Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông (kỳ 2): Nhiều bất cập trong phân phối, tiếp thị sản phẩm

Hưng Thịnh| 26/09/2017 10:49

Nông dân tại nhiều địa phương tỉnh đang "bội thực" thông tin về các sản phẩm phân bón, trong bối cảnh nhiều đơn vị chủ yếu bán hàng bằng việc tổ chức hội thảo, tiếp thị, khuyến mãi. Và nhiều sản phẩm kém chất lượng đã khiến nông dân “tiền mất tật mang”.

ADQuảng cáo

Mỗi thôn, bon một cuộc hội thảo

Trong 7 tháng đầu năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp phép cho gần 500 cuộc hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón tại các địa phương trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 71 xã, phường, thị trấn với hơn 770 thôn, bon. Tính trung bình hàng năm, mỗi thôn, bon trên địa bàn tỉnh đều có 1 cuộc hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón. Qua tìm hiểu, rất nhiều trường hợp nông dân đã chọn mua sản phẩm sau khi đơn vị sản xuất phối hợp với ngành chức năng địa phương tổ chức hội thảo, và sau đó gặp phải phân bón kém chất lượng.

Theo một chủ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ phân bón tại huyện Tuy Đức, hiện nay thị trường phân bón của tỉnh rất phức tạp, chất lượng thì “thượng vàng hạ cám” đều có đủ. Đáng chú ý, việc phân phối, kinh doanh phân bón cũng phức tạp không kém. Rất nhiều các sản phẩm phân bón chưa có thương hiệu, không bảo đảm chất lượng được các đơn vị sản xuất “trà trộn”, tuồn vào thị trường và đến tay nông dân thông qua các kênh phân phối không chính thức. Để hạn chế phần nào rủi ro và tự bảo vệ bản thân, nông dân cần cẩn trọng với các sản phẩm giá rẻ, sản phẩm nhiều khuyến mãi, sản phẩm bán “nợ”…, đặc biệt là các loại phân bón mới, chưa có thương hiệu, uy tín cao trên thị trường.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng cho rằng mật độ các chương trình, hội thảo giới thiệu, tiếp thị phân bón như trên là quá nhiều và nông dân dễ bị nhiễu thông tin. Tuy nhiên, Chi cục phải cấp phép nếu các đơn vị tổ chức đầy đủ các thủ tục, giấy tờ liên quan. Vấn đề còn lại là nông dân cần phải sàng lọc, lựa chọn thông tin và cân nhắc khi mua sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm có quá nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi đi kèm, trong khi bản thân thương hiệu mới và chưa có uy tín trên thị trường.

Nhiều vườn cây đã chết trụi có thể do “ngộ độc” phân bón.

ADQuảng cáo

Nỗ lực kiểm soát

Theo Chi cục Quản lý thị trường, hiện toàn tỉnh có tới 100 nhà nhập khẩu, phân phối phân bón với hơn 500 cơ sở kinh doanh trực tiếp. Đắk Nông hiện chỉ có 1 cơ sở sản xuất phân bón với quy mô khá nhỏ, phần lớn sản phẩm phân bón trên thị trường tỉnh là được nhập từ các địa phương khác. Thực tế này khiến ngành chức năng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý. Theo quy trình, sau khi lấy mẫu kiểm tra và kết quả không đạt như quy chuẩn công bố, ngành chức năng sẽ ra quyết định xử phạt, hoặc tham mưu UBND tỉnh nếu vượt thẩm quyền, đối với đơn vị phân phối. Còn đối với đơn vị sản xuất ra phân bón kém chất lượng, ngành chức năng sẽ có công văn thông báo kết quả để cơ quan chức năng địa phương đó xử lý.

Ông Phạm Trường Độ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết thực tế có nhiều đơn vị phân phối phản đối việc bị xử phạt với lý do họ không sản xuất ra sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, việc xử phạt các đơn vị phân phối (sản phẩm kém chất lượng) là rất cần thiết, đã được luật quy định rõ ràng. Xử phạt như trên sẽ khiến các đơn vị phân phối cẩn trọng, có trách nhiệm hơn trong việc kinh doanh, từ việc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, ký kết hợp đồng rõ ràng, hóa đơn đầy đủ, minh bạch… với nhà sản xuất. Ông Phạm Trường Độ nhấn mạnh: “Nếu xảy ra trường hợp phân bón kém chất lượng, bị xử phạt thì đơn vị sản xuất không thể né tránh trách nhiệm. Quy trình như vậy sẽ giúp thị trường phân bón hạn chế rất nhiều các sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, và đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là nông dân” . Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra 181 đơn vị phân phối, kinh doanh phân bón, trong đó có tới 115 đơn vị vi phạm, chiếm hơn 63%. Các hành vi vi phạm bị xử phạt nặng trong kinh doanh phân bón bao gồm: Kinh doanh phân bón ngoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh phân bón kém chất lượng; kinh doanh phân bón không có giá trị sử dụng… tổng số tiền phạt gần 500 triệu đồng.

Còn theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lấy 3 mẫu phân bón của 2 công ty để kiểm định chất lượng. Kết quả có 2 mẫu đạt, một mẫu không đạt chất lượng.

>>Kỳ 3: Nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm soát thị trường

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng và giải pháp quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông (kỳ 2): Nhiều bất cập trong phân phối, tiếp thị sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO