Mặt trận Tây nguyên trong Đông - Xuân 1953-1954: Những trận đối đầu quyết liệt phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ

Tạp chí Xây dựng Đảng| 07/05/2014 10:23

Mặt trận Tây nguyên trong Đông - Xuân 1953-1954 là một trong những hướng tiến công lợi hại của quân và dân ta. Thắng lợi của mặt trận Tây nguyên trong Đông - Xuân 1953-1954 đã góp phần làm thất bại kế hoạch Na-va, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, tạo thế và lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Về cơ bản, kế hoạch quân sự Na-va được chia thành hai bước:

Bước thứ nhất, trong Thu - Đông và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở Bắc vĩ tuyến 18, tránh đương đầu với quân chủ lực của ta; xây dựng khối chủ lực cơ động, đồng thời tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V.

Bước thứ hai, khi đã có ưu thế về lực lượng cơ động thì từ mùa thu năm 1954, chuyển lực lượng ra phía Bắc, giành thắng lợi quân sự lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp.

Để thực hiện kế hoạch, Na-va đã ra sức bắt lính để mở rộng ngụy quân, rút các lực lượng lính Âu - Phi tinh nhuệ sang tăng cường, đồng thời xin tăng viện binh để xây dựng một lực lượng cơ động mạnh, nhằm quyết chiến với quân ta. Cả Pháp và Mỹ đều hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ “Chuyển bại thành thắng”.

Bộ Chỉ huy chiến dịch họp thảo luận kế hoạch Bắc Tây nguyên, 1954. Ảnh tư liệu

Về phía ta, xét về tương quan lực lượng, Na-va đã đặt chúng ta trước tình thế hết sức khó khăn. Để đối phó với kế hoạch Na-va, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và đi đến nhận định: “Kế hoạch Na-va tuy có thể gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó có nhiều mâu thuẫn và có nhược điểm lớn”; đồng thời quyết định nhiệm vụ chiến lược trong Đông - Xuân 1953-1954.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã triển khai kế hoạch tác chiến cụ thể với bốn hướng tấn công chính: Tây Bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc bộ; Trung, Hạ Lào và phát triển chiến tranh sang Campuchia; Tây nguyên (khu V), trong đó hướng tấn công chính là Tây Bắc.

Tháng 11/1953, Tổng quân ủy giao nhiệm vụ cho Liên khu 5: “Trong Đông xuân này, Liên khu 5 cần phải tập trung lực lượng tiến công lên Tây nguyên, phát triển lên Tây nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất; nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”. Mặt trận Tây nguyên phải phối hợp với mặt trận chính là Tây bắc thực hiện mục tiêu phân tán lực lượng địch, quyết tâm đánh bại kế hoạch quân sự của Na-va.

Những trận đối đầu quyết liệt ở Tây nguyên

- Chiến dịch bắc Tây nguyên

Ngày 20/1/1954, Na-va huy động 30 tiểu đoàn cơ động (GM) mở cuộc hành binh Át-lăng tiến công vào Tuy Hòa (Phú Yên).

Trước âm mưu và hành động quân Pháp, quán triệt phương châm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Khu ủy Khu V quyết định mở chiến dịch bắc Tây nguyên. Phương châm tác chiến là: “chỉ sử dụng bộ đội địa phương, du kích và một bộ phận nhỏ quân chủ lực để đối phó với quân Pháp, bảo vệ hậu phương, còn đại bộ phận quân chủ lực tập trung tiến công ở hướng chính phía đông bắc Kon Tum, hướng phối hợp trên đường 19”.

Mục tiêu của chiến dịch này là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng ở bắc Tây nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc Nava phải bỏ dở cuộc hành quân Átlăng, rút lực lượng lên ứng cứu cho Tây nguyên khiến kế hoạch tập trung binh lực của Pháp bị phá vỡ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính Điện Biên Phủ.

Đồng chí Nguyễn Chánh Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu - người vừa mới ra Việt Bắc dự và nhận nhiệm vụ tại Hội nghị Bộ Chính trị (9/1953) trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 26/1/1954, kết thúc ngày 5/2/1954. Qua 20 ngày đêm chiến đấu, cả hai hướng tấn công của ta đã giành thắng lợi to lớn, trong đó tiêu biểu là chiến thắng Măng Đen và Măng Bút (28/1/1954), phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở Kon Tum, giải phóng thị xã Kon Tum, quét sạch quân địch ở bắc Tây nguyên, tràn xuống phía nam đến sát đường số 19.

Lo sợ bị mất địa bàn trọng yếu Tây nguyên, quân Pháp buộc phải ngừng cuộc tiến công ở đồng bằng liên khu V, vội vã điều động 11 tiểu đoàn ở Nam Bộ và Bình - Trị - Thiên lên tăng cường cho Tây nguyên, tổ chức hai tập đoàn cứ điểm An Khê và Pleiku để đối phó với ta.

Ngay sau chiến thắng Kon Tum, Trung ương Đảng đã gửi điện cho quân và dân Tây nguyên, bức điện viết: “Liên khu V đã thành công vượt mức. Cần liên tục chiến đấu, khuyếch trương thắng lợi, phối hợp với toàn quốc. Ra sức tranh thủ củng cố vùng giải phóng, tranh thủ phát triển vào Nam với phương châm: đánh địch đằng trước kết hợp chiến tranh du kích vùng địch hậu. Liên tục chiến đấu trong một thời gian dài để khoét sâu nhược điểm của địch. Tác chiến kết hợp với xây dựng, tiêu diệt kết hợp với củng cố địa phương”. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội nêu rõ: “thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa xuân này trên chiến trường toàn quốc”.

Với chiến thắng bắc Tây nguyên, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đặt ra là: buộc Na-va phải phân tán lực lượng để đối phó với ta; phá tan cuộc tấn công của chúng vào đồng bằng Liên khu V; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Không những thế, quân và dân ta còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, chiếm giữ những vị trí quan trọng ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, cắt đứt liên lạc giữa Pleiku với Bình Định của quân Pháp.

Cuộc tập kích trên đường 19 An Khê - Đắk Pơ. Ngay sau chiến dịch bắc Tây nguyên, chấp hành chỉ đạo của Trung ương Đảng, Thường vụ Liên Khu ủy khu V, Đảng ủy chiến dịch họp để kiếm điểm và nhận định tình hình. Hội nghị nhận định: Về phía địch, sau khi buộc phải rút khỏi thị xã Kon Tum, đã đưa một bộ phận lực lượng từ đồng bằng lên để củng cố và tổ chức lại hệ thống phòng thủ ở Tây nguyên, chúng bố trí lực lượng thành hai khối lớn: ở trong và xung quanh thị xã Pleiku (có 9 tiểu đoàn) và trên đường 19 - An Khê (có 9 tiểu đoàn thuộc binh đoàn 11, 21 và binh đoàn 41, 42 là lực lượng cơ động ứng chiến).

Căn cứ tình hình hiện tại của chiến trường, Hội nghị đề ra một số nhiệm vụ cấp bách: Tổ chức một đợt tiến công ngắn nhưng thật mạnh vào thị xã Pleiku, và đường 19, kìm giữ lực lượng địch, không để cho chúng rút đi chi viện cho chiến trường khác; bổ sung và tổ chức thêm lực lượng mới, tăng lực lượng cơ động tấn công địch; nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng, sẵn sàng đánh địch lấn chiếm lại. Tăng cường chỉ đạo chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu ở vùng tự do.

Chấp hành chủ trương của Thường vụ Khu ủy và Đảng ủy mặt trận, ngày 16/2/1954, ta mở đợt tấn công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài thị xã Pleiku; ngày 19/2/1954, ta tập kích diệt 2 đại đội địch ở Đắk Đoa; tại nam Biển Hồ, 2 tiểu đoàn địch lọt vào trận địa phục kích của ta bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội tiến hành pháo kích và tổ chức luồn sâu đánh nhiều mục tiêu cơ quan, kho tàng của địch ở ngay trung tâm thị xã Pleiku; Ở phía nam đường 19, ta diệt đồn Đắk Bớt, tiến công cơ quan ngụy quyền ở trung tâm thị trấn Cheo Reo... Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tiến hành các trận đánh địch trên khắp các địa bàn khiến cho địch rối loạn, co cụm phòng thủ không thể tiếp tế và ứng cứu lẫn nhau.

Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Bắc Tây nguyên. Ảnh tư liệu

Coi thường lực lượng của ta, Pháp chủ quan cho rằng, cuộc tiến công Đông - Xuân (1953 -1954) của ta đã kết thúc, chủ lực ta trên chiến trường chính hết khả năng đánh lớn; giữa tháng 3/1953, Na-va ra lệnh cho các đơn vị tiếp tục tiến hành bước 2 của cuộc hành quân Átlăng và điều binh đoàn cơ động dù từ Hà Nội vào Quy Nhơn để hỗ trợ. Nhưng chúng không thể ngờ, chỉ 1 ngày sau khi đổ bộ lên Quy Nhơn (12/3/1954), ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu.

Bị bất ngờ và để mất phân khu Bắc sau 5 ngày chiến đấu, ngày 16/3/1954, Na-va phải gấp rút điều động binh đoàn cơ động dù mới vào An Khê ra Hà Nội. Tiếp tục phối hợp chia lửa với Điện Biên Phủ, quán triệt phương châm chỉ đạo tác chiến của Bộ Tổng tham mưu về việc tăng cường chiến tranh du kích ở các vùng sau lưng địch, Khu ủy khu V đã lãnh đạo quân và dân trên mặt trận Tây Nguyên liên tiếp mở các cuộc tấn công quân Pháp. Ngày 25/3/1954, bộ đội ta tiến hành tập kích lần thứ 2 vào thị xã Pleiku, đánh vào các kho tàng, trại lính của Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Tây nguyên phát triển mạnh mẽ, liên tục giành thắng lợi đã thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, căng kéo lực lượng địch, kìm chân và tiêu hao lực lượng của chúng, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội ta đánh thắng trận quyết chiến chiến lược ở Tây Bắc, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt trận Tây nguyên trong Đông - Xuân 1953-1954: Những trận đối đầu quyết liệt phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO