Vạy tiêu dùng, mua hàng trả góp: Khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng

Nguyễn Lương| 05/12/2016 14:00

Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhiều công ty tài chính, cá nhân đã mở ra các phương thức kinh doanh như mua hàng trả góp, cầm đồ giá trị cao, thậm chí là hỗ trợ ngay tiền mặt. Với lợi thế vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, đặc biệt không cần thế chấp tài sản… , dịch vụ này trở nên sôi động và đã thu hút một được lượng khách hàng khá lớn.

ADQuảng cáo

Một điểm giới thiệu dịch vụ cho vay tiền mặt của công ty tài chính hoạt động trên đường Hùng Vương (Gia Nghĩa)

Từ cho vay tiền mặt

Dạo quanh các tuyến đường tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), người dân có thể dễ dàng bắt gặp những dây cột điện, bờ tường, tủ chứa dây cáp quang bị “quây” bởi các tờ rơi, quảng cáo cho vay kiểu tín chấp như: Vay ngân hàng không cần thế chấp, vay tiền mặt nhanh chóng… Quảng cáo có nội dung vay tiền đơn giản, lãi suất nghe có vẻ ưu đãi hơn lãi “nóng”, nhưng tìm hiểu ra thì nó cũng nằm ngưỡng gấp khoảng 3 đến 5 lần lãi suất ngân hàng.

Trong vai người dân đang cần vay một số tiền, tôi tìm đến một văn phòng chuyên hỗ trợ cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt trên đường Hùng Vương (Gia Nghĩa). Vừa bước chân vào, tôi được đội ngũ nhân viên tại đây đón tiếp rất nhiệt tình.

Sau khi hỏi về nhu cầu vay vốn, nơi thường trú, địa chỉ công tác, chị Nguyễn Thị Huệ, nhân viên tại đây tư vấn: “Bên em có rất nhiều nhóm cho vay, với các mức lãi suất khác nhau. Trường hợp của chị có thể vay thông qua hóa đơn trả tiền điện hằng tháng, với mức lãi suất 2,75%/tháng, tương đương 33%/năm”. Thấy tôi hơi ngần ngại vì lãi suất khá cao, chị Huệ trấn an: “Mặc dù lãi suất “chát” hơn ngân hàng một chút, nhưng thủ tục bên em lại nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, cũng không phải xin chữ ký các “xếp” trong cơ quan”.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tại văn phòng này đang triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng, không cần thế chấp theo nhiều nhóm khác nhau. Cụ thể, khách hàng thuộc 5 nhóm sau là có thể được xét duyệt cho vay vốn gồm: Có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/tháng; giấy tờ xe máy chính chủ; hóa đơn tiền điện 300.000 đồng/tháng; có hợp đồng mua hàng trả góp. Mỗi nhóm cho vay được văn phòng áp dụng các mức lãi suất khác nhau, dao động từ 2,75%/tháng đến 3,5% /tháng.

Đến mua hàng trả góp

Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thời gian gần đây, hình thức bán hàng trả góp đã phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, chỉ mất 10 phút, khách hàng có thể sở hữu ngay sản phẩm mình mong muốn, mà chỉ phải trả trước một khoản tiền nhỏ. Vậy nhưng, thực tế, bán hàng trả góp có thực sự là “kênh” hỗ trợ người tiêu dùng hay không thì vẫn đang là vấn đề đáng bàn.

Tham khảo qua một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh, có thể thấy, hình thức bán hàng trả góp khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng như điện tử, điện gia dụng, xe máy... Không cần tài sản, giấy tờ thế chấp, chỉ cần có chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu là khách hàng sẽ được duyệt thủ tục mua hàng trả góp.

ADQuảng cáo

Tại cửa hàng FPT trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Gia Nghĩa), khi chúng tôi hỏi mua trả góp sản phẩm Iphone 6 Plus thì được nhân viên giới thiệu rất nhiệt tình về gói cho mua trả góp với lãi suất “cực kỳ ưu đãi”. Tuy nhiên, nếu tính toán cẩn thận thì gói trả góp này không hề ưu đãi như lời quảng cáo.

Cụ thể, giá sản phẩm Iphone 6 Plus được niêm yết tại cửa hàng là 19.999.000 đồng, nếu mua trả góp trong kỳ hạn 12 tháng, khách hàng phải trả trước tối thiểu 40% giá trị của máy, tương đương với số tiền 7.999.000 đồng. Trong 12 tháng, mỗi tháng khách hàng phải trả 1.216.000 đồng.

Như vậy, đến khi hết kỳ hạn, tổng số tiền khách hàng phải trả là 22.599.000 đồng, cao hơn 2.600.000 đồng so với giá niêm yết, tương đương với lãi suất phải trả lên tới gần 24%/năm, cao gấp từ 2 đến 4 lần mức lãi suất ngân hàng hiện nay.

Điều đáng nói, lãi suất mua hàng trả góp không hề giảm theo số dư nợ như các món vay thông thường tại các ngân hàng. Bởi những tháng sau đó, số tiền vay đã giảm đi nhưng số lãi vẫn được tính theo tổng số tiền vay ban đầu. Thời gian vay càng dài thì mức lãi người tiêu dùng phải trả càng nhiều.

Để thu hút khách hàng, một số cửa hàng còn áp dụng hình thức cho vay trả góp 0%, nhưng thay vào đó lại tính phí thu hộ, phí bảo hiểm hàng tháng, phí làm hồ sơ. Không những thế, nhiều cửa hàng áp dụng lãi suất trả góp 0% nhưng lại đẩy giá sản phẩm cao lên 10 - 20% giá thực của sản phẩm.

Người vay nên cân nhắc

Theo ông Chu Văn Tuấn, Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì trên địa bàn hiện có 198 điểm giới thiệu dịch vụ thuộc 4 công ty tài chính đang hoạt động, với dư nợ hơn 124 tỷ đồng. Đối tượng khách hàng của các công ty này chủ yếu là công chức, viên chức, người lao động. Sản phẩm cho vay tiêu dùng chủ yếu là vay mua xe máy, hàng gia dụng, cho vay tiền mặt, sản phẩm thẻ với mức lãi suất giao động từ 1,79%-4,12%/tháng. Hầu hết các khoản vay đều không có tài sản đảm bảo.

“Mặc dù, hoạt động trên địa bàn, nhưng các tổ chức tài chính chỉ báo cáo về Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh các điểm giới thiệu dịch vụ. Còn để tiến hành thanh tra, kiểm tra hồ sơ, sổ sách giống như tại các tổ chức tín dụng thì Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh lại không được phép. Trong khi, các văn bản pháp lý liên quan về hoạt động cho vay theo kiểu này thì đang còn thiếu”- ông Tuấn cho biết.

Thực tế cho thấy việc “nở rộ” hình thức cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của người vay. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những quy định chặt chẽ hơn về phía đơn vị quản lý, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ký vào các bản hợp đồng để hạn chế những rủi ro cũng như giảm thiệt hại về tài chính.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vạy tiêu dùng, mua hàng trả góp: Khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO