Văn hóa đặt tên doanh nghiệp

Mỹ Hằng| 27/07/2015 11:00

Tên doanh nghiệp là thương hiệu, tài sản vô hình của doanh nghiệp, vì thế trước khi thành lập công ty, doanh nghiệp, các chủ nhân đều tìm hiểu, nghiên cứu để đặt cho mình một cái tên hay, đầy ý nghĩa.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Á Đông Đắk Nông ở tổ 3, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) chuyên thiết kế các công trình kiến trúc, nhà ở được đăng ký kinh doanh vào năm 2011.

Theo anh Nguyễn Quốc Học, Giám đốc Công ty thì tên doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển, tồn tại của doanh nghiệp nên khi quyết định thành lập công ty, anh đã suy nghĩ rất kỹ về tên gọi vì phải làm sao đó khi người ngoài nhìn vào bảng hiệu sẽ liên tưởng được ngay đến hình ảnh, loại hình kinh doanh, hoạt động của công ty.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì tên công ty bị trùng lặp nhiều và việc đặt tên doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian. Vì vậy, sau khi nghiên cứu tên gọi cũng như các thủ tục liên quan, anh đã quyết định đặt tên là Công ty TNHH MTV Á Đông Đắk Nông bởi các đồ án thiết kế, xây dựng của Công ty đều dựa trên kiến trúc đặc trưng của phương Đông.

Anh Học cho biết: Đặt tên cho công ty hay sản phẩm là một việc làm hết sức quan trọng vì cái tên chính là khởi đầu cho việc xây dựng thương hiệu. Người sáng lập đặt tên cho công ty của mình cũng như cha mẹ đặt tên cho con cái vậy. Đó là những gửi gắm, những ước mong thầm kín được đặt vào cái tên và hy vọng cái tên sẽ mang lại nhiều may mắn.

Tương tự, Công ty TNHH Hồng Đức ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cũng đăng ký thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2004. Hoạt động với lĩnh vực chuyên thu mua nông sản, chế biến xuất khẩu hạt điều.

ADQuảng cáo

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty thì sau khi nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của luật Kinh doanh cũng như cách đặt tên, cả hai vợ chồng bà quyết định lấy tên doanh nghiệp là Hồng Đức với hy vọng sẽ làm ăn hiệu quả.

Bà Nguyệt cho biết: “Một cái tên công ty hay và hấp dẫn không chỉ truyền cảm hứng cho toàn doanh nghiệp mà còn là nền móng quan trọng để xây dựng tài sản thương hiệu lâu dài. Vì vậy, tôi muốn đặt một cái tên riêng biệt, mang đặc trưng của mình và khi nhắc đến người ta lại nhớ đến mình”.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNNH Xuất nhập khẩu MG, thị xã Gia Nghĩa  lại chọn việc ghép chữ cái của từ viết tắt của Master Group (MG) - tiếng nước ngoài để đặt tên cho công ty.

Bà Minh Tâm chia sẻ: Theo tôi, tên gọi công ty là tài sản vô hình, có ý nghĩa quan trọng nên việc đặt tên doanh nghiệp, công ty vừa khoa học vừa nghệ thuật. Vì một tên gọi công ty tốt đẹp luôn luôn gây ấn tượng cho người nghe, giúp khách hàng liên tưởng đến những lời hay ý đẹp.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có 2.727 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với nhiều loại hình hoạt động như: du lịch, thương mại, kiến trúc, xây dựng... Mỗi doanh nghiệp đều muốn đặt cho mình một cái tên hay mang nhiều ý nghĩa và quan trọng là bao quát được lĩnh vực mà mình tham gia kinh doanh, sản xuất.

Tuy nhiên, không phải tên doanh nghiệp nào đến cũng được chấp thuận và đăng ký liền mà phải trải qua nhiều quy trình. Mặt khác, hiện nay việc thành lập công ty, doanh nghiệp diễn ra nhiều nên việc lấy tên doanh nghiệp trùng nhau là chuyện thường. Vì vậy, để tránh sự trùng lặp khi đăng ký thì sau khi rà soát hồ sơ, thủ tục, đơn vị đều hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký đúng quy trình, quy định của luật Doanh nghiệp và việc đặt tên doanh nghiệp cũng sao cho đúng thuần phong mỹ tục của người Việt mà không làm mất ý nghĩa của tên doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa đặt tên doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO