Tình trạng khô hạn, cạn kiệt ở mùa khô 2017 - 2018 sẽ ít gay gắt hơn

Hồng Thoan thực hiện| 08/12/2017 10:19

Mùa khô năm 2017- 2018, tình trạng khô hạn, cạn kiệt nhìn chung xảy ra ít gay gắt hơn so với năm 2016-2017 nhưng cũng sẽ xuất hiện những yếu tố bất lợi gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông khi trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông (PV) xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Ngọc Bình

PV: Ở góc độ chuyên môn, ông nhận định thế nào về mùa khô 2017- 2018?

Ông Nguyễn Ngọc Bình: Những năm gần đây cũng như năm 2017, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khí tượng, thủy văn ở Tây Nguyên nói chung và  Đắk Nông nói riêng đã có những sự thay đổi lớn so với đặc điểm chung của nhiều năm. Điển hình là mùa mưa năm 2017 bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn so với quy luật, tổng lượng mưa trong toàn vụ đạt 92,0 – 151,0% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm (TBNN).

Cụ thể, lượng mưa nhiều nhất tập trung ở vụ hè thu (từ tháng 5 - tháng 10/2017) tại khu vực phía Bắc tỉnh từ 1.367,0 – 2.252,0 mm (đạt 92,0 - 140,0% so với TBNN). Khu vực giữa tỉnh từ 1.617,0 – 2.765,0 mm (đạt 102,0 - 151,0% so với TBNN). Khu vực phía Nam tỉnh từ 2.146,0 – 3.285,0 mm (đạt 104,0 - 137,0% so với TBNN). Chính vì thế mùa khô năm 2017- 2018, tình trạng khô hạn, cạn kiệt nhìn chung xảy ra ít gay gắt so với mùa khô 2016-2017 nhưng vẫn có nhiều hiện tượng bất thường cần đề phòng.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về những hiện tượng bất thường này như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Bình: Trong 2 tháng 11 và 12/2017, theo dự báo bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn có khả năng xuất hiện khoảng 3 – 4 cơn hoạt động trên khu vực Biển Đông, cao hơn TBNN, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng 2 cơn, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và Nam bộ, ngoài ra còn ảnh hưởng của rìa phía Bắc rãnh thấp xích đạo. Theo đó, trên địa bàn tỉnh, trong các tháng mùa khô nhưng vẫn có mưa.

Cụ thể tháng 12/2017 và các tháng 3 - 4/2018, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Cụ thể, lượng mưa đo ở Trạm Đắk Nông dao động ở mức 100 - 150 mm ở tháng 11/2017, trong khi đó mức TBNN là 72,1 mm. Tương tự, tại Trạm Đắk Mil, lượng mưa đo được trong tháng 11/2017 dao động từ 100- 150 mm, mức TBNN là 92,5 mm.

Cũng tại các điểm đo này, sang tháng 12/2017 và tháng 1-2/2018 lượng mưa hạ thấp xuống mức 20-40 mm, trung bình nhiều năm đạt từ 15,3- 20,3mm. Dự báo, tháng 12 và tháng 1-2/2018 hạ xuống mức 10- 40 mm, trong khi đó trung bình nhiều năm ở mức 4-19,2 mm. Thấp nhất là ở khu vực cầu 14 (Chư Jút) từ 12/2017- 2/2018 dao động ở mức 10-30 mm.

Như vậy, những cơn mưa trái mùa vào đầu mùa khô sẽ gây khó cho nông dân trong việc thu hái, phơi sấy các loại nông sản chủ lực của tỉnh là cà phê, hồ tiêu. Quá trình hạn hán sinh lý để các loại cây trồng ra hoa đậu quả cũng sẽ gặp một số xáo trộn. Trong khi đó, nền nhiệt độ trung bình các tháng trong mùa khô, phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ, dao động từ 20,50C- 26,20C. Nắng nóng có khả năng xảy ra trên toàn tỉnh từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 năm 2018 dễ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng cả ngắn ngày và dài ngày.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân 2016-2017 nhiều hồ đập ở huyện Đăk Mil cạn nước

PV: Riêng về dòng chảy trên các sông suối của tỉnh có những dự báo như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Bình: Theo dự báo, từ nay đến tháng 12/2017, mực nước trên các sông, suối dao động theo xu thế giảm dần. Đến  tháng 1, 2/2018, mực nước trên các sông suối giảm mạnh, cạn kiệt xảy ra trên nhiều sông suối, đặc biệt là những nơi có độ che phủ thấp. Thời kỳ cuối vụ đông xuân, tức tháng 3, 4, mực nước trên các sông suối vẫn còn ở mức cạn kiệt. Nhận định, mực nước và lưu lượng dòng chảy trên các sông suối đạt thấp nhất trong vụ khả năng xuất hiện từ giữa tháng 2 đến hết tháng 3.

Cụ thể, các sông khu vực phía Nam tỉnh, mùa cạn bắt đầu từ nửa cuối tháng 12/2017 đến giữa tháng 4/2018. Thời kỳ cạn kiệt nhất trong vụ khả năng xảy ra vào giữa tháng 2 đến hết tháng 3. Các sông khu vực phía Bắc và Đông bắc tỉnh, mùa cạn bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến hết vụ. Thời kỳ cạn kiệt nhất trong vụ khả năng xảy ra vào tháng 3 đến hết tuần đầu tháng 4.

So với TBNN cùng thời kỳ, mực nước và lượng dòng chảy trên các sông suối trong vụ đông xuân 2017 - 2018 ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít. Các huyện Chư Jút, Krông Nô và phần phía bắc huyện Đắk Mil nguy cơ rất cao xảy ra hạn hán thiếu nước cho sản xuất từ tháng 2 đến tháng 3 .

PV: Từ dự báo diễn biến khí tượng thủy văn đã nêu, ông có khuyến cáo gì để giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết mùa khô đến đời sống, sản xuất của người dân?

Ông Nguyễn Ngọc Bình: Khả năng thiếu nước cao nhất trong mùa khô trùng vào vụ sản xuất đông xuân, vụ tạo ra sản lượng lương thực thực phẩm cao nhất trong năm của tỉnh. Theo tôi, cơ quan quản lý, người dân cần theo dõi sát sao các  bản tin dự báo, cảnh báo, nhất là đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm, tổ chức sản xuất dựa trên thực tế nguồn nước ở từng khu vực, từng vùng, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng phù hợp.

Cơ quan quản lý công trình thủy lợi đẩy mạnh triển khai các giải pháp duy tu, bảo dưỡng để nâng cao khả năng dự trữ nước, gắn với điều tiết hợp lý. Người dân nêu cao ý thức về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt. Lâu dài hơn, tỉnh cần đồng bộ triển khai các giải pháp về nâng cao độ che phủ rừng, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước ngầm khoa học, quy hoạch sản xuất nông nghiệp cân đối với nguồn nước…

PV: Cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng khô hạn, cạn kiệt ở mùa khô 2017 - 2018 sẽ ít gay gắt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO