Làm tròn tâm nguyện với người chồng đã hy sinh

Mỹ Hằng| 25/07/2017 15:22

Tới thăm gia đình bà Hồ Thị Thanh, vợ của liệt sĩ Trần Văn Đảng ở thôn 7, xã Kiến Thành (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), chúng tôi hết sức xúc động khi được bà kể cho nghe những kỷ niệm của thời chiến tranh nhiều vất vả, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào.

ADQuảng cáo

Biến đau thương thành hành động

Năm nay, dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Thanh vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Đôi tay thoăn thoắt vừa trảy bắp vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của chính cuộc đời bà. Theo lời bà kể, bà và chồng là người cùng quê ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), quen và cưới nhau khi đất nước còn chiến tranh. Đám cưới thời kháng chiến đơn giản lắm, chỉ ít bánh kẹo, vài cành bông và ít nước trà là xong.

Bà Hồ Thị Thanh (ngoài cùng bên trái) kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về người chồng liệt sĩ

Năm 1951, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, chồng bà là ông Trần Văn Đảng lên đường nhập ngũ và tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bị thương nặng, gãy mất 7 chiếc xương sườn trái và phải nằm điều trị tại Trại điều dưỡng thương bệnh binh Can Lộc.

Thời điểm này, số lượng chiến sĩ bị thương nhiều nên ông được cho về địa phương điều trị. Thương tích đầy mình, sức khỏe giảm sút, mỗi khi trái gió trở trời đau nhức không chịu nổi nên tất cả mọi công việc, quán xuyến gia đình đều đổ lên đôi vai của bà. Dù vậy, bà vẫn không nản chí, ngày ngày vẫn đi làm, vừa chăm lo cho chồng, chăm sóc các con.

Sau đó ít lâu, chồng bà mất do vết thương cũ tái phát và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Liệt sĩ. Chồng mất để lại 5 đứa con còn nhỏ, có lẽ, đây là quãng thời gian khó khăn nhất đối với bà. Song hình ảnh người chồng và những lời trăn trối trước lúc lâm chung đã luôn nhắc nhở bà phải cố gắng thay chồng làm tròn trách nhiệm với gia đình, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương, đất nước.

Hoàn cảnh của gia đình lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, con còn nhỏ, chỉ có bà là lao động chính. Nén thương đau và ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, bà lao vào công việc. Bà say sưa làm như thể để cho quên đi nỗi đau thương, mất mát, từ làm thuê, cuốc mướn đến nhặt ve chai, công việc nào có tiền là bà đều làm mà không nề hà.

ADQuảng cáo

Trong suốt khoảng thời gian dài, bà không những chèo chống để bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình, mà còn là trụ cột để giữ được sự ổn định về tinh thần, giữ được sự an tâm và niềm tin tưởng đối với gia đình bên chồng.

Nuôi dạy con cái nên người

Cuộc sống ở quê quá khó khăn, nên năm 1989, bà cùng các con quyết định khăn gói vào Đắk Nông lập nghiệp. Cuộc sống nơi vùng đất mới gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bà và các con không nản chí, đi làm thuê sống qua ngày, dành dụm mua miếng đất nhỏ dựng nhà ở và mua rẫy trồng cà phê. Để có thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn hàng ngày, bà còn chăn nuôi gà, vịt và trồng rau màu. Dù khó khăn, thiếu thốn mọi bề, bà vẫn luôn dạy các con với tinh thần “đói cho sạch, rách cho thơm”.

Thương mẹ, các con của bà luôn chăm chỉ lao động, tăng gia sản xuất, vực dậy kinh tế gia đình. Giờ đây, ở cái tuổi xế chiều, mọi khó khăn dường như đã qua đi, các con của bà đều lập gia đình ra ở riêng và có cuộc sống ổn định, kinh tế khá giả. Năm 2014, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, bà Thanh được hỗ trợ kinh phí để xây được ngôi nhà khá khang trang. Đây chính là món quà lớn và là niềm an ủi của bà lúc về chiều.

Bà Thanh vui vẻ: “Tôi luôn tâm niệm phải chăm lo cuộc sống gia đình chu đáo, xứng đáng với người chồng đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi thấy hạnh phúc bởi các con luôn tự hào về người cha, cố gắng trong cuộc sống, biết cảm thông, chia sẻ công việc cùng mẹ. Con cái thành đạt, sống hòa thuận, tôi vui hơn được vàng, coi như đã làm tròn tâm nguyện với chồng đã hy sinh”.

Anh Trần Văn Hào, con trai út của bà Thanh cũng tự hào nói: “Sự vất vả của mẹ và những ký ức về người cha thân yêu chính là động lực để anh em tôi sống tốt hơn. Gia đình chúng tôi biết cảm ơn Đảng, Nhà nước thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ rất nhiều, cả vật chất lẫn tinh thần”.      

Nhắc tới bà Thanh, những người hàng xóm ở thôn 7 luôn bày tỏ tình cảm quý mến, kính trọng. Ông Mai Đức Cần, Trưởng thôn 7 cho biết: “Tôi và bà con rất cảm phục trước sự nỗ lực của bà Thanh trong việc chèo chống, ổn định cuộc sống gia đình. Chồng mất sớm, nhưng bà vẫn thủ tiết, hương khói cho chồng và chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tròn tâm nguyện với người chồng đã hy sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO