Xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi ở Đắk Song: Chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết tâm

Hồng Thoan| 14/07/2016 10:59

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi ở Đắk Song đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương cơ sở chưa thực sự quan tâm xử lý.

ADQuảng cáo

Người dân biết vi phạm nhưng vẫn làm

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì việc người dân lấn chiếm hành lang sẽ dẫn tới mất an toàn công trình thủy lợi vào mùa mưa lũ. Tuy những năm gần đây, công tác này đã được các bên liên quan chú trọng giải quyết nhưng vẫn chưa chuyển biến nhiều, một số địa phương còn diễn ra theo chiều hướng trầm trọng hơn.

Điển hình như tại một số công trình ở huyện Đắk Song. Người dân còn có các hoạt động như dùng lưới chăng tại tràn xả lũ, xả rác thải, cơi nới nhà cửa ra khu vực lòng hồ. Cụ thể như tại công trình thủy lợi Đắk Mol thuộc xã Đắk Hòa (Đắk Song), ở khu vực lòng hồ có tới 5 hộ dân làm nhà kiên cố, còn trên tuyến kênh thì có tới 32 hộ. Điều đáng nói là dù được tuyên truyền, vận động nhiều nhưng một số hộ dân vẫn cố tình cơi nới nhà cửa.

Ông Lê Như Lâm ở xã Đắk Hòa có nhà vi phạm hành lang công trình thủy lợi. Những năm qua, ông đã bị lập biên bản vi phạm tới 2 lần nhưng vào thời điểm cuối tháng 6/2016, ông vẫn cơi nới thêm khoảng 30m2 nữa ra khu vực lòng hồ để làm nơi chứa nông sản.

Theo UBND xã Đắk Hòa thì việc xử lý cũng gặp khó do xã chưa đủ chế tài và con người để tổ chức các đoàn kiểm tra, phát hiện, xử lý. Còn tại xã Thuận Hạnh, có 3/4 công trình thủy lợi bị vi phạm hành lang an toàn. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xả rác, lấn chiếm lòng hồ, bờ kênh, trồng cây lâu năm... Cụ thể tại công trình thủy lợi Đắk M’Ruông hiện có 7 hộ làm nhà ở khu vực lòng hồ và 17 hộ làm nhà trên kênh.

ADQuảng cáo

Công trình thủy lợi Đắk M’Ruông, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) có 17 hộ làm nhà kiên cố trên kênh chính

Ông Vũ Văn Tiện ở thôn Thuận Nam, xã Thuận Hạnh có nhà ở kiên cố tại khu vực lòng hồ cho biết: “Tôi đã ở đây 15 năm, gia đình biết là vi phạm phải di chuyển nhưng chưa có chỗ mới nên cứ ở đã. Lúc nào nhà nước bắt đi thì sẽ đi. Đất và nhà ở của gia đình tôi cũng không được cấp sổ đỏ”. Còn tại công trình hồ Sình Muống, xã Thuận Hạnh, người dân cũng “vô tư” trồng cây lâu năm tại bãi tập kết vật liệu.

Chính quyền còn nể nang

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết: “Việc vi phạm hành lang công trình thủy lợi trên địa bàn xảy ra khá nhiều. Một số công trình khi xây dựng đã đền bù cho người dân nhưng bà con vẫn chưa di dời. Họ trình bày những lí do như chưa có đất ở mới, kinh tế khó khăn. Địa phương cũng nể tình cảm và chế tài còn nhiều khó khăn nên việc xử lý còn nhiều hạn chế”.

Cũng theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì từ nhiều năm nay việc phối hợp xử lý vi phạm an toàn công trình thủy lợi giữa các cấp, các ngành và địa phương thiếu chặt chẽ. Thậm chí, một số địa phương ngại va chạm, không quyết tâm, vận động không hiệu quả... dẫn đến kết quả xử lý vi phạm đạt thấp.

Còn ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thì khẳng định: Để tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý, trách nhiệm chính thuộc chính quyền địa phương. Bởi luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực năm 2012 và Nghị định 139/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013 quy định rõ người được phép lập biên bản vi phạm và trách nhiệm xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đê điều và thủy lợi là của chính quyền các cấp. Các địa phương không thể cứ đùn đẩy, né tránh hay viện lý do thiếu căn cứ pháp luật để thoái thác trách nhiệm được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi ở Đắk Song: Chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO