Xử lý tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp bị nợ xấu: Ngân hàng vẫn phải “tự thân vận động”

Nguyễn Lương| 26/11/2014 09:31

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 11, nợ xấu của toàn ngành trên địa bàn ở mức gần 3% so với tổng dư nợ. Để hạn chế nợ xấu thì xử lý tài sản đảm bảo đang là một trong nhiều quy trình được các tổ chức tín dụng áp dụng. Tuy nhiên, vì nhiều vướng mắc nên quá trình xử lý tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp nằm trong danh sách “đen” vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

ADQuảng cáo

Còn nhiều vướng mắc

Theo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, trong năm 2014, với việc thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro thì tỷ lệ nợ xấu tại các đơn vị có chiều hướng tăng cao hơn những năm trước. Để làm giảm nợ xấu dưới mức cho phép, các ngân hàng đã, đang triển khai nhiều giải pháp.

Để xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng phải tự thỏa thuận với khách hàng hoặc trích từ nguồn dự phòng rủi ro

Tuy nhiên, một trong những thủ tục bất di bất dịch trong kiềm chế nợ xấu là xử lý nhanh tài sản đảm bảo lại đang đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều thách thức.

Ông Trần Văn Tích, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Đắk Nông cho biết: “Các khoản nợ xấu tại đơn vị đang tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gỗ, nông sản, xây lắp. Khó khăn lớn nhất đối với công tác thu hồi nợ xấu hiện nay là khâu phát mãi tài sản. Thực tế, qua nhiều phiên đấu giá với các thủ tục nhiêu khê thì giá trị tài sản theo đó cũng dần mất… giá trị. Có trường hợp phải kéo dài từ năm 2007 đến nay, đơn vị mới thu hồi được nợ gốc”.

Qua tìm hiểu tại nhiều ngân hàng thương mại thì ngoài khâu phát mãi tài sản, hiện tại, công tác xử lý tài sản đảm bảo còn rất nhiều vướng mắc. Cụ thể như việc sang tên, đổi chủ đối với tài sản đảm bảo, ngân hàng không chỉ làm việc với doanh nghiệp, mà còn phải phối hợp nhiều lần với các ngành liên quan.

Có trường hợp, sau khi tốn khá nhiều thời gian xử lý, mặc dù số tài sản đã thanh lý, nhưng chưa chắc ngân hàng đòi được nợ vì số tiền thu được từ xử lý tài sản phải ưu tiên cho việc nộp ngân sách, bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp còn nợ…

Ngoài ra, hiện nay, tài sản bảo đảm rất đa dạng, từ bất động sản, hàng hóa cho đến phương tiện vận tải như ô tô, máy móc, hàng hóa… Mỗi loại tài sản có lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước tương ứng nên muốn xử lý tài sản đảm bảo phải có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà đất, thi hành án dân sự… Vậy nhưng, khi động đến việc triển khai thực tế, công tác phối hợp chưa hiệu quả nên đã gây khó khăn cho việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng.

ADQuảng cáo

Chưa kể, trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, nhiều trường hợp khi yêu cầu sang tên, đổi chủ quyền sở hữu tài sản cho ngân hàng, nhưng đang vướng tới vụ khởi kiện do một số nguyên nhân khác thì ngân hàng cũng đành phải… chờ, có khi kéo dài thời gian lên đến 3 đến 4 năm.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Thương Tín Sài Gòn cho hay: “Để xử lý tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp có nợ xấu, ngân hàng và các ngành liên quan đã quyết định cùng ngồi với nhau để họp bàn giải pháp. Tuy nhiên, quyết định là vậy nhưng trong thực tế, việc cùng ngồi lại với nhau để xem xét, đánh giá, cũng như tìm ra nhiều giải pháp liên quan đến công tác xử lý tài sản đảm bảo vẫn đang bị các bên “bỏ ngỏ”.

Ngân hàng tự thỏa thuận với doanh nghiệp

Thực tế, để giảm nợ xấu, hạn chế trích nguồn dự phòng rủi ro, cũng như nâng cao lợi nhuận, các tổ chức tín dụng đang phải tự tìm cách tự thỏa thuận với chính khách hàng của mình.

Ông Trần Văn Tích cho biết thêm: “Xử lý nợ xấu chỉ có hai cách là thỏa thuận với doanh nghiệp hoặc đưa ra pháp luật xử lý. Trong khi, việc “trông cậy” vào các bên liên quan còn nhiều khó khăn thì chi nhánh phải tự thỏa thuận với khách hàng để tạo thuận lợi cho cả hai bên. Ngân hàng tự tìm “cơ chế” miễn lãi cho doanh nghiệp, hoặc tư vấn để các đơn vị tìm được đối tác mua lại tài sản”.

Còn theo đại diện của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh thì hiện nay, để kiềm chế nợ xấu, các ngân hàng có thể rà soát các khoản nợ, sau đó, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Tuy nhiên, đây là giải pháp tốn nhiều thời gian, chi phí. Còn nếu nằm trong phạm vi xử lý được, hoặc muốn nhanh chóng thì chính ngân hàng phải tìm cách xử lý bằng cách trích nguồn dự phòng rủi ro hoặc các nguồn khác.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì nợ xấu đang là vấn đề mà các ngân hàng thương mại rất quan tâm và ưu tiên giải quyết. Các ngân hàng gần đây đã thực hiện giải pháp bán nợ cho Công ty VAMC hoặc tự xử lý. Tuy vậy, việc tự giải quyết  nợ xấu tại các tổ  chức tín dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, trong xử lý nợ xấu, ngoài ngân hàng còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến các bên liên quan như tòa án, cục thi hành án dân sự, các sở, ngành.

Trong nhiều vụ việc, sau khi tốn kém về thời gian, chi phí, tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện nhưng bên giữ tài sản chậm trễ, chây ỳ bàn giao hay ký vào các giấy tờ chuyển quyền sở hữu cũng khiến quá trình xử lý tài sản đảm bảo chậm so với thời gian quy định. Trước thực tế này, trong thời gian tới, ngoài sự “tự thân vận động” của các tổ chức tín dụng thì sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan để cùng nhau xử lý, thu hồi nợ xấu là rất cần thiết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp bị nợ xấu: Ngân hàng vẫn phải “tự thân vận động”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO