Tín dụng ưu đãi “tiếp sức” cho sinh viên học tập

Đức Diệu| 28/09/2016 09:07

Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, trong những năm qua, thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Nông, hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được vay tiền với lãi suất ưu đãi để tiếp thêm nguồn lực theo đuổi ước mơ học tập của mình.

ADQuảng cáo

Ngày 16/9, như thường lệ, các nhân viên tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh lại tổ chức giao dịch tại phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa theo lịch định kỳ.

Khác với những đợt giao dịch trước, ở lần giao dịch này, vì là tháng đầu tiên con em trên địa bàn bước vào năm học mới 2016-2017 nên ngoài những hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo thì nhiều hộ cũng đến làm thủ tục vay vốn cho con em mình theo học các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghệp.

Chị Lê Thị Hiền, ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung có mặt tại điểm giao dịch từ rất sớm. Đây là lần đầu tiên chị làm hồ sơ vay nguồn vốn học sinh, sinh viên. Chị Hiền cho biết: “Năm nay, gia đình tôi có con theo học Trường Cao đẳng Viễn Đông tại TP. Hồ Chí Minh. Kinh tế gia đình hiện khó khăn nên ngoài niềm vui có con đậu cao đẳng, tôi cũng khá lo lắng vì không biết liệu có lo đủ kinh phí tối thiểu cho con mình theo học hay không. Tuy nhiên, nỗi lo này đã phần nào được giải tỏa khi gia đình tôi được tổ tiết kiệm - vay vốn của tổ dân phố lập danh sách, tiến hành làm hồ sơ để vay vốn học sinh, sinh viên của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mặc dù số tiền được vay mỗi năm 12,5 triệu đồng là không nhiều so với kinh phí học tập, nhưng cũng giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Quan trọng hơn, đây chính là động lực để động viên gia đình tôi cố gắng cho con theo đuổi ước mơ học tập”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoài ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung cũng đã có mặt tại điểm giao dịch khá sớm để vay từ nguồn vốn học sinh, sinh viên theo thông báo của cán bộ tín dụng. Chị Hoài có con đang học năm thứ 2 tại Trường Đại học Tây Nguyên. Năm học trước, chị Hoài cũng đã được vay nguồn vốn này với số tiền 11 triệu đồng. Chị vui vì năm nay không những tiếp tục được vay mà còn tăng lên 12,5 triệu đồng/năm.

Chị Hoài cho biết: “Có thể với những gia đình khá giả, số tiền này là bình thường nhưng những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì đây là nguồn tiền quý giá để góp vào chi phí học tập của con em, nhất là vào thời điểm đầu năm học cần đóng góp nhiều, trong khi nguồn thu từ cà phê của gia đình chưa có”.

ADQuảng cáo

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, kết thúc năm học 2015-2016, dư nợ nguồn vốn vay học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 214 tỷ đồng với 11.615 lượt khách hàng vay. Riêng địa bàn thị xã Gia Nghĩa, dư nợ nguồn vốn này đạt hơn 17,5 tỷ đồng, với 891 lượt hộ có dư nợ.

Để bảo đảm tiến độ giải ngân và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho học sinh sinh viên, hằng năm, Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với hội đồng quản trị, tổ tiết kiệm-vay vốn ở cơ sở rà soát, lập danh sách con em trên địa bàn đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đủ điều kiện vay vốn theo quy định để tuyên truyền, hướng dẫn quy trình thủ tục, lập danh sách và bố trí nguồn vốn vay.

Qua quá trình thực hiện chương trình cho vay, cán bộ ngân hàng cũng kịp thời tiếp thu ý kiến phản ánh từ khách hàng về quy trình, thủ tục, điều kiện vay vốn để có kiến nghị, đề xuất điều chỉnh phù hợp với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi, gọn nhẹ nhưng không trái quy định cho người vay.

Theo ông Tưởng Văn Viên, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn phường Nghĩa Trung thì qua tiếp xúc với các gia đình vay vốn chương trình này, họ đều rất phấn khởi, yên tâm cho con em theo học, số vốn đều sử dụng đúng mục đích vào chi phí học tập. Khách hàng rất hài lòng về thủ tục, quy trình hồ sơ, giải ngân nguồn vốn.

Để tạo nguồn vốn xoay vòng cho học sinh, sinh viên vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh có chủ trương là trong thời gian ân hạn sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người vay trả lãi hàng tháng để giảm bớt áp lực trả nợ vay sau khi học sinh, sinh viên ra trường. Điều này đã giúp nhiều gia đình khi vay vốn có ý thức tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để trả  tiền gốc và lãi đúng hạn.

Cùng với sự quan tâm của ngân hàng, chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên có sự kiểm tra giám sát của các ngành từ tỉnh đến huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia bình xét của các hộ, các tổ tiết kiệm-vay vốn, các tổ chức chính trị, xã hội nên nguồn vốn cơ bản đến đúng đối tượng và phát huy đúng mục đích. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này mà nhiều học sinh, sinh viên đã có cơ hội theo đuổi ước mơ học tập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng ưu đãi “tiếp sức” cho sinh viên học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO