Những ký ức không thể nào quên

Hoàng Hoài| 30/04/2016 11:09

41 năm đã trôi qua, nhưng đối với những người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng niềm Nam may mắn còn sống thì mỗi dịp 30/4, những ký ức về cuộc chiến oai hùng ấy vẫn luôn đọng lại, không thể nào quên.

Vào Đảng trên chiến trường

Năm 1968, ông Đoàn Huy Lài hiện ở tổ dân phố 5, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) mới 18 tuổi, sau 3 tháng huấn luyện, rời quê Thái Bình lên đường vào Nam chiến đấu tại Đại đội 4, Huyện đội Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thời đó, đơn vị của ông đã tham gia đánh nhiều trận lớn nhỏ khác nhau. Và trận đánh nào cũng có hy sinh, mất mát, nhưng không thể nào dập tắt “lửa” cách mạng đang sôi sục trong người lính. Trong đó, ông nhớ nhất chính là trận đánh Lữ đoàn dù 173 cùng với biệt kích Mỹ vào năm 1971.

Ông Lài (bên trái) kể chuyện kháng chiến cho bà con lối xóm

Ông Lài kể, lúc đó, Bí thư chi bộ, Đại đội trưởng Đại đội 4 treo cờ Đảng trên hang đá phát động phong trào “Xung phong diệt biệt kích Mỹ”. Vậy là toàn đại đội hừng hực khí thế tấn công, với quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đối với nhiệm vụ này, đơn vị có 10 người đi phục kích liên tục từ 5-7 ngày, sau đó phối hợp với du kích xã Mỹ Thắng đánh Lữ đoàn dù 173 cùng với biệt kích Mỹ. Cho dù địch có máy bay ném bom xăng, xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí tối tân, bao vây và đánh phá liên tục hàng chục ngày, nhưng quân ta luôn chiến đấu ngoan cường, quyết không để  căn cứ rơi vào tay giặc. Cũng lúc này, ông Lài được vinh dự kết nạp Đảng ngay trên chiến trường.

Ông Lài cho biết: Khi nghe chi bộ công bố được vào Đảng, lòng tôi sung sướng, nghẹn ngào không nói nên lời, cảm giác như ước nguyện đã thành, dù có hy sinh thì vẫn là người của Đảng.

Trong chiến dịch giải phóng miền Nam, tháng 3/1975, đơn vị ông tham gia đánh hợp đồng binh chủng ở cứ điểm Đồi Miếu, xã Mỹ Thành. Trong thời gian ngắn, bộ đội ta tiêu diệt toàn bộ các đại đội của lính ngụy, làm chủ toàn bộ chiến trường, thu vũ khí, bắt tù binh làm cho địch dao động, co cụm, rệu rã. Sau đó, đơn vị ông hành quân về xã Mỹ Tài, cùng tham gia giải phóng chốt Núi Mun, rồi chi khu Phù Mỹ của quân ngụy…

Sau khi Phù Mỹ được giải phóng, nhân dân rất phấn khởi, đi tới đâu, bộ đội cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình. Những thanh niên như ông Lài, khi lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu là để cống hiến cho cách mạng, dân tộc, chứ chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ trở về. Do đó, khi giải phóng Bình Định rồi đến các địa phương khác, nhất là khi Sài Gòn giải phóng, đồng đội của ông vui mừng khôn xiết.

Ông Lài tâm sự: “Những từ hòa bình, độc lập, tự do hiện ra trong đầu chúng tôi một cách thực sự chứ không là mơ nữa. Chúng tôi truyền tai nhau Sài Gòn giải phóng rồi, miền Nam thống nhất, Bắc-Nam không còn chia cắt và chúng ta sẽ được trở về với gia đình, người thân, bạn bè. Nói xong, mỗi thằng lại lén lau đi những giọt nước mắt hạnh phúc đã chảy từ lúc nào không rõ”.

Trong quá trình chiến đấu, đơn vị của ông Lài cũng hy sinh rất lớn, cứ người này ngã xuống thì bổ sung người khác, nhưng ai cũng xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ấy, ông Lài vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, hạng Ba, Chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ”…

Luôn khắc ghi những ký ức

Năm 1970, ông Phan Văn An, gương mẫu trong cuộc sống hiện ở bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) từ Hà Tĩnh tham gia vào Nam chiến đấu. Lúc này, ông chỉ nghĩ mình đi khoảng 3 năm rồi sẽ về lại quê hương chứ không ngờ lại kéo dài đến 9 năm, chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau từ Phước Long, Bình Phước, Bình Dương, Lào, Campuchia cho đến biên giới Tây Nam. Ở mỗi mặt trận, dù là lực lượng quân quản, đi sau tiếp viện, chi viện, nhưng ông lại chứng kiến nhiều hy sinh, mất mát của đồng đội mình.

Theo như ông Lài kể, sau khi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, tháng 3/1973, ông lại về chiến đấu tại Sư đoàn công binh thuộc Binh đoàn 559 để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Sau khi tham gia đánh ở mặt trận Thủ Dầu Một (Bình Dương), đơn vị lại tiến về Sài Gòn để tiếp quản Phân cục cảnh sát ngụy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10...

Ông An thường xuyên nhắc nhở bản thân phải nỗ lực, gương mẫu trong cuộc sống để xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Theo ông An thì đơn vị của ông làm nhiều nhiệm vụ từ tiếp quản, phối hợp tác chiến, sẵn sàng chi viện khi các chiến trường cần. Thời đó, nhiệm vụ nào cũng quan trọng và cũng có những mất mát hy sinh không kể là đơn vị đánh trực tiếp hay đơn vị tiếp viện. Và đau lòng nhất chính là làm nhiệm vụ khiêng gánh thương bệnh binh. Nhìn đồng đội trên người toàn vết thương, máu trộn khói bụi, đất bùn không biết sống chết thế nào mà lòng không khỏi xót xa ngậm ngùi.

Dù ở mặt trận Sài Gòn không nhiều, song ông nhận thấy, đi đến đâu, người dân luôn nhiệt tình giúp đỡ, thương yêu bộ đội lắm. Đó cũng là động lực để bộ đội luôn nỗ lực nhìn về phía trước và  mong nước nhà sớm được thống nhất. Hiện nay, mỗi dịp 30/4, ông lại bồi hồi xúc động và những mảnh ghép về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam lại ào ạt ùa về, nhắc nhở những người còn sống không được quên những ký ức oai hùng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ký ức không thể nào quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO