Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cho tái canh cà phê

Hồng Thoan| 17/02/2016 09:13

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kế hoạch triển khai phương án tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phấn đấu tái canh hơn 22.099 ha theo 2 hình thức gồm: Trồng tái canh hơn 13.369 ha và ghép cải tạo hơn 8.729 ha.

ADQuảng cáo

Mục đích của kế hoạch là tập trung cải tạo, tái canh, trồng mới thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng bằng các giống cà phê cao sản với năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng huyện, thị xã. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh nâng năng suất trung bình cà phê lên mức 2,8-3 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Gần 3 ha cà phê già cỗi của gia đình bà Lê Thị Lân ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) sẽ được hưởng các ưu đãi khi thực hiện tái canh trong giai đoạn 2016 - 2020

Ngành chức năng khuyến cáo triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở những vườn có độ tuổi từ cao đến thấp. Vấn đề giống được đặc biệt coi trọng, thông qua xây dựng các vườn sản xuất chồi giống cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện quy trình nhân giống. Đồng thời, ngành chức năng cũng sẽ xây dựng các mô hình vườn giống cà phê vối, điều tra, khảo sát, bình tuyển cây đầu dòng cà phê và chứng nhận vườn sản xuất chồi giống gốc cà phê vối.

ADQuảng cáo

Cụ thể, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng mới 8 vườn chồi với diện tích từ 500 m2- 3.500 m2 trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã.

Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT nhấn mạnh: “Các vườn ươm sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong việc tập trung nhân giống, chuyển giao nhanh các giống cà phê vối, dòng vô tính có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh để cung cấp cho thị trường. Những giống được ưu tiên hàng đầu là TR4, TR 9, TR11, đây là các loại giống đã được ngành Nông nghiệp tỉnh khảo nghiệm cho hiệu quả cao. Đây sẽ là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê nhân của tỉnh trong thời gian tới”.

Cùng với khâu giống thì ngành chức năng cũng sẽ triển khai việc nghiên cứu, đánh giá thời gian khai thác bình quân của vườn cà phê ghép chồi; đồng thời, lưu ý đến sự phù hợp của một số dòng cà phê ghép ở mỗi vùng sinh thái để đưa ra định hướng đúng cho người sản xuất với những hướng dẫn cụ thể về biện pháp xử lý đất. Thiết kế, xây dựng các vườn mẫu có những đặc điểm bảo đảm tính bền vững từ giống, khâu trồng, chăm sóc, phòng bệnh, biện pháp thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ tái canh cà phê theo từng chủng loại giống, độ tuổi, từng vùng sinh thái gắn với các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, VietGap.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân về vốn, thời gian tới, ngành chức năng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Đắk Nông xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể về định mức cho vay, lãi suất vay, cơ chế hỗ trợ, thời hạn vay... theo hướng đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi nhất cho bên vay. Đặc biệt, đối với những trường hợp có điều kiện kinh tế khó khăn như hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì ngân hàng sẽ có chính sách ưu đãi tín dụng phục vụ tái canh cà phê…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cho tái canh cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO