Tìm giải pháp cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản

Lê Dung| 05/10/2015 09:56

Toàn tỉnh hiện có 69 cơ sở sản xuất tham gia hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư trang thiết bị cho dây chuyền sản xuất nhưng phần lớn các sản phẩm vẫn chủ yếu là sản xuất dưới dạng thô, chưa tập trung cho tinh chế.

ADQuảng cáo

Ở lĩnh vực chế biến cà phê nhân, toàn tỉnh hiện có 25 đơn vị hoạt động, nhưng nhìn chung, ở quy mô công suất nhỏ, máy móc còn thô sơ. Số lượng chế biến cà phê bột rất ít và chiếm tỷ lệ không đáng kể, với khoảng 0,4% sản lượng cà phê nhân. Các cơ sở chủ yếu là thu mua và phân loại sản phẩm, sau đó bán qua khâu trung gian để xuất khẩu.

Việc đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong chế biến như hệ thống máy bắn màu, hệ thống đánh bóng cà phê nhân… rất ít được các doanh nghiệp quan tâm. Do vậy, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu bình quân hàng năm của tỉnh mới chỉ thực hiện được khoảng hơn 144.000 tấn và thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Singapore, Tây Ban Nha, Mỹ, Đức...

Tương tự, đối với lĩnh vực chế biến hạt điều nhân cũng vậy, toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy hoạt động, nhưng quy mô công suất còn nhỏ. Việc áp dụng máy móc, kỹ thuật tiên tiến trong chế biến như máy cắt tách vỏ cứng, máy bóc tách vỏ lụa, máy đóng gói tự động… đã có một số cơ sở chú trọng đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn sử dụng nhiều công đoạn thủ công trong chế biến. Vì vậy, sản lượng điều nhân chế biến hàng năm chỉ đạt khoảng 3.200 tấn và xuất khẩu khoảng 1.000 tấn…

Theo bà Trần Thị Ngọc Hạnh, Chủ DNTN Ngọc Hạnh (Đắk R’lấp) thì hiện nay, nguồn nguyên liệu thu mua của doanh nghiệp là từ các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do máy móc, thiết bị tiên tiến tại cơ sở mới chỉ đầu tư được một phần nên sản lượng điều nhân sản xuất ra hàng năm vẫn còn hạn chế. Cũng vì thế nên trong thời gian qua, sản lượng hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất ra chủ yếu bán qua cho một đơn vị khác để phục vụ cho xuất khẩu.

ADQuảng cáo

Các lĩnh vực chế biến hồ tiêu, cao su, tinh bột sắn, gỗ xẻ, sản phẩm mộc… cũng trong tình trạng này.

Cơ sở sản xuất hạt điều của DNTN Ngọc Hạnh (Đắk R’lấp) quy mô còn nhỏ, thủ công

Theo Sở Công thương, nguyên nhân dẫn đến ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn chưa phát triển mạnh một phần là do nguồn nguyên liệu cho chế biến chưa được ổn định. Trong khi đó, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng chưa tốt. Việc sản xuất của người dân chủ yếu là tự phát, chạy theo phong trào nên đến khi nhu cầu xuống thấp, không hiệu quả, họ lại chuyển sang trồng cây trồng khác, gây ảnh hưởng tới hoạt động chế biến của các doanh nghiệp.

Một nguyên nhân nữa là các cơ sở chế biến tại địa phương có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, còn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng nên ít đầu tư, liên kết để mở rộng sản xuất. Chất lượng hàng hóa nông sản của tỉnh còn thấp, khả năng cạnh tranh kém nên chưa đáp ứng được yêu cầu cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh còn thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng chưa cao, chính sách và hành lang pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng chưa đủ mạnh…

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế công nghiệp chế biến nông, lâm sản, ngành Công thương cũng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng như: Chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đưa chỉ số xếp hạng hàng năm đạt ở mức trung bình khá. Tham mưu cho tỉnh để có cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút doanh nghiệp mạnh vào đầu tư trên địa bàn. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sáng kiến và đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngành cũng sẽ tham mưu cho tỉnh sớm xây dựng và hình thành các hiệp hội ngành hàng cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, tiêu, điều, chế biến gỗ… để các doanh nghiệp có thể cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, hỗ trợ thâm nhập thị trường, đầu tư xuất khẩu sản phẩm...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO