Bác Hồ với thương binh, gia đình liệt sĩ

Vũ Hà| 27/07/2017 15:21

Sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, quân dân đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ cách mạng và nhiều người đã hy sinh hoặc thương tích.

ADQuảng cáo

Trong bối cảnh đó, ngày 11/7/1946, Hội "Giúp binh sĩ bị nạn" đã tổ chức một cuộc nói chuyện tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Bác Hồ đã tới dự. Chiều cùng ngày, tại Nhà hát có buổi quyên góp ủng hộ chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động "mùa đông chiến sĩ". Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ ngoài mặt trận.

Ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã diễn ra tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Bác Hồ và nhận quà của Người gửi tặng chiến sĩ gồm một chiếc áo lụa, một tháng lương, một bữa ăn của một nhân viên trong Phủ Chủ tịch.

Trong thư gửi Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc, Bác Hồ viết: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập…thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...".

Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Người viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".

ADQuảng cáo

Bác Hồ còn thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Tháng 11/1946, trong thư gửi các địa phương, Người viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi...".   

Tháng 2/1948, Người gửi thư dặn dò các cháu nhi đồng phát động công tác Trần Quốc Toản: “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, các thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy". Tháng 7 /1951, Người phát động phong trào "Đón thương binh về làng" với nội dung cụ thể: "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian".

Trong diễn từ tại buổi lễ nhân dịp Đảng, Chính phủ về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, Người dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ, có đoạn: "Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ…". Hàng năm cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Người lại gửi thư cùng một tháng lương của mình, một bữa ăn, hay một món quà (do đồng bào gửi biếu) để tặng anh em thương binh". Bác khuyên anh em thương binh "tàn nhưng không phế", và “phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu".

Hàng năm, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu đãi về vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước rất cần những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình, con em thương binh, liệt sĩ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Phải coi ngày 27/7 hàng năm là ngày lễ tri ân những người có công với nước và những người còn sống mãi mãi không được quên. Xã hội và mọi người phải coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng, số người bị thương và hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Tổng bộ Việt Minh tổ chức một cuộc họp tại Đại Từ - Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ với thương binh, gia đình liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO