Tuy Đức chú trọng phát triển kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp

Văn Tâm| 28/01/2016 14:20

Gia đình ông Phan Văn Toàn hiện nay có kinh tế khá của bon Jâng K’riêng, xã Quảng Tân. Với bản tính cần cù, chịu khó, trong gần 10 năm đến lập nghiệp tại địa phương, gia đình ông Toàn tích lũy vốn liếng mua được hơn 6 ha đất.

ADQuảng cáo

Khi đã có đất canh tác, có điều kiện làm ăn, ông quyết định phát triển kinh tế bằng hướng đa cây. Để thực hiện điều đó, ông Toàn đã tiến hành trồng 3 ha cà phê xen với hồ tiêu, 3 ha còn lại ông trồng điều xen bơ booth. Đến nay, khi toàn bộ diện tích vườn cây đã cho thu hoạch, hàng năm, gia đình ông có tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền thu từ cà phê, hồ tiêu, bơ đã cho ông khoảng 450 triệu đồng, còn lại các loại cây như điều, cây ăn trái… cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể.

Theo ông Toàn thì việc trồng tiêu xen với cà phê làm giảm bớt đi nguồn đầu tư phân bón và sâu bệnh. Hơn nữa, việc trồng xen canh còn giúp cây hấp thu triệt để nguồn dinh dưỡng được cung cấp nên năng suất và hiệu quả cây trồng cao hơn.

Còn gia đình bà Vũ Thị Hoài ở thôn 2, xã Quảng Tâm cũng có thu nhập khá nhờ trồng bắp cải. Theo bà Hoài thì để sản xuất vừa đạt số lượng, vừa đạt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người trồng rau phải có kiến thức, kinh nghiệm và tuân theo một quy trình kỹ thuật về làm đất, bón phân, thu hoạch, vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất. Ý thức được điều đó, trong nhiều năm qua, gia đình bà Hoài đã áp dụng vào trồng rau bắp cải, đạt năng suất cao.

Bà Hoài cho biết: “Với 1,5 ha bắp cải, gia đình đã đầu tư chi phí ban đầu hết khoảng 70 triệu đồng, đến nay thu hoạch dự tính đạt trên 300 triệu đồng; Mỗi năm trồng 3 vụ, khoảng thời gian cho đất nghỉ giữa các vụ thì trồng thêm hoa màu khác vừa mang lại nguồn thu nhập, vừa giúp cho chất đất tơi xốp hơn”.

ADQuảng cáo

Người dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) ứng dụng mô hình lúa mới vào sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: HỒ MAI

Theo bà Nguyễn Thị Nhiện, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tuy Đức, xã Đắk Búk So thì trong thời gian qua, Chi hội luôn tuyên truyền vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình mình. Do vậy, Chi hội đã có nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo nhờ áp dụng các mô hình sản xuất như xen canh cây trồng, trồng rau sạch cung ứng ra thị trường….

Theo Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện thì trong thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện được nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đang được phát triển nhân rộng như mô hình tái canh cà phê, trồng cây mắc ca, mô hình trồng khoai lang Nhật Bản, nuôi gà thả vườn, chăn nuôi cải tạo đàn bò…tại các hộ gia đình.

Có thể nói, những nỗ lực và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và chung sức của người dân, phát triển nông nghiệp hàng hóa đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Việc lồng ghép các chương trình, dự án và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cũng như chương trình vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, tạo việc làm… đã giúp người dân có thêm cơ hội thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức chú trọng phát triển kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO