Ý thức người dân về phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi còn hạn chế

Hồng Thoan| 24/11/2015 08:39

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch lở mồm long móng đối với gia súc tại địa bàn 3 huyện và dịch cúm gia cầm tại thị xã Gia Nghĩa.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói là các ổ dịch đều có chung nguyên nhân là người dân nhập vật nuôi từ nơi khác về làm phát sinh và lây lan.

Gia cầm giống được bày bán tại khu vực chợ Gia Nghĩa khó bảo đảm an toàn dịch bệnh

Cụ thể, tại huyện Đắk R’lấp, ngày 25/5/2015, cơ quan chức năng phát hiện bệnh lở mồm long móng xảy ra ở thôn 4 xã Kiến Thành trên 9 con bò của 2 hộ nuôi mắc bệnh. Nguyên nhân được xác định là do ông Lê Văn Hậu đã nhập 19 con bò và 1 con trâu từ tỉnh khác về.

Số trâu, bò này, ông đã bán 7 con cho các hộ dân khác trên địa bàn, số còn lại để nuôi. Sau 3 ngày sau khi mua bò về, vật nuôi có những biểu hiện bất thường như lờ đờ, ăn uống kém. Thế nhưng ông không báo cho cơ quan thú y mà lại tự ý mua thuốc về chữa trị.

Đến ngày 25/5, khi Chi cục Thú y nhận được tin báo đã đến kiểm tra phát hiện đàn bò trên được Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ra ngoài tỉnh. Nơi đến cuối cùng là lò giết mổ tại tỉnh Bình Phước.

Điều đáng nói là hồ sơ kiểm dịch của đàn bò trên không thể hiện đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng hay chưa. Ông Hậu đã có hành vi không đưa gia súc đến nơi theo giấy chứng nhận kiểm dịch đã cấp, sử dụng sai mục đích và làm lây lan dịch bệnh. Không chỉ trên địa bàn xã, mầm bệnh từ bò ông Hậu mang về cũng đã lây sang đàn bò của xã Quảng Tân (Tuy Đức) do người nuôi đưa bò cái đi phối giống.

ADQuảng cáo

Tại huyện Chư Jút, vào tháng 9/2015, 306 con heo của trang trại do ông Nguyễn Mậu Trung, xã Tâm Thắng làm chủ mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó có 104 con chết và được tiêu hủy. Nguyên nhân được xác định là do mầm bệnh lây lan theo phương tiện vận chuyển vì không tiến hành tiêu độc khử trùng đúng quy trình. Chưa kể đến, bệnh trên đàn heo xảy ra 12 ngày thì chủ trang trại mới báo cho Trạm thú y nên số lượng heo mắc bệnh lớn, tỷ lệ mắc bệnh cao. Đã thế, chủ nuôi không hề cách ly số heo bệnh với heo khỏe.

Tại Gia Nghĩa, tháng 5/2015, bệnh cúm gia cầm đã phát sinh tại phường Nghĩa Tân với 19 con gà, vịt mắc. Theo ông Trịnh Xuân Thanh, hộ có đàn gà, vịt bị dịch cho biết, ông đã mua con giống trôi nổi tại chợ Gia Nghĩa về nuôi. Số lượng giống này không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận tiêm phòng các loại vắc xin.

Theo Chi cục Thú y tỉnh thì thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi. Trong đó Chi cục đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, ý thức của người dân vẫn còn rất hạn chế, chủ quan, xem thường loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo quy định, những hộ có vật nuôi phải có trách nhiệm đến khai báo, đăng ký với chính quyền cơ sở để theo dõi tình hình, lên danh sách cho cán bộ thú y đến tiêm phòng các loại vắc xin. Khi có các hoạt động giao dịch mua bán đều phải báo cho cán bộ thú y cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hộ không thực hiện quy định này, hầu như cán bộ thú y cơ sở phải tự rà soát, kiểm tra những hộ chăn nuôi. Thú y viên, cộng tác viên thú y vẫn phải tự tìm đến nhà dân để tiêm phòng.

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y, để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã có những quy định rất cụ thể đối với những hộ nuôi có nhu cầu mua, bán con giống, sản phẩm động vật. Các Trạm Kiểm dịch động vật cũng đã nỗ lực để có thể kiểm soát được tốt nhất việc phát sinh, lây lan mầm bệnh thông qua kiểm tra giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ động vật, sản phẩm động vật. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, hoạt động giao dịch mua, bán, trao đổi của người dân nhỏ lẻ, không hoặc chậm khai báo nên ngành chức năng khó kiểm soát hết.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan thú y, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm chăn nuôi an toàn, hơn ai hết người dân phải nêu cao tinh thần phòng, chống bệnh cho vật nuôi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức người dân về phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi còn hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO