Tìm cách bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Kim Ngân| 04/08/2022 08:34

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, các giống, loài thủy sinh đang bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên của địa phương. Chính vì thế, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang là yêu cầu cấp bách hiện nay.

ADQuảng cáo

Đắk Nông có mức độ đa dạng sinh học ở các thủy vực tương đối cao. Đây là môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài thủy sinh, cá nước ngọt quý hiếm, giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, đến nay, tại các dòng sông, suối, ao, đầm, đồng ruộng rất hiếm gặp những quần đàn các loài cá, nhất là những loài thủy sản có giá trị cao, quý hiếm.

Ông Nông Văn Sơn, ở xã Cư K’nia (Cư Jút) cho biết: "Cá bây giờ không còn dồi dào như những năm trước nữa. Tại những khe suối, ao hồ tự nhiên hiếm hoi lắm mới bắt gặp vài cá thể đơn lẻ”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành ở Đức Xuyên (Krông Nô), những năm gần đây, môi trường nước sông bị ô nhiễm nặng. Mực nước sông, ao hồ giảm sâu, nên cá, tôm không sinh sôi được.

Còn trên đồng ruộng, ao, đầm cũng bị ô nhiễm bởi bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… khiến môi trường sống của các loài thủy sinh bị suy giảm trầm trọng.

Người dân xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên

Những năm trước đây, Đắk Nông có các khu hệ cá rất phong phú, đa dạng. Ngoài các loài cá mới gia nhập, có nhiều loại cá bản địa có giá trị kinh tế cao, phân bố tại các sông, suối, ao, đầm, đồng ruộng như cá lăng đuôi đỏ, cá chình, cá mõm trâu, cá thát lát…

Tuy nhiên, các đối tượng thủy sản này ngày càng suy giảm về sản lượng và trọng lượng. Nhiều loại cá hiện nay rất ít gặp khi đánh bắt. Đặc biệt là cá mõm trâu, cá anh vũ trong những năm gần đây không còn bắt gặp khi khai thác.

Mặt khác, các loài cá có giá trị kinh tế cao ngoài tự nhiên như trắm cỏ, cá chép… cũng đang trong tình trạng suy giảm, trọng lượng cá đánh bắt được ngày càng thấp.

ADQuảng cáo

Môi trường sông Krông Nô suy thoái khiến số loài, số lượng cá thể các loài thủy sản suy giảm mạnh

Theo kết quả khảo sát của ngành Thủy sản tỉnh, nghề khai thác thủy sản ở Đắk Nông là nghề cá nội địa, quy mô nhỏ, dựa trên khai thác cá thể, hộ gia đình.

Hoạt động khai thác thủy sản tập trung chủ yếu ở các hệ thống sông lớn như: Sêrêpốk, Krông Nô, Đồng Nai... Việc khai thác cũng diễn ra tại các hồ chứa thủy điện Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Đồng Nai 4…

Ngoài ra, người dân còn khai thác thủy sản không tập trung ở các hồ chứa thủy lợi cỡ vừa và nhỏ, các ao, đầm, suối. Hoạt động khai thác thủy sản diễn ra quanh năm.

Sản lượng, đối tượng thủy sản khai thác thay đổi liên tục, tùy vào nhiều yếu tố như loại hình thủy vực, mùa vụ khai thác, kinh nghiệm đánh bắt và ngư cụ sử dụng.

Kết quả đánh bắt, khai thác thủy sản của tỉnh trong 5 năm qua cho thấy sản lượng cá tăng lên từng năm. Cụ thể, năm 2017 là 614 tấn, năm 2021 tăng lên 1.034 tấn.

Hiện nay, tình trạng khai thác thủy sản bằng các ngư cụ cấm, chất nổ, xung điện vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng khai thác không đúng mùa vụ, kích thước cho phép cũng diễn ra phổ biến.

Đây là những nguyên nhân làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Song công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có biện pháp đủ mạnh để chấn chỉnh các hoạt động này.

Để bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tạo sinh kế cộng đồng, bảo vệ sinh thái, hàng năm, Sở NN - PTNT tiến hành các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trong đó, hoạt động thả cá tái tạo môi trường thủy sản tự nhiên kết hợp với phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định, pháp luật về thủy sản được các cấp, ngành chú trọng. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được tỉnh xem là nhiệm vụ cấp bách...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm cách bảo vệ nguồn lợi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO