Trường Xuân, người dân phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Mỹ Hằng| 24/10/2016 10:57

Cùng với tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) còn biết tổ chức canh tác theo hướng đa cây, đa con, có nguồn thu ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

ADQuảng cáo

Ngoài các cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu…, người dân xã Trường Xuân còn trồng các loại rau màu để tăng thu nhập

Gia đình chị H’Duôi ở thôn 1 hiện có 3 ha đất, mà như chị cho biết thì những năm trước đây, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, nên cây trồng luôn còi cọc, năng suất kém. Không chịu thất bại, một mặt chị tích cực tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, mặt khác lại tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm của các hộ xung quanh để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Để giảm thiểu ảnh hưởng do biến động giá cả của thị trường và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, chị đã trồng xen bơ, tiêu vào vườn cà phê. Đối với diện tích đất trồng cây ngắn ngày như bắp, đậu, chị từ bỏ thói quen để giống từ năm này qua năm khác mà vụ mùa nào cũng mua giống mới ở các đại lý uy tín.

Chị cũng thực hiện việc luân canh trồng bắp, đậu phụng, đậu xanh nên luôn đạt năng suất khá cao. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị luôn có nguồn thu nhập ổn định khoảng 400 triệu đồng. Hiện tại, ngoài việc mua sắm những trang thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt, sản xuất, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, lo cho các con ăn học đàng hoàng.

Chị H’Duôi cho rằng, đa dạng hóa cây trồng là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Cùng trên một diện tích đất, với nhiều loại cây trồng, chi phí phân bón, công chăm sóc giảm rất nhiều mà thu nhập vẫn cao.

ADQuảng cáo

Tương tự, ông Trần Minh Triệu ở thôn 10 được biết đến là người đi đầu trong phát triển kinh tế của xã bằng mô hình VAC. Năm 2005, khi mới lên lập nghiệp tại xã Trường Xuân, ông Triệu mạnh dạn đầu tư toàn bộ vốn mua lại 4 ha cà phê. Trong những năm tiếp theo, cùng với quá trình cải tạo, phục hồi 4 ha cà phê, ông Triệu tiếp tục mở rộng diện tích đất canh tác và đến nay, có đến 28 ha đất với đủ loại cây trồng như cà phê, tiêu, cao su...

Cùng với trồng trọt, hiện ông Triệu còn có 4 ao nuôi cá khoảng 1 ha và một trang trại đạt chuẩn nuôi hàng trăm con heo. Từ mô hình VAC, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 600 triệu đồng.

Ông Triệu cho biết: Theo tôi thấy, đa cây đa con là hướng đi đúng đắn, phù hợp để thoát nghèo. Trên cùng một diện tích đất, nhưng trồng xen nhiều loại cây trồng không chỉ làm tăng thêm thu nhập mà còn giảm công lao động, giảm chi phí nước tưới, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư. Các loại cây ăn trái còn có tác dụng che bóng mát, chắn gió cho nhau, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo UBND xã Trường Xuân thì toàn xã hiện có 5.205 ha cà phê, 1.475 ha tiêu, 200 ha cao su, 1 ha mắc ca và 235 ha cây ăn quả..., là những cây trồng đem lại nguồn thu chính cho các hộ dân trên địa bàn. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, góp phần vào việc giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Người dân cũng được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng để đầu tư cho sản xuất.

Bằng việc áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của xã đã được người dân khai thác, tổ chức sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí đến vài tỷ đồng/năm đã xuất hiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm đáng kể, năm 2014 là 31% thì đến nay chỉ còn 20,8%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Xuân, người dân phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO