Xác định vai trò hàng đầu của cây cà phê trong tái cơ cấu trồng trọt

Hồng Thoan| 11/12/2017 09:29

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 124.000 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân năm 2017 ước đạt khoảng 260.000 tấn, trở thành tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 3 trong cả nước (sau Đắk Lắk và Lâm Đồng). Với thế mạnh về diện tích, giá trị, cà phê đang đóng vai trò chủ lực trên lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng của tỉnh.

ADQuảng cáo

Để phát huy vai trò của loại cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu trồng trọt, thời gian qua, Đắk Nông đang từng bước đẩy mạnh liên kết, tổ chức lại sản xuất để nâng cao giá trị ngành hàng này.

Vườn cà phê tái canh của ông Nguyễn Duy Thanh, thôn 5, xã Quảng Tín (Đăk R'lấp) đạt năng suất 3,6 tấn/ ha/năm

Đẩy mạnh tái canh

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, mặc dù có diện tích lớn song hiện nay, diện tích cà phê già cỗi, năng suất, chất lượng kém ngày một tăng. Vì vậy, tái canh để trẻ hóa cây cà phê gắn với quy hoạch vùng sản xuất phù hợp theo hướng nâng dần sản lượng đi đôi với chất lượng đang được tỉnh quan tâm.

Cụ thể, toàn tỉnh hiện có trên 20.500 ha già cỗi, sinh trưởng kém cần cải tạo, tái canh bằng các giống cà phê mới, có đặc tính vượt trội, năng suất cao, khả năng kháng bệnh lớn. Trên thực tế, diện tích cà phê già cỗi đã được tái canh toàn tỉnh đến năm 2017 đạt gần 11.500 ha, bằng khoảng 56% trên tổng diện tích cần tái canh.

Trong đó, nhiều địa phương có kết quả tái canh cà phê đạt cao gồm: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp… Những diện tích cà phê tái canh đã cho thu hoạch đạt mức năng suất vượt trội từ 3,5-4 tấn nhân/ ha/ năm, cá biệt có những hộ đạt mức cao đến 6-7 tấn/ ha/ năm.

Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình này, hiện nay các cấp, ngành đang tập trung triển khai nhiều giải pháp trong liên kết, giải ngân vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân triển khai. Việc chọn nhân giống cà phê thuần chủng, chất lượng tốt, kháng bệnh, năng suất cao như TRS1, TR 4, TR9 được xem là khâu quyết định để bảo đảm tái canh cà phê bền vững.

Tỉnh cũng tranh thủ tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để xây dựng, phát triển các vườn ươm cây giống, chồi ghép đạt chất lượng. Cụ thể như bằng vốn của dự án VNSat (Sản xuất nông nghiệp bền vững), toàn tỉnh đã có 5 vườn ươm đạt chuẩn. Ngành chức năng cũng coi việc xây dựng mô hình thử nghiệm giống cà phê mới kết hợp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để sản xuất cà phê thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thời gian qua, người dân, doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế...

ADQuảng cáo

Tập trung để tái cơ cấu

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện nay, Sở đang hoàn thiện để trình Hội đồng nghiệm thu tỉnh Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông. Trong đó cà phê được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, có vai trò hàng đầu trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, thuộc nhóm cây công nghiệp dài ngày đóng góp lớn vào việc nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp. Theo Đề án, tỉnh sẽ hướng đến mục tiêu tổ chức sản xuất cà phê bền vững, an toàn.

Cụ thể, đến năm 2020, quy hoạch diện tích cà phê: 123.028 ha, diện tích kinh doanh 113.078 ha, năng suất cà phê nhân trung bình toàn tỉnh từ 2,5 tấn hiện nay lên 2,9 tấn/ ha/năm. Tầm nhìn đến 2030, diện tích cà phê toàn tỉnh giảm xuống còn 113.394 ha, nhưng năng suất tăng lên 3,7 tấn/ha/ năm, sản lượng đạt mức ổn định 395.224 tấn.

Vùng trồng cà phê tập trung ở 6 huyện gồm: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong và Krông Nô. Trên địa bàn mỗi huyện sẽ xây dựng từ 1-2 mô hình về canh tác cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu theo hướng bền vững.

Tỉnh cũng sẽ thu hút đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh ở khâu chế biến. Theo đó từng bước tăng tỷ lệ chế biến cà phê bột lên mức 15%, chế biến cà phê xuất khẩu đạt 50% vào năm 2020. Như vậy, một số diện tích cà phê kém hiệu quả, trồng ở những vùng đất không phù hợp, xa nguồn nước tưới sẽ chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác.

Để đạt năng suất như mục tiêu, các giải pháp tổng thể đã được triển khai từ khâu chọn tạo giống, chăm sóc, cung ứng vật tư, phân bón bảo đảm chất lượng đến hạn chế các yếu tố ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh. Việc khuyến khích liên kết giữa các hộ, nhóm đồng sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài nước về cà phê được coi là một giải pháp có tính đột phá để tổ chức sản xuất cà phê bền vững, tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích canh tác.

Theo thống kê, tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2010 - 2016 trên địa bàn tỉnh ở mức từ 2,89 - 7,44%, giá trị sản xuất năm 2016 đạt khoảng 13.394 tỷ đồng, chiếm khoảng 88% trong tỷ trọng ngành Nông nghiệp, trong đó tỷ trọng do ngành hàng cà phê mang lại chiếm khá lớn.

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp ước đạt 5,99%, vượt 0,36% so với kế hoạch, trong đó sản lượng cà phê ước đạt khoảng 260.000 tấn, tăng 5,7%. Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2017, sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh được 101.143 tấn, tương đương khoảng 212 triệu USD đóng góp tích cực vào tổng thu nhập nội tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định vai trò hàng đầu của cây cà phê trong tái cơ cấu trồng trọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO