Xây dựng Đắk Nông thành trung tâm khai thác, chế biến bô xít, nhôm của Việt Nam

Bình Minh| 01/09/2016 10:28

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có Quyết định số 1439/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Điều đáng chú ý là trong quyết định này đã xác định rõ xây dựng Đắk Nông thành vùng trung tâm công nghệ khai thác, chế biến bô xít, nhôm của cả nước.

ADQuảng cáo

Một góc Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Những cơ sở vững chắc

Đắk Nông hiện có 4,6 tỷ tấn quặng bô xít, chiếm khoảng 48% tổng trữ lượng của cả nước. Trữ lượng bô xít của tỉnh tập trung tại 6 mỏ, gồm: Nhân Cơ, Bắc Gia Nghĩa, Quảng Sơn, 1/5, Đắk Song và Tuy Đức. Các mỏ đều có trữ lượng lớn lại nằm gần nhau nên rất thuận lợi để xây dựng khu liên hợp khai thác bô xít và sản xuất alumin với quy mô lớn, thời gian hoạt động lâu dài.

Lớp đất phủ lên các thân quặng mỏng từ 0,5-2m, địa hình khá bằng phẳng nên khá thuận lợi cho việc khai thác quặng. Chất lượng quặng bô xít ở Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung được đánh giá là loại tốt của thế giới. Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến bô xít-alumin-nhôm, một ngành kinh tế có ý nghĩa quan trọng trước mà lâu dài, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực Tây Nguyên.

Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ khai thác, tuyển rửa quặng bô xít và sản xuất alumin tại Dự án tổ hợp bô xít-nhôm Tân Rai (Lâm Đồng). Việc xử lý chất độc hại bùn đỏ đã có kết quả ban đầu khả quan. Kinh nghiệm quý báu này sẽ là yếu tố quan trọng bảo đảm việc vận hành thành công và an toàn Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Hơn thế nữa, chủ trương xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, nhôm tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng của Đảng và Chính phủ là rất nhất quán với định hướng phát triển từng bước, thận trọng có xem xét đầy đủ, toàn diện tất cả các yếu tố liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và môi trường, gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã xác định rõ, phấn đấu trong 15-20 năm tới xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm - sắt xốp của cả nước. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tạo sự phát triển mang tính đột phá về kinh tế trên 3 hướng chính là tổ hợp công nghiệp bô xít - nhôm - sắt xốp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch.   

Sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội Tây Nguyên phát triển

Cùng với Tổ hợp bô xít-nhôm Tân Rai, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông có vai trò tạo sự khởi đầu đột phá cho việc hình thành một ngành kinh tế đồng bộ bô xít - nhôm quan trọng của cả nước.

ADQuảng cáo

Ngoài chế biến alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông sẽ là “đầu tàu” tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng ngành kinh tế chủ lực ở Tây Nguyên trên cơ sở đó góp phần quan trọng để Tây Nguyên “cất cánh” trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính của khu vực cũng như căn cứ địa vững chắc về quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội xứng tầm là địa bàn chiến lược “Mái nhà của Đông Dương”.

Cụ thể, tính đến năm 2019, Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông sẽ đáp ứng được 300 ngàn tấn nhôm thỏi, tương ứng giảm nhập khẩu 300 ngàn tấn, với số ngoại tệ thực giảm khoảng 303 triệu USD/năm. Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông khi đưa vào sản xuất sẽ đáp ứng được 30% nhu cầu nhôm trong nước, thay thế nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ.

Đến quý I/2017, Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông sẽ đạt công suất là 300 ngàn tấn, doanh thu bình quân sẽ đạt 17.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân trước thuế 781 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách bình quân 294 tỷ đồng/năm, đóng góp cho GDP của tỉnh là 14.400 tỷ đồng/năm. 

Đối với Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, năm 2017, nhà máy sẽ đạt 90% và sẽ đạt 100% công suất là 0,65 triệu tấn/năm vào năm 2018. Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông khi đi vào vận hành, đạt công suất thiết kế sẽ đóng góp cho GDP của tỉnh khoảng 19.000 tỷ đồng/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2014 và đóng góp cho ngân sách nhà nước 730 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, các dự án còn đem lại các lợi ích về xã hội như tạo việc làm trực tiếp trong nhà máy khoảng 3.135 lao động. Ngoài số lao động trực tiếp làm ở nhà máy, một số loại lao động khác sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho lao động trong nhà máy như dịch vụ vệ sinh công nghiệp, ăn uống, nhà ở, giải trí...

Với tiềm năng tương đối dồi dào về tài nguyên bô xít và nhu cầu nhôm ngày càng tăng cao cũng như lợi thế của nhôm kim loại trong nền kinh tế, Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông sẽ có vai trò tạo sự khởi đầu đột phá cho việc hình thành một ngành kinh tế quan trọng của nước ta trên nền công nghiệp bô xít - nhôm đồng bộ.

Nhà máy Điện phân nhôm sẽ giúp Nhà máy Alumin Nhân Cơ tiêu thụ toàn bộ sản lượng alumin ổn định và lâu dài, giảm lưu lượng và chi phí vận chuyển, góp phần cải thiện hiệu quả của Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ. Việc hình thành nền công nghiệp bô xít - alumin - nhôm đồng bộ sẽ góp phần và tạo điều kiện xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn và Tây Nguyên, trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này.

Ngoài đóng góp cho ngân sách nhà nước và địa phương, sản xuất được nhôm trong nước sẽ góp phần tăng cường tính ổn định và chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu nhôm thỏi của nền kinh tế.

Có thể nói, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch vùng tỉnh Đắk Nông, trong đó điểm nhấn là xây dựng Đắk Nông thành vùng trung tâm công nghệ khai thác, chế biến bô xít, nhôm của cả nước sẽ giúp địa phương có thêm những nguồn lực đầu tư mới, cũng như tạo ra những động lực lớn để toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu này sớm nhất là vào năm 2030 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã nêu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đắk Nông thành trung tâm khai thác, chế biến bô xít, nhôm của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO