Thực hiện tái canh cà phê trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cách làm ở xã Quảng Tín

Nguyễn Lương| 19/11/2015 09:13

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê, đa phần người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đã nắm vững kỹ thuật để tự ghép chồi, chọn lựa giống cà phê có nguồn gốc xuất xứ, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc, từng bước nâng cao năng suất cây trồng.

ADQuảng cáo

Năm nay, vườn cà phê của gia đình anh Điểu Son, ở bon Bu Bir bước vào thời kỳ thu hoạch chính, với năng suất dự kiến đạt hơn 3 tấn/ha.

Năng suất vườn cà phê của anh Điểu Son ở bon Bu Bir bước vào thu hoạch chính sau tái canh đạt hơn 3 tấn/ha

Được biết, cách đây hơn 3 năm, với 2 ha cà phê trồng xen dưới vườn điều mang lại cho gia đình anh hiệu quả kinh tế rất thấp. Bởi, đa số cây cà phê đã bước vào giai đoạn già cỗi, ít được đầu tư chăm sóc.

Trước thực tế đó, được sự vận động của chính quyền xã, cũng như tham gia nhiều lớp tập huấn, anh Điểu Son đã mạnh dạn tái canh hơn 1 ha cà phê. Đối với những diện tích quá già cỗi, anh đầu tư trồng mới, số còn lại gia đình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách ghép chồi.

Sau khi tái canh, nhờ áp dụng bài bản các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt. Anh Điểu Son cho biết: Do được tham gia nhiều lớp tập huấn, hiện tôi đã có thể tự ghép được chồi cà phê đúng kỹ thuật. Sau đợt thu hoạch này, với những cây cà phê cho năng suất kém, tôi sẽ liên hệ giống ở nơi uy tín để tiếp tục cải tạo vườn cà phê để nâng cao năng suất.

Không chỉ có gia đình anh Điểu Son, mà trước thực tế vườn cà phê cho năng suất thấp, nhiều hộ đồng bào trong bon đã từng bước học hỏi kỹ thuật để tái canh.

Ông Điểu Trang, Trưởng bon Bu Bir cho hay: “Toàn bon hiện có gần 100 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê già cỗi khá lớn. Thời gian qua, để góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con, bon đã không ngừng tuyên truyền vận động người dân tái canh cà phê. Với nhiều nỗ lực, đến nay, toàn bon đã tái canh được hơn 40 ha cà phê, góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng”.

ADQuảng cáo

Qua tìm hiểu được biết, vì điều kiện kinh tế còn hạn chế nên Ban tự quản bon Bu Bir đã vận động người dân tái canh theo hình thức cuốn chiếu. Đối với những diện tích cà phê quá già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp thì bon vận động để bà con triển khai tái canh trước.

Kỹ thuật tái canh cũng được Ban tự quản bon phối hợp với cán bộ khuyến nông xã, huyện hướng dẫn người dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, nhiều hộ đồng bào đã nắm vững được kỹ thuật tái canh và từng bước áp dụng vào thực tế.

Tương tự, tại bon Bu Đách, trong nhiều năm qua, người dân trong bon đã tái canh được hơn 70 ha, trong tổng số hơn 120 ha cà phê hiện có.

Nói về việc thực hiện tái canh cà phê, ông Điểu M’Rá, Trưởng bon Bu Đách chia sẻ: “Hiện tại, năng suất cà phê thu những năm đầu của người dân trong bon đạt mức hơn 2,5 tấn/ha. Để có được kết quả này, bon đã không ngừng vận động bà con từng bước tái canh. Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, đối với những gia đình đã triển khai tái canh có hiệu quả, bon đã tổ chức học tập để các hộ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Riêng những khó khăn trong quá trình tái canh mà bà con gặp phải như kỹ thuật, nguồn giống, sâu bệnh… bon phối hợp với cán bộ xã để kịp thời tháo gỡ”.

Theo ông Nguyễn Duy Thanh, cán bộ khuyến nông xã Quảng Tín thì địa phương hiện có 2.800 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê do đồng bào canh tác khoảng 400 ha. Thực hiện chương trình tái canh, trong thời gian qua, xã đã không ngừng tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật để từng bước tái canh hiệu quả.

Hàng năm, xã mở từ 5 đến 6 lớp tập huấn về kỹ thuật tái canh, chăm sóc vườn cà phê sau tái canh cho người dân. Ngoài việc tập huấn, để hiện thực hóa các kiến thức đã học, cán bộ khuyến nông xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện xuống từng vườn cà phê hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi cho bà con. Nhờ đó, đến nay, xã đã tái canh được hơn 150 ha cà phê cho hộ đồng bào, trong đó, tập trung vào các bon như Bu Bir, Bu Đách, Bu Tung và Đăng K’liêng.

Ngoài các giống cà phê do địa phương cung cấp theo các chương trình hỗ trợ, trước khi bước vào các mùa vụ, xã khảo sát nhu cầu tái canh của người dân, từ đó, tư vấn cho bà con lựa chọn nguồn giống có uy tín, chất lượng tốt. Hiện tại, nhiều giống cà phê được người dân đưa vào canh tác như TR4,TRS1,TR9… cho năng suất cao, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tái canh cà phê trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cách làm ở xã Quảng Tín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO