pháp mở “Chiến dịch Átlăng” nhằm tấn công toàn diện vào Tây Nguyên và vùng tự do của ta trên toàn Liên khu. Nava đặt hy vọng vào chiến dịch này. Theo các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, thành bại của chiến dịch Átlăng sẽ quyết định một phần quan trọng trong toàn bộ “Kế hoạch Nava” của thực dân Pháp.

Một góc thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) hôm nay. Ảnh: A Trư

Tháng 11/1953, Trưng ương Đảng chính thức đề ra nhiệm vụ cho Liên khu V là phải ra sức tiêu diệt sinh lực địch, phá tan chiến dịch Átlăng, mở rộng căn cứ, bảo vệ vùng tự do, phối hợp đắc lực với chiến trường chính theo hướng tích cực và mạnh dạn phát triển lực lượng vào tây Nguyên, đồng thời tiếp tục củng cố vùng tự do của Liên khu V. Trung ương Đảng nhấn mạnh: Đối với chiến trường Liên khu V nhiệm vụ phát triển vào Tây Nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và nhiệm vụ củng cố vùng tự do phải coi là nhiệm vụ quan trọng thứ hai.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 12/1953, Hội nghị Liên khu ủy V và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Liên khu V đã quyết định tập trung toàn bộ lực lượng bộ đội chủ lực của ta tiến công quân Pháp ở Tây Nguyên, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây rối lực lượng của chúng trên địa bàn.

Trên đà phát triển của cách mạng cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, quân và dân tại vùng kháng chiến Nâm Nung bước vào cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông – Xuân (1953-1954) với một khí thế mới. Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk tiến hành phân công, bố trí các đội vũ trang tuyên truyền xúc tiến việc phát động chiến tranh du kích trong lòng địch, kết hợp với binh vận để phá kế hoạch tăng cường bắt lính của chúng. Nhiều cán bộ quân dân chính của tỉnh được tăng cường về hoạt động tại Nâm Nung.

Các tổ chức cơ sở đảng, các lực lượng vũ trang và tổ chức quần chúng ở Nâm Nung thực hiện nhiệm vụ: Khẩn trương xây dựng tổ chức du kích tại buôn, bon, tổ chức huấn luyện cho du kích, xây dựng buôn chiến đấu; phối hợp với mặt trận phía trước, các tổ chức công tác tuyên truyền vũ trang bám chắc vào các buôn làng người M’nông, Ê đê, tổ chức cho quần chúng đấu tranh chống địch cà quét, vận động binh lính chống lệnh đi càn hoặc tìm cách báo cáo cho các cơ sở cách mạng tại chỗ của ta biết trước được kế hoạch càn quét của chúng để du kích địa phương phục kích đánh địch.

Phong trào cách mạng ở Tây Nguyên và địa bàn Nâm Nung trong chiến dịch Đông – Xuân (1953-1954) phát triển mạnh mẽ. Phong trào diệt ác, phá kìm của ta phát triển mạnh hơn trước. Các đại đội độc lập, đại đội tăng cường của Tỉnh đội Đắk Lắk đã bám đánh địch trên các tuyến đường lớn và tấn công các đồn bốt của chúng đóng trên địa bàn nhằm phối hợp với chiến trường trong toàn Liên khu V và cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân các dân tộc dưới các hình thức đấu tranh như đòi chồng, con bị giặc bắt đi lính trở về với gia đình, càng làm cho tinh thần của binh lính ngụy thêm hoang mang, dao động và rệu rã. Giải phóng được đến đâu, cán bộ, đảng viên của ta bắt tay ngay vào việc xây dựng chính quyền cách mạng tới đó, vì vậy vùng giải phóng của ta ngày càng được mở rộng.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tin chiến thắng nhanh chóng lan truyền khắp Tây Nguyên, động viên quân và dân Tây Nguyên đánh giặc, cùng cả nước đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt địch, giải phóng quê hương.

Ngày 21/7/1954, hiệp đinh Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta kết thúc thắng lợi. Ở Tây Nguyên, các tổ vũ trang tuyên truyền còn ở trong các buôn của đồng bào các dân tộc tại Nâm Nung nhanh chóng tuyên truyền về chiến thắng to lớn của dân tộc ta. Nhân dân được tin chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ đã vô cùng phấn khởi, tự hào.

Ảnh tư liệu

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tin chiến thắng nhanh chóng lan truyền khắp Tây Nguyên, động viên quân và dân Tây Nguyên đánh giặc, cùng cả nước đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt địch, giải phóng quê hương.

Ngày 21/7/1954, hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta kết thúc thắng lợi. Ở Tây Nguyên, các tổ vũ trang tuyên truyền còn ở trong các buôn của đồng bào các dân tộc tại Nâm Nung nhanh chóng tuyên truyền về chiến thắng to lớn của dân tộc ta. Nhân dân được tin chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ đã vô cùng phấn khởi, tự hào.

Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường bất khuất của anh hùng dân tộc N’Trang Gưh, N’Trang Lơng… Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy lâm thời Đắk Lắk, Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức Đảng chiến khu VI, sau đó là Liên khu ủy V, trực tiếp là Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Nam Trung bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (trong đó có địa bàn Nâm Nung) nhất tề hưởng ứng theo  Đảng, không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trang sử mới, từ thân phận người nô lệ, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã trở thành những người chủ của đất nước, được sống trong không khí của những ngày độc lập, tự do.

Bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945, chín năm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, cuộc chiến đấu của quân và dân trên địa bàn Nâm Nung cùng với tỉnh Đắk Lắk và cả nước đã trải qua chặng đường vô cùng khó khăn, gian khổ và hi sinh. Với một địa bàn được xem là nơi “rừng thiêng, nước độc”, một địa bàn với vô vàn những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống cũng như chiến đấu, nhưng quân và dân tỉnh Đắk Lắk luôn vững vàng kiên định trong lúc thắng lợi cũng như khi khó khăn, lúc cao trào cũng như lúc thoái trào. Trong mọi hoàn cảnh, nhân dân luôn tin tưởng và đi theo Đảng, quyết chiến đấu vì lý tưởng của Đảng. Do đó, kẻ thù rất thâm độc, tàn bạo, xảo quyệt nhưng không thể khuất phục ý chí và sức chiến đấu của Đảng bộ, quân và dân Tây Nguyên cũng như quân và dân trên địa bàn kháng chiến Nâm Nung.

Kháng chiến thắng lợi nhưng thắng lợi đó còn chưa trọn vẹn, một nửa đất nước của Việt Nam vẫn chưa được giải phóng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn kháng chiến Nâm Nung lại tiếp tục củng cố, phát huy vị thế chiến lược, từng bước trở thành căn cứ địa quan trọng, được củng cố ngày càng vững chắc. Nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo, nơi đóng quân chiến đấu trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của tỉnh Quảng Đức nói riêng và Tây Nguyên cùng toàn miền Nam nói chung.

Tỉnh Quảng Ðức được thành lập, đảm nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ và hành lang chiến lược địa bàn Nam Tây Nguyên xuống chiến trường Ðông Nam Bộ (1954-1960)

1. Phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ trên địa bàn kháng chiến Nâm Nung (1954-1958)

Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo hiệp định, lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến quân sự, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời chịu sự kiểm soát của địch. Sau hai năm sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Với yêu cầu của hiệp định, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam, ngày 7/7/1954, Mỹ vội nhảy vào thay thế Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước thay Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại lúc đó là Bửu Lộc để từng bước lập chính quyền bù nhìn tay sai dưới quyền điều khiển trực tiếp của Đại sứ Mỹ ở miền Nam. Hiệp định Giơnevơ vừa ký kết, Mỹ - Diệm ra sức phá hoại hiệp định cùng lời tuyên bố trắng trợn “không có hiệp thương tổng tuyển cử” do “chúng không ký và không bị ràng buộc bởi hiệp định đó”.

Đối với Tây Nguyên, địa bàn Đắk Lắk chiếm vị trí rất quan trọng về cả mặt quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội. Vì thế, chúng ra sức đầu tư xây dựng Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung trở thành một trung tâm căn cứ quân sự cơ động và ra sức khai thác tiềm năng to lớn về kinh tế nhằm mục đích phục vụ cho kế hoạch xâm chiếm lâu dài miền Nam Việt Nam và cả Đông Dương.

Cuối năm 1954, Mỹ - Diệm áp dụng chế độ xâu thuế cũ của thời Pháp, bắt nộp thuế thân, đồng thời dùng chính sách mua chuộc, lừa mị đồng bào các dân tộc như đưa hàng viện trợ Mỹ. Địch gấp rút mở rộng đồn điền Đắk Mil, Đắk Song; cưỡng ép các linh mục và đồng bào theo đạo Thiên chúa miền Bắc di cư vào, lập ra các khu di cư ở Đức Minh, Đức Mạnh (Đắk Mil). Phát triển đạo Tin lành trong vùng dân tộc ít người để tạo cơ sở chính trị - xã hội cho chế độ Diệm.

Về phía ta, năm ngày trước Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ VI (từ ngày 15 đến ngày 17/7/1954) để bàn về tình hình nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội nghị đã khẳng định: Đế quốc Mỹ đang là kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân ta. Vì thế phải tập trung lực lượng chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng để thực hiện hòa bình, thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Trước âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước lên trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”.

Trong hai ngày 27 và 28/7/1954, Liên khu ủy Khu V đã triệu tập Hội nghị Liên khu ủy mở rộng với sự tham dự của các bí thư tỉnh ủy. Hội nghị đã đi sâu phân tích diễn biến tư tưởng của cán bộ và quần chúng nhân dân trong khu, những thuận lợi và khó khăn của ta trong tình hình mới… Từ đó, Hội nghị đề ra những nhiệm vụ cấp bách cần phải hoàn thành trước ngày 31/8/1954 (ngày bàn giao chính quyền cho đối phương theo đúng Hiệp định Giơnevơ), đó là: Tiến hành một đợt tuyên truyền giáo dục thật sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định Giơnevơ , về tình hình nhiệm vụ mới, về phương châm, phương pháp đấu tranh mới; sắp xếp, bố trí lại bộ máy lãnh đạo của Đảng và các tổ chức quần chúng từ khu cho đến cơ sở phù hợp với tình hình mới; biên chế lại lực lượng vũ trang thành các trung đoàn, sư đoàn để biểu dương lực lượng và chuyển quân tập kết ra Bắc theo đúng kế hoạch.

Chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương và của Liên khu ủy Khu V, đầu tháng 8/1954, Thường vụ Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk đã họp và đề ra ba công tác lớn của tỉnh: Thứ nhất là, công tác tập kết ra Bắc do đồng chí Lê Văn Nhiễu – Bí thư Ban Cán sự tỉnh kiêm Chính ủy Trung đoàn 84 phụ trách. Thứ hai là, công tác bàn giao chính quyền cho đối phương do đồng chí Nguyễn Khắc Tính (Ba Ban) và đồng chí K’Nơng Y Bun (Ama Khê) Thường vụ Ban cán sự tỉnh phụ trách. Thứ 3 là, công tác sắp xếp cán bộ ở lại hoạt động do đồng chí Phạm Thuần – Thường vụ Ban cán sự tỉnh phụ trách.

Giữa tháng 8/1954, lực lượng của tỉnh Đắk Lắk tập trung về Tân Vinh – khu căn cứ của miền tây Phú Yên chuyển cho Đắk Lắk xây dựng trong kháng chiến chống Pháp, để tổ chức lễ mừng chiến thắng và liên hoan chia tay giữa nhân dân và quân đội của tỉnh. Buổi lễ có trên 2.000 đồng bào dân tộc các vùng căn cứ du kích và vùng địch tạm chiếm ở các huyện về dự cùng hàng nghìn cán bộ chiến sĩ quân dân chính của tỉnh. Buổi lễ đã nói lên thắng lợi của 9 năm kháng chiến chống Pháp, thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ và nhiệm vụ đấu tranh của nhân dân sắp đến. Sau lễ tổ chức liên hoan đoàn kết, quân dân ta đã xuất kho cấp phát cho dân muối, gạo, nông cụ cho đồng bào đến dự. Buổi lễ chia tay quân, dân đã gây một ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào kéo dài đến những năm sau này. Sau buổi lễ, lực lượng vũ trang của tỉnh rút về Bình Định để cùng lực lượng các tỉnh Tây Nguyên thành lập trung đoàn chiến đấu.

Với một thời gian ngắn từ ngày 1 đến 31/8/1954, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì triển khai các hoạt động trên một địa bàn rộng, thông tin liên lạc khó khăn, việc tập kết rút quân tiến hành gấp nhưng quân và dân Đắk Lắk đã hoàn thành đúng theo kế hoạch và thời gian quy định.

Ngày 6/9/1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về tình hình mới và nhiệm vụ công tác mới của miền Nam, Chỉ thị nêu rõ: “Kẻ thù trước mắt của ta là đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và tay sai của chúng. Nhiệm vụ trước mắt của miền Nam là: Thi hành triệt để Hiệp định đình chiến (tập kết quân đội, rút quân ra Bắc). Đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng Hiệp định; chuyển hướng công tác cho thích hợp với điều kiện hòa bình… sắp xếp cán bộ, bố trí lực lượng; bảo đảm vừa che giấu được lực lượng, vừa lợi dụng được những khả năng thuận lợi mới mà hoạt động để thực hiện chủ trương, chính sách và khẩu hiệu mới của Đảng; đoàn kết rộng rãi, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, đấu tranh đánh đổ Chính phủ Ngô Đình Diệm, lập Chính phủ không thân Mỹ, tiến tới hiệp thương thống nhất Tổ quốc. Phương châm đấu tranh của ta lúc này là “kết hợp công tác hợp pháp và không hợp pháp, hết sức lợi dụng mọi khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp mà tuyên truyền tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh, khéo công tác, khéo che giấu lực lượng”.

Thực hiện chỉ thị trên, sau khi lực lượng quân, dân, chính đảng của Đắk Lắk (chủ yếu là lực lượng vũ trang) đã tập trung về Bình Định để học tập chủ trương, đường lối của Đảng sau Hiệp định Giơnevơ.

Dựa vào sự chỉ dẫn của Trung ương về tình hình nhiệm vụ và phương pháp đấu tranh mới, Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk đã bố trí số cán bộ, đảng viên trên thành hai bộ phận hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp với khoảng 120 đồng chí; cử hai bộ phận về hoạt động gây dựng cơ sở vùng Tây Nam của tỉnh: Bộ phận hoạt động hợp pháp có ba đồng chí Nguyễn Tùy (Năm Tùy) làm đội trưởng, Phạm Văn Hương và Bùi Văn Viện. Bộ phận hoạt động bất hợp pháp có năm đồng chí là :Trần Phòng (Bảy Biên) làm đội trưởng, các đồng chí Ba Đạo (Ma Nhao), Nguyễn Xuân Hòa (Ma Thu), Y Bớ (Ma Sa) và Y Đum (Ma Dút) làm đội viên.

Bộ phận hợp pháp cho thị xã Buôn Ma Thuột và các thị trấn Cheo Reo, Đắk Mil, Bản Đôn 20 đồng chí. Bộ phận bất hợp pháp cho 7 huyện nông thôn, cho cơ quan tỉnh và giao thông liên lạc gồm khoảng 100 đồng chí. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí một số cán bộ, đảng viên người dân tộc về sống và làm việc trong nhân dân để hoạt động tại chỗ.

Ở khu vực Nâm Nung, địa chỉ được đội thâm nhập đầu tiên là bon Đru (xã Đắk Rồ, nay là xã Đắk Drô). Các đồng chí đã móc nối được với cụ gia lên là Bơ Trang (Sau là đảng viên, cha nuôi của đồng chí Trần Phòng). Thông qua cụ Bơ Trang ta tranh thủ tuyên truyền, giáo dục và xây dựng được cơ sở trong toàn bon. Anh em trong đội công tác cũng thường xuyên vận động chăm sóc, tắm rửa, cắt tóc cho trẻ em, cùng làm rẫy, trồng hoa màu với nhân dân tạo thêm nguồn lương thực. Nhờ có phương châm và phương pháp vận động phù hợp nên các cơ sở cách mạng ở đây dần dần được xây dựng và phát triển, đồng thời khôi phục được bốn cơ sở ở bốn xã vùng Nâm Nung tạo tiền đề cho việc xây dựng nơi đây trở thành vùng căn cứ đứng chân của tỉnh Quảng Đức trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bộ phận hoạt động bất hợp pháp không nhận được sự chỉ đạo của trên nên anh em chỉ dựa vào nội dung tuyên truyền, vu khống của địch để giáo dục cho quần chúng hiểu bản chất của vấn đề và ý đồ thâm độc của kẻ thù, đồng thời bày cách cho đồng bào chống lại chúng. Đến cuối năm 1955, đội công tác gây dựng thêm được cơ sở ở các xã Đắk La (thuộc huyện Đắk Mil ngày nay) và xã Đắk Mâm, các buôn: Thu, Ma Ha, Jrah (thuộc huyện Krông Nô ngày nay), các đồng chí trong chi bộ bí mật xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong các buôn, xã đồng bào tại chỗ.

Để bảo đảm sự lãnh đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, các đồng chí trong đội hoạt động bất hợp pháp đã tổ chức cho anh em cải trang là người dân tộc lên bám khu vực chợ Buôn Ma Thuột để bắt liên lạc với bộ phận hoạt động hợp pháp. Cuối cùng, hai bộ phận đã gặp được nhau, nhờ đó phong trào cách mạng ở các huyện phía Nam tỉnh dần được đẩy lên, phối hợp với phong trào đấu tranh chung của tỉnh.

Việc bố trí cán bộ bám lại chiến trường là một thắng lợi lớn bước đầu, tỉnh Đắk Lắk tranh thủ thời gian địch còn sơ sở, kịp thời đưa cán bộ lên khắp các địa bàn trong tỉnh, bảo đảm được bí mật, an toàn, che giấu được lực lượng ta, địch không phát hiện được. Đặc biệt, tỉnh đã sớm bố trí được một đội ngũ cán bộ hợp pháp vào thị trấn, thị xã, tạo một thời gian dài, kết hợp giữa hai lực lượng hợp pháp và bất hợp pháp, giữa nông thôn và thành thị hỗ trợ lẫn nhau. Cán bộ hợp pháp ở lại thị xã đã phục vụ tốt cho công tác nắm tình hình địch, giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế tài chính cho tỉnh, phục vụ tốt cho việc xây dựng phát triển cơ sở cách mạng ở thị xã, thị trấn và nông thôn.

Năm 1955, Mỹ - Diệm cho tiến hành các hoạt động phá hoại hiệp định, như thi hành chính sách “tố cộng”, diệt cộng” với những thủ đoạn rất dã man, trắng trợn, kết hợp với dụ dỗ, lừa bịp với những phương châm “thà giết nhầm còn hơn bó sót”.

Tháng 3/1955, Diệm xóa bỏ chế độ “Hoàng triều cương thổ” của vua Bảo Đại và lập ra Tòa đại diện Chính phủ tại Cao nguyên trung phần, trụ sở đóng tại Buôn Ma Thuột. Tháng 6/1955, Ngô Đình Diệm ký ban hành chính sách “Kinh – Thượng đề huề - Quân dân nhất trí – khai thác miền sơn cước”, chúng đưa bọn tay chân mê hoặc được một số thanh niên ra làm “lễ tuyên thệ” ủng hộ thủ đoạn này, đích thân Ngô Đình Diệm chủ trì buổi lễ. Sau đó, chúng cho phép bọn ngụy quyền, tướng tá quân đội ngụy khai thác đất đai ở các vùng trù phú, lập ra các đồn điền cà phê, cao su, độc quyền khai thác nông – lâm sản.

Năm 1956, địch ra sức củng cố hệ thống tề ngụy ở cơ sở xã, buôn, bon cho các toán gián điệp, biệt kích len lỏi vào vùng căn cứ của ta để thăm dò. Dưới chiêu bài “Thượng du vận” và những buôn, bon địch đã kiểm soát, chúng tổ chức nhiều cuộc cưỡng ép đồng bào Êđê, M’nông phải khai báo những người tham gia cách mạng, che giấu, tiếp tế, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng trước đây nhằm đánh vào cơ sở cách mạng của ta. Chúng đưa các đoàn chiêu hồi, tâm lý chiến nấp dưới hình thức các đoàn vệ sinh, y tế đi phun thuốc trừ muỗi, các lái buôn, để đi sâu vào tận các buôn làng người Thượng hoạt động dài ngày hòng tìm ra dấu vết cán bộ nằm vùng của ta trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, các buôn người Êđê, M’nông tại Nâm Nung và các buôn, bon khác đã gây dựng được sơ sở cách mạng, được giác ngộ cách mạng phát động quần chúng nhân dân không chịu lập tề - ngụy; không chịu thay đổi chủ bon, nhiều buôn, bon che giấu cán bộ của đội công tác và các cơ sở cách mạng, bảo vệ lực lượng của ta.

Công tác vận động quần chúng xây dựng phát triển cơ sở ở Đắk Lắk trong những năm 1955 đến 1956 phát triển mạnh. Một mặt ta móc nối lại số cán bộ cũ ở nông thôn, đẩy mạnh xây dựng phát triển cơ sở ở vùng đồng bào các dân tộc, mặt khác xây dựng cơ sở mới vào vùng địch, thị trấn, các đồn điền. Mỗi buôn, mỗi vùng chỉ có một vài cán bộ bám sát vào dân, quần chúng hóa, ăn ở trong dân, cùng lao động sản xuất với dân, dạy thanh niên học chữ, dùng thuốc nam chữa  bệnh cho dân. Cán bộ được dân tin, dân mến, được dân che chở khi có địch, nuôi dưỡng khi đau ốm, nhiều đồng chí được dân xem như con em trong bon, buôn, được dân thừa nhận là thành viên trong cộng đồng dân tộc ít người. Nhờ đó, ta nắm được đông đảo nhân dân, nắm được tề ngụy ở xã, buôn, nắm được cả lớp trên, già làng hình thành mặt trân đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân chống Mỹ - Diệm. Công tác binh vận thời gian này cũng làm tốt, vận động được số đông binh lính, tranh thủ được một số đồn trưởng, quận trưởng, tỉnh phó người dân tộc hướng họ có cảm tình với cách mạng, có người làm ngơ để cho nhân dân tham gia cách mạng. Các huyện phía Bắc của tỉnh có cơ sở đều khắp các buôn làng, nhiều nơi đã xây dựng được cơ sở đảng, các huyện phía Nam của tỉnh tuy còn hẹp nhưng cán bộ cũng bám được dân. Ở huyện Đắk Mil lúc đầu đứt liên lạc với tỉnh nhưng đội công tác vẫn bám xây dựng được cơ sở ở 7 xã trong huyện.

Đi đôi với xây dựng phát triển cơ sở, trong hai năm 1955 đến năm 1956 tỉnh cũng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, đem lại những quyền lợi thiết thực cho dân. Sau khi có lệnh ngừng bắn, quần chúng nhân dân đã đẩy mạnh phong trào chống xâu, chống thuế buộc địch phải bãi bỏ việc bắt dân đi xâu cho các đồn điền của chúng và bãi bỏ thuế thân, đấu tranh đòi tự do đi lại, chống khủng bố bắt người, đấu tranh đòi chồng con đi lính cho địch trở về. Hàng trăm người nhà binh lính người dân tộc ở vùng ta và cả trong vùng địch kéo lên đồn, lên quận đấu tranh với khẩu hiệu “Hòa bình rồi, phải trả chồng con về nhà làm ăn”. Cuộc đấu tranh kéo dài nhiều ngày ở các đồn bốt địch, một số cán bộ người Kinh đã cải trang cùng đi với dân vào đồn địch để trực tiếp lãnh đạo đấu tranh, kéo được một số lính trở về nhà.

Bước vào cuộc chiến đấu mới, ta có những thay đổi rất cơ bản cả thế và lực, cả phương châm và phương pháp đấu tranh. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; từ hoạt động công khai chuyển sang hoạt động bí mật; từ kháng chiến chống Pháp sang đấu tranh chính trị chống Mỹ - Diệm đòi thi hành hiệp định Giơnevơ.

Tháng 7/1955, hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi hiệp thương, ở Đắk Mil có những đoàn đại biểu và quần chúng lên đồn, lên quận đưa kiến nghị đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Trước những hoạt động phá hoại của Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu ý dân phế truất Bảo Đại (10/1955), công khai xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, tổ chức bầu cử quốc hội riêng rẽ và ban hành hiến pháp mới (3/1956).

Nắm bắt các hoạt động của địch, tổ công tác của ta kịp thời hướng dẫn nhân dân không đi bỏ phiếu, số người bị bắt đi, ta lãnh đạo làm bẩn phiếu, rách phiếu hay bỏ cả hai phiếu vào một thùng, đồng thời tập dượt cho quần chúng nhiều phương thức đấu tranh với địch, nhiều cuộc đấu tranh chống địch của quần chúng ở các vùng liên tiếp diễn ra. Có nơi tẩy chay bầu cử bịp bợm của Diệm, cơ sở ta vận động binh lính ném lựu đạn giải tán điểm bầu cử; quần chúng các buôn làng vùng Sa Na, Yang Yú ở Đắk Mil đã giằng co, trì hoãn làm phá sản kế hoạch dồn dân vùng sâu ra trục đường 14.

Đầu năm 1957, Mỹ - Diệm chuyển lên đánh phá miền núi, chúng triển khai chiến dịch “tố cộng” ra sức dồn dân miền núi vào khu tập trung ở giáp ranh các tỉnh đồng bằng nhằm kiểm soát dân chặt chẽ hơn và đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi miền núi.

Ngày 22/2/1957, nhằm mục đích khuếch trương cho chính sách khai thác Tây Nguyên, Ngô Đình Diệm còn tổ chức Hội chợ triển lãm về kinh tế cao nguyên tại thị xã Buôn Ma Thuột để triển khai kế hoạch chiếm đoạt đất đai, rừng núi, bến nước của đồng bào dân tộc thiểu số, lập hệ thống các dinh điền. Trong diễn văn, Ngô Đình Diệm đã lên tiếng kêu gọi nhân dân vùng đồng bằng hãy lên định cư ở cao nguyên để khai thác vùng cao nguyên một cách nhanh nhất và nhiều nhất nhằm phục vụ cho công cuộc xâm lược và thống trị của chúng. Lời tuyên bố của Diệm tại Hội chợ đã mở đầu chiến dịch đưa người Kinh quê ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh ở Nam bộ lên Tây Nguyên lập một số dinh điền. Hàng chục vạn đồng bào người Kinh, phần lớn là những người kháng chiến cũ, phải rời bỏ quê hương làng xóm thân yêu của mình lên sống ở vùng “rừng thiêng nước độc” này.

Đến tháng 5/1957, chính quyền Ngô Đình Diệm thông quan đạo luật “Đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, công khai hóa việc đàn áp cách mạng miền Nam Việt Nam”. Ngoài ra, Ngô Đình Diệm còn tiến hành một số hoạt động đưa một số chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, gạo muối… lên viện trợ cho những vùng chúng thấy có thể quy thuận được. Chúng tập trung đầu độc thanh thiếu niên, cho ăn chơi đua đòi để biến họ thành những nhân viên chỉ điểm, mật vụ làm tay sai cho chúng.

Chính quyền Diệm nhận định muốn khai hóa văn minh vùng dân tộc, phải xóa bỏ các luật tục của đồng bào các dân tộc như: Luật Sử dụng đất đai, luật Hôn thú, luật Tang lễ,… thay vào đó là luật chung của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng bắt đồng bào thay đổi cách mặc, đàn ông phải bỏ khố, đàn bà phải bỏ váy, mặc quần áo như người Kinh. Để đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân, Diệm đưa một số đơn vị lính Nùng thuộc Sư đoàn 5 từ miền Bắc vào vùng Đắk Mil để làm áp lực cho việc xây dựng hệ thống tề ngụy các buôn, bon xã người M’nông, Êđê. Nhưng các cơ sở cách mạng của ta ở địa phương đã vận động đồng bào bất hợp tác với địch nên chúng không sao lập được tề.

Những hành động trên của Mỹ - Diệm đã làm tăng thêm mức độ trầm trọng và sâu sắc của mâu thuẫn dân tộc giữa một bên là nhân dân miền Nam, bao gồm tất cả các dân tộc, tôn giáo, đảng phái, với một bên là đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai của chúng.

Năm 1957, Đắk Lắk vốn là vùng địch hậu, trong kháng chiến phong trào cách mạng còn yếu nên các đợt “tố cộng” của địch tập trung chủ yếu vào các vùng căn cứ kháng chiến, vùng du kích cũ. Địch bắt dân làm thẻ kiểm tra, kê khai dân số, kê khai gia đình kháng chiến, gia đình có người đi tập kết, bắt dân đi học tố cộng, tuyên truyền nói xấu cộng sản, chia rẽ Kinh – Thượng, truy bắt đánh đập, tra tấn số cán bộ cốt cán của ta. Địch dùng lính bảo an, cảnh sát lùng sục ven buôn, rẫy để phát hiện nơi ăn, ở của cán bộ bất hợp pháp, ngăn cấm dân không được để lúa gạo ở rẫy, ban đêm không được ngủ ở rẫy, ngăn cấm việc tiếp tế, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng, đưa bọn mật vụ chỉ điểm ở các tỉnh đồng bằng miền Trung lên Đắk Lắk để theo dõi nhận diện, truy bắt số cán bộ hợp pháp, cán bộ chuyển vùng của ta. Nhưng so với đồng bằng, hoạt động “tố cộng” của địch ở Đắk Lắk không quyết liệt, mức độ tổn thất về cán bộ, đảng viên không nhiều. Cán bộ ta lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống khủng bố bắt người, không chịu đi học tố cộng, nhân dân đã lợi dụng những phong tục tập quán của người dân tộc làm lý do để không cho địch vào làng, tổ chức cắm chông, gài mang cung ở ven rẫy không cho địch đi lùng sục.

Được sự chỉ đạo của Liên tỉnh V, Đắk Lắk mở đợt học tập cho cán bộ, đảng viên, cốt cán và nhân dân về các tài liệu như: Thương dân, yêu nước đứng lên làm cách mạng; Ba thương ba ghét; Chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản; Khí tiết người đảng viên cộng sản. Đây là những nội dung giáo dục rất cơ bản vừa phù hợp với trình độ của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc, phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Đợt học tập mở rộng khắp trong Đảng bộ và ở cơ sở đã nâng cao được nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chống lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, giữ vững khí thế của nhân dân và ý chí cách mạng cho cán bộ đảng viên. Trong thời gian địch tố cộng, tư tưởng của cán bộ đảng viên có những diễn biến phức tạp, Đảng bộ đã phải dùng những hình thức văn nghệ, thơ ca, dùng tờ báo “Thống nhất” của tỉnh để tuyên truyền, giáo dục, động viên tư tưởng cho anh em.

Từ tháng 7/1957, với việc bắt di dân ồ ạt lên Đắk Lắk lập dinh điền phục vụ mục đích quân sự, địch đã chiếm nhiều vùng đất đai còn hoang hóa và lấn chiếm cả những vùng có ruộng rẫy của đồng bào các dân tộc đã sản xuất, làm ăn sinh sống từ lâu đời, trực tiếp uy hiếp đời sống của đồng bào dân tộc, đụng chạm đến quyền lợi đất đai, rừng núi, nguồn nước, đến tập quán làm ăn của đồng bào các dân tộc. Việc này không chỉ đối với những nông dân lao động mà đến cả lớp trên và trung gian, đến chủ đất, chủ làng, chủ bến nước… đến gia đình binh lính sĩ quan công chức người dân tộc, do đó nỗi bất bình của các tầng lớp quần chúng với chính quyền Ngô Đình Diệm trở nên rất sâu sắc. Tuy nhiên, ta đã kịp thời lãnh đạo, giáo dục nhân dân vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch dồn dân, lập ấp, lập dinh điền phục vụ mục đích quân sự của chúng. Một số phong trào quần chúng vùng dân tộc chống chiếm đất đã nổi lên mạnh mẽ quyết liệt.

Để bảo vệ đất đai của mình, đồng bào các dân tộc đã đưa đơn đến tỉnh, quận kiện việc chiếm đất, hàng nghìn người đã kéo ra ruộng rẫy đóng cọc, căng dây, giữ phạm vi đất đai của mình không cho địch lấn chiếm, phong trào chống chiếm đất đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, binh lính người dân tộc cũng đồng tình với phong trào đấu tranh của quần chúng đã buộc địch phải nhượng bộ, trả lại những nương rẫy lấn chiếm của dân. Qua đợt đấu tranh này, tinh thần và khí thế của nhân dân các dân tộc được nâng lên, mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm và nhân dân ngày càng sâu sắc thêm.

Đồng bào miền xuôi do địch đưa lên Đắk Lắk phần lớn là dân các vùng tự do, vùng kháng chiến cũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, đã từng sống dưới chế độ ta, có người là cán bộ, đảng viên nay bị địch cưỡng ép di dân, họ rất căm thù địch. Phong trào chống di dân ở các tỉnh đồng bằng lúc này cũng rất quyết liệt, nhiều gia đình đấu tranh giành chồng con, nhiều người nằm cản đầu xe không cho chở chồng con đi di dân. Lãnh đạo địa phương đã vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, hướng dẫn đồng bào đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đòi giải quyết đời sống, đòi trở về quê cũ, đoàn kết với đồng bào các dân tộc, chĩa mũi nhọn vào chống Mỹ - Diệm.

Trước sự đấu tranh quyết liệt của đồng bào, âm mưu, thủ đoạn dồn dân lập dinh điền của địch bị thất bại từng bước, chúng phải hạn chế dồn dân, lập dinh điền ở những nơi hoang hóa, không cày ủi chiếm đất, nương rẫy của đồng bào.

Suốt 5 năm (1954-1958), cuộc đấu tranh đòi Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ của nhân dân đã chịu nhiều tổn thất vô cùng lớn lao. Rất nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước và cả những người vô tội (trẻ em, người già, phụ nữ) đã bị chúng giết hại một cách dã man. Việc đấu tranh bằng hòa bình, bằng thương lượng với chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm trong khi ta bị tước quyền tự vệ là tự sát, địch dùng bạo lực phản cách mạng tiêu diệt ta, ta phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt chúng đó là lô gíc của thời đại.

Đoàn B90 thực hiện nhiệm vụ xoi, mở đường nối liền đoạn Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ

Từ năm 1958, Trung ương và Liên khu V đã có sự chú ý hơn đến phong trào cách mạng ở Tây Nguyên. Giữa năm 1958, Liên khu V tổ chức Hội nghị họp kiểm điểm tình hình và nghiêm khắc phê phán những sai lầm, khuyết điểm trong việc chỉ đạo và lãnh đạo của Khu ủy. Hội nghị đã kết luận: “Nhìn chung từ sau Hiệp định Giơnevơ đến năm 1958, phong trào đấu tranh của quần chúng có đưa lên liên tục nhưng chưa thành phong trào mạnh, khuyết điểm chung của khu là đánh giá còn nhiều sai lệch, không nắm bắt kịp thời âm mưu thủ đoạn của địch nên đối phó bị động. Nhận thức đường lối không đúng, quá tin vào pháp lý Hiệp định Giơnevơ, quá tin vào đấu tranh chính trị. Chưa thấy rõ đặc điểm của miền núi để sớm xây dựng căn cứ địa. Thực tế địch có hung bạo, đường lối Đảng có nhiều thiếu sót, nhưng nếu chỉ đạo của Đảng bộ khu không mắc sai lầm thì phong trào trong khu sẽ khác hơn”. Từ nhận định đó, Liên khu ủy đã đề ra một số phương hướng để chuyển phong trào đi lên: Xây dựng Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng thành căn cứ địa cách mạng; bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang ở miền núi để làm nhiệm vụ tự vệ, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ; khôi phục lại phong trào vùng đồng bằng.

Hội nghị ra Nghị quyết về xây dựng căn cứ Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh đồng bằng Nam Trung bộ với những nội dung cụ thể như: Phát động nhân dân làm “nương rẫy cách mạng”, tích trữ và cất giấu lương thực, muối, vũ khí, thuốc men để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Tinh thần bản Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn và các chủ trương của Hội nghị Khu ủy đã mở đầu cho việc chuyển phong trào cách mạng theo phương hướng mới. Cũng trong năm 1958, Liên khu ủy V có chỉ thị về xây dựng căn cứ địa, đã nêu rõ “xây dựng căn cứ địa là một vấn đề chiến lược của cách mạng. Từ sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ - Diệm đã có âm mưu xây dựng Tây Nguyên thành trung tâm căn cứ quân sự cơ động ở miền Nam, vì vậy một trong những nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là phải tích cực phá kế hoạch xây dựng trung tâm căn cứ của địch, từng bước biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta, xây dựng Tây Nguyên thành chỗ dựa vững chắc và lâu dài của cách mạng miền Nam”.

Sau khi Ban Cán sự Đảng Đắk Lắk tiếp cận Bản đề cương về đường lối cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn. Qua nghiên cứu, các đồng chí rất phấn khởi với vấn đề “đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ”. Tuy chưa có Nghị quyết Trung ương nhưng Ban cán sự tỉnh căn cứ phong trào thực tiễn của quần chúng, từng bước tổ chức thành những tổ, nhóm bán vũ trang (tự vệ mật, du kích mật…) để bảo vệ nhân dân, bảo vệ cán bộ, cơ sở. Đến cuối năm 1958, đồng bào Tây Nguyên không ngừng đấu tranh diệt ác ôn, bảo vệ cán bộ, bảo vệ đồng bào, phá cuộc càn quét dồn dân của địch.

Nhờ sự hoạt động tích cực và chuyển hướng kịp thời, từ phương thức đấu tranh vũ trang thời kháng chiến chống Pháp sang đấu tranh chính trị, che giấu và giữ gìn lực lượng cách mạng, nên các xã miền núi trên địa bàn Đắk Mil như: Nâm Nung, Nam Ka, Đắk Mâm, Jrah, Đắk D’rô, K’Rue, Buôn Leng ta xây dựng được các cơ sở cách mạng sâu rộng. Tại các buôn, bon này cũng hình thành được các tổ chức tự quản, để đối phó một cách kịp thời và hữu hiệu với địch trong việc tố cộng và cướp đất, lập các dinh điền. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng bí mật, các tổ, đội vũ trang tuyên truyền của ta nhanh chóng thâm nhập xuống tận xã, buôn, bon, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng bí mật trong lòng địch. Công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân, xây dựng phát triển cơ sở cách mạng được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Nhờ đó, ta móc nối lại số cán bộ cốt cán cũ ở nông thôn, đẩy mạnh xây dựng phát triển cơ sở ở vùng đồng bào các dân tộc; xây dựng cơ sở mới vào vùng địch, thị trấn, các đồn điền. Cán bộ của ta được dân tin yêu, che chở, nhờ đó ta nắm được tề ngụy ở xã, buôn, bon; vận động được đông đảo nhân dân, các già làng và một số tầng lớp trên hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi chống Mỹ - Diệm.

Năm 1959, vùng Nam Tây Nguyên bị địch liên tục đánh phá và khống chế gắt gao, đời sống kinh tế của đồng bào hết sức khó khăn, phong trào cách mạng chưa thực sự phát triển mạnh và đều khắp, nhiều nơi vẫn còn là vùng “trắng” do địch kiểm soát. Trong lúc đó, với khí thế sục sôi căm thù giặc Mỹ xâm lược và trước xu thế vùng dậy của quần chúng, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), Hội nghị đã ra Nghị quyết về đường lối cách Việt Nam ở miền Nam, Nghị quyết nêu rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Nghị quyết 15 của Trung ương phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam; là ngọn lửa dấy lên cao trào đồng khởi, làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Sau một thời gian tuyển chọn, ngày 15/5/1959, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập đoàn vận tải chiến lược Bắc – Nam (Đoàn 559) do đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Chính ủy gồm nhiều Trung – Sư đoàn như F470, F471,… có nhiệm vụ xoi đường từ Q.K.4 vào Bắc Tây Nguyên (1960-1964). Ngay sau đó, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn được gấp rút khai phá. Đồng thời, theo chủ trương của Đảng, ngày 25/5/1959, Bộ Quốc phòng và Ban thống nhất Trung ương tổ chức đoàn B90 gồm 25 đồng chí đã từng hoạt động và chiến đấu trên các chiến trường Đông Nam bộ, Nam Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia do đồng chí Trần Quang Sang làm trưởng đoàn khẩn trương lên đường vào Nam thực hiện nhiệm vụ “về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắk Lắk hợp nhất với đội vũ trang công tác Bắc Đắk Mil (Nam Đắk Lắk) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, gây dựng cơ sở và xoi, mở đường về Nam Bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ”.

Cùng với chủ trương trên, Trung ương cũng chỉ đạo Liên khu ủy V giao cho tỉnh Đắk Lắk gấp rút khai thông đường hành lang chiến lược từ Nam Tây Nguyên vào Đông Nam bộ; đồng thời Xứ ủy Nam Bộ phải trực tiếp chỉ đạo Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức mở đường từ chiến khu Đ ra Nam Tây Nguyên, bắt liên lạc với Đoàn B90.

Đến cuối tháng 10/1959, Đoàn B90 của Trung ương vào đến chiến trường, tập kết tại buôn Đru, Đắk Rồ. Lực lượng của tỉnh lúc này có đội vũ trang công tác của các đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên), Lê Đạo (Ama Nhao), Nguyễn Xuân Hòa (Ama Thu), Ama Sa, đứng chân ở Đức Lập (Đắk Mil – địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung). Để bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn B90 với bộ phận công tác Đắk Mil trong công tác khai thông hành lang chiến lược Bắc – Nam và phát triển phong trào cách mạng ở Nam Tây Nguyên. Tháng 11/1959, Liên khu ủy V điều đồng chí Vũ Anh Ba (Hồng Ưng), Bí thư Ban Cán sự tỉnh Đắk Lắk xuống chỉ đạo Đoàn B90 và Đội công tác Đắk Mil, đặc trách công tác mở đường móc nối với miền Đông Nam bộ và phát triển cơ sở cách mạng của tỉnh.

Theo sự chỉ đạo của đồng chí Ba Đạo và đồng chí Vũ Anh Ba (Hồng Ưng), Đoàn B90 cùng với đội công tác Đắk Mil hợp nhất thành một đơn vị, do đồng chí Vũ Anh Ba làm Bí thư. Sau một thời gian ngắn học tập về đường lối cách mạng, với phương châm “Tích cực, khẩn trương nhưng vững chắc, xoi đến đâu bám vào dân đến đó, xây dựng cơ sở thành lõm đứng chân và mở rộng theo vết dầu loang, làm bàn đạp tiến lên phía trước: Nói chung là vừa xoi đường vừa tạo khí thế bám trụ được khi hành lang đã mở ra”. Đơn vị B90 tổ chức thành 3 đội, một mũi và hai bộ phận công tác, gồm một bộ phận xây dựng cơ quan, một bộ phận củng cố địa bàn, một mũi công tác Bắc quốc lộ 14, một đội mở đường xây dựng cơ sở lấy địa bàn yếu khu hành chính Đức Xuyên làm bàn đạp, hướng về Tây Nam tỉnh Tuyên Đức (nay là thành phố Đà Lạt) do đồng chí Ama Quang (Kpă Ngãi) phụ trách. Còn hai đội có nhiệm vụ mở đường về Nam Bộ gồm:

Đội I, do đồng chí Trần Quang Sang – nguyên Đoàn trưởng Đoàn B90 làm đội trưởng, đồng chí Lê Đạo (Ama Nhao) cán bộ đội công tác Đắk Mil cũ làm Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Văn Nhường làm đội phó, về sau tăng cường đồng chí Phạm Lạc cùng các đồng chí Hoàng Minh Đỏ, Trần Văn Thời, Nguyễn Văn Định, Danh, Kỉnh, Quảng, Ai, Cược, Bình là cán bộ Đoàn B90 làm đội viên. Đội có nhiệm vụ phát triển cơ sở từ Đru, Đắk Rồ lấy buôn Bu SaNar, Bu Sia, Bu N’tinh làm bàn đạp, mở theo hướng từ Đông Khiêm Đức, Gia Nghĩa, tiến về Đồng Nai Thượng (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) bắt liên lạc với bộ phận xoi đường đơn vị C200 của Đông Nam bộ từ chiến khu Đ lên Nam Tây Nguyên.

Đội II, lúc đầu do đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) – nguyên Phó Đoàn B90 làm Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa (Ama Thu) cán bộ đội công tác Đắk Mil (cũ) làm đội trưởng. Về sau đồng chí Phùng Đình Ấm, Bí thư chi bộ kiêm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Kính cán bộ Đoàn B90 làm đội phó, đồng chí Ama Sa (Y Bớ) – đội viên. Đội có nhiệm vụ từ bàn đạp Bu Đjră phát triển ra vùng ba biên giới xây dựng và phát triển cơ sở địa bàn Đắk Mil, Tây Gia Nghĩa, Đông và Tây Kiến Đức (vùng tiếp giáp giữa Trung Bộ, Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia – trung tâm của nó bây giờ là ngã ba Đồn 9, huyện Tuy Đức) vượt quốc lộ 14, tiến về bắt liên lạc với bộ phận mở đường của Liên tỉnh miền Đông ở hướng Bà Rá – Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Như vậy, địa bàn Kiến Đức (sau này là huyện Đắk R’lấp) là một trong những địa bàn quan trọng, đội II phải triển khai công tác xoi đường để về đến mục tiêu.

Việc mở đường khai thông hành lang chiến lược Bắc – Nam trên địa bàn Nam Tây Nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn gian khổ. Trong điều kiện chiến trường mới lạ, cơ sở cách mạng chưa có, thời tiết ở Tây Nguyên lúc bấy giờ vào mùa mưa, nước các suối đều dâng cao và chảy xiết; trời âm u, việc định hướng để cắt rừng rất khó khăn, không có phương tiện, dụng cụ thiên văn kể cả la bàn, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm đội công tác phải mò mẫm bám từng buôn, móc ráp từng người dân, phải tự lo về lương thực hậu cần trong quá trình hoạt động. Phương châm hành động là khẩn trương, thực hiện “bốn biến” (biến không thành có – biến khó thành dễ - biến ít thành nhiều – biến yếu thành mạnh) được quán triệt trong các bộ phận xây dựng phát triển cơ sở, xoi mở đường hành lang, xây dựng căn cứ và các bộ phận phục vụ. Sau khi sắp xếp phân công, phân nhiệm cho từng hướng, các đội công tác bắt đầu triển khai xuống cơ sở vào đầu tháng 12/1959.

Ở hướng đội 1 (Đông Quảng Đức) từ bàn đạp Jốc Ju, đội nhanh chóng phát triển cơ sở, xây dựng được lõm đứng chân tạo nhiều bon xoay quanh cao nguyên Plateau R’Bút, làm bàn đạp mở ra hướng bon Sa – Nar tiếp tục thành lõm bàn đạp mới mở ra hướng khu vực bon Đắk N’ting, tạo thế tiếp cận huyện Khiêm Đức và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh lỵ Quảng Đức).

Cuối tháng 8/1960, đội 1 nghiên cứu thấy bon Rưng là một bon lớn sở tại và nhiều bon khác địch gom lại thành nhiều khu tập trung nằm ngay bờ của ngã ba sông Đắk R’tíh và Đắk Deung, sát bìa phía Đông thị xã Gia Nghĩa, cạnh đó là quận lỵ Khiêm Đức. Đồng bào khu tập trung này cũng như bon Rưng không có quan hệ qua lại với đồng bào phía Đông Gia Nghĩa, chỉ có quan hệ qua lại với đồng bào phía Tây Gia Nghĩa mà thôi, báo cáo về lãnh đạo B.4 rằng, phía Tây Gia Nghĩa đã có lực lượng trong Nam hoạt động ra tới. Đội tổ chức một bộ phận 4 đồng chí gồm đồng chí Năm Nhường, đội phó và 3 đồng chí nữa (Lạc, Ma Đen và đồng chí y tá Thời) bí mật vượt lộ 14 bis (đoạn Nam Khiêm Đức) cắt rừng vượt sông Đắk R’tíh, đoạn vàm Đắk R’tíh, giáp sông Đồng Nai để tìm lực lượng phía Nam. Đến vàm Đắk R'tish, nước sông dâng cao do trận mưa lớn ở thượng nguồn, nước lũ đổ về chảy mạnh và xiết không thể qua được. Nhiệm vụ thôi thúc, các đồng chí đã quyết tâm thực hiện bằng cách lấy dây nối lại, cột vào thắt lưng đồng chí Thời để đồng chí tình nguyện bơi qua trước và đồng chí đã hy sinh. Sau đó, đội 1 lại nhận tiếp tin của ban lãnh đạo B.4 thông báo ám tín hiệu và địa điểm tìm bắt liên lạc với các đồng chí phía Nam, khi bộ phận cánh Nam do đồng chí Nguyễn Trọng Tâm – tức anh Bảy B.K – chỉ huy gồm các đồng chí Tâm, Cột, Tư đã phát hiện được dấu vết, nơi tạm trú của cánh phía Bắc, các đồng chí phục kích chờ đợi và hai đội gặp nhau vào lúc 16 giờ ngày 30/10/1960.

Như vậy gần một năm trời vừa phát triển xây dựng cơ sở, vừa cắt rừng xoi đường. Quá trình xoi, cắt rừng gian khổ, thiếu ăn (mỗi ngày mỗi người chỉ ăn một lon sữa gạo, phải độn thêm rau rừng như lá bép, đọt mây, măng non, môn dốc, v.v...), nên sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trong mũi suy yếu nhiều. Mùa mưa, trời mưa cả ngày, cả đêm, suốt tuần không có mặt trời. Có ngày tuột xuống một khe suối rồi leo lên một cái đồi cũng hết một ngày và đuối sức. Nhưng vượt qua khó khăn, thiểu thốn, đội 1 đã hoàn thành nhiệm vụ. Hành lang phía Đông Quảng Đức đã được khai thông để giữ mối liên lạc, mỗi bên Nam – Bắc đều cử cán bộ cùng đi với bên kia về đến căn cứ của ban lãnh đạo, báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới.

Ở hướng đội 2 (Tây Quảng Đức), từ bon Jră (Djrah) nằm phía Đông Bắc huyện Đức Lập làm bàn đạp để mở rộng cơ sở về hướng Nam và Tây Nam. Đội nhanh chóng tuyên truyền phát triển cơ sở và xây dựng các bon Đắk Prí, Bu Bơ Đắk Đam, R’loong, bon Ng’lao làm bàn đạp mới tiếp cận huyện lỵ Đức Lập và tiến về hướng Nam. Hương phát triển là khu vực bon Bu Róa, dinh điền Đức An (Đắk Song ngày nay) vượt lộ 14 bis và thượng nguồn Đắk Deung, sang Tây lộ 14 tiến về Bắc chiến khu Đ (tức Phước Long lúc bấy giờ).

Vào khoảng tháng 3/1960, đội 2 nhận được tin Ban lãnh đạo thông báo ở phía Nam có lực lượng lên đến bon Bu Gân, Tây lộ 14 khoảng 2 ngày đường, chỉ thị đội tìm cách bắt liên lạc. Nhưng lúc này đội chưa có khả năng vượt qua khu Bu Róa nên thời cơ bị bỏ lỡ. Sau đó, đội móc ráp được 1 cơ sở bon Nâm Nung là một làng nhỏ bị gom dân về Bu Róa, tìm hiểu tình hình Bu Róa là một khu tập trung lớn, có tên tề “Tống Giang” ác ôn nhất vùng kèm kẹp quần chúng chặt, phát triển nhanh về hướng này còn khó khăn, đội quyết định chuyển dịch về hướng Đông, phát triển cơ sở vào bon Bu Bơ Đắk Nông, 1 bon nằm trên trục 14 làm bàn đạp. Tháng 4/1960, trong dịp tuyên truyền tại bon Bu Bơ Đắk Nông, tên Tống Giang đã bố trí dân vệ gài thế hòng bắt sống toàn bộ (3 người gồm đồng chí Phùng Đình Ấm, Nguyễn Xuân Hòa, Am Thu) nhưng ta thoát được. Sau sự việc này, quần chúng bị địch kích động, dọa là ta sẽ trả thù nên chỉ trong một đêm tất cả đã bỏ làng, bỏ rẫy chạy vào lập khu tập trung sát thị xã Gia Nghĩa.

Sau vụ Bu Bơ Đắk Nông, tình hình phát triển về hướng Đông gặp khó khăn, cơ sở ở đây đã bị mất. Đội chuyển hướng chủ yếu về hướng Tây. Lấy bon Bu Ng’lao làm bàn đạp. Các đồng chí Ba Can, Bảy Kính nhận gia đình ông “già hủi” làm cha nuôi nhằm dễ tạo chỗ dựa, bám cơ sở mật tổ chức được ở bon Bu Róa nằm ở Nam lộ 14 bis nắm tình hình tìm cách xoi đường vượt qua khu vực Bu Róa, hướng về phía nga ba biên giới (Trois Fonfiere) đồng thời lúc này đội cũng phải tập trung củng cố cơ sở vùng mới được xây dựng đang bị tác động mạnh do hoạt động của địch sau vụ bon Bu Bơ Đắk Nông xảy ra.

Cuối tháng 9/1960, đội được Ban lãnh đạo B.4 triệu tập về căn cứ học tập, bàn kế hoạch khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ xoi mở đường. Sau khi nắm tình hình, đội đề nghị Ban lãnh đạo B.4 báo về Liên khu, để Liên khu trao đổi với phía Nam Bộ xin hẹn địa điểm hai bên gặp nhau bằng ám tín hiệu.

Thực hiện theo kế hoạch và nhiệm vụ, ngày 4/11/1960, đội xoi đường thứ hai của đoàn B90 bắt được liên lạc với lực lượng vũ trang tỉnh Phước Long, Đông Nam bộ tại trụ km 4 đường 14 kéo dài tính từ ngã ba Đắk Song đi Gia Nghĩa (nay là km23 Đắk Song đi Gia Nghĩa).

Như vậy, sau gần một năm vừa phát triển, gây dựng cơ sở quần chúng, vừa xoi mở đường, đến tháng 11/1960, cả hai đội của đoàn B90 (hướng Đông và hướng Tây) đều hoàn thành nhiệm vụ. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên khu V với miền Đông Nam bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến. Việc hai cánh phía Nam và phía Bắc ráp liên lạc được với nhau ở vùng này chẳng những làm cơ sở mở rộng đường hành lang chiến lược Nam – Bắc mà còn mở ra cho phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở đây một trang sử mới. Đây là thắng lợi to lớn đạt được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, Đảng và quân đội ta đã đặt ra và trải qua bao hy sinh xương máu chưa đạt được nay được ghi vào truyền thống của Đoàn B90 như một nét son sáng chói, rất đáng tự hào, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung, góp phần khai thông đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cục Nam Trung bộ nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.

Khẩn trương xây dựng Nam Tây Nguyên gắn với các tỉnh miền Đông Nam bộ thành căn cứ địa vững chắc mở thông tuyến đường chiến lược Bắc – Nam (1959 - 1960)

2. Quá trình thành lập tỉnh Quảng Đức và xây dựng căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959-1960)

Ngày 23/1/1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh thành lập ở Nam Tây Nguyên một tỉnh mới lấy tên là Quảng Đức, phạm vi từ phía Nam cầu 14 vào đến Phước Long gồm 3 huyện Đức Lập, Khiêm Đức, Kiến Đức và 1 khu hành chính Đức Xuyên, Tỉnh lỵ đóng tại Gia Nghĩa nhằm khống chế một địa bàn chiến lược ở Nam Tây Nguyên và để ngăn chặn hành lang của ta vào Nam bộ.

Tháng 5/1959, Mỹ - Diệm đưa ra Luật số 10/59 – đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi, mở tòa án xét xử và chém giết ngay tại chỗ những người chúng cho là theo cách mạng. Chúng còn mở các cuộc hành quân quy mô lớn cỡ trung đoàn, sư đoàn đánh vào căn cứ miền Tây các tỉnh Liên khu V để gom xúc dân, nhằm đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân.
Ngày 13/1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 15, ra nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền thống trị đế quốc Mỹ và tay sai dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Chỉ thị ngày 7/5/1959 của Ban Bí thư gửi Xứ ủy miền Nam nêu rõ nhiệm vụ đối với cách mạng miền Nam là: “Ra sức xây dựng căn cứ cách mạng”, cần phải lập căn cứ cách mạng ở cả miền Đông, miền Tây và miền Trung. Xây dựng căn cứ là để làm cơ sở vững chắc cho lực lượng cách mạng, là chỗ ở vững chắc cho bộ tham mưu, là nơi đào tạo và giáo dục cán bộ, xây dựng lực lượng để tiến tới làm nơi trung tâm hoạt động của mặt trận dân tộc thống nhất,… Phương châm đặt ra “là hết sức bí mật, khéo che giấu lực lượng, gọn nhẹ, lấy công tác chính trị làm cơ sở hoạt động, linh hoạt và cương quyết chống lại địch lúc cần thiết để bảo vệ lực lượng cách mạng.

Đối với địa bàn Tây Nguyên, tháng 5/1959, Ban Chấp hành Trung ương ra chỉ thị về nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên. Chỉ thị xác định “Xây dựng Tây Nguyên, trọng tâm là xây dựng các tỉnh Nam Tây Nguyên trở thành một căn cứ địa vững chắc ở miền Nam, phá vỡ kế hoạch xây dựng trung tâm căn cứ quân sự của Mỹ - Diệm, tạo thế mạnh cho cách mạng miền Nam chuyển sang tiến công địch và tích cực góp phần bảo vệ miền Bắc”. “Phương hướng phấn đấu của ta là ra sức xây dựng lực lượng, xây dựng trung tâm căn cứ cách mạng, mở rộng các vùng trọng yếu, tiến lên xây dựng thực hiện chiến tranh du kích cục bộ, làm chủ những vùng rộng lớn ở Tây Nguyên, uy hiếp và thu hẹp vùng kiểm soát của địch, thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị toàn miền Nam, sẵn sàng hành động khi có thời cơ”, “xây dựng đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông Tây là yêu cầu trước mắt và lâu dài”. Đồng thời, Trung ương cũng giao cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và miền Đông Nam bộ, phải đảm trách nhiệm vụ quan trọng này, vì xây dựng căn cứ địa ở Tây Nguyên là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cách mạng miền Nam và cả Đông Dương.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Khu ủy và Tỉnh ủy Đắk Lắk đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh công tác xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng. Tỉnh Đắk Lắk triển khai tập trung xây dựng hai khu căn cứ lớn của tỉnh: khu căn cứ phía Bắc là Dleiya và khu căn cứ phía Nam là khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung.

Quán triệt và triển khai tinh thần chủ trương trên, đội hoạt động bất hợp pháp đã nhất trí nhận định: muốn xây dựng căn cứ ở đây, trước hết phải củng cố cho thật vững về mọi mặt các cơ sở cũ, đồng thời tiếp tục mở rộng ra các vùng xung quanh. Trên cơ sở phương hướng đúng đắn, đội chủ trương phát triển sang phía Đông và Đông Nam của huyện Đức Lập (nằm phía suối Đắk Rung ngày nay). Sau khi khảo sát thì phát hiện hệ thống tề điệp của địch ở đây còn mạnh, quần chúng bị địch kìm kẹp chặt, dễ để lộ lực lượng cách mạng. Vì thế, đội đã quyết định tập trung phát triển vào hướng Bắc của huyện vùng bon Sa Na (nay thuộc xã Quảng Sơn).

Tại quận Đức Lập (bao gồm cả Đắk Mil, Krông Nô, huyện Chư Jút, một phần huyện Đắk Song và Tuy Đức ngày nay), đội công tác do đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên) phụ trách đứng chân ở Nâm Nung, sau một thời gian đội đã nhanh chóng xây dựng được cơ sở ở xã. Phong trào cơ sở vùng căn cứ lúc này đi vào chiều sâu. Tình hình thuận lợi, đơn vị chủ trương phát triển sang Bắc đường 14 (nay là huyện Chư Jút) do đồng chí Lê Đạo phụ trách, phát triển phong trào cả chiều sâu lẫn chiều rộng và chú trọng phát triển đảng viên, ở các buôn vùng căn cứ có tổ chức đoàn thanh niên và du kích bí mật.

Tháng 4/1960, Liên Khu ủy V họp kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và quyết định: “Phát động quần chúng ở xa căn cứ miền núi vũ trang chống địch càn quét, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, khẩn trương xây dựng khu căn cứ địa miền núi”, vùng Nâm Nung được chọn là một trong những căn cứ địa của địa bàn Tây Nguyên.

Qua công tác khảo sát địa hình vùng núi rừng Nâm Nung trên bản đồ và thực địa, Lãnh đạo B4 khẳng định: “địch chỉ có khả năng tổ chức càn quét đánh phá vào căn cứ chủ yếu từ hướng Tây và Tây Bắc, chúng sẽ phải lấy đường 14 làm điểm xuất phát”. Xác định căn cứ kháng chiến Bắc Nâm Nung là địa bàn đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài, gian khổ và nhiều hy sinh, thử thách.

Tháng 12/1960, trên cơ sở địa giới hành chính của chính quyền Ngô Đình Diệm, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức, được chia làm 4 huyện (mật danh là K) gồm: K63 (Đức Lập), K4 (Đức Xuyên), K6 (Khiêm Đức – thị xã Gia Nghĩa), và K8 (Kiến Đức). Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Quảng Đức được thành lập trên cơ sở Ban cán sự B4 cũ. Đồng chí Vũ Anh Ba (bí danh Hồng Ưng) làm Bí thư, các đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên), Lê Đạo (Ama Nhao) và Ama Sa là ủy viên. Sao đó (khoảng cuối năm 1960) do yêu cầu phối hợp giữa công tác xây dựng cơ sở cách mạng và khai thông hành lang chiến lược, Trung ương quyết định bổ sung vào Ban Cán sự Quảng Đức 3 ủy viên nguyên là cán bộ lãnh đạo của Đoàn B90 gồm các đồng chí: Trần Quang Sang (Ba Phước), Phùng Đình Ấm (Ba Cung) và Phạm Văn Lạc.

Tỉnh Quảng Đức được thành lập, Ban cán sự kế thừa tỉnh Đắk Lắk triển khai hai nhiệm vụ chính: Một là, ra sức xây dựng phát triển thực lực cách mạng, xây dựng căn cứ địa Nâm Nung (nơi đứng chân của cơ quan Đảng bộ tỉnh, các cơ quan trực thuộc và lực lượng vũ trang) đẩy mạnh hoạt động chính trị, quân sự, chủ động chống đánh địch; hai là, khẩn trương xây dựng bảo vệ đường hành lang chiến lược cả cánh Đông và cánh Tây nối liền với miền Đông Nam bộ; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để đưa đón cán bộ, bộ đội, các loại hàng hóa, khí tài vào Nam.

Với khí thế của một tỉnh mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức, nhân dân trên địa bàn Nâm Nung cùng với quân và dân trên toàn tỉnh hăng hái tham gia cuộc đấu tranh với khí thế mới, trong đó có nhiệm vụ xây dựng căn cứ kháng chiến Nâm Nung.

Cuối năm 1960, tỉnh giao cho đồng chí Phạm Văn Lạc phụ trách quân sự nhanh chóng xây dựng kế hoạch phòng thủ, bảo vệ thông qua công tác khảo sát địa hình, hướng bố trí địa điểm các cơ quan của tỉnh, vị trí của lực lượng vũ trang, nhận định các hướng tiến công càn quét đánh phá của địch với thế phòng thủ như sau:

- Vành đai ngoài cùng, lấy suối Đắk Đ’rô là tuyến phòng thủ bằng việc cắm chông, hầm chông, mang cung các loại. Tuyến này có các bon vùng căn cứ của ta là: R’Cập, Jrah, Yok You, K62, bon già làng Ma Chí, Ma Beo,… thông qua các tiểu đội du kích bám địch.

- Vành đai thứ hai, các cơ quan ban, ngành của tỉnh đóng theo lưu vực suối Đắk M’Rôch, Đắk P’rí. Các cơ quan đều có công sự, hầm chống phi pháo, chống địch ném bom. Tuyến này còn có đơn vị Bộ binh C54 (do tiểu đoàn 186 biệt phái ở lại Quảng Đức hoạt động) cùng với đơn vị C30, C50 (đơn vị được Đắk Lắk tăng cường cho Quảng Đức, hoạt động địa bàn Đức Lập) và một số đơn vị. Các đơn vị vũ trang này vừa hỗ trợ tác chiến cho lực lượng du kích vừa bảo vệ cho các cơ quan của tỉnh rất cần thiết.

- Khu vực các cơ quan lãnh đạo của tỉnh gồm 6 cơ quan Tỉnh ủy và điện đài, cơ yếu, cơ quan tỉnh đội và một số ban giúp việc được bố trí chỗ ở sâu và hiểm trở hơn. Từ vành đai thứ hai muốn vào nơi này phải leo núi (dốc 3 tầng hoặc gọi là dốc 3 nhát). Cả hai cơ quan đầu não của tỉnh có điện đài 15W để liên lạc với khu ủy và quân khu hoặc Trung ương Cục.

Quần thể căn cứ kháng chiến Bắc Nâm Nung với lợi thế rừng núi hiểm trở, địa bàn này vừa là nơi tiến công, bám ấp thuận lợi vừa là nơi đóng quân, trú quân với một lực lượng lớn an toàn, bí mật, kín đáo. Phía Bắc và Tây Bắc cách khu căn cứ Bắc Nâm Nung khoảng 5km có trên 10 bon, đại bộ phận là bà con M’nông Preh. Qua công tác tuyên truyền, vận động bà con các bon đã thấy rõ Mỹ - Diệm là kẻ thù trực tiếp cần phải đánh đổ, nghe lời của Đảng, Bác Hồ để xây dựng cuộc sống ấm no, yên bình.

Căn cứ kháng chiến Nâm Nung được xây dựng với phương án phòng thủ kiên cố. Vành đai phòng thủ từ xa từ các hướng Bắc suối Đắk Drồ, ở đây bố trí cắm chông, hầm chông, cạm bẫy các loại. Qua kết quả Đại hội Mặt trận, các huyện xây dựng các tiểu đội dân quân du kích, có phương án hợp đồng chiến đấu từng khu vực địa điểm (lúc này vũ khí trang bị như súng trường Mas, Indo, trường Mỹ,...). Địa điểm bố trí của các cơ quan tỉnh bên trong vùng suối Đắk Drồ rất kín đáo, các cơ quan đều có hầm trú ẩn chống máy bay, khi pháo bắn phá, có địa điểm mới dự phòng để bảo toàn lực lượng, xây dựng ý thức phòng gian bảo mật, tinh thần và tác phong sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Thời gian này chỉ có cơ quan tỉnh ủy, tỉnh đội có bộ phận điện đài -cơ yếu, các cơ quan còn lại chỉ thông tin qua công văn, thư tín.

Cấu trúc các khu nhà ở được hình thành làm hai khu vực là khối các cơ quan và khối các lực lượng vũ trang:

+ Khối các cơ quan: Khu nhà làm việc của tỉnh ủy và tỉnh đội có diện tích khá rộng, cao ráo, thoáng mát, nằm dưới những tán cây cổ thụ rất kín đáo. Nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh có diện tích từ 12m2 đến 20m2, nhà hội trường có diện tích 102m2, nhà ở cho chiến sĩ có diện tích từ 40 đến 100m2 và nhà ăn có bếp Hoàng Cầm với diện tích 80m2. Toàn bộ các nhà đều có cấu trúc hai mái, có chái phụ, chất lợp gồm cỏ tranh, lá cọ, lá mây… Nguyên liệu làm nhà kể cả bàn ghế, giường nằm đều là gỗ cây rừng và lồ ô, nứa. Các khu nhà đều được thưng vách bằng lồ ô và nứa để chống tạt vào mùa mưa và chống gió lạnh vào mùa khô.

+ Khối các lực lượng vũ trang được bố trí xây dựng theo hình chữ U, các nhà trung đội dài và rộng có diện tích 100m2 (5mx20m), nhà Ban Chỉ huy có diện tích 40m2. Ngoài ra, có hội trường trung tâm diện tích 200m2, cách nhà ở 3m là các giao thông hào, hầm trú ẩn có nắp dày 0,60m. Cách khu vực ở khoảng từ 30-50m là khu vực chặn nuôi (heo -gà) để cải thiện cho cơ quan - đơn vị trong những dịp lễ tết hoặc bồi dưỡng cho các đồng chí bị ốm đau…

Có thể thấy, địa thế căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã bảo đảm hội tụ được các yếu tố “địa lợi và nhân hòa”, vững chắc trong việc bố phòng, thuận lợi trong công tác chỉ đạo tiến công, phát triển chiến tranh nhân dân, là yếu tố mang tính sống còn cho Đảng bộ và nhân dân tại thời điểm bấy giờ, trở thành một trong những khu căn cứ có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Tây Nguyên nói riêng, miền Nam Việt Nam nói chung.

Mặc dù gặp không ít trở ngại, khó khăn do chiến tranh, điểm đặc thù của địa bàn những với sức mạnh đoàn kết của quân và dân toàn tỉnh, căn cứ kháng chiến Nâm Nung bước đầu xây dựng và kiện toàn, các cơ quan của tỉnh đã cơ bản ổn định. Đồng thời, với sự chỉ đạo, điều động của Trung ương, các lực lượng an ninh, tài chính, quân, dân y đã được xây dựng trên địa bàn, Căn cứ kháng chiến Nâm Nung trở thành căn cứ địa quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ.

Tại căn cứ kháng chiến Nâm Nung, tháng 10/1960 đồng chí Bùi San (Chín Liêm) -Bí thư Ban cán sự đảng tỉnh giao cho đồng chí Ao Sỹ và tổ cơ yêu của tỉnh khẩn trương chuẩn bị kịp thời tài liệu mật “Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ngày hôm sau, đồng chí Bùi San (Chín Liêm) giao cho đồng chí Ao Sỹ cùng đồng chí Ma Tăng (dân tộc M’nông) bí mật, kịp thời đưa tài liệu tới Bến Đá (Krông Nô ngày nay) giao cho đồng chí Vũ Anh Ba (Hồng Ức) -Bí thư Bán cán sự B4. Chuyến liên lạc đặc biệt ấy đã được hoàn thành, đồng chí Vũ Anh Ba đã triển khai cho các đồng chí tại đay học tập tình hình nhiệm vụ mới và Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng thời, sau ít hô, đồng chí Ybil Alêo được anh em nội tuyến đưa về, bố trí ở chung với đồng chí Bùi San (Chín Liêm). Tại đây, đồng chí nhiệt tình, tâm huyết không quản ngày đem dịch Cương lĩnh mặt trận miền Nam Việt Nam ra tiếng Êđê; biên soạn Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng Tây Nguyên. Đồng chí Vũ Anh Ba cùng đồng chí Trần Phòng cũng khẩn trương dịch và đề ra phong trào N’Trang Lơng bằng tiếng M’nông kêu gọi các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết chống giặc tại Văn phòng B4. Tất cả những nhiệm vụ đó là sự chuẩn bị hưởng ứng sự kiện Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Ngày 20/12/1960, tại Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng căn cứ bắc Tây Ninh, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam họp quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội cử ra Ủy ban Trung ương, thông qua Cương lĩnh chính trị và chương trình hành động 10 điểm, kêu gọi các tầng lớp nhân dân miền Nam đoàn kết chống Mỹ, cứu nước.

Đảng bộ và nhân dân các vùng căn cứ của tỉnh tích cực đóng góp sức người, sức của cho hành lang, có lúc huy động cả voi và ô tô vận tải chở gạo, muối tiếp tế cho lực lượng đi trên hành lang. Đồng bào các dân tộc ở căn cứ kháng chiến Nâm Nung chỉ có khoảng 800 dân mặc dù phải ăn lá rừng, củ rừng, nhưng vẫn dành lúa, ngô, khoai, sắn giúp đỡ các đội xoi đường và cán bộ, bộ đội đi trên hành lang.

Từ cuối năm 1960, phong trào tấn công nổi dậy giành làm chủ và giải phóng nông thôn được đẩy lên liên tục và sôi nổi. Tuy địch có phản ứng đối phó, mở càn quét đánh phá lấn chiếm lại một số nơi nhưng phong trào quần chúng và các vùng mới giải phóng vẫn được giữ vững. Lực lượng chính trị vũ trang được tăng cường, hoạt động đánh địch tiếp tục nâng lên.

Công tác xây dựng, củng cố các vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng được Đảng bộ chú trọng. Phong trào sản xuất lương thực trồng khoai, sắn và chăn nuôi trong nhân dân và trong các lực lượng thoát ly được đẩy mạnh. Nhờ có sản xuất, ta đã động viên nhân dân đóng góp nuôi quân, bảo đảm cho việc xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang. Đi đôi với công tác vận động tăng gia sản xuất tự túc, Ban Cán sự Đảng còn chỉ đạo tổ công tác Mặt trận phiên âm chữ M’nông để dạy cho con em đồng bào dân tộc; hàng trăm em được học tại trường do tổ công tác vận động nhân dân xây dựng. Dù số lượng còn hạn chế, nhưng việc làm này có ý nghĩa hết sức lớn đối với đồng bào, nó thể hiện tính cách mạng và quan điểm “vì nhân dân” của Đảng mà đồng bào rất cảm kích, càng tăng thêm nhiệt tình ủng hộ cách mạng, tham gia cách mạng. Phong trào văn hóa, văn nghệ được đẩy lên. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được chú ý trong việc vận động nhân dân thực hiện “ăn chín – uống nước đun sôi” và sưu tầm cây thuốc để chữa bệnh.

ADQuảng cáo

CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG CHIẾN LƯỢC BẮC – NAM TRÊN ĐỊA BÀN CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN NÂM NUNG (1961-1975)

Giữ vững tuyến hành lang cùng quân dân miền Nam đấu tranh chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ (1961-1965)

Mở rộng khai thông đường Hành lang chiến lược; củng cố, bảo vệ căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1961-1963)

Đường Hồ Chí Minh đoạn nối liền Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ được khai thông từ cuối năm 1960 và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 1961. Địa bàn đầu tiên con đường đi qua là tỉnh Quảng Đức từ điểm đầu phía Bắc tiếp giáp với hành lang của Đắk Lắk tại Nam – Bắc bờ sông Sêrêpốk đến với căn cứ Nâm Nung và từ Nâm Nung chia tỏa ra hai nhánh Đông và Tây. Đầu năm 1961, Ban hành lang Quảng Đức quản lý cả 2 trạm Bắc sông Sêrêpốk. Đến năm 1962, hai trạm trên được giao lại cho Ban hành lang Đắk Lắk (B3) quản lý. Như vậy, hành lang tiếp giáp với C10 đến Nâm Nung của Quảng Đức được bố trí các trạm:

+ Trạm C20 đóng ở suối Đắk Kễn (nay thuộc huyện Cư Jút) do đồng chí Nguyễn Xuân sau là đồng chí Võ Bình làm Trạm trưởng.

+ Trạm C30 đóng ở suối Đắk Klau (nay thuộc huyện Cư Jút) do đồng chí Nguyễn Thanh Hải làm Trạm trưởng.

+ Trạm C50 do đồng chí Huỳnh Xuân Cư làm Trạm trưởng đóng tại vùng Nâm Nung. C50 lập hai trạm phụ: Trạm phụ ở phía Bắc đóng gần quốc lộ 14 nối với Trạm C30 do đồng chí Trương, Trạm phó phụ trách. Trạm phụ ở phía Nam đóng ở suối Đắk Rí nối với hành lang Phước Long do đồng chí Y Mạnh phụ trách. Sau đó, các trạm trên đoạn đường này đổi mật danh là X1, X2, X3, X4, còn trạm phụ phía Nam trở thành trạm chính (X5) do đồng chí Bạch Văn Tiến làm trưởng trạm.

Nhánh hàng lang phía Đông tỉnh Quảng Đức xuất phát từ Nâm Nung, đi qua địa bàn huyện Khiêm Đức về Lâm Đồng và về chiến khu Đ gọi là Đ1. Đường Đ1 đầu tiên đi qua huyện Khiêm Đức (lúc bấy giờ do đồng chí Trần Quang Sang, sau đó là Lê Đạo làm Bí thư), các đồng chí Phạm Văn Nhường, Hoàng Minh Đỏ, Hoàng Thành Danh có nhiệm vụ nhanh chóng xây dựng vùng căn cứ của Khiêm Đức và xây dựng hành lang nối liền Quảng Đức với Lâm Đồng. Lúc đầu tiếp nhận hành lang từ hai ngả: Ngả thứ nhất từ đầu mối căn cứ Nâm Nung (Quảng Đức) và dọc theo Platô Rbut. Ngả thứ hai vào từ Đắk Rđon buôn Khang (Đầm Ròn) dọc theo suối Đắk R’măng qua Đức Trọng, các bon Rong Phe, Păng Tang, Păng Zoon và vào địa phận Khiêm Đức, hợp điểm với đường Đ1 tạm trạm gần Pang Soai và N’rúc chuẩn bị vượt đường 8 bis (Gia Nghĩa – Kin Đạ) xuống Đồng Nai (Đắk Doeng) sang Lâm Đồng. Như vậy, con đường Đ1 trước đây có hai trạm trên địa bàn Khiêm Đức là: Trạm X1 đóng ở suối Đắk R’măng có nhiệm vụ nối với hành lang Đức Trọng (tức đường Đ3) và X2 do Nguyễn Văn Đực làm Trạm trưởng và Trạm X2 đóng ở Pang Soai có nhiệm vụ nối với trạm X1 và nối với đầu mối C200 (Lâm Đồng) tại bon Đinh Xiếc do đồng chí Hồ Minh Tư làm Trạm trưởng. Khi đường Đ3 hợp nhất với đường Đ1, các trạm hành lang sắp xếp lại mật danh là T.

1. Mở rộng khai thông đường Hành lang chiến lược; củng cố, bảo vệ căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1961-1965)

Hai trạm trên địa bàn Khiêm Đức vẫn như cũ. Trạm X2 của Trạm trưởng Hồ Minh Tư (nguyên là thành viên của đoàn C200) là một trạm xung yếu từ trạm này xuống bờ sông Đồng Nai để sang Lâm Đồng phải vượt qua đường 8 bis (QL28) (Gia Nghĩa – Kin Đa) sát đồn Hàng Nor (nay thuộc xã Quảng Khê – Đắk Glong) do một đại đội bảo an địch đóng giữ. Nhờ có kế hoạch hết sức chặt chẽ và sự che chở của nhân dân nên suốt thời gian dài vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Sau khi đường Hành lang Đ3 hợp nhất vào đường Hành lang Đ1, con đường phía Đông thông suốt từ địa bàn Đông Đắk Lắk đến Lâm Đồng về chiến khu Đ. Đường hành lang Đ2 ở phía Tây dành cho cán bộ quân sự và các đoàn hành quân. Con đường hành lang Đ1 ở phía Đông chuyên đưa các đoàn cán bộ dân – chính đảng và vận tải hàng hóa, các linh kiện vũ khí, phương tiện, khí tài miền Bắc chi viện cho Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Các trạm hành lang trên đường này, ngoài chiến sĩ giao liên, mỗi trạm còn có một đội vận tải 20 người. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn đã vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa, hàng ngàn tấn ứ đọng tại các kho của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk được đưa vào Nam trong đó có nhiều trang thiết bị hiếm như đài phát thanh, máy truyền tin, dụng cụ y tế, thuốc men cần thiết cho chiến trường.

Đầu năm 1961, khi đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ được khai thông, lực lượng quân đội, lương thực thực phẩm được vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho miền Nam đi qua địa bàn tỉnh Quảng Đức được an toàn, thông suốt. Đặc biệt, con đường này còn đưa đón, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đoàn cán bộ cấp cao của Đảng và quân đội từ Hà Nội hay Quân khu V vào Nam bộ như đoàn của các đồng chí Võ Chí Công (Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), Trần Nam Trung (Ủy viên Thường trực Trung ương Cục), Trần Chí Cương (Bí thư khu ủy Khu V), Trần Lê (Bí thư khu ủy Khu VI), các tướng lĩnh như Trần Văn Quang, Đồng Văn Công, Nguyễn Minh Châu. Đặc biệt, luật sư Nguyễn Hữu Thọ sau khi thoát khỏi nhà tù của Mỹ - Diệm ở Phú Yên cũng đi qua con đường này để về Nam và giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Như vậy, từ đầu năm 1961 đến năm 1963, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, của các Khu 5, 6, 10 và Ban Cán sự tỉnh Quảng Đức (B4), Tỉnh ủy Đắk Lắk, đường hành lang trên các tuyến đường đều được thông suốt, bảo đảm các nhiệm vụ trọng yếu mà hành lang phải đảm nhận. Liên tục củng cố mở đường (đường dự bị) trên các tuyến, nhất là các địa điểm xung yếu, đầu mối móc trục với Đắk Lắk tại bờ Bắc sông Sêrêpốk có 6 địa điểm trụ cách nhau 1 đến 3 km. Vì bờ sông thường xuyên có 1 đại đội địch đi tuần tiêu phát hiện dấu vết vượt sông của bộ đội ta. Các đoạn xung yếu khác là trục quốc lộ 14 (đoạn phải vượt qua Đắk Gằn – Đắk Mil), đoạn phải qua Kiến Đức – Bu Bông để móc nối với Phước Long và đoạn phải vượt qua sông Đồng Nai.

Ở tất cả các địa điểm trên khi liên lạc đều phải dùng mật khẩu, ám tín hiệu. Đồng thời, việc đưa đón quân phải bảo đảm an toàn, chu đáo bao gồm cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nay được lệnh trở về miền Nam tiếp tục nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ thuộc các bộ, ngành Trung ương mà miền Nam chưa thể đào tạo được và lực lượng vũ trang an ninh thuộc các quân, binh chủng trước hết là bộ binh, pháo binh, đặc công, trinh sát cần được phân bổ về các Quân khu: 5, 6, 7, 8, 9…

2. Củng cố, bảo vệ căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1961- 1963)

Thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ mà xương sống của chiến lược này là kế hoạch của Staley Tay lor “bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng”. Trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” Mỹ - Diệm đã ra 5 biện pháp lớn trong đó “Kế hoạch Stalay – Taylo” là xương sống của toàn bộ chiến lược. Chúng tập trung sức thực hiện: “Quốc sách ấp chiến lược” với mục tiêu và ý đồ “tát nước bắt cá”, tách quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Đức ngay từ giữa năm 1961, Mỹ - Diệm bắt đầu triển khai kế hoạch dồn dân, lập ấp chiến lược. Chúng tăng cường dồn dân, bắt lính, xây dựng các đại đội bảo an, các trung đội dân vệ, củng cố các tuyến giao thông từ Buôn Ma Thuột tới Gia Nghĩa, Kiến Đức, Liên tỉnh lộ 15 và quốc lộ 28. Xây dựng sân bay dã chiến và hệ thống các đồn bót trên các tuyến đường trên, đồng thời tăng cường công tác thám báo, thám sát dò la trục đường hành lang của ta để ngăn chặn và đánh phá. Chúng tổ chức, huấn luyện các lực lượng biệt kích, gián điệp (chủ yếu lấy người dân tộc thiểu số tại các bon vì lực lượng này rất am hiểu tình hình địa phương).

Để đối phó với các âm mưu, thủ đoạn của địch, Tỉnh ủy Quảng Đức chủ trương nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đồng thời tăng cường cả số lượng và chất lượng cho các đội mũi công tác từ tỉnh đến các huyện. Qua phân tích về chất lượng của từng đội công tác, được cơ cấu gồm các đồng chí sau:

Thứ nhất, đội trưởng là các đồng chí trong cấp ủy huyện, vì các đồng chí này vừa nắm chắc nghị quyết, chủ trương, đúc rút được nhiều kinh nghiệm qua các thời kỳ đấu tranh chính trị, vừa am hiểu về phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào M’nông trong từng vùng, những tâm tư nguyện vọng chính đáng cần có để vạch ra kế hoạch hoạt động đấu tranh phù hợp nhằm đạt thắng lợi cho phong trào.

Thứ hai, đồng chí phụ trách an ninh trong đội biết phân loại được đối tượng quần chúng (A-B-C), phân loại được các đối tượng trong bộ máy kìm kẹp của địch, chọn và xây dựng các cơ sở mật, lực lượng cốt cán qua thử thách ở bên trong làm nòng cốt cho công tác thông tin tuyên truyền sâu trong lòng địch. Ngoài các đồng chí trên, các thành viên còn lại của đội mũi công tác đều là những đồng chí mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để liên tục bám dân, bám ấp. Do đó, có thể khẳng định rằng, bên cạnh hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang nhằm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị thì các đội mũi nhọn công tác của ta tại các huyện như đội 300, 310, 315, 320, X46, C30, C50 của Đức Lập, đội K4 của Đức Xuyên, các đội T21, T23, T27A+B của Khiêm Đức và các đội C8, C9 của Kiến Đức,… đều là những lực lượng làm công tác thông tin tuyên truyền tích cực và hiệu quả nhất trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Sau sự kiện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960), tại tỉnh Quảng Đức, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cho các huyện tổ chức đại hội để thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng ở từng địa phương.

Tại huyện Đức Lập, tháng 5/1961, Đại hội tổ chức tại suối Đắk Đ’Rồ, có hơn 150 đại biểu về dự đại hội, ông Ama Hùng được bầu làm Chủ tịch. Sau đại hội huyện đã đề ra chương trình hành động sát với thực tiễn tình hình của địa phương, phát động một đợt tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân khẳng định kẻ thù trực tiếp của nhân dân miền Nam là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Ban cán sự Đảng đã tiến hành chuyển các buôn ở vùng căn cứ lên bất hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm, như các buôn: Ja Rá, R’Cập, Yok You, K62, Đắk Rí; chuyển vùng Nâm Nung thành căn cứ kháng chiến của quân và dân tỉnh Quảng Đức nói chung và huyện Đức Lập nói riêng. Tại căn cứ kháng chiến Nâm Nung, đội công tác đã từng bước động viên thanh niên các buôn vùng căn cứ, một số buôn vùng địch tạm chiếm thoát ly vào các lực lượng vũ trang, các cơ quan tỉnh, huyện, các trạm hành lang và động viên nhân dân cùng với các lực lượng tỉnh, huyện tham gia bố phòng, hầm chông, cạm bẫy… thường xuyên tuần tra và sẵn sàng đánh địch khi chúng càn vào căn cứ và bảo vệ đường hành lang, kêu gọi nhân dân vùng căn cứ và các lực lượng tỉnh, huyện tích cực sản xuất lương thực… để có ăn, có dự trữ và đóng góp một phần cho cách mạng. Đồng thời, tổ chức mỗi buôn một tiểu đội du kích, toàn xã một trung đội tập trung.

Du kích và nhân dân vùng căn cứ sẵn sàng tham gia theo yêu cầu của cách mạng, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, tiêu biểu là một số phong trào đấu tranh của nhân dân căn cứ kháng chiến Nâm Nung, như trong tháng 12/1960, du kích tham gia cùng với tỉnh, huyện diệt 1 tên ác ôn, đốt phá 2 khu đồn Yân Ýu và Ýôt Linh; tháng 5/1961, du kích và dân quân phục vụ bộ đội đánh quận Đức Lập thắng lợi, bắt sống 4 tên ác ôn trong đó có một quận phó, sau đó mở phiên tòa xét xử tội ác có gần 100 người dân đến dự, trận đánh năm 1961 khi địch càn vào căn cứ kháng chiến Nâm Nung,...

Trước khí thế thắng lợi, quân và dân vùng căn cứ cũng như dân ở vùng còn tạm chiếm rất phấn khởi tin tưởng sự thắng lợi của cách mạng, tích cực tham gia một số nhiệm vụ được cách mạng giao càng khiến kẻ địch cay cú, chúng tăng cường đồn ở Đắk Sắk, núi lửa, Đắk Song, Đắk Gành; gom dân lập ấp chiến lược, tăng cường đánh phá vùng căn cứ bằng pháo; bộ binh càn nhiều ngày vào căn cứ và các tuyến hành lang đều bị lực lượng của tỉnh, huyện có sự tham gia của du kích chặn đánh liên tục.

- Củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, an ninh tỉnh

Lúc đầu, tỉnh Quảng Đức được Đắk Lắk chi viện một trung đội người dân tộc Ba Na, chủ yếu hoạt động ở vùng Đức Lập để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, Quân khu 6 đã điều động Tiểu đoàn chủ lực 186 (còn có tên gọi Tiểu đoàn Lá Bép) cơ động lên Quảng Đức. Huyện Đức Lập đã thành lập đơn vị C50 với quân số hơn 30 đồng chí đều là người dân tộc M’nông Preh, Êđê; lực lượng vũ trang tỉnh đã mở các đợt tiến công quân sự gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, điển hình là các trận đánh vào Đức Lập (5/1961), tháng 6/1961, đơn vị C50 phục kích đánh một đơn vị địch càn vào căn cứ Nâm Nung, bắt sống được 1 tên địch. Tháng 11/1961, C30 đánh 1 đại đội địch càn vào căn cứ Nâm Nung trên đường chúng rút lui, phối hợp cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh phá các ấp chiến lược mà địch mới hình thành như ấp Đắk Gành – Sapa, Cư Jút, Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Lao, ở Khiêm Đức có các ấp Hàng Nor-Sanar-Pang Sim.

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh cũng được củng cố. Ngày 17/5/1962 thực hiện sự phân công của Thường vụ Khu ủy, về địa bàn Quảng Đức gồm có các đồng chí: Trần Quang Vinh (tức Ba Vinh), Trường Dân, đồng chí Liêm (tức Hiệp), Hồng Sơn (tức Điệp), Đinh Khương, Nguyễn Minh Toàn. Tiếp đó, tháng 6/1962, Ban An ninh Khu VI tăng cường về Quảng Đức thêm 3 đồng chí nữa là: đồng chí Tuấn, Khoa (tức Thanh) và Võ Bình, địa điểm ăn ở và làm việc của lực lượng An ninh Quảng Đức đều ở chung trong khối tổ chức và dân vận của Tỉnh ủy. Trong giai đoạn đầu do lực lượng còn ít nên Ban An ninh Quảng Đức chưa được thành lập, nhằm hỗ trợ cho các đội, mũi công tác, một số đồng chí được điều động tăng cường xuống địa bàn như: Đồng chí Nguyễn Minh Toàn xuống TĐ4 – E25, đồng chí Hồng Sơn xuống địa bàn Đức Xuyên, Khiêm Đức, đồng chí Liêm (tức Hiệp) xuống địa bàn Đức Lập, đồng chí Võ Bình biệt phái sang Hành lang, sau làm Trạm trưởng C20 (đóng ở suối Đắk Kễn – Cư Jút), đồng chí Khoa (tức Thanh) làm công tác bảo vệ nội bộ các cơ quan Tỉnh ủy và đồng chí Tuấn làm công tác bảo vệ chính trị.

Trước tình hình địch ra sức càn quét, đưa dân vào các ấp chiến lược, cán bộ an ninh liên lạc bám địa bàn trong điều kiện hết sức khó khăn, lực lượng mỏng, phong trào cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc mới được nhen nhóm, tuy nhiên yêu cầu đặt ra lúc này là phải điều tra lên danh sách một số tên gây nhiều tội ác với nhân dân đang tiếp tục chống phá cách mạng. Lực lượng an ninh đã phối hợp với đội công tác, lực lượng vũ trang tiêu diệt nhiều ác ôn, cảnh sát có nợ máu, hạ uy thế bộ máy, đưa phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng từng bước phát triển.

Để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, bộ đội và nhân dân, năm 1961, Tỉnh ủy Quảng Đức thành lập Ban Quân – Dân y do đồng chí Nguyễn Kinh (Sáu Kinh) phụ trách. Sau khi thông tuyến hành lang Bắc – Nam và Đông - Tây, tỉnh tiếp tục nhận thêm một số cán bộ y tế từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu VI và Quảng Đức. Đến năm 1963, do nhu cầu khám chữa bệnh cho lực lượng cán bộ, thương binh ngày càng cao, tỉnh chỉ đạo phải thành lập bệnh xá tỉnh, đồng chí Đây phụ trách bệnh xá này tại Bắc Nâm Nung. Ban Dân – Quân y chuyên lo phục vụ các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy như Ban Binh địch vận, Tuyên huấn, An ninh, Kinh tài và các đội công tác; cấp phát thuốc (chủ yếu là thuốc sốt rét) thuốc sốt cho các bon căn cứ Bắc Nâm Nung. Ngoài ra, xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh xuống 4 huyện hiện có, tuyên truyền công tác phòng bệnh trong các cơ quan, các bon làng vùng căn cứ thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh nơi ở và hướng dẫn các biện pháp phòng chống chất độc hóa học…

- Phát động phong trào sản xuất tự túc, phục vụ kháng chiến

Trong những năm từ 1961 đến 1963, địch liên tục mở các đợt càn quét vào vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung, chúng càng đánh nhiều vào nương rẫy, rải chất độc tàn phá hoa màu, buôn, bon vùng căn cứ. Quân và dân gặp nhiều khó khăn, lương thực thiếu phải đào củ rừng ăn trong nhiều tháng. Đây là những năm tháng ác liệt, khó khăn đối với vùng căn cứ Nâm Nung, nhưng thắng lợi nhất là các cơ quan tỉnh, huyện, các tuyến hành lang và nhân dân vùng căn cứ (6 buôn) luôn bám trụ đánh được địch, bảo đảm an toàn, đường hành lang được thông suốt, nhất là dân vùng căn cứ giặc không gom được người dân nào vào ấp chiến lược.

Tháng 3/1963, thực hiện quốc sách “ấp chiến lược” tại Quảng Đức, Mỹ - Ngụy xây dựng được 40 địa điểm dinh điền với 47.000 dân, hình thành nhiều sinh điền lớn theo trục đường 14. Theo số liệu của ngụy quyền, giữa năm 1963 địch làm xong 60-76 ấp chiến lược theo kế hoạch. Tại các ấp, địch tổ chức bộ máy kèm chặt quy định giờ giấc đi lại, giám sát số dân có người thân tham gia cách mạng, chúng uy hiếp, khống chế, mua chuộc để xây dựng cơ sở ngầm. Bước đầu chuẩn bị cho những cuộc càn quét lớn để gom, xúc dân, địch bắt đầu xúc tiến các hoạt động gián điệp, biệt kích, chúng tuyển chọn số tù ngụy cũ, hoặc các tầng lớp trên trong vùng đồng bào dân tộc bị bắt khi địch càn quét, số có họ hàng ở bon làng, vùng căn cứ của ta, để huấn luyện rồi tung về vùng căn cứ của ta làm gián điệp, cung cấp tin tức cho địch. Ngoài ra, chúng còn cử các đoàn y tế xuống các ấp chiến lược để phun thuốc diệt muỗi, lập danh sách các hộ gia đình, thực chất đây là đoàn xây dựng ấp “tân sinh” trá hình của địch, hoặc đóng giả dân đi sâu vào căn cứ của ta, hoặc giả đi bứt mây, tìm dược liệu để phát hiện dấu vết khu căn cứ của ta. Điển hình là ta đã diệt được tên Y Tám gián điệp tại trạm C.10 (trạm này có nhiệm vụ đưa bộ đội, hàng hóa vượt sông Sêrêpốk), hoặc các tên gián điệp trà trộn trong số dân đi bắt voi rừng (dân Buôn Đôn) vào khu vực Đắk Kẽn, phát hiện đường hành lang đưa quân ta vào Nam.

Tại căn cứ kháng chiến Nâm Nung, phong trào sản xuất tự túc, phục vụ kháng chiến được phát động mạnh mẽ. Hội nghị tỉnh Quảng Đức mở rộng vào đầu tháng 12/1961 dưới dự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban Cán sự B4, tham dự hội nghị có các đồng chí chủ chốt các huyện, thủ trưởng các cơ quan tỉnh, bí thư các đội công tác, các lực lượng vũ trang tỉnh, các già làng thuộc các bon căn cứ. Tại hội nghị này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã báo cáo toàn bộ tình hình từ ngày Ban Cán sự B4 được thành lập theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Khu ủy 5, 6, tình hình âm mưu địch, các hoạt động tích cực của ta trên các mặt, trong đó việc xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng cốt cán tại các cơ sở bon làng là những thắng lợi rất cơ bản từ sau Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng các cấp. Tuy nhiên, trước sự phát triển của các lực lượng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tỉnh cùng các lực lượng trụ vững tại địa bàn căn cứ Nâm Nung cũng như địa bàn các huyện. Công tác hậu cần, phục vụ đời sống cần đề ra như thế nào để bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, công tác trong điều kiện tỉnh xa địa bàn chỉ đạo của khu, sự khó khăn trong chi viện của Trung ương và Trung ương Cục.

Qua thảo luận, hội nghị đều nhất trí đánh giá thực tế tình hình chung của tỉnh là:

+ Mặc dù tỉnh có đường 14 đi qua, thông qua công tác hoạt động hợp pháp, trước hết có thể giải quyết nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho lực lượng, nhưng khả năng này sẽ không cơ bản vì địch cũng sẽ phát hiện và ngăn chặn gây khó khăn cho ta.

+ Phần lớn bà con các bon làng nguồn lương thực, thực phẩm cũng chỉ đủ giải quyết nhu cầu đời sống hàng năm, không thể cung cấp cho cả một lực lượng lớn của tỉnh ngày càng phát triển.

Từ những phân tích trên, Tỉnh ủy đề ra chủ trương: Để xây dựng được căn cứ vững vàng về mọi mặt, nhiệm vụ sản xuất tự cung tự cấp là cực kỳ quan trọng theo quan điểm trường kỳ kháng chiến, tự lực tự cường, chi viện của khu, của Trung ương là quan trọng. Tại hội nghị, Tỉnh ủy giao cho Ban Kinh tài thông qua kế hoạch sản xuất ngay từ vụ mùa năm 1961-1962 tập trung chủ yếu vào các công việc đó là:

- Công tác khảo sát: Trên cơ sở quân số - dân số để xác định diện tích cần phát triển. Với ưu thế địa hình, sông suối, những vùng đất thổ, đất đồi rộng lớn sẽ bảo đảm diện tích cần có để trồng tỉa hoa màu. Diện tích trên sẽ hình thành 2 khu vực: Lưu vực suối Đắk Đ’Rồ, Đắk R’Toăk dành cho các bon căn cứ. Khu vực Đắk Prí, Đắk Rloong dành cho các cơ quan.

- Nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi: Phát huy kinh nghiệm lâu đời của bà con các dân tộc, diện tích cần cho cơ quan từ 3 đến 10 ha, hộ dân từ 2 đến 3 ha. Đối với vùng đất thổ bằng trồng bắp, mì, đậu đỗ các loại, rau xanh và vùng đất đồi tỉa lúa, xen canh trồng ngô và các loại hoa màu khác.

- Về thời vụ: Do điều kiện khí hậu, vùng Nâm Nung có mưa sớm nên lịch thời vụ được tuân thủ theo các tháng trong năm.

- Về công tác kho tàng bảo quản: Trong điều kiện chiến tranh, các kho dự trữ bắp, lúa phải làm bí mật xa nương rẫy từ 15 phút trở lên đề phòng địch ném bom, địch càn đốt phá. Vào mùa mưa bắp thu hoạch xong cho vào kho cần sấy khô 5 đến 7 đêm.

- Việc sử dụng lương thực phải đi đôi với tiết kiệm: Ưu tiên số đồng chí đi công tác thì được mang gạo, số công tác tại cơ quan đều ăn độn để lương thực dự trữ dư càng nhiều càng tốt.

- Về chăn nuôi: Nguồn giống từ các bon làng, mỗi cơ quan phấn đấu nuôi được từ 1 đến 2 heo nái, 10 gà mái đẻ, cơ quan nào cũng phát triển một vườn rau xanh nhiều chủng loại, bảo đảm phục vụ cho những bữa ăn thường ngày, ngày lễ, tết trong năm.

Sau hội nghị, các cơ quan ban ngành, già làng các bon trở về lên kế hoạch cụ thể cho đơn vị, địa phương để triển khai, tỉnh giao cho Ban Kinh tài đảm nhận việc lo phân phối các loại giống, dụng cụ sản xuất (thời gian này, ta còn có thể đặt mua số tư thương ngoài đường 14 nên đã bảo đảm các nhu cầu trên, bên cạnh còn tự sản xuất dụng cụ qua các lò rèn của tỉnh và các bon làng).

Từ sau hội nghị, phong trào sản xuất tự túc trên vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung hết sức sôi nổi, việc phân công lao động cũng chặt chẽ, khoa học hơn. Các cơ quan lớn như Tỉnh ủy, Tỉnh đội đều có đội sản xuất, cơ quan nhỏ ít người cũng có tổ sản xuất. Liên tiếp những năm 1962-1963, cả tỉnh đều được mùa, lương thực có dự trữ, săn bắn cải thiện, chăn nuôi phát triển tốt, bảo đảm cho nhiệm vụ công tác và chiến đấu.

Đến nửa cuối năm 1962, địch vẫn chưa đủ khả năng đánh sâu vào các vùng căn cứ của ta mà chủ yếu tập trung gom dân các bon gần đường giao thông và ven quận lỵ trở thành các khu đồn. Thủ đoạn dồn dân chủ yếu của địch là bất ngờ mở các trận càn cấp đại đội hoặc nhiều trung đội, càn vào từng bon bắt dân lên xe đưa ngay về ấp chiến; rút kinh nghiệm hoạt động dồn dân những năm 1961-1962, sau khi gom được dân về ấp chiến lược, địch tăng cường lực lượng quân đội cùng với bọn bình định nông thôn, Trường Sơn, Phượng Hoàng tổ chức kèm dân hết sức quyết liệt. Chúng tổ chức bộ máy kèm, có ấp trưởng, ấp phó, có đại diện xã, 3 nhà thì có 1 liên gia. Trong các khu đồn, chúng thực hiện lịch “nội bất xuất ngoại bất nhập”, hàng ngày, sáng 7 giờ mới được ra, nhiều 5 giờ đóng cổng, lính dân vệ gác thường xuyên. Từ các thủ đoạn trên, bà con các bon làng khi bị chúng lùa đi chỉ kịp mang quần áo, chăn màn, dụng cụ cần thiết, còn thì phải bỏ lại hết. Trong đó, kho tàng, lúa gạo, trâu bò, heo, gà trở thành vô chủ.

Trước tình trạng đó, các lực lượng vũ trang tỉnh có chủ trương, nếu kho lúa của dân không khẩn trương chuyển đi thì chắc chắn địch sẽ đốt, phá hủy trong lúc ta rất cần lương thực để công tác và chiến đấu. Do đó, tỉnh đồng ý các đội công tác, lực lượng vũ trang được chuyển và sử dụng số lúa tại các kho mà dân đã phải bỏ lại. Nhờ đó, trong các năm 1961, 1963, lương thực phục vụ cho chiến đấu của lực lượng đội công tác đỡ một phần khó khăn.

- Phát động phong trào bình dân học vụ và hoạt động văn hóa thông tin

Công tác văn hóa thông tin là một bộ phận quan trọng của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tỉnh Quảng Đức đã qua nhiều lần giải thể và sát nhập, cán bộ phụ trách cũng đổi thay nhiều lần, nhưng công tác văn hóa thông tin vẫn bám sát nhiệm vụ chính trị để phục vụ sự chỉ đạo của tỉnh.

Nhằm truyền tải nhanh thông tin về tình hình thời sự, chiến sự trên cả hai miền Nam – Bắc đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, theo ý kiến tham mưu đề xuất của ngành Tuyên huấn (lúc này đồng chí Ama Tân, Ama Sa phụ trách), Tỉnh ủy cần thiết tăng cường trang bị số lượng đài thu thanh (Radio) cho các cơ quan ban ngành, lực lượng vũ trang, các đội mũi công tác và các bon căn cứ… Ban Kinh tài tỉnh đã giao cho bộ phận thu mua hàng ở đường 14 (lúc này tổ thu mua của Ban Kinh tài gồm các đồng chí Ama Đông, Binh, Sản, Trợ) đặt hàng, mua các loại đài thu thanh (Sony National sử dụng pin đại) về cấp phát cho các đơn vị. Nhờ đó, lượng thông tin hàng ngày các đơn vị đều theo dõi và nắm bắt kịp thời trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội và Đài Phát thanh Giải phóng. Từ đây càng tạo niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên cả hai miền Nam, Bắc. Dù tình hình chiến sự rất ác liệt, dù cường độ chiến tranh chống Mỹ ngày tăng cao, địch càn quét, ném bom, bắn pháo, rải chất độc hóa học/điôxin. Trong những đêm sinh hoạt chính trị, những ngày tết cổ truyền, đêm giao thừa, các đơn vị quây quần bên cạnh bàn thờ Tổ quốc (có ảnh Bác, cờ, hoa…) thật sự là những giờ phút thiêng liêng, cảm động nhất.

Những năm đầu do cán bộ làm công tác tuyên huấn, thông tin còn rất mỏng, tỉnh cũng xây dựng được bộ phận tổng hợp và in, ấn phát hành tờ tin tức của tỉnh do đồng chí Nguyễn Duy phụ trách, mỗi tháng một kỳ để phân phối đến tận các cơ sở kể cả bon căn cứ. Tờ tin ngắn gọn tập trung các chương, mục chính – kết quả hoạt động quân sự, chính trị của ta, các thủ đoạn âm mưu của địch, nhiệm vụ xây dựng lực lượng, phát triển sản xuất, đề cao cảnh giác cách mạng đối với các hoạt động, biệt kích, gián điệp của địch. Tờ tin của tỉnh được phổ biến thường xuyên trong những buổi tối sinh hoạt trong từng đơn vị, từng cơ quan; các đơn vị lực lượng vũ trang có tờ báo tường, chi đoàn tổ chức học hát do Đài Tiếng nói Việt Nam hướng dẫn lúc 14 giờ chiều ngày chủ nhật.

Thời gian đầu, tỉnh chưa có giáo viên cũng chưa có trường lớp, trong lúc lực lượng anh, chị em người dân tộc thoát ly hầu hết là chưa biết chữ, qua phát động của tỉnh, công tác tổ chức học bổ túc văn hóa, do các chi đoàn thanh niên đảm nhiệm theo phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, nhờ đó tại các cơ quan, lực lượng vũ trang, các trạm hành lang mỗi tối phong trào học bổ túc văn hóa phát triển đều khắp, đèn dầu không có thì thắp củi lồ ô, dầu rái để học. Các đơn vị phấn đấu phải quyết tâm dạy anh chị em biết đọc, biết viết thông thạo và biết làm bốn phép tính cộng – trừ - nhân – chia là đã đạt yêu cầu. Về sau, tỉnh mới nhận được một giáo viên cấp 3 (thầy Nguyễn Văn Huệ) do Bộ Giáo dục điều vào Nam. Từ đây, tỉnh mới mở một trường bổ túc văn hóa gồm 2 lớp khoảng 80 học viên tại khu vực Đắk P’rí.

Tại các khu ấp chiến lược, các khu dinh điền tập trung, các vùng bà con công giáo di cư, thông qua hoạt động của các đội công tác cũng vận động đưa thông tin tuyên truyền vào sâu trong quần chúng nhân dân đang còn bị địch kìm kẹp. Tại đây, ta đã tranh thủ gặp được bà con tại các nương rẫy để tuyên truyền xây dựng cơ sở cốt cán, nắm được tình hình địch bên trong, tổ chức nhiều điểm tuyên truyền cho một bộ phận bà con từ trong các ấp chiến lược bí mật ra vùng ven để nghe ta tuyên truyền về đường lối, chính sách của cách mạng (một buổi nói chuyện như thế có từ 30-50 người dự), sau đó phát tán một số truyền đơn để bà con mở rộng việc tuyên truyền trong các bon làng trong ấp.

Trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung, phong trào học bổ túc văn hóa do chi đoàn đảm nhận vẫn được tổ chức, duy trì đều đặn. Những ngày lễ, tết, cơ quan, đơn vị đều tập trung sinh hoạt tập thể, chào cờ, tưởng nhớ lãnh tụ, nghĩ về Tổ quốc, học từng bài hát về cách mạng, về quê hương đất nước để từ đó động viên nhau trong công tác và chiến đấu. Tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn giữa các đơn vị, đoàn kết như anh em một nhà, không phân biệt Nam – Bắc, Kinh – Thượng. Tình cảm quân và dân cũng được thể hiện giữa những người phải đi chiến đấu ở tiền phương và những người phục vụ chiến đấu trong vùng căn cứ Nâm Nung. Không thể nào quân khi bà con các bon nhường từng lon gạo, từng lát mì khô, phía trước cõng em, phía sau gùi lương thực phục vụ chiến trường.

Mặc dù phải vừa chiến đấu vừa sản xuất, hay chịu sự kìm kẹp của địch, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn không quên giữ gìn những nét văn hóa truyền thống. Ban đêm, bà con tổ chức sinh hoạt theo từng bon, ở đó những câu ca dao, dân ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, trường ca,… vẫn được những cụ cao tuổi thể hiện. Đồng bào ở các bon vẫn tổ chức một số nghi lễ truyền thống như lê đốt rẫy, lễ trừ sâu bọ, lễ sinh đẻ, lễ đặt tên, đặc biệt là việc tổ chức lễ mừng chiến thắng sau những thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của quân và dân trên địa bàn, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ.

Phát huy thắng lợi của năm 1963, sang đầu năm 1964, Đảng bộ và nhân dân Nâm Nung đã tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện 7 công tác trước mắt do Tỉnh ủy Đắk Lắk đề ra:

- Một là, tiếp tục đột ấp tuyên truyền, phát triển nhiều hơn nữa các cơ sở cách mạng trong lòng địch;

- Hai là, tạo thời cơ để phát động quần chúng trong các ấp chiến lược nổi dậy đấu tranh chống địch;

- Ba là, tổ chức cho quần chúng đấu tranh trực diện một cách hợp pháp với địch;

- Bốn là, tiếp tục xây dựng và phát triển thêm nhiều lực lượng du kích xã, buôn, xây dựng thêm nhiều làng, buôn chiến đấu và chống địch lùng sục càn quét bảo vệ vùng căn cứ cách mạng;

- Năm là, đẩy mạnh hơn nữa công tác binh vận tại các phân khu, tiểu khu quân sự và các ấp chiến lược của địch;

- Sáu là, xây dựng hạt nhân cách mạng trong các buôn, xã vùng địch hậu;

- Bảy là, có kế hoạch chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc ở vùng căn cứ cách mạng đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Cũng trong đợt học tập này, cùng với các hoạt động vũ trang đánh địch, Đảng bộ các cấp chú trọng hơn tới việc chỉ đạo các mũi đấu tranh chịnh trị, binh vận. Phong trào cách mạng ở Nâm Nung vì thế phát triển nhanh và toàn diện hơn.

Về phía địch, tại tỉnh Quảng Đức, chúng tổ chức nhiều đoàn tâm lý “bình định” có lực lượng quân sự yểm trợ tỏa về vùng nông thôn đồng bằng và miền núi để tiếp tục việc “dồn dân lập ấp”, “ấp chiến lược” được đổi tên thành “ấp tân sinh”. Song cũng tương tự như “ấp chiến lược” với mô hình “hai sông ba núi” trước đây, tại các “ấp tân sinh”xung quanh cũng có hàng rào bao bọc; phía trong hàng rào có hào sâu 2,5m, rộng 3m và phía ngoài hàng rào là các bãi chông, mìn. Mỗi “ấp tân sinh” chỉ có một cổng ra vào và có bót canh gác của dân vệ.

Sống trong các “ấp tân sinh”, nam giới từ 18 đến 30 tuổi đều phải tham gia lực lượng dân vệ, ngày đêm thay phiên nhau canh gác. Hàng ngày, vào khoảng 7 giờ sáng, bọn dân vệ mở cửa cho dân đi rẫy và khoảng 5 giờ chiều buộc phải về lại ấp; cả khi đi và khi về đều bị bọn dân vệ lục soát nhằm đề phòng đồng bào trong ấp mang gạo, muối và thuốc men ra ngoài để tiếp tế cho cách mạng. Đồng bào trong ấp cũng không được đi lảm rẫy ở xa, chỉ trong vòng bán kính 2 km kể từ ấp nhằm đề phòng sự liên hệ với cách mạng. Khi thấy cán bộ, cơ sở của ta trà trộn trong ấp phải phát tín hiệu báo động. Thường mỗi tối chúng tập hợp dân chúng để răn đe, nghiêm cấm tiếp xúc với cán bộ cách mạng.

Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm phá “ấp chiến lược” trước đây du kích Nâm Nung đã phối hợp với các đội công tác, liên tục đột ấp để tuyên truyền, phát động quần chúng và vận động họ tìm mọi cách khéo léo để quay về buôn làng cũ làm ăn sinh sống; từ bỏ dần các “ấp tân sinh” của Mỹ - Ngụy, qua đó góp phần đưa hàng trăm đồng bào người dân tộc trong các “ấp tân sinh” của địch về lại vùng căn cứ. Nhân dân vùng căn cứ luôn tâm niệm theo Đảng, theo Bác Hồ vì “người M’nông không biết nhiều lời, nói thương thì thương, nói ghét thì ghét, nói theo Đảng, theo Bác Hồ là theo, không bỏ cuộc. Ngắn gọn mà rõ ràng, nghe đơn giản mà quyết liệt, hơn cả lời thề, có sức nặng vững chắc như ngọn Nâm Nung không có gì lay chuyển nổi".

Đồng thời, ta đưa cán bộ, cơ sở vào hoạt động trong các “ấp tân sinh”. Như ở tại khu Đức Xuyên, ta đã có trên 10 cơ sở. Đặc biệt là cơ sở của đồng chí Ama Rơn, một trong những cơ sở cách mạng của ta hoạt động rất tích cực. Bằng phương thức chia ra thành nhiều tổ, nhóm, các đội vũ trang tuyên truyền của ta tại vùng này kết hợp với cơ sở mật ở bên trong tiến hành tuyên truyền và giác ngộ trên 600 lượt quần chúng trong các “ấp tân sinh”, thuộc khu trù mật Đức Xuyên. Cá tổ công tác binh vận của ta cũng đã vận động được trên 16 lính ngụy đào (rã) ngũ trở về làm ăn sinh sống với gia đình.

Để củng cố công tác an ninh trên địa bàn tỉnh, đầu năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Đức tổ chức hội nghị về tổng kết đánh giá công tác an ninh trong toàn tỉnh. Về dự hội nghị có các đồng chí bí thư các huyện, các đội công tác, các cơ quan trực thuộc và lực lượng vũ trang. Hội nghị đã đánh giá tình hình địch, ta, những kết quả công tác an ninh làm được, những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục. Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, trong đó trước hết là việc kiện toàn bộ máy an ninh các cấp, tăng cường hoạt động an ninh ở các đội công tác thôn, bon.

Cùng với toàn miền Nam chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ những năm 1964-1965

Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” do Mỹ - Ngụy leo thang đã mở rộng trên toàn chiến trường miền Nam. Tại Quảng Đức, năm 1965, Mỹ - Ngụy đưa dân về co cụm hình thành các khu, ấp chiến lược mới chung quanh thị trấn, thị xã như bon Đắk Sapa, Khiêm An, Khiêm Cần, Khiêm Bình, Pang Sim, Khiêm Tín, Nhân Cơ.

Trước tình hình đó, Trung ương quyết định tăng cường lực lượng chi viện từ miền Bắc vào gồm các sư đoàn, lữ đoàn, các trung đoàn độc lập, các tiểu đoàn công binh, bộ binh, pháo binh và đặc công lần lượt vào chiến trường mở nhiều trận đánh lớn: Tuyến hành lang Quảng Đức lúc này liên tục đưa đón bộ đội như Liên đoàn 10, các tiểu đoàn 602, 603, 606 và nhiều đơn vị khác hành quân cấp tốc vào chiến trường Đông Nam bộ và Quân khu IX. Hành lang Quảng Đức phải đặt trạm xá để giải quyết điều trị, chữa bệnh cho số bệnh binh thuộc các đơn vị nói trên.

Đồng chí Đỗ Trọng Mãn (y sĩ) phụ trách, trạm xá đặt tại suối Đắk Prí, 4 y tá bổ sung phục vụ tại trạm này; năm 1966, trạm xá được lệnh chuyển sang biên giới Campuchia theo đường hành lang mới với quy mô lớn hơn, đội ngũ y – bác sĩ – y tá cũng đông hơn. Thực tế yêu cầu của chiến trường đội phẫu thuật tiền phương của tỉnh cũng được thành lập sớm (1965) với 3 bác sĩ – y sĩ và 5 y tá. Lực lượng này liên tục theo sát phục vụ lực lượng vũ trang. Sau mỗi trận đánh đội phẫu thuật có nhiệm vụ làm tốt công tác phẫu thuật, sơ cấp cứu thương binh sau đó mới được chuyển thương binh về bệnh xá tỉnh điều trị tiếp.

Trong khí thế cách mạng đang lên, đại bộ phận nông thôn đồng bằng, các vùng căn cứ cách mạng có điều kiện để phát triển toàn diện các mặt. Chính trong bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân Nâm Nung đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy, phát động quân và dân tập trung vào các nhiệm vụ chính là kiên quyết đánh địch bảo đảm thông suốt đường hành lang Bắc – Nam, giữ vững căn cứ X46 (địa bàn căn cứ của huyện Khiêm Đức) bằng hầm chông và giếng chông, xây dựng du kích mạnh để giữ vững căn cứ bảo vệ cơ quan tỉnh ủy; phát động phong trào sản xuất tự túc, đủ lương thực cho cơ quan tỉnh ủy, bộ đội và nhân dân đủ ăn và đủ lương thực để cung cấp, tiếp tế cho bộ đội đi trên đường hành lang Bắc – Nam và các vùng phụ cận.

Công tác thu mua lương thực, hàng hóa ngoài đường của Tổ Kinh tài giai đoạn này cũng rất nguy hiểm, qua công tác hoạt động gián điệp, chỉ điểm, địch dùng nhiều biện pháp để đánh phá, nhưng nhờ xây dựng được cơ sở tốt, thay đổi phương thức mua hàng nên vẫn bảo đảm an toàn cho lực lượng và hàng hóa. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ tự túc về lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến, tại căn cứ Nâm Nung những năm 1964 – 1965, các cơ quan tổ chức đóng guồng nước tưới, trồng bắp rất tốt. Từ nội bộ đến các bon, phong trào chăn nuôi được đẩy mạnh, những ngày lễ, tết (3/2, 2/9 và tết Âm lịch) tổ chức bữa cơm tươi cho anh chị em và nhân dân. Năm 1964 và những năm sau đó, tỉnh mở các hội nghị tổng kết phong trào sản xuất chăn nuôi cải thiện, qua đó biểu dương những cơ quan, đơn vị, bon làng có phong trào tốt, cá nhân điển hình được khen thưởng kịp thời, tạo khí thế sôi nổi trong toàn quân và toàn dân.

Nhìn lại 5 năm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm khi Tỉnh ủy Quảng Đức (B4 được thành lập (từ tháng 12/1960 đến năm 1965), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Đức, Tỉnh ủy Đắk Lắk, ta đã xây dựng được thực lực cách mạng, phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của quân, dân trong tỉnh đã có bước chuyển biến vượt bậc. Lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện đã không ngừng củng cố, phát triển về số lượng, chất lượng, mở nhiều trận đánh tiêu diệt địch trên nhiều địa bàn quan trọng, hỗ trợ cho công tác phá kèm, phá ấp chiến lược, giữ vững và củng cố vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung và các huyện, đã hỗ trợ kết hợp với các đội công tác, an ninh phát động quần chúng đập tan âm mưu “bình định miền Nam trong vòng 18 tháng”, đã tiến hành đánh phá, bóc gỡ một số ấp chiến lược do địch lập ra trên trục đường 14, 28 và liên tỉnh lộ 15, buộc địch phải rút về co cụm những điểm gần thị xã, thị trấn, quận lỵ; đồng thời, tỉnh đã xây dựng vững chắc thế trận phòng thủ vùng căn cứ Nâm Nung, mặc dù địch đã nhiều lần tổ chức hàng chục cuộc càn quét lớn nhỏ vào căn cứ với ý đồ tiêu diệt căn cứ, triệt phá đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây của ta. Chúng sử dụng bom đạn hòng uy hiếp bà con các bon căn cứ sẽ hoảng sợ phải bỏ bon làng cũ chạy ra vùng kiểm soát. Những thủ đoạn trên của địch hoàn toàn thất bại, bà con căn cứ vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn ác liệt, thiếu thốn, kiên cường bám trụ vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung. Tuy còn rất thiếu cán bộ, nhưng tỉnh cũng đã thành lập nhiều đơn vị phục vụ bảo đảm nhu cầu tại chỗ cho lực lượng và nhân dân các bon vùng căn cứ, các lực lượng vũ trang, an ninh cũng như lực lượng du kích trên địa bàn căn cứ Nâm Nung được xây dựng, củng cố ngày càng trưởng thành, phối hợp với lực lượng quân chủ lực chiến đấu làm nên những chiến thắng vang dội. Cũng tại căn cứ kháng chiến Nâm Nung, con đường hành lang từ khi khai thông đến cuối năm 1964 cơ bản đã hoàn chỉnh, quân và dân trên địa bàn sẵn sàng làm nhiệm vụ đưa đón, bảo vệ vận chuyển cán bộ và hàng hóa với quy mô lớn hơn cho những năm sau, bảo đảm các tuyến hành lang hoạt động an toàn và thông suốt, vận chuyển đưa đón bộ đội, hàng từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Các thành quả trên đã góp phần xây dựng vùng căn cứ Nâm Nung trụ vững chắc để chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới, góp phần đập tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy tại địa bàn Quảng Đức nói riêng và miền Nam nói chung.

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ lại tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên nấc thang cao nhất; trên 50 vạn quân Mỹ và chư hầu của Mỹ ồ ạt vào miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân và biệt kích. Mục tiêu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là nhằm đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam trong vòng 3 năm (tức là từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967). Với bản kế hoạch do tướng Oét Molen (tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam) đề ra, gồm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ tháng 7/12/1965: Nhanh chóng đổ quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam để phá kế hoạch mùa mưa của ta, ngăn chặn chiều hướng thất bại càng nhanh của ngụy quyền Sài Gòn, triển khai nhanh lực lượng quân Mỹ và chuẩn bị những cuộc phản công lớn.

+ Giai đoạn 2: Kéo dài trong 6 tháng đầu năm 1966, liên tiếp mở các cuộc phản công chiến lược để “Tìm diệt” chủ lực của ta và tăng cường các đợt “Bình định” nhằm kiểm soát vùng nông thôn.

+ Giai đoạn 3: Từ giữa năm 1966 đến hết năm 1967, hoàn thành việc tiêu diệt bộ đội chủ lực và các căn cứ của ta, kiểm soát hoàn toàn miền Nam.

Tại tỉnh Quảng Đức, Mỹ - ngụy gấp rút tiến hành đôn quân, bắt lính tăng quân số chủ lực, bảo an, lực lượng dân vệ chuyển thành nghĩa quân và nhân dân tự vệ, phát triển các trung tâm huấn luyện biệt kích ở Đắk Sắk và Nhân Cơ (mỗi trung tâm có từ 5 đại đội trở lên) thành lập bổ sung thêm quân số cho các đoàn bình định nông thôn, các tổ chức Trường Sơn, thám sát, thám báo, các lực lượng Phượng Hoàng, Thiên Nga được đào tạo trong các hoạt động tình báo, gián điệp. Ngay từ tháng 3/1965, địch đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào căn cứ của ta, các vùng ven nơi các đội công tác của ta đang hoạt động, sử dụng nhiều máy bay trinh sát vũ trang như L.19, OV.10 có gắn rốc két (hỏa tiễn), các loại trực thăng HU-1A, tàu gáo, các loại trực thăng 2 động cơ (cần cẩu), các loại máy bay vận tải nặng, nhẹ (2+4 động cơ) để rải chất độc hóa học v.v… tiến hành bắn phá các trục đường, nương rẫy vùng căn cứ của ta.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI (3/1965), Tỉnh ủy Quảng Đức đã mở Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh (5/1965), hội nghị đã quán triệt các nội dung quan trọng về phân tích, đánh giá tình hình đầu năm 1965, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Hội nghị nhấn mạnh quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta khi Mỹ mở rộng quy mô chiến tranh. Phải giữ vững và phát huy thế chiến lược tiến công nhằm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào.

Tỉnh ủy Quảng Đức chỉ đạo quân và dân trên địa bàn tiếp tục xây dựng và phát triển thực lực cách mạng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang đánh địch với nhiều quy mô, hình thức tác chiến, bám dân để phát động đánh phá quốc sách “ấp chiến lược”, từng bước mở rộng vùng giải phóng, bảo đảm hành lang thông suốt cho bất cứ tình huống nào.

1. Kiện toàn, phát triển lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh

Ngày 11/2/1965, Quân khu 6 quyết định điều động Đại đội Bộ binh số 24 (C.24) đang đứng chân chiến đấu tại Lâm Đồng, nay được điều hẳn về Quảng Đức với quân số 120 đồng chí, đây là đơn vị 2/3 là lính trẻ, đã qua huấn luyện. Khung cán bộ đại đội có 9 đồng chí thuộc cán bộ tiểu đoàn 186, 14 đồng chí là cán bộ quân khu, đại đội này do đồng chí Đinh Trị làm Đại đội trưởng. Sau khi tổ chức học tập tình hình và nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) lúc này là Chính trị viên Tỉnh đội đọc quyết định và giao nhiệm vụ cụ thể cho C24. Kể từ khi có C24 tăng cường, ta đã liên tiếp phối hợp đánh nhiều trận trên địa bàn, điển hình như: Ngày 23/3/1965, ta đánh trận đầu tiên vào ấp Knur Phimua. Kết quả đã tiêu diệt và làm tan rã 1 trung đội địch (dân vệ), diệt ác, phá kèm và làm tan rã bộ máy chính quyền của ấp; ngày 9/4/1965 đánh vào đồn Sanar, tiêu diệt 1 đại đội bảo an, bắt sống và tiêu diệt 75 tên, thu 1 khẩu đại liên, 1 súng cối 60 ly và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác. Cũng trong năm 1965, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã mở liên tiếp nhiều trận đánh như: Ngày 20/4/1965, cơ động chuyển hướng đánh ấp chiến lược Đắk Gằn; tháng 5/1965 đánh ấp chiến lược Bích Khê, Bích Srê; tháng 6/1965 đánh ấp chiến lược xã Nam Huân, ấp chiến lược Sê Tiêng; tháng 12/1965 đánh vào ấp Thuận Hạnh.

Như vậy, trong suốt năm 1965, C24 đã hoạt động tiến công liên tục, đánh phá, giải phóng hầu hết các ấp chiến lược dọc theo quốc lộ 28 (Gia Nghĩa – Kim Đa), Liên tỉnh lộ 15 (Gia Nghĩa – Đức Xuyên) và trục đường 14 (Gia Nghĩa – Đắk Song). Kết quả, đã làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt sống tù binh, thu hàng trăm súng các loại, đã làm tan rã toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch tại các ấp chiến lược trên. Một bộ phận nhân dân địa phương được đưa về vùng giải phóng (xây dựng căn cứ X46 tại Đắk R’măng). Với những thắng lợi trên, cuối năm 1965, đơn vị C24 đã được Quân khu 6 tặng Huân chương Chiến công hạng Hai và sau trận Sanar đơn vị C24 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, tuyên dương toàn Quân khu 6.

Phát huy kết quả đánh địch giành nhiều thắng lợi trong năm 1965-1966, C24 tiếp tục tiến công trên các địa bàn khác của tỉnh như: Ngày 9/4/1966, tiến đánh đồn Sapa – Đắk Pét thuộc Đức Lập, kết quả tiêu diệt gần 30 tên.

Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Quảng Đức tiếp tục được kiện toàn, trong đó đại đội Đặc công 90 được thành lập để phối hợp với các đơn vị bộ binh, pháo binh nhằm thọc sâu, đánh chiếm (mật tập) vào các cơ quan đầu não của địch như Tòa hành chính Quảng Dức, chi khu cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, các sân bay Gia Nghĩa, Nhân Cơ và một số đồn bốt trọng yếu của địch; đơn vị công binh C60; đơn vị cối 82 và ĐKZ; đơn vị công binh xưởng C35,…

Cục diện trên chiến trường miền Nam đã thay đổi lớn, Ban Giao ban Trung ương đã có công điện gửi cho Ban Giao bưu tỉnh với các nội dung: Từ tháng 2/1965, trên tuyến hành lang chiến lược Bắc – Nam phải tăng chuyến trực (trước đây 3 ngày 1 chuyến nay tăng lên 2 ngày và sẽ tăng tiếp), xuất phát từ lực lượng các đoàn vào Nam ngày càng đông, vũ khí, khí tài, tài liệu ngày càng nhiều nên phải kịp thời theo yêu cầu chỉ đạo. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ các trục đường hành lang, đưa đón cán bộ chi viện từ miền Bắc vào Nam là yêu cầu cần thiết và quan trọng đối với địa bàn tỉnh Quảng Đức nói chung và căn cứ kháng chiến Nâm Nung nói riêng.

Hội nghị toàn ngành giao bưu tỉnh tổ chức trong hai ngày 3 và 4/2/1965 gồm các đồng chí trong Ban Hành lang, các đồng chí Trạm trưởng được triệu tập gấp nhằm quán triệt tình hình trên; các trạm đầu mối, các trạm nhiều cánh trực sẽ được tăng cường sắp xếp quân số hợp lý để bảo đảm việc đưa đón quân và hàng hóa thông suốt. Từ tháng 4 đến cuối năm 1965, đoàn quân và hàng chuyển vào miền Nam ngày càng nhiều, các trạm phải phân công sử dụng toàn bộ quân số hiện có để bảo đảm công tác đưa đón quân và hàng hóa. Do chặng đường hành quân dài và gặp rất nhiều khó khăn nên tình hình sức khỏe của các đoàn giảm sút rõ rệt. Đã có nhiều đồng chí ốm đau, sốt rét. Trước tình hình trên, Ban Giao bưu tỉnh phải thành lập một trạm xá hành lang với khoảng 30 giường giao cho đồng chí Đỗ Trọng Mãn làm Trạm xá trưởng, 4 y tá mới được đào tạo phục vụ cho các đoàn vào miền Nam.

Ngày 23/10/1965, Liên đại 10 (Trung đoàn 16) từ miền Bắc đi vào miền Đông Nam bộ, lúc được lệnh dừng lại ở Nâm Nung thì bị địch phát hiện. Chúng tổ chức phục kích trên tuyến tỉnh lộ 14 để tiêu diệt lực lượng của ta. Phát hiện được âm mưu này của địch, ta quyết định tập trung toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Đức, phối hợp với hỏa lực của bộ đội chủ lực (Liên đoàn 10) đã chủ động tấn công đánh bật địch ra khỏi trận địa phuc kích của chúng để trung đoàn chủ lực của ta vượt đường 14 hành quân vào Nam tham dự trận đánh quan trọng tại chiến trường miền Đông Nam bộ theo kế hoạch của Trung ương. Do bị bất ngờ, địch lúng túng, bị động đối phó với ta, trận chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra ác liệt. Kết quả ta đã bắn chết tại chỗ tên Đặng Hữu Hồng – Trung tá Tỉnh trưởng Quảng Đức và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch, thu nhiều súng và quân trang, quân dụng của địch.

Ngay sau trận thua đau này, địch đã bung lực lượng ra càn quét, đánh giá giao thông chia cắt đường hành lang Bắc – Nam và các khu căn cứ của ta ở Nam Tây Nguyên, nhất là căn cứ Nâm Nung, Nâm Ka… Lực lượng du kích của Nâm Nung, Nâm Ka đã phát huy vai trò của lực lượng vũ trang tại chỗ, chiến đấu liên tục với địch, bảo vệ được buôn làng, bảo vệ được nhân dân; góp phần bảo vệ an toàn đường hành lang và các khu căn cứ cách mạng.

Cũng trong năm 1965, để chặn đường hành lang tiếp tế của ta từ Bắc vào Nam và khống chế các hoạt động của ta tại căn cứ Nâm Nung, địch đưa 1 tiểu đoàn quân hỗn hợp gồm bộ binh, pháo binh, súng cối và máy bay yểm trợ đóng tại đồi Yôk Rlâm (Dốc Ba Tầng), lực lượng của địch đông, lực lượng của ta mỏng (gồm một bộ phận K94, C50, C70a và dân quân du kích), nên ta chỉ sử dụng phương pháp đánh du kích quấy rối đội hình địch. Với lối đánh cách nhật: Ngày đầu ta bắn súng cối vào đội hình địch, ngày thứ hai ta tổ chức bắn tỉa, ngày thứ ba ta kết hợp pháo kích bằng súng cối và bắn tỉa đã làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Phát hiện ra con đường từ dốc Ba Tầng xuống suối lấy nước, đồng chí Y Lơ và dân quân du kích Nâm Nung đã tổ chức mai phục, chặn đánh 1 tiểu đội địch trên đường đi lấy nước tại suối Đắk T’Rá, bắn chết tại chỗ 2 tên. Sau trận này địch không dám xuống suối lấy nước, buộc chúng phải chở nước từ nơi khác đến. Lối đánh không có quy luật của dân quân, du kích Nâm Nung làm cho chúng lúng túng, bất an và hao mòn lực lượng, nên buộc chúng phải từ bỏ ý định, vội vã rút quân khỏi dốc Ba Tầng. Tiêu hao sinh lực địch bằng bắn tỉa và phục kích ở Nâm Nung được cấp trên biểu dương và phát động phong trào thi đua bắn tỉa, quấy rối địch trên chiến trường. Việc bắn tỉa và đánh không quy luật đã làm cho địch phải hoang mang, khiếp sợ khi nhắc đến tên của du kích Ama Hin và Ama Beo. Lực lượng dân quân du kích tham gia vào các lực lượng của tỉnh đánh địch ở phía trước phá ấp chiến lược, hướng dẫn nhân dân về lại làng cũ làm ăn. Nhân dân vùng căn cứ còn huy động phục vụ cho chiến đấu như tải đạn, lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Tiếp tục đấu tranh củng cố, bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến Nâm Nung

Để tiếp tục củng cố, bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung, Tỉnh ủy Quảng Đức triển khai Nghị quyết trong các ngày 1 và 2/6/1965. Hội nghị mở rộng do ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Đức triệu tập đã được tổ chức tại dốc đồi Ba Nhất với các nội dung như phổ biến tình hình và nhiệm vụ của tỉnh, âm mưu thủ đoạn của địch khi đế quốcMỹ đang tiến hành mở rộng quy mô chiến tranh trên toàn miền Nam (trong đó có vùng Tây Nguyên), các biện pháp đối phó của ta cần khẩn trương triển khai ngay trong thời gian tới. Đặc biệt, phương án và kế hoạch phòng thủ nhằm bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến Nâm Nung là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Căn cứ kháng chiến Nâm Nung trong thời gian này gặp nhiều khó khăn về lương thực, nương rẫy bị địch bắn phá liên tục nên nạn thiếu muối, thiếu vải, thiếu thuốc chữa bệnh là thường xuyên. Đời sống cán bộ, đảng viên, du kích và nhân dân vô cùng gian khổ. Không có muối, đồng bào và du kích phải đốt cây lồ ô lấy tro nấu canh để ăn với sắn, khoai. Du kích phải tự túc, tự cấp, mỗi trung đội du kích làm từ 2 đến 3 rẫy, mỗi rẫy từ 3 đến 5 ha, khắc phục mọi khó khăn để tồn tại và chiến đấu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhân dân Nâm Nung vẫn luôn luôn tìm cách ủng hộ và giúp đỡ cách mạng, làm được một ít gạo đều dành cho phía trước nuôi bộ đội. Mặt khác, với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Tỉnh ủy Quảng Đức, toàn bộ các cơ quan, ban ngành kể cả lực lượng vũ trang tỉnh (không tính công tác) phải đẩy mạnh công tác sản xuất tự túc, phải lấy lương thực tại chỗ là chính. Có ăn mới công tác, chiến đấu, mới bám trụ chiến trường vững chắc. Từ chủ trương trên đòi hỏi các cơ quan ban ngành, lực lượng phải sắp xếp lao động hợp lý, hầu như các đơn vị có quân số đông thì tổ chức đội sản xuất 8-10 người, ít thì cũng 4-5 người. Nhờ vậy đã giải quyết được nguồn lương thực tại chỗ rất lớn cho lực lượng.

Từ năm 1966, địch bố trí các đại đội biệt kích thuộc hai căn cứ huấn luyện là Đắk Sắk (thuộc quận Đức Lập) và Nhân Cơ (thuộc quận Kiến Đức). Đây là lực lượng hết sức nguy hiểm được Mỹ trang bị và huấn luyện, chi phí. Phương thức hoạt động của chúng là bí mật, thọc sâu, đánh phục kích, tập kích, đánh nhanh rút nhanh sau khi gây thương vong cho ta ở vùng căn cứ. Ngoài các lực lượng này, chúng còn huấn luyện nhiều đội thám sát, thám báo, chia từng toán nhỏ, len lỏi vào vùng căn cứ Nâm Nung dấu đường, cơ quan, cung cấp thông tin cho lực lượng biệt kích hoạt động. Ngoài ra chúng còn có một số thủ đoạn khác như: Ban đêm, máy bay trực thăng thả máy thu phát tiếng động ở những tọa độ mà chúng nghi vấn có điểm đóng của quân ta, có cơ quan, có các trục đường đi của bộ đội ta. Bọn thám báo còn rải một số đạn AK giả nhằm mục đích để lực lượng cách mạng khi sử dụng đạn này dễ bị sát thương.

Trước những thủ đoạn đánh phá của Mỹ, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ củng cố, bảo vệ căn cứ kháng chiến Nâm Nung, Tỉnh ủy Quảng Đức chỉ đạo phương án tác chiến được bổ sung các phương án mới sau ngày thành lập tỉnh, mỗi cơ quan đều thành lập được một tổ tự vệ, có trang bị vũ khí đầy đủ, thường xuyên tổ chức tuần tra khu vực cơ quan, phát hiện những dấu vết nghi vấn của bọn thám sát, thám báo địch, thống nhất mật khẩu, ám tín hiệu trong hoạt động phối hợp đánh địch. Đối với các cơ quan, quán triệt bảo đảm 100% có hầm trú ẩn phi pháo địch ném bom, 100% đều có bếp Hoàng Cầm, tuyệt đối không để khói lửa làm lộ mục tiêu chỗ ở. Ban đêm làm việc, đèn dầu phải có chụp che ánh sáng, các đường ra vào cơ quan không để lộ, phải có các kho bí mật xa (10-15 phút) để cất giấu tài liệu, tài sản cần thiết, phải chọn một địa điểm dự bị mới (cách xa 1-2 tiếng đồng hồ) để sơ tán lúc cần thiết (địch càn quét hoặc cơ quan bị lộ) và bảo đảm có lương thực chống càn (bảo đảm từ 10-15 ngày ăn).

Trước những thủ đoạn đánh phá của Mỹ, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ củng cố, bảo vệ căn cứ kháng chiến Nâm Nung, Tỉnh ủy Quảng Đức chỉ đạo phương án tác chiến được bổ sung các phương án mới sau ngày thành lập tỉnh, mỗi cơ quan đều thành lập được một tổ tự vệ, có trang bị vũ khí đầy đủ, thường xuyên tổ chức tuần tra khu vực cơ quan, phát hiện những dấu vết nghi vấn của bọn thám sát, thám báo địch, thống nhất mật khẩu, ám tín hiệu trong hoạt động phối hợp đánh địch. Đối với các cơ quan quán triệt bảo đảm 100% có hầm trú ẩn phi pháo địch ném bom, 100% đều có bếp Hoàng Cầm, tuyệt đối không để khói lửa làm lộ mục tiêu chỗ ở. Ban đêm làm việc, đèn dầu phải có chụp che ánh sáng, các đường ra vào cơ quan không để lộ, phải có các kho bí mật xa (10-15 phút) để cất giấu tài liệu, tài sản cần thiết, phải chọn một địa điểm dự bị mới (cách xa 1-2 tiếng đồng hồ) để sơ tán lúc cần thiết (địch càn quét hoặc cơ quan bị lộ) và bảo đảm có lương thực chống càn (bảo đảm từ 10-15 ngày ăn).

Tháng 2/1966, Ban Hành lang được củng cố, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Thành - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp làm Bí thư huyện Đức Lập (K2) kiêm Trưởng Ban Hành lang và Bí thư Đảng bộ Mai Tây (biên giới) (X48), trong ban còn có các đồng chí Nguyễn Bình, đồng chí Khai, đồng chí Chung làm phó ban, Nguyễn Văn Hơn, Huỳnh Xuân Cư – cán bộ giao thông, Nguyễn Tiến Phúc – Tổng phát hành và các đồng chí khác. Chánh văn phòng do đồng chí Lê Trúc Phương đảm nhận. Từ đây, hệ thống trạm trên trục đường hành lang chiến lược Bắc – Nam ( từ sông  Sêrêpốk vào đến Phước Long) được bố trí lại cơ bản hơn. Trong mỗi trạm đều có y tá, phát hành viên, quản lý; mỗi trạm có một chi bộ và một chi đoàn hoạt động. Ngoài hệ thống trạm, Ban Hành lang tổ chức một đơn vị X.9 là bệnh xá hành lang với khoảng 20 giường bệnh do đồng chí Đỗ Trọng Mãn phụ trách, đồng chí Lê Ngọc Vân làm chính trị viên, đồng chí Lê Văn Sáu làm quản trị hành chính khung, phục vụ bệnh xá này có 15 đồng chí (tính cả y tá, cấp dưỡng) cùng đơn vị X.10 là trạm an điều dưỡng do đồng chí Phước phụ trách đóng cạnh trạm xá X.9, một số bệnh nhân đã được điều trị xong chuyển sang điều dưỡng tại đây, sau khi khỏe mạnh tiếp tục hành quân chiến đấu.

Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong công tác cứu thương, chữa bệnh cho quân và dân trên địa bàn, quy mô giường bệnh tại bệnh xá tỉnh ngày càng tăng, năm 1965 đã có 50 giường bệnh, lúc này bệnh xá ngoài việc khám chữa bệnh cho số cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan ban ngành tỉnh, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, còn tiếp nhận thêm một số bệnh nhân thuộc các đoàn khách hành quân từ miền Bắc vào, do ốm quá nặng phải chuyển từ Trạm xá hành lang vào bệnh xá tỉnh nên lưu lượng bệnh nhân cứ thế tăng dần. Vì vậy, nhiệm vụ của y - bác sĩ cũng vất vả hơn, bên cạnh bệnh xá vẫn phải lo nhiệm vụ sản xuất tự túc lương thực, bảo đảm đủ ăn, trồng rau xanh cho cả cơ quan và bữa ăn của bệnh nhân được cải thiện. Số lượng biên chế của bệnh xá năm cao nhất không quá 20 người.

Trong điều kiện thực tế tại chiến trường Quảng Đức, nguồn thuốc cần thiết để phục vụ chủ yếu là nguồn thuốc từ miền Bắc chuyển vào theo trục đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, các loại thuốc tây và y dụng cụ phẫu thuật được chứa trong những thùng thiếc với trọng lượng từ 19-20 kg, trên nắp ghi rõ ký hiệu Y-T-Bác Kế (Bác Kế là mật danh của Khu VI); nguồn từ khu VI, khoảng 3 tháng một lần, Ban Quân y tỉnh cử về Khu VI nhận thuốc và 1 số hàng thiết yếu khác như nilon, vải may trang phục và nguồn thứ ba là cán bộ tổ dược phải sang tận Campuchia (tỉnh Kratiê) mua các loại hóa chất về pha chế: như hóa chất Vitamin B12, B6, C… Riêng nước cất thì được tổ dược tự pha cất lấy. Phát huy kiến thức đã học, tổ được thường xuyên bào chế các loại cao xương (hổ, gấu, khỉ, nai, voi…) đồng thời vào rừng sưu tầm nhiều cây dược liệu khác để sản xuất các loại thuốc bổ dưỡng (sâm, hà thủ ô) và các loại thuốc thông thường (tiêu chảy, đau bụng, cảm cúm…).

Một góc thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô ) hôm nay. Ảnh: A Trư

Trong gian khổ ác liệt, trên địa bàn căn cứ Nâm Nung công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ trung kiên ngày càng được chú trọng. Du kích là lực lượng nòng cốt xung kích trong chiến đấu, sản xuất. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ là lực lượng đông đảo đi đầu trong xây dựng buôn, bon vững mạnh mọi mặt, tham gia mọi hoạt động và xây dựng những tuyến bố phòng. Mỗi tháng mỗi người vót 200 cây chông, làm mang cung, bẫy đá nặng hàng tấn…; tham gia làm giao liên, đi dân công tải đạn, gạo… Phong trào rào làng, bố phòng do Đảng ủy phát động và du kích làm nòng cốt phát triển mạnh. Địch càn quét nhiều lần, nhưng mỗi khi địch rơi vào khu vực bố phòng của ta thì có số chết vì mang cung, nhiều tên bị xóc chông, vì vậy chúng chỉ dám ở ngoài xa không dám vào buôn làng.

Đầu năm 1966, tỉnh Quảng Đức được chia thành Tiền Phương A và Tiền Phương B, trong đó địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung thuộc huyện Đức Lập của Tiền Phương A do Khu VI chỉ đạo. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Nâm Nung đang trên đà phát triển, tháng 10/1966, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định điều chỉnh lại chiến trường Khu VI, cụ thể là tách hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức của Khu VI, cùng tỉnh Bình Long hợp thành Khu X do đồng chí Bùi Định (Tư Khiêm) làm Bí thư, nhằm chăm lo xây dựng căn cứ và đường hành lang của miền. Kể từ đó, Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn vùng căn cứ Nâm Nung, trực thuộc sự lãnh đạo của Khu ủy Khu X. Lúc này, Mỹ - Ngụy đánh phá, càn quét Nâm Nung rất ác liệt, chúng rải chất độc hóa học nên nhân dân chỉ sản xuất được màu như ngô, sắn, khoai lang, đậu đỗ các loại. Ngay lương thực là củ mỳ (sắn) nhiều năm cũng phải chấp nhận ăn mỳ đã bị nhiễm chất độc nhưng chưa thối củ. Mỹ - Ngụy rải chất độc hóa học xuống nhiều khu vực thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đức như toàn bộ khu vực Bắc Nâm Nung, Nam Nâm Nung, các khu vực Đắk R’măng, Đắk Rung, Quảng Sơn, Kiến Đức, Đắk Song… Từ năm 1966 về sau, địch đưa vào các đại đội biệt kích hết sức nguy hiểm. Chúng là bí mật, thọc sâu, đánh phục kích, tập kích, đánh nhanh rút nhanh sau khi gây thương vong cho ta ở vùng căn cứ.

Ngoài ra, chúng còn một số thủ đoạn khác như: Ban đêm, máy bay trực thăng thả máy thu phát  tiếng động ở những tọa độ mà chúng nghi vấn có điểm đóng quân của ta, có cơ quan, có các trục đường đi của bộ đội ta; bọn thám báo còn rải một số đạn Ak giả. Chúng dùng cả pháo đài bay B52 ném bom rải thảm, dùng máy bay rải chất độc phá hoại cây cối, mùa màng; song giặc càng đánh phá điên cuồng thì cuộc chiến đấu chống giặc của quân và dân Nâm Nung lại càng kiên cường, dũng cảm và mưu lược, không ngại gian khổ, hy sinh quyết chiến đấu bảo vệ, củng cố vững chắc căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Đức nói riêng và là căn cứ địa của toàn miền Nam.

Đấu tranh giữ vững tuyến hành lang trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung, chiến đấu cùng quân dân miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968

Đầu năm 1967, xuất phát từ yêu cầu của chiến trường, Trung ương quyết định hợp nhất tiền phương A và B của tỉnh Quảng Đức dưới sự chỉ đạo của khu vực và Bộ Tư lệnh Quân khu 10. Ban cán sự tỉnh do đồng chí Nguyễn Tuấn (tức Ba Đăng) từ Khu ủy 6 trực tiếp làm Bí thư, đồng chí Ma Huy làm Phó Bí thư.

Đấu tranh giữ vững tuyến hành lang trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung, chiến đấu cùng quân dân miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968

Lúc này, địch đẩy mạnh việc thực hiện cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 (1966-1967), nhằm hai mục tiêu: Càn quét và bình định trọng điểm, cắt đứt đường hành lang Bắc – Nam của ta và khôi phục lại thế chủ động đã mất trên chiến trường miền Nam, trong đó có chiến trường Nam Tây Nguyên, đồng thời tăng cường hơn nữa cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta. Mức độ ác liệt của chiến tranh ngày một gia tăng trên cả hai miền Nam – Bắc  Việt Nam.

Trước tình hình đó, thực hiện Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quân và dân miền Nam, quân và dân các dân tộc tại căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã tiến hành cuộc đấu tranh chống lại hai mục tiêu: “càn quét” và “bình định” có trọng điểm của Mỹ - Ngụy. Phương châm “ba bám” (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích và bộ đội bám đánh địch) được triển khai quán triệt sâu rộng và trở thành khẩu hiệu hành động của quân và dân trên địa bàn. Phong trào nhân dân du kích chiến tranh và xây dựng làng buôn chiến đấu tại Nâm Nung phát triển mạnh. Đồng bào các dân tộc M’nông, Ê đê, từ các cụ già đến các cháu thiếu niên đều thi đua vót chông làm mang cung, cạm bẫy, thực hiện rào làng chiến đấu, chống địch càn quét vào vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta. Để bảo vệ căn cứ, nhân dân Nâm Nung còn tích cực trong công tác hậu phương, nuôi quân, chăm sóc các thương bệnh binh. Chỉ tính riêng năm 1967, đồng bào các dân tộc Nâm Nung đã nuôi dưỡng gần 300 thương bệnh binh từ các tiểu đoàn 604, 606, 607 và sau khi lành bệnh, 300 chiến sĩ này đã trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu hoặc gia nhập vào bộ đội địa phương. Riêng đồng bào ở các bon buôn K62, Leng, Yôkju đã sản xuất trên 30 tấn gạo đóng góp cho bộ đội nuôi quân đánh giặc. Lực lượng du kích thường xuyên tuần tra, canh gác nhằm đề phòng các cuộc càn quét bất ngờ của địch. Nhiều trận đánh địch chống càn quét của du kích Nâm Nung đã diễn ra tại địa phận buôn K62; nhiều tên địch đã bị tiêu diệt bởi hầm chông, cạm bẫy… của du kích. Những cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu trong đánh địch ở Nâm Nung lúc này là: Ama Beo, Ama Hin, Y Linh, Ama Chí, Y Tam, Ama Lim… Chiến công của quân và dân Nâm Nung đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của đồng bào M’nông, Ê đê ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung.

Cùng với chống đánh địch càn quét, lực lượng du kích Nâm Nung còn tích cực phối hợp với các đơn vị chủ lực của quân khu, tỉnh Quảng Đức và các đội vũ trang công tác trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung tiến hành đột ấp, phá kìm và tiến công địch theo mệnh lệnh của cấp trên. Cuối năm 1967, trung đội du kích xã Nâm Nung đánh tan 1 đại đội tăng cường của địch khi chúng càn vào xã Nâm Nung.

Để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý và chỉ đạo, tháng 3/1967, Trung ương Cục quyết định chuyển công tác quản lý hành lang trên trục đường chiến lược Bắc – Nam sang Đoàn 90 của Trung ương Cục (bàn Giao Bưu vận R) bao gồm 5 trạm, 1 bệnh xá, 1 đội vận tải, đơn vị biên phòng (C20) giao lại huyện Đức Lập. Lúc này, các đồng chí Nguyễn Đình Khai, Nguyễn Tiến Phúc, Huỳnh Xuân Cư, Bạch Văn Tiến và Lê Trúc Phương về lại tỉnh, tiếp tục xây dựng đường hành lang địa phương và liên tỉnh, xây dựng các trạm móc nối liên lạc với Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng được kiện toàn nhằm bảo đảm thống nhất chỉ huy, chỉ đạo trong tác chiến; đồng chí Bùi Đức Thành (Năm Nhân) là Chỉ huy trưởng, các đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Niê Sook là Phó Chỉ huy, đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) là Chính trị viên. Ban tham mưu tác chiến có đồng chí Đặng Hút Gia, Ban Chính trị do đồng chí Hòa và Ban Hậu cần do đồng chí Phạm Tùng làm Trưởng ban; bảo đảm các mặt công tác phục vụ tác chiến; Tổ quân báo có các đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ba, Bình; Trung đội Trinh sát do đồng chí Nguyễn Văn Leo phụ trách. Thời kỳ từ năm 1967 trở đi, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đức đã phát triển mạnh với một đại đội đặc công cùng 2 đại đội bộ binh, 1 trung đội trợ chiến cối 82 ly + DKZ, 1 trung đội trinh sát, 1 đơn vị công binh và 1 công binh xưởng (sản xuất lựu đạn, chông sắt, mìn định hướng, mìn hơi). Nhiều trận đánh với sự phối hợp của lực lượng vũ trang tỉnh diễn ra liên tiếp. Ngày 5/3/1967, C24 tiến đánh ấp Bù So thuộc huyện Kiến Đức, kết hợp làm công tác tuyên truyền, cắm cờ trên trụ sở ấp Bù So và phục kích địch. Đến 7 giờ 30 phút, ngày 6/3/1967, một đại đội Bảo an Kiến Đức kết hợp một trung đội dân vệ đi giải tỏa, địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Sau 30 phút nổ súng ta đã tiêu diệt gần 50 tên, thu một số vũ khí của địch. Hoạt động tiến công đánh địch trong giai đoạn 1965 đến 1967 của C24 làm địch hết sức hoang mang, lo sợ, ta đã diệt, bắt sống, thu vũ khí và làm tan rã phần lớn bộ máy kìm của địch tại các ấp chiến lược, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh.

Đến giữa năm 1967, Trung ương Đảng có chủ trương về tổng công kích – tổng khởi nghĩa, đưa chiến tranh vào sâu trong các đô thị miền Nam nhằm giáng một đòn chí mạng vào ý đồ xâm lược của Mỹ. Để bảo vệ lực lượng, Tỉnh ủy Quảng Đức đã nhanh chóng, khẩn trương chuyển địa bàn chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan phục vụ về hướng Nam Nâm Nung nhằm tập trung chỉ đạo các huyện: Đức Lập, Kiến Đức nhất là địa bàn thị xã Gia Nghĩa, tiền phương của các lực lượng đứng chân để tiến công địch theo các hướng.

Bắc Nâm Nung đi về Nam Nâm Nung theo hướng từ Đông Bắc về Tây Nam phải trèo dốc có độ cao 1.200m so với mực nước biển, đi theo lưng chừng núi đá lởm chởm, rừng cây nguyên sinh cổ thụ. Điểm xuất phát từ khu vực bon Gia Rá, vượt suối Đắk Prí, qua bon Dôk You đến bon Ma Beo. Sau khoảng bốn tiếng là đến dốc mưa – nơi làm việc của cơ quan Dân y do đồng chí Cáp Sinh Cung làm Trưởng ban, bác sĩ Đặng Công Long và dược sĩ Dương Thị Thúy Nga. Qua cơ quan dân y khoảng 10 phút là địa điểm làm việc của ban kinh tài do đồng chí Chế Lễ làm Phó ban phụ trách, ngoài các bộ phận làm việc chuyên môn, cơ quan này còn có vùng trồng ngô (khoảng 1,5 ha). Mùa nắng sử dụng đường máng dẫn nước về tưới ngô và rau màu các loại. Men theo sườn núi, đổ dốc khoảng 90 phút là đến vùng Nam Nâm Nung. Chân dốc là nơi làm việc của cơ quan điện đài của tỉnh đội do đồng chí Nguyễn Minh Lý phụ trách cùng 6 chiến sĩ khác. Từ đây có hai hướng đi, bên phải là đường đi đến các cơ quan của tỉnh ủy, tỉnh đội; vòng ngoài xa hơn là dọc theo suối Đắk N’Tao là điểm đóng quân của các đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh xá tỉnh và phía trái là đường đi ra các nương rẫy sản xuất tự túc của các cơ quan như: Tỉnh đội, ban hậu cần, ban an ninh và đội phẫu tiền phương…

Căn cứ Nam Nâm Nung cơ bản vẫn rất hiểm trở, rừng nguyên sinh, rừng núi trùng điệp rất thuận lợi cho việc bố trí lực lượng của ta. Khu vực suối Đắk N’Tao là điểm đóng quân của các lực lượng vũ trang (C.1, C2. C.3, C.90, B.28, đội phẫu tiền phương), thượng nguồn suối Đắk N’Tao là bệnh xá của tỉnh, bên trong suối Đắk N’Tao, dựa lưng vào sườn núi là các cơ quan của tỉnh. Riêng cơ quan tỉnh ủy và tỉnh đội được đóng dọc theo một sình dứa với diện tích rất rộng và hiểm trở bảo đảm cho công tác bảo vệ khi có tình huống xấu.

Cùng với toàn miền Nam chống Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ (1965-1968)

Theo phương án phòng thủ đã vạch sẵn từ trước, chỉ trong vòng hai tháng 9 và 10/1967, cơ bản các cơ quan đã chuyển về vị trí mới xong, tuy nhiên trong phương án có bổ sung một nội dung mới là việc chống địch rải chất độc hóa học. Rút kinh nghiệm từ những năm 1965-1966, phương án phòng chống địch rải chất độc hóa học được đề ra và tuân thủ nghiêm túc. Các nương rẫy sản xuất tự túc của các đơn vị, các cơ quan không được phát quá lớn, dài và hẹp nhằm hạn chế tổn thất cho cây lương thực. Vào thời điểm nửa cuối tháng 9/1967, tổ săn máy bay phải thường trực sẵn sàng, tích cực sử dụng súng trung liên, súng trường bắn tỉa, các loại phòng độc như khẩu trang, đậu xanh, đường đen, xà phòng phải có dự trữ để giải độc lúc cần thiết và đối với các nương rẫy khi bị địch rải thuốc cần nhanh chóng chặt cây đắp đất gốc. Tháng 2/1968, máy bay B57 của Mỹ thả bom cạnh khu vực của tỉnh ủy, làm sập 1 nhà bếp nhưng cơ quan có hầm trú ẩn nên căn cứ được an toàn.

Tháng 1/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khẳng định lại quyết tâm của Bộ Chính trị: “Ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình ấy cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta vào bước phát triển cao hơn”. Tại Quảng Đức, Quân khu 10 đã tăng cường cho tỉnh đội một tiểu đoàn chủ lực, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh như C1, C3, B28, đội phẫu tiền phương đã triển khai và đứng chân tại Đắk Rung; các đơn vị vũ trang các huyện và các đội công tác, đơn vị an ninh vũ trang T27 được triển khai ra phía trước, đứng chân trên các địa bàn xung yếu. Ngay sau đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, tại Ban Hành lang Quảng Đức, trạm B3, trạm hành lang trung tâm của tỉnh với 5 cánh trực, quân số 18 đồng chí đã nhận được một lúc 4 điện hỏa tốc do Văn phòng Tỉnh ủy chuyển đến. Với tinh thần khẩn trương, 8 đồng chí chia làm 4 tổ nhận được điện và dùng đèn pin, súng, đạn, chia ra 4 hướng: Một tổ chuyển điện ra Tiền phương Đắk Rung (đi bộ nhanh nhất mất 3 tiếng đồng hồ), một tổ chuyển điện sang Huyện ủy K2 (Đức Lập) (mất 5 tiếng), 1 tổ chuyển điện đi Huyện ủy K6 - Khiêm Đức (mất 6 tiếng) và 1 tổ chuyển đi Kiến Đức xa nhất (mất 8 tiếng). Suốt từ đêm mùng 1 đến hết ngày 3 tết Mậu Thân 1968, đã có trên 20 bức điện hỏa tốc, thượng khẩn, khẩn, tối mật đã được hành lang chuyển đi với tinh thần khẩn trương nhất không kể ngày đêm để phục vụ sự chỉ đạo của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, mở đầu chiến dịch Mậu Thân 1968 là trận đánh giao thông theo địa hình phục kích trên đường từ Nhân Cơ đi Gia Nghĩa vào ngày 8/1/1968 đã giành thắng lợi. Chiến thắng trên trục đường Nhân Cơ – Gia Nghĩa đã gây hoang mang cho địch – một trận đánh táo bạo chỉ cách thị xã 15 km, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch không nhỏ, hỗ trợ tích cực phong trào đấu tranh chính trị của bà con dân tộc các ấp chiến lược vùng Kiến Đức.

Liên tiếp trong những ngày đầu Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang của quân khu, của tỉnh và các huyện đã phối hợp tốt với các đội công tác, đánh và loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, đánh phá nhiều ấp chiến lược trong toàn tỉnh, đã kìm chân địch tại tỉnh Quảng Đức, chia lửa với các chiến trường toàn miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cán bộ, du kích, nhân dân được huy động phục vụ chiến đấu suốt trong năm 1968.

Phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đức, mặt trận Tây Nguyên B3 đã mở chiến dịch đánh quận lỵ Đức Lập. Ngày 23/8/1968, quân ta nổ súng tấn công Đức Lập, đồng thời chặn quân địch từ Buôn Ma Thuột lên chi viện cho Đức Lập. Với ưu thế về lực lượng, lại được trang bị vũ khí hiện đại (ĐKP-H12) và công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, sau 10 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt được 1.790 tên, phá hủy 32 xe quân sự, 10 đại bác và 6 kho vũ khí. Đại bộ phận hệ thống ngụy quyền các cấp quận, xã đều bị tan rã. Có thể nói, sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, cùng với các đợt tiến công của bộ đội địa phương thì chiến thắng Đức Lập có ý nghĩa to lớn về mặt chiến thuật, chiến lược về quân sự, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ trên chiến trường Nam Tây Nguyên, đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của quân dân ta không chỉ ở Quảng Đức mà cả Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, trong đó có phần không nhỏ công sức của quân và dân trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung.

IV. Đấu tranh giữ vững tuyến hành lang, cùng quân và dân miền Nam chống Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ (1969-1973)

1. Củng cố, giữ vững địa bàn căn cứ Nam Nâm Nung (1969-1971)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn chí mạng vào âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Sau khi nhận chức Tổng thống Mỹ, R.Níchxơn cho ra đời học thuyết mới: “Học thuyết R.Níchxơn”. Ứng dụng vào cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Mỹ điều chỉnh chủ trương “Phi Mỹ hóa” của L.Giônxơn thành một chiến lược chiến tranh với đầy đủ các yếu tố hợp thành đó là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” được coi là “Học thuyết R.Níchxơn trong hành động” với mục tiêu cơ bản là duy trì lâu dài chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; thông qua chính quyền Sài Gòn, “dùng người Việt đánh người Việt”, bằng tiền bạc, vũ khí Mỹ và do Mỹ chỉ huy. Biện pháp cơ bản của chiến lược này là xây dựng quân đội ngụy Sài Gòn trở thành lực lượng nòng cốt và rút dần quân Mỹ; bình định nông thôn nhằm kiểm soát phần lớn nhân dân miền Nam làm cho ta mất chỗ dựa; tăng cường đánh phá các tuyến đường, trở lại đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam; mở rộng chiến tranh sang đất Campuchia, tiến công các vùng giải phóng Lào; ngoại giao với các nước lớn trong hệ thống xã hội chủ nghĩa nhằm cô lập cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam… Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố bộ máy chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở; dùng mọi biện pháp, thủ đoạn mua chuộc nhân dân miền Nam, tạo cơ sở xã hội để tập hợp lực lượng hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gon đủ mạnh, hoàn thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Thực hiện mưu đồ đó, tại Nam Tây Nguyên địch tăng cường phòng thủ bảo vệ thị xã Gia Nghĩa, các quận lỵ, các ấp chiến lược và các đầu mối giao thông; tăng quân ở Đức Lập, trong đó có 3 tiểu đoàn lính Mỹ và liên tục đưa quân đi càn quét, gom dân, cho máy bay bắn phá, đốt rẫy của đồng bào. Ngoài ra, địch còn gia tăng việc bắt lính, đôn quân, củng cố lại các đồn bót, ấp chiến lược, tăng cường kiểm soát việc đi lại của đồng bào, tập trung đánh phá ác liệt các vùng căn cứ, vùng giải phóng với quy mô ngày càng tăng. Phong trào cách mạng Nam Tây Nguyên thực sự đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Một số đơn vị chủ lực của miền phải tạm thời rút về tuyến sau hoặc vượt qua biên giới Campuchia để củng cố, bảo toàn lực lượng. Các đơn vị lực lượng vũ trang của Quảng Đức cũng bị tổn thất nhiều nên phải củng cố, kiện toàn lại. Các vùng căn cứ lúc này bị thu hẹp, đồng bào bị dồn, gom đưa về các ấp chiến lược ngày càng đông. Đã có thời điểm bị địch phong tỏa, đánh phá dữ dội vừa bằng bom đạn, chất độc hóa học, vừa bằng chiến tranh tâm lý, chiêu hồi chiêu hàng, khiến cho hoạt động của ta trong vùng căn cứ rất khó khăn; sản xuất hầu như bị đình đốn; đời sống của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nói chung và vấn đề lương thực nói riêng luôn thiếu thốn. Nhiều buôn không còn gạo để nấu cháo cho thương, bệnh binh và người già đau yếu. Có lúc cả lực lượng vũ trang và đồng bào đều bị đói phải ăn củ rừng qua ngày.

Để đối phó với âm mưu và hành động của Mỹ, Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh được triệu tập họp 2 ngày tại sình Dứa (vùng suối Đắk Điêu Clou) do đồng chí Ba Đăng chủ trì, đã tiến hành kiểm điểm, đánh giá tình hình lãnh đạo của Tỉnh ủy, những thắng lợi to lớn trong năm 1968 mà quân và dân cả tỉnh đã đạt được. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nêu rõ những nhược điểm về mặt lãnh đạo, chỉ huy nhất là quan điểm về bạo lực cách mạng trong tình hình mới. Đồng chí phân tích và đưa ra nhận định về những âm mưu mới của địch trong năm 1969 khi tổng thống Mỹ - R.Níchxơn lên nắm quyền, về cơ bản, bản chất hiếu chiến của đế quốc Mỹ vẫn không thay đổi, ta không được mơ hồ, ảo tưởng, mất cảnh giác. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới là cần khắc phục những khó khăn trước mắt, nhất là về lương thực hậu cần, phải hết sức tiết kiệm đạn dược, thuốc nổ, ra sức củng cố thực lực về mọi mặt, đủ sức đập tan mọi âm mưu mới của địch. Dự đoán chúng sẽ tăng cường bắn phá vùng hậu cứ, vùng ven, tăng cường các cuộc hành quân càn quét với nhiều quy mô, không loại trừ địch sẽ tiếp tục rải chất độc hóa học để hủy diệt vùng lương thực tại chỗ của ta và tăng cường hoạt động thám báo, do thám, biệt kích ngay trong vùng căn cứ…

Sau hội nghị, vùng căn cứ Nam Nâm Nung càng được củng cố. Hệ thống hầm, hào, công sự các địa phương có tác tiến chống càn, các biện pháp chống chất độc hóa học, bảo vệ nội bộ đều được triển khai đồng bộ. Đội vận tải vũ khí của Ban Hậu cần tỉnh được tăng chuyến (quân số 38 đồng chí) nhận vũ khí, lương thực cấp phát từ kho trên đất bạn Campuchia (lúc này ta đã có cửa khẩu X5 tại bên kia biên giới đoạn đi bon Bu Sra) đưa về dự trữ tại căn cứ Nam Nâm Nung. Cạnh đường vận tải của ta còn có cả đoàn vận tải (Trường Sơn) về Khánh Hòa và đoàn vận tải tới B3 về Đắk Lắk. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng lại các phương án, mục tiêu, chỉ tiêu đánh địch, bổ sung lực lượng, trang bị vũ khí bảo đảm nhu cầu tác chiến trong tình hình mới.

Với quyết tâm tiếp tục tiến công, những trận đánh của lực lượng vũ trang tỉnh đã diễn ra ngay từ đầu năm 1969. Đêm 18/1/1969, Đại đội 3 tiến đánh đồn Khiêm Cần, Đại đội 1 (C24) phục chờ đánh địch phản kích, quân địch đã mở nhiều đợt phản kích đúng theo ý đồ của ta. Suốt một ngày chiến đấu quyết liệt, địch phải gọi máy bay thả bom xăng, bom bi xuống trận địa nhưng vẫn không tái chiếm được. Kết quả trận này, ta đã tiêu diệt 1 bộ phận của tiểu đoàn lính cộng hòa thuộc E45 (Trung đoàn thuộc Sư đoàn 23 Ngụy), tiêu hao một bộ phận của tiểu đoàn biệt động quân.

Nhằm tạo thế vững chắc tiến công địch, củng cố, mở rộng vùng giải phóng của tỉnh, trong những tháng đầu năm 1969, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo củng cố kiện toàn vùng căn cứ Nâm Nung. Tỉnh ủy chỉ thị cho các huyện sơ tán bớt dân về tuyến sau và lùi qua phía biên giới Campuchia; các buôn trong vùng căn cứ, vùng giải phóng chỉ để lại các đội du kích tham gia chiến đấu chống càn. Thực hiện chủ trương đó, ta đã tổ chức cho dân ở các bon Đắk Ơ, Đắk Nhau, Bù Khơn, Bù Bưng chuyển về đầu nguồn suối Đắk Huýt, Đắk Kar, Đắk Ké. Cùng với việc di chuyển, sơ tán dân để tránh bị địch đánh phá dồn xúc, Tỉnh ủy chỉ đạo kiện toàn, củng cố lại lực lượng vũ trang và du kích; tăng cường các đội công tác bám ra tuyến trước khôi phục, gây dựng phát triển cơ sở. Để bảo đảm hoạt động có hiệu quả trong điều kiện địch lùng sục, càn quét đánh phá ác liệt, các đội công tác và lực lượng vũ trang phân tán nhỏ, lẻ thành từng mũi, từng nhóm, liên tục bám sát các ấp chiến lược để tìm cách móc nối vào dân, gây dựng củng cố lại mạng lưới cơ sở. Sau khi được củng cố kiện toàn biên chế tổ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, bộ đội địa phương, dân quân du kích trong vùng căn cứ tăng cường tập luyện, xây dựng các phương án chiến đấu bảo vệ các cơ quan đầu não của tỉnh. Quân và dân vùng căn cứ Nâm Nung đã phối hợp với các lực lượng Đoàn 559 tham gia vận chuyển vũ khí, trang bị, lương thực thực phẩm; tăng cường cảnh giác, bám sát cơ sở, giúp nhân dân các buôn tại căn cứ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Công tác binh, địch vận lúc này cũng được chú ý tăng cường. Cán bộ ta đã giác ngộ được một số già làng người M’nông, thông qua chủ làng kêu gọi nam, nữ thanh niên trong buôn ban đêm ra ngoài ấp để nghe cán bộ cách mạng tuyên truyền đường lối, chính sách của mặt trận; kêu gọi thanh niên các buôn không cầm súng cho địch, hoặc nếu bị địch o ép cầm súng gặp cách mạng cũng không được bắn, mà tìm cách né tránh. Bằng nhiều hình thức vận động linh hoạt, ta nắm được một số trưởng, phó ấp và sử dụng họ vào công tác phá kìm, phá ấp, nắm tình hình hoạt động của địch để thông báo cho vùng căn cứ có biện pháp đối phó kịp thời. Điển hình như đội công tác C9 móc nối với cơ sở trong ấp chiến lược Bù Gia Rá nắm được Điểu Kiêu (là Phó ấp), sau đó tác động binh lính bỏ chạy về Nhân Cơ, tạo điều kiện phát động quần chúng nổi dậy phá ấp, phá đồn lính Trường Sơn. Thành tích này được Khu ủy 10 tuyên dương về kinh nghiệm công tác địch vận động trong toàn Khu.

Thực hiện âm mưu tiêu diệt các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Đức và dồn dân vào các ấp chiến lược, tháng 8/1969 địch tổ chức đánh phá vùng căn cứ Nâm Nung với quy mô lớn. Trước tiên, chúng cho máy bay ném bom đánh phá dữ dội các khu vực trọng điểm nghi có các cơ quan đầu não tỉnh và lực lượng vũ trang ta đóng quân. Sau đó, dùng máy bay trực thăng ồ ạt đổ quân xuống nương rẫy và triển khai đội hình tiến hành một cuộc càn quét khá quy mô, mục đích là để dồn dân vào ấp chiến lược, phá hoại, ngăn chặn tuyến đường hành lang, xóa sạch vùng căn cứ cách mạng nhằm tiêu diệt triệt để cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đức.

Trước tình hình cấp bách đó, tỉnh đã điều động 150 du kích, phối hợp với các đơn vị bộ đội địa phương hình thành các hướng mũi chặn đánh những đợt tiến công của địch. Với tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, các lực lượng của ta đã hiệp đồng phối hợp chặt chẽ, bẻ gãy từng đợt tiến công của địch, bảo vệ vững chắc khu vực căn cứ. Kết quả, ta đã bắn rơi 3 chiếc máy bay của địch, tiêu diệt 45 tên và làm bị thương hàng trăm tên. Đồng thời với phương án tổ chức đánh địch càn quét, tỉnh đã tổ chức một bộ phận dẫn đường và bảo vệ đồng bào di chuyển lên núi cao, chống lại âm mưu dồn dân vào các ấp chiến lược của chúng, giữ vững vùng căn cứ, bảo đảm an toàn đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, bảo đảm an toàn cho các cơ quan, ban ngành của tỉnh đóng tại vùng căn cứ Nâm Nung.

Cũng trong thời gian này, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ, được sự chỉ đạo của Khu ủy X, đầu tháng 8/1969, tỉnh Quảng Đức tiến hành mọi công tác chuẩn bị để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Tỉnh ủy Quảng Đức đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy B.4 tìm địa điểm và chuẩn bị dự thảo báo cáo chính trị Đại hội. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đề nghị của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Tỉnh ủy quyết định chọn căn cứ Nâm Nung làm địa điểm tiến hành Đại hội. Để bảo đảm an toàn cho Đại hội tỉnh Đảng bộ, quân và dân vùng căn cứ Nâm Nung đã xây dựng các phương án chiến đấu đánh địch tại chỗ, địch đổ bộ đường không vào vùng căn cứ; bố trí lực lượng đưa đón, sắp xếp, bố trí nơi ăn, nghỉ của đại biểu về dự đại hội, đồng thời xây dựng kế hoạch sơ tán khi địch bất ngờ tiến công. Các tổ, đội công tác tăng cường bám nắm cơ sở, cài cắm lực lượng, kết hợp giữa trong và ngoài vùng căn cứ nhằm phát hiện mọi âm mưu hành động của địch để có biện pháp đối phó hiệu quả. Ngay trong khu căn cứ, đội công tác an ninh bảo vệ nội bộ đã đào, gia cố lại các hầm trú ẩn được bố trí gần các khu rẫy sản xuất. Bên ngoài hội trường diễn ra đại hội được bố trí 1 nhà cảnh vệ, cách hội trường khoảng 200m.

Theo đúng kế hoạch, ngày 3/9/1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đức lần thứ nhất khai mạc. Tham dự Đại hội có đại biểu của các huyện như Kiến Đức (K8), Đức Lập (K3), Khiêm Đức (Gia Nghĩa), Đức Xuyên (X40)… với hơn 70 đại biểu là những đảng viên ưu tú trong tỉnh về dự đông đủ. Đồng chí Nguyễn Khắc Tính (Ba Ban) – Thường vụ Khu ủy Khu X trực tiếp theo dõi và chỉ đạo đại hội.

Sau khi làm thủ tục đại hội, đồng chí Bảy Biên (Trần Phòng) thay mặt cho Đảng bộ tỉnh Quảng Đức đọc diễn văn khai mạc và báo cáo chính trị. Trong thời gian diễn ra Đại hội thì tỉnh nhận được điện báo “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của  Đảng và dân tộc Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân đã từ trần”. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là sự đau thương mất mát to lớn đối với cả dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và tỉnh Quảng Đức. Đại hội đã làm lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau hai ngày cùng cả nước để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 5/9/1969, Đại hội tiếp tục làm việc (từ ngày 5 đến ngày 12/9/1969). Các đại biểu đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình, chỉ rõ những thành tích đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm của Đảng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh Quảng Đức; đặc biệt là từ sau cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Nghị quyết đại hội khẳng định: Phát huy những thắng lợi đã giành được, tiếp tục giữ vững phong trào cách mạng trong tỉnh, đẩy mạnh hoạt động chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. chống bình định lấn chiếm, giành giữ dân, giữ vững vùng căn cứ và mở rộng vùng giải phóng, tăng cường công tác xây dựng Đảng các cấp, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Đức khóa I gồm 15 đồng chí. Đồng chí Trần Phòng được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Tùy làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đức lần thứ nhất có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong lãnh đạo quân và dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thử thách ác liệt trong chiến đấu, ổn định tình hình mọi mặt, mở ra triển vọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giữ và phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh.

Sau Đại hội, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Đức, các cấp ủy đảng, chính quyền vùng căn cứ Nâm Nung mở đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội trong đảng viên, cán bộ chiến sĩ và quần chúng; đồng thời phát động phong trào “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Biến đau thương thành hành động cách mạng, quân và dân vùng căn cứ Nâm Nung xây dựng ý chí quyết tâm, đoàn kết một lòng, đẩy mạnh thi đua trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tăng gia sản xuất, giữ vững, bảo vệ phát triển vùng giải phóng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Đức, vùng căn cứ Nâm Nung được kiện toàn tổ chức chính quyền cách mạng trong các ấp, bon, xã; đẩy mạnh sinh hoạt chính trị, mở nhiều hoạt động trong vùng địch hậu như móc nối cơ sở ở các ấp chiến lược, vận động binh lính ủng hộ cách mạng, rải truyền đơn tuyên truyền thắng lợi của cách mạng, vạch rõ âm mưu thâm độc của địch và hướng dẫn biện pháp đấu tranh cho nhân dân. Quân và dân vùng căn cứ đẩy mạnh tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, mua bán tích trữ thuốc men, quần áo nhằm từng bước ổn định đời sống và góp phần phục vụ chiến đấu. Các cấp chính quyền vùng căn cứ đã vận động đồng bào làm vũ khí thô sơ như cung, mang, vót chông, đào hầm…, phối hợp cùng các đội du kích chặn đánh những cuộc tiến công của địch vào vùng căn cứ, bảo đảm an toàn cho các cơ quan của tỉnh.

Đài chiến thắng thuộc thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung (Krông Nô) - điểm "về nguồn" nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay. Ảnh tư liệu

Trong những tháng cuối năm 1969, do được bổ sung lực lượng bộ đội chủ lực của mặt trận Tây Nguyên, hoạt động quân sự từng bước được đẩy mạnh trên chiến trường Nam Tây Nguyên mà trước tiên là tập trung mọi nỗ lực tiến công cứ điểm Kate. Kate là căn cứ quân sự hỗn hợp được địch xây dựng kiên cố, nằm trên cao điểm 936 Đông Bu Prăng, cách thị xã Gia Nghĩa 42 km về phía Tây Bắc. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng nằm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn bằng hỏa lực của địch chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Tiêu diệt căn cứ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Quảng Đức đập tan mọi âm mưu lấn chiếm “bình định” của địch, khai thông và mở rộng tuyến hành lang vận chuyển chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam qua địa bàn Nam Tây Nguyên. Phục vụ cho trận đánh này, đồng bào các dân tộc trong vùng căn cứ Nâm Nung đã phối hợp với đồng bào huyện Khiêm Đức, Kiến Đức hăng hái đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí, lương thực trong điều kiện mưa lũ kéo dài, đường xa lại luôn phải hứng chịu những trận oanh tạc bằng bom rải thảm của máy bay B52 địch.

Thực hiện kế hoạch đã vạch ra, ngày 29/10/1969, bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên nổ súng tiến công cứ điểm Kate, mở màn cho chiến dịch Bu Prăng – Đức Lập. Sau 4 ngày đêm liên tục bao vây tấn công địch, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Kate, đồng thời tiếp tục đánh chiếm và phá hủy một loạt vị trí trên tuyến phòng thủ Bu Prăng – Đức Lập, chặn đánh 1 đoàn xe địch chở quân từ Buôn Ma Thuột đến giải tỏa cho Đức Lập tại phía Nam cầu Sêrêpốk, phá hủy 12 xe, diệt 43 quân địch, trong đó có một số lính Mỹ. Chiến thắng Bu Prăng – Đức Lập là sự kiện to lớn, là niềm tự hào của Nhân dân Quảng Đức, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào vùng căn cứ Nâm Nung.

Ban tham mưu tỉnh đội nhận định ý đồ của địch là mở đợt càn quét với quy mô lớn, dài ngày nhằm tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo và một bộ phận lớn lực lượng vũ trang của tỉnh. Vì vậy, ta đã nhanh chóng vạch kế hoạch đánh trả với phương châm: Chủ đông tiến công tiêu diệt địch (điểm yếu cơ bản của chúng là không có cơ sở phòng ngự trong lô cốt…) Trung đội trinh sát của tỉnh (30 đồng chí) được chia thành nhiều tổ phân ra các hướng, có nhiệm vụ bám sát các cánh quân địch; nắm chắc địa điểm đóng quân, định hướng tiến công của địch, kịp thời báo cáo về Ban Tham mưu, tác chiến để ta lên phương án đánh địch. Tối ngày 13/8/1970, một mũi tiến công của địch (một đại đội) đã áp sát vị trí đóng quân của cơ quan tỉnh đội (cách khoảng 1.000m) trên một quả đồi nhỏ, ta sử dụng một Trung đội đặc công của C90, một trung đội Bộ binh của C1, được trang bị hỏa lực mạnh (B40, B41) thủ pháo, lựu đạn, đúng 1 giờ sáng ngày 14/8, bất ngờ tập kích vào đội hình trú quân của địch, do địch bị bất ngờ nên chỉ trong một thời gian ngắn quân ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn gần một đại đội địch, thu một khẩu cối 81mm, 1 đại liên, 9 trung liên, nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng khác, số địch sống sót tháo chạy về khu vực Tràng Ba Cây.

Cùng lúc ở hướng cơ quan tỉnh ủy, một mũi tiến công khác của địch cũng đã áp sát trên một quả đồi đối diện với cơ quan tỉnh ủy, đại đội 1 của ta nổ súng tấn công trước, tiêu diệt một số địch, buộc chúng phải rút chạy theo suối Đắk N’Tao về Trảng Xe, bảo vệ an toàn cơ quan tỉnh ủy. Tiếp đó, đêm 15/8/1970, ta tổ chức đánh tập kích sở chỉ huy hành quân của Trung đoàn 45 Sư 23 ngụy tại Trảng bàu Ông Già và đêm 17/8, ta lại đánh tập kích địch chốt trên đồi sim (gần trảng bàu Ông Già).

Tháng 8/1970, sau nhiều đợt tiến công không thành, địch dùng máy bay ném bom, kết hợp với pháp, cối liên tục bắn phá vào các khu vực nghi có lực lượng ta đứng chân, nhưng các lực lượng Nâm Nung vẫn kiên cường bám trụ, chủ động tiến công địch, tổ chức nhiều trận đánh có hiệu quả. Trong suốt gần một tháng quần nhau với địch, quân và dân vùng căn cứ Nâm Nung đã tiêt diệt trên 250 tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị và quân trang, quân dụng khác. Ngày 30/8/1970, địch bị tổn thất nặng nề, mục tiêu không thực hiện được, vì vậy địch phải rút quân. Thắng lợi của quân và dân căn cứ Nâm Nung đánh bại đợt càn quét của địch có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang qua chiến tranh ác liệt, nhất là đã đập tan ý đồ đen tối của địch, bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo của tỉnh và địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang tỉnh. Với thắng lợi này, khu căn cứ Nâm Nung đã trở thành địa bàn bất khả xâm phạm của quân và dân tỉnh Quảng Đức trong chiến tranh.

Sau những thất bại liên tiếp khi tiến công vào vùng căn cứ Nâm Nung, địch lùi xa để củng cố lực lượng, xây dựng các tuyến phòng thủ, tăng quân chi viện và vũ khí trang bị để chuẩn bị thực hiện những mưu đồ đen tối khác. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chúng ráo riết tiến hành gom dân lập “ấp chiến lược”, tập trung đánh phá và càn quét lực lượng cách mạng, hòng lấy lại thế chủ động trên chiến trường Quảng Đức sau quá nhiều thất bại. Địch tăng cường sử dụng các loại pháo tầm xa, từ Đức Lập, Đức Xuyên, cùng các loại máy bay trực thăng, B52, B57, máy phát hiện tiếng động… bắn phá, ném bom trong nhiều tháng liên tiếp vào khu căn cứ. Tiếp đó, chúng rải chất độc hóa học phá hoại hoa màu, khai quang rừng rậm, với mục đích dồn dân lập ấp, đẩy cán bộ chiến sĩ của ta vào cảnh cô lập, đói rét, bệnh tật. Khó khăn của quân và dân vùng căn cứ lúc này là việc đối phó với giặc đói. Nhân dân vùng căn cứ buộc phải vào núi trú ẩn. Lúc này, cơ quan tỉnh ủy đóng ở phía Nam Nâm Nung, địa bàn căn cứ giữ vai trò chiến lược quan trọng, vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương. Trong suốt những năm 1968 đến 1971, đây là trục đường vận chuyển lương thực chủ yếu của các cơ quan và lực lượng vũ trang từ các bon Gia Rá, Dôk You, R’Cập,… nhằm giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ cho nội bộ các cơ quan tỉnh. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy, đồng bào vùng căn cứ Nâm Nung luôn tìm mọi cách ủng hộ giúp đỡ cách mạng. Sản xuất, chăn nuôi được bao nhiêu đồng bào đều cung cấp cho các cơ quan ban ngành của tỉnh và lực lượng vũ trang. Không những thế, Nhân dân trong các vùng khác bị thiếu đói đồng bào cũng tích cực ủng hộ. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đồng bào cùng bộ đội, du kích chia sẻ khó khăn, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua đói rét bệnh tật, đề cao tinh thần cảnh giác, dũng cảm kiên cường bám trụ, đánh bại các đợt tiến công, lùng sục càn quét của địch, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của tỉnh, giữ vững đường hành lang lưu thông xuyên suốt để chi viện hàng hóa kịp thời cho các chiến trường.

2. Cùng quân và dân Nam Tây Nguyên chiến đấu, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ và ký Hiệp định Pari (1971-1973)

Năm 1971, Mỹ và chính quyền Sài Gòn chủ trương mở các cuộc tiến công ra chiến trường ba nước Đông Dương. Làm được điều này, phía Mỹ tính toán sẽ lập tuyến ngăn chặn, cắt đôi Đông Dương, chia cắt nhiều tầng, chặn đứng sự tiếp tế từ miền Bắc và cô lập cách mạng miền Nam, uy hiếp miền Bắc, buộc chủ lực ta phải phân tán, chỉ có thể hoạt động nhỏ lẻ đánh theo lối du kích. Thực hiện chủ trương này, ngày 2/2/1971, R.Níchxơn thông qua kế hoạch 3 cuộc hành quân với các mật danh: “Lam Sơn 719”, “Toàn Thắng 1/71” và “Quang Trung 4”. Trên hướng Tây Nguyên, phối hợp với hai cuộc hành quân Lam Sơn 719 và Toàn Thắng 1/71, địch mở cuộc hành quân Quang Trung 4 đánh ra vùng Ba Ranh Giới. Đặc  biệt, khi phát hiện tuyến đường vận tải chiến lược và cụm kho chiến lược Trường Sơn ngày càng được mở rộng và vươn sâu vào chiến trường Nam Bộ, đầu năm 1971, Mỹ - Ngụy thực hiện chiến dịch đánh phá, chặn cắt quyết liệt trên các tuyến vận tải quân sự của ta từ vùng Ba Ranh Giới vào chiến trường.

Chiến lược mới và biện pháp quân sự mới của địch khiến cho lực lượng cách mạng Nam Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, tuyến hành lang vận chuyển vùng căn cứ Nâm Nung cũng chịu những tổn thất lớn. Kho hàng bị thiệt hại nghiêm trọng, vật chất hậu cần bị tổn thất nặng nề, phương tiện vận tải bị hư hỏng. Lực lượng làm nhiệm vụ hậu cần – vận tải mỏng, đường sá xấu, lại bị bom đạn Mỹ liên tục đánh phá; một số cửa khẩu, đoạn hành lang bị địch đưa quân chiếm lại để chặn và cắt vận tải của ta trong lúc nhu cầu vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn trong thời gian ngắn. Quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng vũ trang cùng đồng bào vùng căn cứ đã huy động lực lượng, phối hợp và giúp đỡ các phân sở hậu cần Nam Tây Nguyên nhanh chóng triển khai kế hoạch vận chuyển nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến trường.

Tháng 5/1971, Trung ương quyết định giải thể tỉnh Quảng Đức. Sau khi hoàn thành chủ trương chia tách tỉnh, vùng căn cứ Nâm Nung được kiện toàn lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình mới. Lực lượng vũ trang và đồng bào vùng căn cứ tích cực củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, đẩy mạnh tăng gia sản xuất bảo đảm đời sống, tăng cường tuần tra canh gác quyết không để bị bất ngờ trước mọi thủ đoạn tiến công của địch. Các cơ quan tỉnh ủy, tỉnh đội, Ban An ninh, Ban Kinh tài, quân dân y và đại bộ phận lực lượng vũ trang hành quân về Lâm Đồng. Các cơ quan của huyện Đức Lập như: Huyện ủy, Công an huyện và trại giam, trạm xá, Trường bổ túc văn hóa, đơn vị C30, C50 vẫn đóng tại căn cứ Nâm Nung. Căn cứ Nâm Nung trở thành nơi đứng chân của Huyện ủy và các cơ quan thuộc huyện Đức Lập, tiếp tục đấu tranh bảo vệ căn cứ và tập trung lực lượng phục vụ cho chiến đấu ở phía trước. Có thể nói, huy động tổng lực lượng du kích dân công ra phía trước cả nam và nữ. Huy động lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến.

Sau khi giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường miền Nam, tháng 5/1971, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải đi đến ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh. Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ cần kíp của quân và dân ta là “kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch chiến tranh xâm lược của chúng ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”. Nhiệm vụ quân sự trước mắt là mở những chiến dịch tiến công lớn của bộ đội chủ lực trên các hướng chiến lược quan trọng, đồng thời phối hợp với các cuộc tiến công quân sự rộng khắp, kết hợp với quần chúng nổi dậy phá kế hoạch “bình định” của địch.

Tháng 6/1971, Trung ương đề ra chủ trương kịp thời nắm lấy thời cơ lớn trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao... Quyết tâm giành thắng lợi trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị kiên trì đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài.

Ngày 16/9/1971, tại suối Đắk Rlon ở căn cứ Nâm Nung, Đại hội Đảng bộ huyện Đức Lập đã được tiến hành. Đại hội quán triệt nhiệm vụ trong đó nhiệm vụ xây dựng khu hậu cứ Nâm Nung rất quan trọng. Xây dựng khu căn cứ Nâm Nung có ba yêu cầu:

1. Tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng cho Nhân dân.

2. Xây dựng về tổ chức đảng, Ủy ban nhân dân cách mạng và các đoàn thể quần chúng nhằm hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng giao.

3. Thực hiện 3 cao trào, 3 cuộc vận động, 3 mục tiêu kinh tế ở vùng căn cứ kháng chiến, cụ thể là:

- Ba cao trào: Đẩy mạnh phong trào bố phòng, đánh địch chống càn, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất chống mọi âm mưu thủ đoạn của địch về chiêu hồi, chiêu hàng, chống chiến tranh do thám gián điệp; đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm, bảo vệ sản xuất chăn nuôi và đóng góp nhân tài vật lực cho kháng chiến phục vụ tiền tuyến; huy động nam nữ thanh niên thoát ly xây dựng lực lượng địa phương; đưa du kích ra phía trước và đi dân công phục vụ tiền tuyến, đóng góp lương thực cho kháng chiến.

- Ba cuộc vận động, đó là đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất; đẩy mạnh học tập tư tưởng, văn hóa, giáo dục; cải tiến phong tục, tập quán lạc hậu có hại cho đoàn kết, chiến đấu, sản xuất, xây dựng đời sống mới và thực hiện tốt vòng đổi công; cải tiến công cụ sản xuất.

- Ba mục tiêu: Bảo đảm sản lượng đạt 500 kg lương thực/1 nhân khẩu; bảo đảm ngày công lao động bình quân 160 ngày hàng năm/1 lao động và làm ruộng ở đất bằng, định canh.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, trực tiếp là Huyện ủy Đức Lập, quân và dân trên địa bàn căn cứ Nâm Nung tiếp tục nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, bảo vệ và chống lại sự đánh phá của kẻ thù vừa tập trung lực lượng phục vụ cho chiến đấu ở phía trước. Có thể nói, huy động tổng lực lượng du kích dân công ra phía trước cả nam và nữ, huy động lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến.

Theo tinh thần chỉ đạo trên, từ cuối 1971, quân dân miền Nam đã tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt để đầu năm 1972 giáng cho địch những đòn tiến công mạnh mẽ hơn, tạo thế mạnh cho cuộc đàm phán 4 bên tại Hội nghị Pari, tập trung chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, những chiến trường này mang tính chiến lược, tạo đà cho những đòn tiến công lớn tiếp theo.

Cùng với khí thế đánh giặc trên các chiến trường tỉnh Kon Tum, Phước Long, trên chiến trường Đắk Lắk (trong đó có Quảng Đức), lực lượng quân khu tiến đánh Bù Bông, Kiến Đức gây cho chúng thiệt hại nặng. Ngoài ra, tại Đức Xuyên tiến đánh vào các khu ấp chiến lược, đường giao thông gây cho địch nhiều thiệt hại lớn.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, năm 1972, ta chủ trương đưa du kích ra phía trước, vận động đồng bào tại vùng căn cứ Nâm Nung tập trung vận chuyển sắn khô từ các vùng khác về cứu đói, nhưng chủ yếu là cung cấp cho tiền tuyến, dọc theo hành lang và phụ cận đường mòn Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, với kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu ra sức cướp bóc, lùng sục, phá hoại căn cứ đầu não của ta. Trước tình hình đó, các trận địa đánh du kích vẫn là phương hướng chiến lược lâu dài và trọng yếu, có hiệu quả nhất của ta trong vấn đề đối phó với biệt kích tay sai. Cùng với mặt trận quân sự, trên mặt trận kinh tế, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Ê đê, M’nông đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Nhờ vậy, năm 1972, bình quân lương thực đầu người trong căn cứ đạt 398 kg bằng 97,6% chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó ta còn thu mua được từ vùng địch hậu và vùng giải phóng 17.830 kg thóc. Về tài chính, thu được 6.438.041 đồng từ các khoản bán lâm sản, thu công doanh, thương nghiệp mậu dịch, đạt 162,3% kế hoạch. Quần chúng tham gia cài 5 khu cạm bẫy, cắm 1.260.000 cây chông và cử 46 thanh niên thuộc lực lượng du kích ra tuyến trước.

Nhằm đối phó với tình hình địch và chuẩn bị cho cuộc tổng công kích năm 1972, tại căn cứ Nâm Nung, cấp ủy đảng đã tiến hành một đợt phát động quần chúng đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương chính sách của cách mạng một cách sâu rộng, đặc biệt là tuyên truyền chính sách 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam về hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, qua đó vạch trần mọi âm mưu và thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Vì vậy, quần chúng ở vùng căn cứ hay ở vùng địch hậu càng hiểu cách mạng nhiều hơn trước, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng được nâng lên, thu hút sự tham gia đấu tranh của một số người thuộc tầng lớp trên, một bộ phận ngụy tề ở cơ sở và phòng vệ dân sự xã, ấp…

Nhằm đối phó với tình hình địch và chuẩn bị cho cuộc tổng công kích năm 1972, tại căn cứ nâm Nung, cấp ủy đảng đã tiến hành một đợt phát động quần chúng đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương chính sách của cách mạng một cách sâu rộng, đặc biệt là tuyên truyền chính sách 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam về hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, qua đó vạch trần mọi âm mưu và thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Vì vậy, quần chúng ở vùng căn cứ hay ở vùng địch hậu càng hiểu cách mạng nhiều hơn trước, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng được nâng lên, thu hút sự tham gia đấu tranh của một số người thuộc tầng lớp trên, một bộ phận ngụy tề ở cơ sở và phòng vệ dân sự xã, ấp…

Cuối năm 1972, quân và dân trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và căn cứ kháng chiến Nâm Nung nói riêng đã tăng cường các hoạt động về quân sự nhằm phối hợp với các chiến trường toàn tỉnh Đắk Lắk và Khu V. Tiêu biểu như vào cuối năm 1972, tổ du kích xã Nâm Nung do đồng chí Y Ly ở buôn K62 chỉ huy đã anh dũng chiến đấu, đẩy lùi một toán biệt kích của địch gồm 20 tên đang lùng sục vào vùng căn cứ của ta, tiêu diệt 1 tên tại trận, thu được một số đồ dùng quân sự. Liền sau đó, địch đã gọi máy bay B52 ném bom rải thảm xuống khu vực xảy ra trận đánh, song du kích của ta đã nhanh chóng rút ra khỏi trận địa về vùng căn cứ  an toàn. Cùng thời gian đó, tổ du kích gồm Ama Lim, Ama Chí, Y Nhơn do Ama Lim chỉ huy, đã đánh một đại đội biệt kích người Thượng đang càn quét, lùng sục vùng căn cứ gần buôn K62, bắn chết 1 tên địch và đẩy lùi được quân địch, Cũng vào năm 1972, 10 du kích xã Nâm Nung cùng với 3 chiến sĩ bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 394 đã đánh tan một đại đội biệt kích địch càn quét vào cùng căn cứ của ta; diệt tại chỗ 8 tên địch, thu 1 súng. Địch đã bắn pháo vào máy bay oanh kích trận địa của ta, nhưng du kích đã rút lui an toàn. Bọn địch tức tối, đốt phá toàn bộ buôn K62, biến nơi này thành một sân bay dã chiến của chúng. Cuối năm 1972, một tổ du kích xã Nâm Nung do Ama Beo chỉ huy bố trí trận địa, đánh vào một toán biệt kích địch đang kéo vào lùng sục vùng căn cứ Nâm Nung. Tiếp đó, tổ du kích xung phong truy kích lực lượng địch, đẩy lùi chúng ra khỏi vùng căn cứ. Trong trận này, đồng chí Y Lộ và một số chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, đặc biệt là gương chiến đấu kiên cường của đồng chí Y Thự.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo các điều khoản ghi trong Hiệp định, quân Mỹ và quân các nước chư hầu của Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam, chấm dứt sự dính líu về quân sự và không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là một thắng lợi của ta và là một thất bại của địch. Trong tình hình đó, các đội vũ trang công tác và du kích của ta đã ra quân trong khí thế phấn khởi và với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của kẻ thù. Tại vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung, phong trào bố phòng chống địch càn quét, tuần tra bảo mật cũng có một bước phát triển cao hơn trước, Nhân dân các dân tộc ở Nâm Nung đã tiến hành cài cắm các cạm bẫy và hàng ngàn cây chông để bảo vệ căn cứ, buôn làng.

Cùng với việc xây dựng và phát triển kinh tế, công tác xây dựng lực lượng vũ trang, công tác xây dựng Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ một vài chi bộ đầu tiên, trong những ngày đầu mới bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến lúc này, tại vùng căn cứ Nâm Nung và Nâm Ka đã có 9 chi bộ đảng với trên 160 đảng viên, bao gồm các đảng viên thuộc khối quân sự, khối dân chính đảng, các đảng viên ở các đội vũ trang công tác và các đảng viên ở địa phương căn cứ cách mạng. Các cấp ủy đảng tại vùng căn cứ Nâm Nung, Nâm Ka đã thường xuyên chăm lo việc nâng cao chất lượng đảng viên và phát triển thêm đảng viên mới từ các phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân tại địa phương. Các đảng viên đặc biệt là đảng viên của 7 đội vũ trang công tác đứng chân trên các địa bàn Nâm Nung và Nâm Ka, từ nhiều năm liền đã cố gắng bám sát phong trào cách mạng, bám sát quần chúng Nhân dân các dân tộc Ê đê, M’nông và đồng bào Kinh tại các ấp chiến lược, các dinh điền để xây dựng phát triển các cơ sở cách mạng, cơ sở chính trị và lực lượng du kích mật ngay trong lòng địch và phát động được phong trào cách mạng của đông đảo quần chúng Nhân dân tại địa phương, nhờ đó mà ngay trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh đồng bào Nâm Nung dù chịu đựng đói rét và những đợt bắn phá ác liệt của địch, vẫn chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, củ khoai, củ sắn… để nuôi cán bộ, bộ đội; trong đó có nhiều gia đình đã gửi gắm con em cũng như tài sản quý giá nhất của mình cho cách mạng, cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thất bại, Hiệp định Pari được ký kết, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố bám lấy miền Nam Việt Nam, tiếp tục chống phá phong trào cách mạng của Nhân dân miền Nam. Tại Đức Lập, địch tiếp tục dùng lực lượng Ngụy quân, đẩy mạnh kế hoạch “bình định” với phương châm “tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm vùng giải phóng. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy huyện Đức Lập (đóng tại suối Đắk Prí), đồng bào vùng căn cứ đứng lên phá ấp diệt tề, giữ vững thế ổn định về an ninh quân sự, chính trị. Một số đồng bào các dân tộc Ê đê, M’nông từ các ấp chiến lược của địch trở về bon, buôn cũ sinh sống đều được đồng bào vùng căn cứ Nâm Nung, Nâm Ka nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ các loại giống cây con  và ngày công sản xuất. Vì thế, hệ thống đường dây vận chuyển, đi lại, hoạt động trên hành lang qua huyện vẫn vận hành đều đặn, an toàn thông suốt, tạo ra thế liên hoàn ăn thông với căn cứ huyện Lắk, nối liền với Lâm Đồng, Đông Nam bộ và đường hành lang chiến lược Bắc – Nam bên kia biên giới Campuchia.

Hào chữ Z của lực lượng quan sự tỉnh Quảng Đức tại căn cứ kháng chiến Nâm Nung. Ảnh tư liệu

V. ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG THẾ TIẾN CÔNG, GÓP PHẦN GIÀNH THẮNG LỢI TRONG CHIẾN DỊCH MÙA XUÂN NĂM 1975

Ngay sau Hiệp định Pari được ký kết, Trung ương Cục tập trung chỉ đạo: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở miền Nam phát huy thắng lợi, đề cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, kiên quyết đấu tranh thực hiện hiệp định; mở các đợt học tập sâu rộng cho Nhân dân ta ở các vùng căn cứ, vùng giải phóng và vùng địch về nội dung, ý nghĩa của Hiệp định Pari. Các huyện Khiêm Đức, Kiến Đức và Đức Lập được các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phước Long mở đợt chỉnh huấn về tình hình và nhiệm vụ mới. Qua đợt học tập, quân và dân đã kịp thời củng cố về quan điểm, lập trường, khắc phục tư tưởng lệch lạc, hữu khuynh, mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu mới của địch. Ở các đội, mũi công tác phía trước, liên tục bám ấp chiến lược, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa, nội dung của Hiệp định Pari. Từ đó, vận động quần chúng Nhân dân dựa vào pháp lý của hiệp định đòi địch phải nghiêm chỉnh thi hành, đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc và thực thi các quyền dân sinh, dân chủ.

Đối với đế quốc Mỹ, mặc dù buộc phải ký kết Hiệp định Pari song vẫn chưa cam chịu thất bại, âm mưu bám giữ miền Nam Việt Nam, giúp ngụy quyền tay sai phá hoại Hiệp định, tiếp tục chống phá phong trào cách mạng của Nhân dân miền Nam; đồng thời ra sức bình định, kìm kẹp Nhân dân vùng chúng kiểm soát, bắt lính, đôn quân một ách ồ ạt để tiếp tục chiến tranh. Trên địa bàn miền Nam Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, quân ngụy tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch “bình định cấp tốc” và kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng hòng thắng ta từng bước bằng sức mạnh quân sự. Chúng rêu rao tuyên truyền quan điểm “bốn không” của Nguyễn Văn Thiệu: “Không có hòa bình”, “không có ngừng bắn”, “Không có tuyển cử”, “Không có giải pháp chính trị”, công khai tuyên bố phá hoại Hiệp định Pari. Đồng thời, trên lĩnh vực kinh tế, chúng tuyên truyền cho “Kế hoạch Tứ niên” phát triển kinh tế của chúng và ra sức bao vây, phong tỏa, phá hoại kinh tế vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng.

Trước những âm mưu và hành động của Mỹ - Ngụy, thực hiện chiến lược của Bộ Chỉ huy miền, phải mở rộng vùng giải phóng từ Nam Tây Nguyên về Đông Nam bộ nhằm phát triển tuyến hành lang cơ giới, tạo thuận lợi cho tuyến hậu cần chiến lược của Trung ương vào Lộc Ninh (tỉnh Bình Long cũ), đáp ứng yêu cầu chiến trường trong tình hình mới. Cứ điểm Bù Bông nằm trên quốc lộ 14 thuộc địa bàn Nam Quảng Đức là mục tiêu cần phải tiêu diệt, mặc dù đây là một cứ điểm với hệ thống phòng thủ mạnh, quân số đông; ngoài các đơn vị bộ binh còn có cả pháo binh, cơ giới và không quân phối hợp. Nhưng với quyết tâm cao, ý chí quyết đánh quyết thắng, vận dụng giữa chiến thuật cường tập và mặt tập: liên tục từ đêm ngày 4/11/1973 đến ngày 4/12/1973, lực lượng chủ lực của ta đã tiêu diệt cứ điểm này, tàn quân sống sót phải chạy về Nhân Cơ (một địa bàn chỉ cách thị xã Gia Nghĩa 15 km). Nhân thắng lợi này, các đội công tác của ta ở Kiến Đức phát động quần chúng trong các bon, ấp nổi dậy, giành chính quyền làm chủ, trừng trị bọn ác ôn, phá tan bộ máy cầm quyền của địch ở cơ sở. Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy miền thì chiến thắng Bù Đăng – Kiến Đức có thể xem là trận mở màn mùa khô 1973-1974, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thực hiện được mục tiêu mở rộng vùng kiểm soát của cách mạng từ Nam Tây Nguyên về Đông Nam bộ.

Trước sự phản kích điên cuồng phá hoại Hiệp định Pari của địch, quân và dân Nâm Nung vẫn kiên định lập trường cách mạng, tiếp tục tiến lên thực hiện đúng lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Các chi bộ đảng ở vùng Nâm Nung, Nâm Ka, buôn Jrah, buôn R’Kập, buôn Đắk Rí, buôn Yok You… đã mở nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về thắng lợi của Hiệp định Pari và việc tấn công bằng chính trị, vũ trang chống địch phá hoại Hiệp định.

Trong thời gian này, tuy bị lùng sục và đánh phá bởi biệt kích, gián điệp, nhưng Đảng ủy huyện Đức Lập dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, tỉnh Đắk Lắk, tiến hành thành công hai kỳ đại hội tại suối Đắk Prí (1973) thuộc địa bàn Bắc Nâm Nung, càng khẳng định thêm ý chí và tinh thần quân dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong việc lựa chọn địa bàn, sắp xếp và tổ chức hoạt động ở những địa điểm mang tính ổn định về an ninh quân sự vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó Nâm Nung là địa bàn trọng yếu mà Huyện ủy Đức Lập đã lựa chọn. Đồng bào M’nông, Ê đê và các dân tộc anh em tại căn cứ Nâm Nung phấn khởi và tự hào về thắng lợi to lớn của cách mạng, đã ngày đêm ra sức phục vụ cách mạng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng và đóng góp cho cách mạng. Trên mặt trận quân sự, các cán bộ, chiến sĩ thuộc 7 đội vũ trang công tác đứng chân tại Nâm Nung, Nâm Ka đã ra sức tuyên truyền về thắng lợi của ta và phát triển thêm các cơ sở cách mạng, đồng thời phối hợp với du kích của Nâm Nung và Nâm Ka đi ra tuyến trước để chốt giữ và lập tuyến ngăn chặn không cho địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Thế trận “hai chân, ba mũi giáp công” được giữ vững và phát huy tác dụng trong tiến công tiêu diệt địch, tạo ra thế và lực mới cho ta giữ vững thế làm chủ núi rừng, làm chủ vùng căn cứ, mở rộng và làm chủ vùng giải phóng.

Tháng 9/1973, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VI. Sau đại hội này, các cấp ủy đảng ở vùng căn cứ Nâm Nung đã chỉ đạo quân và dân các dân tộc anh em trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh bại kế hoạch “bình định” lấn chiếm của địch, phát triển mạnh mẽ hơn nữa lực lượng du kích, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong hoạt động tác chiến trên địa bàn và vùng phụ cận, tiếp tục tấn công địch để bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng. Trong đó, nhiệm vụ trung tâm của ta lúc này là bám cơ sở, nắm dân ở phía trước, giữ vững vùng giải phóng và vùng căn cứ cách mạng. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của ta là đưa du kích lên tuyến trước, chiến đấu trực tiếp với lực lượng quân chủ lực của địch. Đồng thời, tăng cường hoạt động tác chiến quấy rối, gây bất ổn ngay trong vùng địch kiểm soát, buộc chúng phải xé nhỏ đội hình, phân tán lực lượng đối phó với ta, từ đó hạn chế bớt các cuộc lùng sục của địch vào vùng giáp ranh và vùng kiểm soát.

Trên bình diện toàn miền Nam Trên bình diện toàn miền Nam sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, với sự ra đời của các quân đoàn, binh đoàn bộ đội chủ lực,… đứng chân trên các chiến trường trọng yếu. Lúc này, mạng lưới đường hành lang chiến lược Bắc – Nam ở cả Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn bảo đảm an toàn và thông suốt từ hậu phương miền Bắc đến Nam bộ. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta ngày càng mạnh lên, địch ngày một yếu đi. Chính trên cơ sở phân tích một cách khoa học, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm lịch sử là hoàn thành việc giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm (1975-1976), chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chính và quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu trong chiến dịch Tây Nguyên.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, các cấp ủy đảng, quân và dân các dân tộc khu căn cứ Nâm Nung đã phát huy vai trò là vùng căn cứ cách mạng, nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kịp thời phối hợp toàn tỉnh Đắk Lắk và chiến trường Nam Tây Nguyên trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng quân sự, chính trị của địch, đập tan bộ máy kìm kẹp của chúng, giải phóng hoàn toàn quê hương, tạo chuyển biến để giải phóng toàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo kế hoạch của Khu ủy V và Tỉnh ủy Đắk Lắk, trọng điểm hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Đắk Lắk lúc này là quận lỵ Đức Xuyên. Lực lượng của tỉnh tham gia vào chiến dịch này bao gồm bộ đội địa phương của tỉnh, huyện và du kích các xã căn cứ như Nâm Nung. Ta sẽ lần lượt giải quyết dứt điểm quận lỵ Đức Xuyên, quận lỵ Lạc Thiện (Lắk), yếu khu Đầm Ròn, Phi Tih; phối hợp với quân chủ lực giải phóng Đức Lập, Phước An và các huyện khác phía Nam đường 21. Không khí cách mạng dâng lên thành cao trào. Người người, nhà nhà ở căn cứ kháng chiến Nâm Nung từ các bậc cao niên đến các thanh niên, phụ nữ và các em thiếu niên nhi đồng, mỗi người tùy sức của mình đã tích cực tham gia vào các hoạt động chuẩn bị cho đợt tiến công địch sắp tới.

Mở đầu cho đợt tiến công này, tháng 2/1975, theo chủ trương của tỉnh ủy, các cấp ủy đảng trên địa bàn căn cứ Nâm Nung đã tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tuyên truyền, động viên quần chúng Nhân dân các dân tộc chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền ở vùng nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Sau chiến thắng giải phóng tỉnh Phước Long (6/1/1975), ta đã cắt tuyến giao thông quan trọng là trục đường 14, cắt đứt sự chi viện của Mỹ - Ngụy trên chiến trường Tây Nguyên bằng đường bộ. Tháng 2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên được thành lập, cùng với ý đồ chiến thuật, sự huy động một lực lượng các quân chủ lực của ta từ các trung – sư đoàn, các binh chủng pháo binh, phòng không và đặc công, sự phối hợp giữa quân chủ lực và địa phương, Bộ Tư lệnh chiến dịch với Tỉnh ủy Đắk Lắk, Gia Lai, từ ngày 4/3/1975, chiến dịch bắt đầu.

Trên tinh thần đó, ngày 5/3/1975, mọi công tác chuẩn bị cho các trọng điểm hoạt động của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, trong đó có địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã hoàn thành về cơ bản mọi phương án. Tỉnh ủy quyết định điều động hai tiểu đoàn, một đại đội trợ chiến, cùng lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Đức Lập bao gồm bộ đội huyện, du kích Nâm Nung, Nâm Ka, các đội vũ trang công tác đưa quân vào vị trí tập kết và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng, giải phóng dứt điểm mục tiêu trọng điểm là quận lỵ Đức Xuyên.

Được sự chỉ đạo của Trung ương Cục, hưởng ứng phong trào của toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang và du kích căn cứ Nâm Nung phối hợp hài hòa với những trận tấn công bằng lực lượng quân sự của bộ đội chủ lực và bộ đội tỉnh, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn huyện nhà, bảo vệ an toàn khu căn cứ, hành lang chiến lược luôn được khai thông. Tạo thế liên hoàn ổn định từ Quảng Đức đến các tỉnh trong Quân khu VI, giữa Quảng Đức với Đông Nam bộ, giữa miền Nam với miền Bắc. Ngày 9/3/1975, sư đoàn 10 -  một sư đoàn bộ binh thiện chiến của ta đã tiêu diệt căn cứ Đức Lập của địch. Cùng ngày, trên địa bàn huyện Đức Lập bao gồm bộ đội và 7 đội vũ trang công tác, trong đó phần lớn là con em đồng bào M’nông, Ê đê… ở vùng căn cứ Nâm Nung đột nhập vào các ấp chiến lược của địch như Vườn Ươm, Đắk Pét, Sapa (phía Tây huyện Đức Lập)… tiêu diệt và làm tan rã 2 trung đội, tước vũ khí toàn bộ lực lượng phòng vệ của địch tại địa phương. Ngày 10/3/1975, đoàn quân tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột. Diễn biến ác liệt của chiến dịch theo đúng dự kiến của ta, các cứ điểm quan trọng của địch lần lượt bị ta tiêu diệt và đến 2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, ta hoàn toàn giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.

Với những chiến thắng dồn dập, vang dội, nhất là trận đánh Buôn Ma Thuột, đã thổi thêm nguồn sức mạnh vào các cấp ủy đảng, quân và dân tại căn cứ Nâm Nung. Các cán bộ, đảng viên và Nhân dân, mỗi người tùy theo nhiệm vụ của mình đã góp phần tích cực cho chiến dịch toàn thắng.

Ngày 23/3/1975, cùng các đơn vị tiếp quản thị xã Gia Nghĩa, Ty Y tế, bệnh viện Quân dân y tỉnh Quảng Đức cũng là một trong những cơ quan đơn vị nhanh chóng vào tiếp quản, quản lý toàn bộ tài sản, y dụng cụ, kho thuốc mà địch bỏ lại để rút chạy. Ngành y tế với đội ngũ cán bộ chuyên môn cùng với số y – bác sĩ – y tá lưu động tổ chức ngay công tác khám chữa bệnh cho các cơ quan, lực lượng vũ trang và Nhân dân tận tụy, nhanh chóng và hiệu quả.

Ngày 24/3/1975, sau khi lực lượng địch tại Đức Lập, Buôn Ma Thuột, Kiến Đức, Lạc Thiện đã bị ta tiêu diệt, bọn địch ở đây đã tổ chức một đoàn xe Công Voa gồm 13 chiếc có trang bị đầy đủ vũ khí rút theo đường Lạc Thiện để chạy về thành phố Đà Lạt. Đoàn xe Công Voa của địch đã bị bộ đội huyện Lắk cùng du kích xã Nâm Ka và du kích các xã căn cứ khác tại địa phương chặn đánh quyết liệt. Ta bắt được nhiều tù binh, trong số đó có tên đại úy chi khu trưởng chi khu quân sự Đức Xuyên. Liền sau trận đánh, ta đã sử dụng một số tù binh địch bị ta bắt trong trận Đức Xuyên đưa thư gọi hàng của ta cho bọn địch đang chiếm giữ căn cứ quân sự Đầm Ròn, buộc 6 trung đội lính nghĩa quân (dân vệ) tại Đầm Ròn phải mang vũ khí ra đầu hàng quân giải phóng. Ngày 24/3/1975, quận Đức Xuyên hoàn toàn giải phóng, cũng là ngày kết thúc thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch đầu tiên và là một trong ba chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam của ta.

Từ ngày chuẩn bị cho chiến dịch đến khi kết thúc chiến dịch mùa Xuân năm 1975, quân và dân vùng căn cứ Nâm Nung đã luôn có mặt ở những điểm quan trọng và đã tham gia tiếp quản quận lỵ Đức Xuyên khi quận lỵ này được giải phóng, hăng hái tham gia cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch mùa Xuân 1975, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, căn cứ kháng chiến Nâm Nung trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ là căn cứ địa vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Đức, Huyện ủy Đức Lập, nơi xây dựng thực lực cách mạng từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, đập tan các cuộc hành quân càn quét, bắn phá của địch; cũng là nơi dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy đã tổ chức nhiều đợt tiến công đánh địch với nhiều hình thức, quy mô, làm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, góp phần thắng lợi chung trong cuộc giải phóng miền Nam, là nơi tỉnh ủy chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng. Vận động, giác ngộ lòng yêu nước, căm thù địch sâu sắc của Nhân dân các dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết đấu tranh đối với Nhân dân Tây Nguyên. Căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã góp phần to lớn cùng chung sức, đánh bại kẻ thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâm Nung - Vùng đất, con người và truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO