Việt Nam "hút mạnh" vốn đầu tư nước ngoài

Bình Minh| 25/09/2018 10:04

Trong bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn, sự khởi sắc trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Những chỉ số thống kê thời gian gần đây cho thấy, vốn FDI sẽ tiếp tục "đổ" mạnh vào Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018.

ADQuảng cáo

Các chuyên gia kinh tế dự đoán, thị trường bất động sản 2018 tiếp tục tăng trưởng, thu hút mạnh dòng vốn FDI. Ảnh tư liệu

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2018 cả nước có 1.918 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 13,481 tỷ USD, tăng 18,1% về số dự án và tăng 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, cả nước có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt gần 5,6 tỷ USD. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng đạt hơn 19 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm nay ước tính đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 8 tháng năm 2018, cả nước còn có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,766 tỷ USD, chiếm 42,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm 37,1%. Các ngành còn lại đạt hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 20,1%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm nay đạt hơn 9,3 tỷ USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,8%; các ngành còn lại đạt hơn 4,26 tỷ USD, chiếm 22,4%.

ADQuảng cáo

Cả nước có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 37,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu 1,771 tỷ USD, chiếm 13,1%; Bình Dương 661 triệu USD, chiếm 4,9%..

Đối với Đắk Nông, trong 9 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 13 dự án đầu tư (trong đó có 1 dự án FDI, 3 dự án trong khu công nghiệp), với tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng. Vừa qua, tỉnh tổ chức đoàn công tác làm việc với các tập đoàn để kêu gọi đầu tư một số dự án hạ tầng đô thị và du lịch trọng điểm. Hiện nay, nhà đầu tư đang đề xuất tỉnh lập quy hoạch chi tiết và tiến hành khảo sát, đánh giá đầu tư.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay, cả nước có 93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 271,5 triệu USD; 22 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 42 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng năm 2018, cả nước có 313,5 triệu USD tập trung ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 8 tháng, 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 95,2 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là Italia 37,8 triệu USD, chiếm 12%; Slôvakia 35,9 triệu USD, chiếm 11,5%.

Với sự năng động vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp, năm 2018 thu hút đầu tư vào Việt Nam dự đoán sẽ là năm “cất cánh” và sẽ đóng góp tích cực đối với sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm.

Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5.848,4 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2.821 triệu USD, chiếm 20,9%; Singapore 949,7 triệu USD, chiếm 7%; Thái Lan 827,3 triệu USD, chiếm 6,1%...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam "hút mạnh" vốn đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO