Trồng dâu nuôi tằm thu hút chị em tham gia phát triển kinh tế

Phan Đinh| 05/11/2019 10:55

Chỉ mới thành lập hơn 1 năm nhưng Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã thu hút được nhiều chị em tham gia. Trồng dâu, nuôi tằm đã giúp cho các chị phát triển kinh tế gia đình.

ADQuảng cáo

Chị Vũ Thị Loan, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Quảng Tiến là một trong số những người tiên phong trong việc vận động chị em trong thôn thành lập, tham gia Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm và hiện là Tổ trưởng tổ hợp tác. Là người phát động mọi người tham gia tổ hợp tác, nên chị Loan cũng tiên phong trong trồng dâu, nuôi tằm và hiện có 2 ha trồng dâu.

Chị Loan chia sẻ kinh nghiệm: Tôi học trồng dâu nuôi tằm từ các hộ có kinh nghiệm lâu năm trong thôn và qua sách vở, các kênh thông tin trên internet. Tôi chọn trồng các giống dâu siêu lá vừa đạt năng suất cao vừa giảm công hái và sau 6 tháng trồng, vườn dâu bắt đầu ra nhiều lá. Gia đình đầu tư 100 triệu đồng làm 100m2 nhà và mua sắm các dụng cụ nuôi tằm. Con tằm dễ bị nhiễm bệnh nên để đạt năng suất kén cao thì cần có nhà và dụng cụ nuôi sạch sẽ, thoáng mát. Tùy thuộc vào lượng dâu, mỗi tháng gia đình nuôi từ 2-3 hộp trứng tằm. Sau 15 ngày nuôi, 1 hộp trứng cho thu hoạch khoảng 60 kg kén. Với giá kén hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về khoảng 9 triệu đồng/hộp.

Chị Phan Thị Uyên, thành viên tổ dâu tằm thôn Quảng Tiến thu nhập cao từ trồng dâu, nuôi tằm

ADQuảng cáo

Chị Phan Thị Uyên, thành viên Tổ trồng dâu nuôi tằm cũng cho biết, trước đây, gia đình tôi ở Lâm Đồng từng có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sau khi đến lập nghiệp tại thôn Quảng Tiến, thấy đất đai rộng nên gia đình tiếp tục trồng dâu, nuôi tằm. Hiện tại, gia đình làm nhà rộng gần 100m² và có hơn 1 ha dâu. Vào mùa mưa, gia đình nuôi được 4 hộp trứng tằm/tháng và mùa khô nuôi được 2 hộp/tháng. Mùa mưa cây dâu phát triển tốt, ra nhiều lá nên nuôi tằm được nhiều hơn. Hiện nay, mỗi tháng gia đình thu về trên 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Tham gia Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm, gia đình có thu nhập ổn định, nhanh thu hồi vốn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển kinh tế.

Theo chị Loan, đa số các hộ dân trong thôn điều kiện kinh tế chỉ ở mức trung bình, nhiều hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tham gia công tác hội, được tham quan các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh, chị thấy trồng dâu, nuôi tằm khá phù hợp với điều kiện lao động của nhiều gia đình ở địa phương. Đa số các gia đình trồng hồ tiêu, cà phê nhưng mấy năm nay giá cả xuống thấp nên chi hội vận động chị em trồng dâu nuôi tằm để nâng cao thu nhập, vì cần ít vốn mà nhanh cho thu hoạch. Từ khi vào tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm, đời sống của các hộ được nâng lên. Kén được tổ hợp tác bán cho các đại lý thu mua trên địa bàn và sang tận Lâm Đồng.

Ban đầu, tổ hợp tác chỉ có 10 hộ tham gia nhưng hiện nay đã có 27 hộ và ngày càng mở rộng quy mô, hiện có trên 30 ha dâu. Đa số các hộ đều trồng từ 1-2 ha dâu, mỗi tháng trừ chi phí thu về cả chục triệu đồng. Tham gia vào tổ hợp tác, các chị tránh được tình trạng bị ép giá. Thời gian qua, cùng với việc tập huấn về kỹ thuật, các chị còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, tổ hợp tác cũng có các công ty đặt vấn đề liên kết để phát triển sản xuất bền vững. Về phía chính quyền địa phương cũng hỗ trợ tổ hợp tác về tập huấn kiến thức trồng dâu nuôi nuôi tằm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng dâu nuôi tằm thu hút chị em tham gia phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO