Xúc tiến xây dựng nhãn hiệu “Cà phê Đắk Mil”

Lê Phước| 22/03/2018 09:50

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi nên huyện Đắk Mil có diện tích canh tác cà phê lớn, sản lượng, chất lượng cao bậc nhất tỉnh. Phát huy tiềm năng này, địa phương đang xúc tiến xây dựng một nhãn hiệu cà phê chất lượng, uy tín và mang lại giá trị cao.

ADQuảng cáo

Vùng đất có tiếng về cà phê

Trước năm 1975, quận Đức Lập (nay là huyện Đắk Mil) là địa bàn chiến lược quan trọng và được Mỹ - ngụy xây dựng thành một “cánh cửa sắt” ở vùng phía Nam Tây Nguyên. Từ Mậu Thân 1968 đến ngày giải phóng (9/3/1975), nơi đây xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Nhiều “điểm nóng” chiến trường chịu sự cày xới của đạn bom, trở thành những “vùng đất chết” sau hàng chục năm giải phóng.

Cũng tại vùng đất Đức Lập trước năm 1975, cà phê đã trở thành một loại nông sản có tiếng bậc nhất, nhì vùng Tây Nguyên với quy mô và chất lượng vượt trội. Việc phát triển cà phê được nông dân duy trì cho đến nay. Toàn huyện Đắk Mil hiện có hơn 21.000 ha cà phê với sản lượng trung bình 50.000 tấn/năm. Mặc dù đóng góp phần lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng theo đánh giá của UBND huyện Đắk Mil, cà phê chưa phát huy hết tiềm năng về sản lượng, chất lượng. Quá trình phát triển không theo quy hoạch và quy trình sản xuất, chế biến cà phê lạc hậu dần dần làm giảm năng suất, chất lượng cà phê Đắk Mil. Đó là chưa kể việc phần lớn diện tích cà phê được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước hiện đã già cỗi, dễ sâu bệnh và năng suất bấp bênh.

Nhiều vườn cà phê tái canh của nông dân xã Đức Minh đạt mức 3- 5 tấn/ha.

“Có tiếng” khá lâu nhưng điều đáng tiếc nhất của cà phê Đắk Mil có lẽ là vấn đề thương hiệu. So sánh với Đắk Lắk, năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân. Còn ở Đắk Mil, từ năm 2006, việc xúc tiến hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Cà phê Đức Lập” mới bắt đầu được địa phương “khởi động”. Nhưng trước đó, vào năm 2004, Hợp tác xã (HTX) Minh An (ở xã Đức Minh) đã nộp đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập - Đắk Mil” và “Cà phê Minh An - Đức Lập”. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng chứng nhận (năm 2006), HTX này đã phát triển thương hiệu này ra nước ngoài và được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Đây là một nỗ lực to lớn, đáng khen ngợi của 1 doanh nghiệp nhỏ tại địa phương. Mặc dù mới chỉ xây dựng được 1 nhà máy sản xuất cà phê bột xuất khẩu với công suất 30.000 tấn/năm nhưng họ có chiến lược, tầm nhìn không hề thua kém những tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

ADQuảng cáo

Sau một thời gian “thăng hoa” trên đà phát triển, từ năm 2009, giá cà phê xuống thấp (từ 24.000 - 26.000 đồng/kg) đã dần đẩy HTX lâm vào cảnh nợ nần. Từ năm 2010, HTX bắt đầu rơi vào khủng hoảng và “trượt dài” vì cạn vốn. Sau đó không lâu, những “lùm xùm” quanh câu chuyện tranh chấp tên gọi “Đức Lập” đã khiến cho nhãn hiệu này mất dần sự cạnh tranh. Qua nhiều năm, cà phê “Đức Lập” dần “vắng bóng”, rồi gần như bị “lãng quên” trên thị trường cà phê vốn luôn thừa sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Đắk Mil” nhằm tạo dựng thương hiệu cà phê ở vùng có sản lượng, chất lượng của tỉnh. Do đây là nhãn hiệu tập thể nên khi được bảo hộ thành công, huyện sẽ rà soát và cho phép các tổ chức, cá nhân sản xuất cà phê có đủ các tiêu chuẩn, đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, cách thức sản xuất… sử dụng nhãn hiệu này. “Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Đắk Mil”. Thời gian tới, huyện sẽ vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê nhằm nâng cao uy tín của cà phê Đắk Mil. Hy vọng trong tương lai không xa, nhãn hiệu “Cà phê Đắk Mil” sẽ không chỉ phát triển mạnh ở trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương nói riêng và quốc gia nói chung”, ông Hải kỳ vọng.

Kỳ vọng vào thương hiệu mới

Để vực lại lợi thế vốn có của loại nông sản này, những năm gần đây, UBND huyện Đắk Mil đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con về kỹ thuật canh tác, ngành nông nghiệp địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan vận động để bà con thay thế những vườn cà phê già cỗi bằng những vườn cà phê “trẻ”, có năng suất và chất lượng tốt hơn. Và điều đáng mừng nhất là Đắk Mil vẫn duy trì theo đuổi một nhãn hiệu cà phê được trồng, sản xuất trên chính vùng đất này.

Theo ông Nguyễn Văn Dư, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Mil thì sau khi được UBND huyện đồng ý chủ trương, vào cuối năm 2017, phòng đã chủ động liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Đắk Mil”. Sau khi tham khảo ý kiến từ các đơn vị có liên quan và một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đơn vị đã lựa chọn lô gô có ý tưởng kết hợp giữa 3 chủ thể: Hạt cà phê, ngọn núi lửa và sóng nước hồ Tây. Lô gô này có hình tròn tượng trưng cho mặt trời và nền trầm tông nâu - màu đặc trưng của hạt cà phê đã chế biến. Trong đó, các hạt cà phê gắn kết với nhau để tạo thành các gợn sóng nước của hồ Tây Đắk Mil nằm ở phía dưới và biểu tượng núi lửa đang phun trào sẽ nằm phía trên. Dòng chữ “Cà phê Đắk Mil” được viết ngay trên biểu tượng núi lửa.

Cũng theo ông Dư, trong luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 ghi rõ: “Đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Do nhãn hiệu “Cà phê Đắk Mil” có sử dụng địa danh nên đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện đã gửi văn bản xin ý kiến UBND tỉnh đồng ý chủ trương để hoàn thiện thủ tục nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến xây dựng nhãn hiệu “Cà phê Đắk Mil”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO