Trước thực trạng khô hạn diễn ra thường xuyên: Cần áp dụng giải pháp tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực

Văn Tâm| 16/04/2015 09:36

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 17.718 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có 16.910 ha cà phê và hồ tiêu. Trước tình hình nắng hạn đang diễn ra gay gắt, chính quyền địa phương cùng người dân đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng.

ADQuảng cáo

Tại huyện Đắk Mil, trong những ngày qua, những hộ trồng cà phê quanh các khu vực hồ chứa Đắk M’bai, xã Đắk Lao; hồ Núi Lửa, hồ Đắk Peur, xã Thuận An, hồ Nông trường Thuận An... đang hết sức lo lắng trước tình trạng nguồn nước tưới cho cà phê, hồ tiêu đang cạn kiệt dần. Trong khi đó, chu kỳ tưới cho cà phê đang vào đợt 3, đợt 4 nên mỗi ngày có đến 20 - 25 máy bơm nước chạy hết công suất suốt ngày đêm quanh các hồ nước để bơm hút.

Ông Nguyễn Văn Giáp, một người dân xã Đắk Lao có 2 ha cà phê tại khu vực hồ Đắk M’bai cho hay: “Mấy năm trở lại đây, hồ chứa nước này luôn bị thiếu nước, năm nay cũng vây. Do vậy, các hộ dân ở đây tranh thủ luôn phiên nhau, điều tiết nguồn nước để cố gắng có nước tưới cho cây trồng”.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì hiện nay, toàn huyện có 7.852 ha cà phê hồ tiêu thiếu nước tưới. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã vận động người dân đào ao, bơm chuyển nước từ các hồ chứa đến các khu vực sản xuất để chống hạn cho cây trồng.

Cũng trong tình trạng đứt nước sớm, những hộ trồng cà phê trên địa bàn các xã Nam Dong, Ea Pô, Đắk D’rông, Trúc Sơn (Chư Jút) cũng tìm mọi cách như đào, khoan giếng, múc sâu thêm ao, hồ để tìm nguồn nước cung cấp cho cây trồng.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Dong (Chư Jút) thuê máy khoan về khoan giếng để tìm nguồn nước, khiến cho mực nước ngầm càng tụt sâu.

ADQuảng cáo

Ông Chu Văn Sơn ở thôn 5, xã Nam Dong cho biết: “Vào thời điểm này của những năm trước, nguồn nước trong giếng chưa bị cạn thì tôi bơm hút tưới tràn thỏa mái, nhưng năm nay khi tưới được 70% diện tích thì đã thấy lộ hẳn mạch nước dưới đáy giếng ra rồi. Cứ đà này đến các đợt tưới sau, giếng không biết có còn nước để tưới nữa”.

Còn ông Hà Văn Thiềm ở thôn 4, xã Nam Dong thì bỏ tiền để thuê người khoan giếng nhưng đến nay, nguồn nước cũng đã cạn kiệt. Ông Thiềm cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi thuê khoan một cái giếng cũng đủ tưới 3 đợt cho 2 ha cà phê nhưng năm nay không chỉ giếng khoan của gia đình tôi bị hụt nước mà nhiều giếng khoan lân cận cũng không còn nước để tưới. Trong khi đó, khu vực này không có khe suối để lấy nước tưới cho cây trồng. Cứ tình trạng này, trong 10 – 15 ngày nữa nếu không có mưa thì nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu ở đây sẽ bị khô héo hết”.

Theo ông Thiềm, nhiều năm nay, nhiều hộ trên địa bàn huyện Chư Jút luôn lặp lại cách làm là khi thấy giếng khoan bị cạn kiệt thì đua nhau đi thuê máy để khoan những cái giếng sâu hơn. Do vậy, khi gặp những năm “đại hạn” như năm nay, mực nước ngầm tụt sâu khiến cho nguồn nước cung cấp cho cây trồng, nước sinh hoạt bị khan hiếm là không tránh khỏi.

Theo UBND huyện Chư Jút thì đến nay, toàn huyện đã có trên 2.605 ha cà phê, hồ tiêu bị thiếu nước tưới. Bà con nông dân trong huyện cũng đã và đang tích cực sử dụng các phương tiện máy móc để tận dụng các ao hồ, giếng khoan tự bơm nước chống hạn cho cây trồng.

Để giảm thiệt hại do hạn hán gây ra, theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Phòng chống lụt bão tỉnh thì biện pháp hiệu quả nhất là nông dân cần áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực như thiết lập lại hệ thống đai rừng, cây che bóng để cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Đồng thời, nông dân chỉ nên cung cấp đủ nhu cầu nước tưới cho cây cà phê nhằm tránh lãng phí nước.

Có thể nói, việc áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm cho mỗi lần tưới cà phê sẽ giúp cho nông dân giảm được khoản chi phí xăng dầu bơm tưới, đào, khoan giếng không nhỏ. Do vậy, trong những tháng mùa khô này, các cấp, ngành chuyên môn và địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo về tưới nước hợp lý cho cây cà phê và xây dựng mô hình thí điểm trình diễn về tưới tiết kiệm nước tại các nông hộ ở nhiều địa phương. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn do nguồn nước tưới bị cạn kiệt nhưng có không ít hộ trồng cà phê, hồ tiêu đã biết cách sử dụng nguồn nước hợp lý nên vườn cà phê vẫn cầm cự được qua những ngày nắng nóng này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước thực trạng khô hạn diễn ra thường xuyên: Cần áp dụng giải pháp tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO