Xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD

Tường Mạnh| 21/11/2018 14:45

Tại Báo cáo số 600/BC-UBND ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh gửi HĐND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018 đã đưa ra con số hết sức ấn tượng, đó là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.158 triệu USD, đạt 116% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu cách đây 15 năm khi mới thành lập tỉnh, con số kim ngạch xuất khẩu nói trên có lẽ chỉ là giấc mơ thì nay đã trở thành hiện thực.

ADQuảng cáo

Công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đóng gói sản phẩm alumin xuất khẩu. Ảnh: Quốc Sỹ

Với những ai gắn bó với Đắk Nông từ những ngày đầu thành lập tỉnh, có thể thấy được những bước phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua từng năm, với những thành tựu đáng tự hào. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, con số kim ngạch xuất khẩu luôn có sự gia tăng theo từng năm. Chẳng hạn, năm 2004 - năm đầu thành lập tỉnh, giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50 triệu USD; năm 2006 đạt 130 triệu USD; năm 2007 đạt 165 triệu USD; năm 2008 đạt 195 triệu USD; năm 2009 là hơn 200 triệu USD... và đến năm 2017 vừa qua lên đến 950 triệu USD.

Về con số tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong những năm qua từng có không ít ý kiến cho rằng, đây chỉ là con số “ảo”. Bởi lẽ, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm chủ yếu đều dựa vào kết quả hoạt động xuất khẩu của Công ty TNHH Oxlam Việt Nam - một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, công ty này chỉ đăng ký địa chỉ trụ sở tại địa bàn Đắk Nông, còn hoạt động kinh doanh, thu mua nông sản để xuất khẩu lại ở khắp mọi nơi trong cả nước. Do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng năm không thể hiện được hết giá trị hàng hóa nông sản đã được xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo ngành chức năng cho biết, đây là vấn đề hết sức bình thường trong hoạt động xuất nhập khẩu lâu nay. Điều đáng nói ở đây, những năm gần đây, với tiềm năng, thế mạnh về các loại nông sản, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn, tiên phong đi đầu trong việc đảm đương nhiệm vụ xuất khẩu. Qua đó, không chỉ bản thân doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu mà còn giúp nông sản của nông dân làm ra tiêu thụ được ở nhiều nơi trên thế giới.

Đặc biệt, những năm qua, UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu tập trung phát triển thương mại, dịch vụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, trợ giúp doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển các thị trường có tiềm năng. Với việc tạo nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý thuận lợi nên tỉnh đã từng bước hình thành được một mạng lưới doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đủ mạnh. Các doanh nghiệp cũng nắm bắt cơ hội, mạnh dạn vươn ra “biển lớn” đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Vì vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ lệ sản phẩm qua chế biến ngày càng tăng, giảm tỷ trọng các sản phẩm thô, sơ chế. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, đậu phụng sấy, còn có sự đóng góp đáng kể của sản phẩm alumin. Trong số 1.158 triệu USD xuất khẩu trong năm 2018 nói trên, sản phẩm alumin chiếm tới gần 250 triệu USD.

ADQuảng cáo

Giá trị cà phê xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2018. Ảnh tư liệu

Có thể nói, suốt nhiều năm qua, tỉnh luôn xác định khai thác bôxít, sản xuất alumin là nguồn lực quan trọng để Đắk Nông phát triển kinh tế-xã hội, từng bước làm thay đổi một tỉnh nghèo trở thành theo hướng một tỉnh công nghiệp hiện đại. Và giấc mơ alumin đã trở thành hiện thực, khi sản phẩm alumin đã đóng góp đáng kể vào cơ cấu hàng xuất khẩu, với tỷ trọng ngày càng tăng, đem lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho tỉnh.

Phải khẳng định, xuất khẩu phát triển đã đóng góp đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh, trở thành một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo trong nhân dân.

Đáng chú ý, hiện nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng đến 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất là Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia. Cùng với việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới như châu Phi, Trung Đông. Chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng tăng, đa dạng hóa và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Trong những năm tới, cơ cấu sản phẩm cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ tiếp tục đà tăng trưởng là điều nằm trong tầm tay. Cùng với Nhà máy Alumin Nhân Cơ đẩy mạnh sản xuất đạt công suất thiết kế, trên địa bàn tỉnh còn có sản phẩm nhôm của Công ty luyện kim Trần Hồng Quân.

Bên cạnh đó, nối tiếp chuỗi giá trị sau khi Nhà máy luyện nhôm đi vào hoạt động, công nghiệp chế biến sau nhôm cũng sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu nhiều hơn nữa. Bởi vì, sự ra đời của ngành công nghiệp nhôm sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp khác như hóa chất, xây dựng, giao thông, chế tạo thiết bị điện, thiết bị giao thông vận tải…

Với tình hình hết sức khả quan đó, chúng ta có quyền lạc quan tin tưởng, trong vài năm tới, cái mốc 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sẽ nhanh chóng trở thành “lạc hậu” và sẽ thực chất hơn đối với tỉnh Đắk Nông, không còn bị mang tiếng “ảo”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO