Ứng dụng khoa học giúp nâng cao hiệu quả sản xuất

Thanh Hà| 24/11/2022 08:54

Những năm gần đây, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

ADQuảng cáo

Buôn Choáh (Krông Nô) là xã có diện tích lúa lớn nhất toàn tỉnh. Nhiều năm qua, tại Buôn Choáh đã hình thành những cánh đồng mẫu lớn. Nông dân ở đây đầu tư máy móc, thiết bị, cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô Doãn Gia Lộc, việc cơ giới hóa đã giúp cho nông dân xã Buôn Choáh giảm chi phí đầu vào. Cùng với đó, người dân cũng tìm tòi, thử nghiệm, đưa vào sản xuất những giống lúa mới.

Tại Buôn Choáh, các giống lúa ST24, ST25 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. So với các giống khác, năng suất của các giống lúa này nhỉnh hơn.

Điều đặc biệt là các loại lúa ST24, ST25 sản xuất tại Buôn Choáh được khách hàng ưa chuộng. “Thương lái về ngay chân ruộng để đặt mua lúa của nông dân. So với các giống lúa khác, người trồng các giống lúa ST24, ST25 có thu nhập cao hơn từ 15 - 20 triệu đồng/ha”, ông Lộc cho hay.

Vùng sản xuất lúa công nghệ cao tại Buôn Choáh

Tại Đắk Song, nông dân các xã đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hồ tiêu. Các công nghệ như nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm... đã được các hộ sản xuất, trang trại, hợp tác xã áp dụng.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song Lê Hoàng Vinh cho biết, các mô hình hồ tiêu hữu cơ đã hạn chế được sự phát triển của các loại bệnh. Cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển khỏe hơn. Năng suất hồ tiêu tăng và tỷ lệ rụng quả thấp.

“Sản phẩm hồ tiêu chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn xuất khẩu giá cao hơn thị trường từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. So với truyền thống, chi phí sản xuất hồ tiêu hữu cơ giảm khoảng 20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế tăng từ 20 - 50 triệu đồng/ha”, ông Vinh cho hay.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, nhiều người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng.

Thống kê sơ bộ của các địa phương, có 193 tổ chức/cá nhân được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương (GlobalGAP, 4C, UTZ, Rainforest, hữu cơ…). Tổng diện tích được chứng nhận là hơn 26.000 ha (chiếm 8,3%) với tổng sản lượng trên 112.000 tấn/năm.

Người dân Đắk Song đầu tư nhà lồng để bảo quản hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, thời gian gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Toàn tỉnh hiện có trên 85.000 ha cây trồng các loại đang ứng dụng 1 phần công nghệ cao trong sản xuất; 2.400 ha sản xuất được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động của người dân. Trong khi đó, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Sở NN - PTNT Ðắk Nông đánh giá cao một số mô hình như: tái canh cà phê; áp dụng cơ giới trong sản xuất lúa, hoa màu; tưới nước tiết kiệm; sản xuất hồ tiêu hữu cơ…

Qua đánh giá, lợi nhuận của người dân từ các mô hình này cao hơn khoảng 20-30% so với sản xuất thông thường. Các mô hình áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã thể hiện nhiều kết quả tích cực về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, các mô hình này có quy mô vẫn còn nhỏ lẻ.

"Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân tại các địa phương mở rộng các mô hình, tạo sự lan tỏa để từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa”, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng khoa học giúp nâng cao hiệu quả sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO