“Tiếp sức” để hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp

Nguyễn Lương| 23/07/2021 08:52

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Đắk Nông hiện có khoảng 20.000 hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, số hộ kinh doanh đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp khá nhiều. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nên hộ kinh doanh vẫn “ngại” phát triển lên doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Chưa đạt mục tiêu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, phát triển doanh nghiệp hiện nay được xác định có 3 nguồn cơ bản, gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển quy mô lớn hơn và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Mặc dù có doanh thu lớn, nhưng cửa hàng kinh doanh tạp hóa Phượng Hóa vẫn "ngại" chuyển đổi lên doanh nghiệp

Thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp mới có tỷ lệ thành công không cao nên không kỳ vọng nhiều về đóng góp tăng trưởng số lượng. Số doanh nghiệp hiện có phát triển thêm công ty mới, tuy được đánh giá là nâng cao chất lượng, nhưng không kỳ vọng tăng nhanh về số lượng. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là giải pháp vừa có thể nâng cao số doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Trong tổng số 20.000 hộ cá thể hoạt động kinh doanh, có trên khoảng 10.000 hộ nằm trong diện quản lý thuế. Mỗi năm, đối tượng này đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương.

Trong số này, có trên 30% hộ kinh doanh có thể phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Tiềm năng là vậy, nhưng số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh những năm qua là không nhiều.

Cụ thể năm 2019, mục tiêu chuyển đổi 100 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, nhưng kết quả chỉ có 6 hộ; năm 2020 mục tiêu chuyển 110 hộ phát triển lên doanh nghiệp nhưng chỉ có 8 hộ chuyển đổi; năm 2021, mục tiêu là 120 hộ nhưng con số đạt được trong 6 tháng qua cũng không đáng kể.

Còn nhiều “rào cản”

Cửa hàng điện máy Minh Tiến (Cư Jút) đi vào hoạt động nhiều năm, việc kinh doanh khá ổn định. Tuy nhiên, khi được hỏi về định hướng chuyển đổi lên doanh nghiệp thì đại diện chủ cửa hàng lắc đầu.

Nguyên nhân mà cơ sở đưa ra có nhiều, nhưng trước hết là vì quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu dựa vào nhân lực trong gia đình. “Nếu cố gắng lên doanh nghiệp thì sẽ vướng vào nhiều yêu cầu mang tính bắt buộc như: sổ sách kế toán, mô hình tổ chức… Cách quản lý, mức chịu thuế sẽ phức tạp hơn nhiều”, chị Trần Thị Lệ Xuân, chủ cửa hàng điện máy Minh Tiến chia sẻ.

Cũng là một trong những cơ sở có doanh thu lớn, nhưng cửa hàng tạp hóa Phượng Hóa (Gia Nghĩa) không “mặn mà” chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, chủ cửa hàng này, hiện tại, cơ sở vẫn nằm trong diện nộp thuế khoán và có phát sinh hóa đơn.

“Chúng tôi là mô hình kinh doanh theo hộ gia đình. Nếu lên doanh nghiệp, cơ sở phải thuê kế toán làm sổ sách, con dấu, kê khai nhiều loại thuế liên quan… Nói chung thấy phức tạp lắm”, bà Phượng cho hay.

ADQuảng cáo

Việc thiếu kỹ năng quản lý là một thách thức cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể. Bởi vì, đa số hộ kinh doanh cá thể hiện nay không có kỹ năng kế toán.

Theo thống kê của ngành Thuế tỉnh, trong số hàng ngàn hộ cá thể mà đơn vị quản lý, có khoảng 70% trường hợp không có hồ sơ, không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản. Trong khi đó, hiện nay chưa có văn bản nào quy định rõ ràng những quyền lợi mà hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển sang doanh nghiệp.

Chưa kể, chính sách thuế và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế hiện có lợi cho hộ kinh doanh hơn doanh nghiệp rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn vẫn không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Thống kê tỉnh nhận định, doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động, phá sản chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số doanh nghiệp thất bại trong kinh doanh. Sự thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm trên thị trường là yếu tố nhiều hộ kinh doanh e ngại khi phát triển lên doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh của các cơ sở chủ yếu theo mô hình quản lý hộ gia đình

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Để hộ kinh doanh thay đổi tư tưởng, phát triển lên doanh nghiệp, cần sự “tiếp sức” từ nhiều phía. Ông Nguyễn Trí Kỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, mỗi người có thể thành lập ra một doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp tăng lên rất nhanh.

Vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng hoạt động của doanh nghiệp như thế nào. Phát triển doanh nghiệp hiện nay không nên chạy theo số lượng, mà phải thực sự có môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển có chiều sâu.

“Về phía UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là lĩnh vực cải cách hành chính. Làm sao để doanh nghiệp được tạo thuận lợi đơn giản nhất, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật sau khi chuyển đổi từ thủ tục đăng ký thành lập, kê khai, nộp thuế đến các thủ tục liên quan”, ông Kỷ nhấn mạnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, về phía đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan liên quan rà soát số hộ kinh doanh có đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp. Sở tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các hộ bằng những giải pháp cụ thể như: phân công cán bộ hướng dẫn hộ kinh doanh về thủ tục, hồ sơ chuyển thành doanh nghiệp, tư vấn định hướng kinh doanh, hỗ trợ về mặt pháp lý…

Công tác tuyên truyền, vận động sẽ được đơn vị tập trung vào những điều kiện thuận lợi, lợi ích hộ gia đình sẽ nhận được khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thuận tiện trong giao dịch, ký hợp đồng. Việc tìm đối tác, hỗ trợ trong mở rộng phát triển công nghệ sẽ được đơn vị tuyên truyền sâu rộng hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,9% so với đầu năm 2021. Tổng vốn đăng ký kinh doanh là 3.175 tỷ đồng, tăng 51,8%. Như vậy, đến hết tháng 6/2021, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn Đắk Nông là hơn 5.900 đơn vị, với tổng số vốn đăng ký hơn 58.100 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiếp sức” để hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO