“Truyền lửa” cho phụ nữ khởi nghiệp

Thanh Nga| 10/09/2018 10:38

Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đang đẩy mạnh phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Bên cạnh việc khuyến khích chị em phát huy tiềm lực kinh tế của gia đình, đầu tư có định hướng, Hội tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn và hỗ trợ để xây dựng các mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

ADQuảng cáo

Hội LHPN thị xã Gia Nghĩa tổ chức bán đậu hũ làm điểm cho chị em hiểu có thể khởi nghiệp từ buôn bán quy mô nhỏ

Đơn giản từ nghề làm đậu hũ

Chị Nguyễn Thị Chào ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan năm nay 51 tuổi nhưng rất tích cực hưởng ứng phong trào khởi nghiệp. Chị Chào tâm sự: “Gia đình vốn có nghề làm đậu hũ nên tôi quyết định chọn khởi nghiệp từ nghề này. Tâm huyết từ năm ngoái, vừa rồi được tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, tôi đăng ký tham gia đề án”.

Vậy là, với quan điểm phải làm ra sản phẩm sạch thì thị trường mới chấp nhận và phát triển được, sau  4 tháng sản xuất, đậu hũ của gia đình chị Chào được người tiêu dùng khen ngon, làm đến đâu bán hết đến đó. Thành công bước đầu đã thôi thúc gia đình chị mở rộng quy mô. Hiện nay, gia đình chị chủ yếu bỏ mối cho các chợ và bán lẻ cũng như đang liên hệ với các bếp ăn tập thể ở các trường học, công ty, cơ quan, đơn vị để mở rộng sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Chào ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan chuẩn bị 3 tấn đậu nành để làm đậu hũ

Nói về việc khởi nghiệp của mình, chị Chào vui vẻ cho biết, việc chọn làm đậu hũ lúc này là phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Hiện tại, ngoài trồng 3 ha cà phê, cây ăn trái và chăn nuôi gia cầm, việc làm đậu khuôn sẽ giúp gia đình sản xuất khép kín. Hiện nay, mỗi ngày chị sản xuất được 60 kg đậu hũ, bán với giá 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lời khoảng 500.000 đồng. Bã đậu được tận dụng chăn nuôi gia cầm rất nhanh lớn. Một phần bã đậu kết hợp với phân gà, vịt để làm phân hữu cơ, mỗi năm tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng tiền mua phân. Ngoài ra, mỗi tháng gia đình thu nhập từ bán gia cầm và trứng cũng thu về khoảng 5-7 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Chào ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan tận dụng bã đậu để chăn nuôi

Phát triển trang trại bơ

Chị Lê Thị Thu Trang ở xã Quảng Thành hiện có 16 ha đất tại thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thì có niềm đam mê trồng cây ăn trái. Gần 20 năm đi nhiều tỉnh thành trong nước buôn bán trái cây đã thôi thúc chị trở về Đắk Nông xây dựng trang trại trồng cây ăn trái.

ADQuảng cáo

Chị Trang tâm sự: “Trong số các loại cây ăn trái, tôi đặc biệt “mê” cây bơ. Năm 2000, tôi mang thai con gái đầu lòng và đi mua bơ ở các vùng Đắk Mil, Đắk Song để bán lại cho các vựa trái cây ở tỉnh thành Nam bộ. Những lúc đói bụng, mình ăn quả bơ và thấy loại trái cây này rất giàu dinh dưỡng. Điều đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu kỹ lưỡng về cây bơ. Sau đó, tôi có trồng một vườn bơ ở Đắk Song nhưng thất bại vì ra ít trái và chất lượng không ngon. Thế nhưng, điều đó không làm tôi nhụt chí mà vẫn theo đuổi cây bơ và cẩn trọng hơn. Năm 2015, tôi đã trồng 3 ha bơ 034 ở xã Đắk Ha và hiện vườn đã cho thu hoạch, đúng là “đất không phụ lòng người”.

Cán bộ Hội LHPN thị xã Gia Nghĩa tham quan vườn bơ 034 của chị Lê Thị Thu Trang (bên trái)

Trong câu chuyện của mình, chị Trang cho biết, năm 2015, khi chị trồng bơ nhiều người bảo “bị điên”, trong khi hồ tiêu đang giá cao 180.000 đồng/kg thì không trồng. Nhưng chị vẫn tự tin vì mình đã chọn trồng giống bơ chất lượng và làm bằng được điều mình yêu thích. Năm 2016, vườn bơ bắt đầu ra trái bói nhưng chị chỉ để mỗi cây vài trái để nuôi dưỡng cây. Đến mùa bơ chín, thấy trái dài, xanh mướt, khi ăn cảm thấy vị béo, dẻo, thơm ngon thì lúc đó ai cũng mê. Vụ bơ vừa rồi chị thu hoạch bói được 5 tấn, bán với giá 70.000 đồng/kg, thu lời khá.

Hiện nay, chị Trang đã trồng 8 ha bơ, trong đó 3 ha đã cho quả và năm tới sẽ đạt 25 tấn. Theo tính toán của chị Trang, giống bơ 034 mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Ngoài ưu điểm về chất lượng thì bơ 034 thời gian để chín được 10 ngày nên việc vận chuyển và bảo quản lâu hơn. “Từ năm thứ 5 trở đi, 1 cây bơ 034 mỗi năm đạt khoảng 2 tạ quả, chỉ cần với giá 10.000 đồng/kg cũng thu về 2 triệu đồng. Trồng 1.000 cây thì mỗi năm thu 2 tỷ đồng, trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng thì còn lời khoảng 1,8 tỷ đồng. Tính vậy nên tôi đã chọn trồng bơ 034”, chị Trang chia sẻ.  

Nói về đầu ra cho sản phẩm, chị Trang tự tin với dự án trồng bơ của mình và giải thích: “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bơ ngon của thế giới rất cao, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng được. Vườn bơ của gia đình hiện đang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bởi sức khỏe con người là hàng đầu”.

Hiện nay, trang trại có diện tích 16 ha, ngoài trồng bơ, chị Trang còn trồng ổi, vải, dừa xiêm, chôm chôm, sầu riêng…và có dự định vài năm nữa sẽ làm du lịch sinh thái.

Chị Lê Thị Thu Trang (bên trái) còn ươm cây giống, phục vụ thị trường

Hình thành phong trào

Để thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 77 ngày 26/2/2018 về triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ. Với trách nhiệm của mình, hiện nay, Hội LHPN thị xã Gia Nghĩa đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, với phương châm “truyền lửa” để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Hưởng ứng Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, từ đầu năm đến nay, Hội đã cử 20 chị tham gia lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Riêng Hội LHPN thị xã đã mở được 2 lớp tập huấn với 180 chị tham gia. Hiện nay, thị xã đã có 65 chị đăng ký tham gia và xây dựng đề án khởi nghiệp, đa dạng về ngành, nghề, nhưng chủ yếu là trồng cây ăn trái, tái canh cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi, kinh doanh… Năm 2018, từ nguồn kinh phí của dự án, Hội sẽ hỗ trợ 4 chị tham gia dự án nuôi gà, mỗi hộ 8 triệu đồng. Chúng tôi có quan điểm, khởi nghiệp có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ và phát triển dần dần. Bên cạnh hỗ trợ các cá nhân, Hội sẽ hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp bằng cách tập hợp các chị em thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất, kinh doanh, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Truyền lửa” cho phụ nữ khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO