Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: “Đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở Đắk R’lấp

Hồng Thoan| 12/10/2015 10:35

Từ sự chủ động của ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đắk R’lấp đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ dân ở Đắk R’lấp đã sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế

Ông Phạm Quang Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết, để nông nghiệp công nghệ cao thật sự là đòn bẩy đối với ngành nông nghiệp, huyện xác định các loại cây chủ lực như cà phê, cao su...

Trong đó, đối với cà phê, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chương trình tái canh. Việc tháo gỡ cho nông dân những khó khăn, vướng mắc, yếu kém về vốn, khoa học kỹ thuật, nguồn giống được các cơ quan chuyên môn chú trọng. Vì thế, việc tái canh được nhân dân rất đồng tình, triển khai mạnh mẽ, nhất là đối với phương pháp ghép chồi và trồng cây thực sinh giống cà phê lai đa dòng chất lượng cao.

Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, diện tích cà phê tái canh của toàn huyện đã thực hiện được 1.000 ha. Đối với diện tích đang thời kỳ kinh doanh thì các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn vận động, khuyến khích người dân phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Đình Thế ở thôn 5, xã Nhân Cơ cho biết: “Gần 3 năm nay, khi gia đình tôi tham gia vào sản xuất cà phê theo chương trình 4C thì giá bán cao hơn. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn các kỹ thuật mới để đảm bảo cây phát triển bền vững, ổn định được sản lượng đạt trên 3,5 tấn/ha”.

Bên cạnh đó, chanh dây và dược liệu là hai loại cây đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại. Diện tích chanh dây được sản xuất theo các tiêu chuẩn Globalgap, VietGap ngày càng tăng, hiện đã đạt trên 10 ha. Hàng năm, sản lượng chanh dây xuất khẩu sang các nước châu Âu đạt khoảng 50 tấn. Ngoài ra, nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới như tưới nhỏ giọt, phun sương bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Song song với đó, việc nâng cao giá trị chăn nuôi theo hướng an toàn cũng được địa phương coi là một nhiệm vụ có tính đột phá. Việc ứng dụng những kỹ thuật mới, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại đã khẳng định được tính ưu việt của nó, nhất là đối với chăn nuôi heo, bò, các loại gia cầm.

Trong những năm gần đây, Hợp tác xã Đồng Tiến đã phát triển chăn nuôi heo sinh sản theo mô hình khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, hợp tác xã này cung ứng ra thị trường trên 13.000 con heo giống. Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giống Brahman cũng được các hợp tác xã, người dân trên địa bàn triển khai đưa lại hiệu quả cao.

Cũng theo ông Phạm Quang Vượng thì thời gian tới, huyện Đắk R’lấp tập trung vào triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có uy tín, năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề cho hệ thống cán bộ nông nghiệp, khuyến nông đến thôn, bon cũng được ngành chức năng đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, ứng dụng khoa học, kỹ thuật của nông dân.     

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: “Đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở Đắk R’lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO