Lễ cúng mưa đầu mùa của đồng bào M’nông

Mẫn Doanh| 28/11/2014 09:29

Lễ cúng mưa đầu mùa (Bư brah mih rah bôk năm) là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng, thể hiện tín ngưỡng phồn thực mà đồng bào M’nông vẫn còn lưu giữ.

ADQuảng cáo

Theo quan niệm của đồng bào, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần phải tổ chức lễ cúng để giải độc, cầu mong thần mưa ban cho những điều tốt đẹp gắn với khát vọng sinh sôi nảy nở. Lễ cúng thường được tổ chức vào tháng Giêng, khi những cơn mưa đầu tiên trong năm xuất hiện.

Già làng thực hiện nghi thức bôi máu lên cây nêu

Sau khi chọn được ngày tốt, già làng sẽ thông báo cho mọi người trong bon. Lễ cúng được thực hiện trên một khuôn viên rộng đã được quét dọn sạch sẽ. Mọi người tham gia đều phải mặc trang phục truyền thống để thể hiện sự trang trọng, thiêng liêng. Tại khu vực làm lễ, già làng sẽ đặt một quả bí kỳ nam tại cổng nơi làm lễ với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ không cho vào hại dân làng.

Linh hồn của lễ là cây nêu được làm bằng cây tre, có chiều dài từ 2-3m, trên thân cây gắn những hình con vật đan bằng tre nứa rất sinh động như dê, trâu, chim, gà… Trên ngọn cây nêu có treo một chùm bông lúa tượng trưng được vót ra từ thân cây tre già. Trước đó, những người phụ nữ trong bon đã chuẩn bị những món ăn truyền thống như canh thụt, canh bồi, cơm lam, thịt nướng… chuẩn bị dâng cúng thần linh.

Trước khi làm lễ, già làng lấy huyết heo bôi lên cây nêu để mời các thần linh về chứng giám cho bon làng. Sau khi báo với các thần linh về dự lễ cúng mưa, già làng thông báo với bà con trong bon thực hiện các nghi lễ cúng mưa đầu mùa. Nghi thức dâng lễ vật cho các thần linh diễn ra ngay tại gốc cây nêu.

ADQuảng cáo

Lễ vật là những sản phẩm, thành quả lao động sản xuất của mọi người trong bon làng làm ra, bao gồm: một ché rượu cần, một chén tiết heo, thịt heo nướng, 5 quả trứng gà, 1-2 cục than, 2-3 củ nghệ, một quả bí kỳ nam, một khúc chuối được khắc hình con voi. Lễ vật đựng sẵn trong những chiếc gùi được các chàng trai, cô gái mang đến; già làng sẽ lần lượt nhận lấy và đặt vào trong nia.

Dâng lễ vật cho các thần linh

Khi các thủ tục dâng lễ đã hoàn tất, già làng tiến hành cúng để cầu may, giải hạn với những lời khấn có nội dung: “Hỡi các thần siêu nhiên, các dịch bệnh tai họa, ma quỷ, xui xẻo… đừng nên vào bon làng chúng tôi, để bon làng có sức khỏe lao động, sản xuất, trồng lúa, hoa trái, trồng cây đậu, cây sắn được xanh tốt từ cơn mưa này. Bon làng no đủ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, bình yên”.

Sau khi cúng xong, già làng cùng bà con uống rượu cần cảm ơn thần linh đã che chở cho bon làng, mọi người lại cùng nhau gióng lên những hồi chiêng, những giai điệu m’buốt, làn điệu dân ca được cất cao, hòa nhịp, kết nối con người với thần linh, con người với thiên nhiên…

Những bài hát dân ca trong lễ cúng mưa đầu mùa vang vọng ước mong, kèm theo những nỗi niềm hân hoan: mùa mưa lại đến với bon làng, mưa làm cho hạt nảy mầm, cho hoa màu phát triển, đơm hoa khoe sắc thắm, tôm cá dưới nước tung tăng bơi lội; từ cơn mưa, nay cho mưa thuận gió hòa, đừng có sấm sét…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ cúng mưa đầu mùa của đồng bào M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO