Thực hiện Quyết định 10/2012-QĐ/UBND tỉnh: Kết quả chưa cao

Nguyễn Lương| 28/10/2014 09:37

Dù đã hơn 2 năm thực hiện Quyết định 10/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 197 hộ được tiếp cận, với số vốn gần 730 triệu đồng. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao này lại xuất phát từ cơ sở, nơi mà đáng ra phải nắm bắt được nhu cầu vay vốn của người dân một cách sát thực nhất.

ADQuảng cáo

Người dân ít được phổ biến thông tin

Từ năm 2012 đến nay, ông K’Bang, thôn 1A, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã có 3 lần ký hợp đồng vay tiền tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Đắk Glong, nhưng vẫn không biết về chính sách ưu đãi này của tỉnh.

Ông K’Bang bày tỏ: “Tôi đã tham gia nhiều cuộc họp, cũng như tập huấn ở xã, thôn, nhưng chưa khi nào thấy phổ biến về quyết định này. Mới đây, nhờ một cán bộ ở Phòng Dân tộc huyện thông báo để làm thủ tục, hồ sơ hưởng ưu đãi thì tôi mới biết đến. Đây là một chính sách có ý nghĩa rất lớn đối với các hộ đồng bào nên hiện nay tôi đang chuẩn bị làm thủ tục để được nhận hỗ trợ”.

Tương tự, ông K’Đắk, ở thôn 1C cũng không biết về quyết định này. Ông K’Đắk cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi cũng được tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thương mại để phục vụ sản xuất. Vậy nhưng, về việc hỗ trợ lãi suất khi vay vốn tại ngân hàng thì hầu như không thấy thôn, xã thông báo gì hết. Đây thực sự là một thiệt thòi đối với người dân”.

Ông K’Tang, ở thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) là một trong số ít hộ đồng bào vừa mới nhận được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 10

Không chỉ tại xã Quảng Sơn, mà hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận vốn sản xuất từ các ngân hàng thương mại vẫn chưa được phổ biến về quy định này. Ông Y Srao, ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’drót (Đắk Mil) phân trần: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe có chính sách hỗ trợ cho đồng bào như thế này. Bởi, mặc dù, chính sách đã được triển khai hơn 2 năm, nhưng tôi hầu như không nghe nói gì”.

Chính quyền địa phương chưa quan tâm nhiều

Là một địa phương có hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hiện nay, huyện Đắk Glong chỉ có gần 200 hộ được tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại. Điều đáng nói, so với các huyện khác, đây là địa phương đạt được kết quả cao nhất, nhưng sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 10 cũng mới chỉ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 95 gia đình đồng bào được tiếp cận, với số vốn hơn 400 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Toản, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong nói: “Mặc dù, đây là một quyết định rất đúng đắn, từng bước giúp bà con đồng bào giảm bớt khó khăn, nhưng trong quá trình triển khai, một số xã chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, địa bàn rộng, số hộ đồng bào đông nên Phòng Dân tộc “ôm không xuể”.

ADQuảng cáo

Bà H’Mông, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho rằng: “Trong quá trình triển khai, UBND xã có biết quy định đó, nhưng do địa phương có quá nhiều việc nên công tác tuyên truyền đến người dân chưa được nhiều. Hơn nữa, đội ngũ trưởng thôn, bon cũng không để ý, quan tâm thực sự nên chính sách vẫn chưa đến được với người dân”.

Không riêng gì huyện Đắk Glong, mà tại huyện Tuy Đức, cũng do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm nên sau thời gian triển khai, đến nay, toàn huyện mới chỉ có 6 hộ được hưởng hỗ trợ lãi suất, với số tiền hơn 22 triệu đồng.

Về vấn đề này, ông K’Bốt, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “Nguyên nhân vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai quy định, đó chính là một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội chưa chú tâm vào công tác tuyên truyền để bà con hiểu sâu rộng về chính sách này. Cũng chính vì thế, quyết định chưa đến được với bà con đồng bào”.

Cũng theo ông K’Bốt thì ngoài hạn chế xuất phát từ công tác tuyên truyền ở cơ sở, việc khoán “trắng” cho phòng dân tộc các huyện, từ đó, cán bộ chưa chú trọng kịp thời, cũng như chủ động triển khai, phổ biến quy định đến tận các xã, phường cũng là một trong những hạn chế dẫn đến việc thực hiện quy định đạt hiệu quả thấp. Hơn nữa, công tác nắm bắt các hộ đồng bào đang còn dư nợ tại các ngân hàng thương mại cũng chưa tốt. Từ đó, việc nắm được nhu cầu người dân chưa sát thực…

Mặc dù đã được vay nguồn vốn sản xuất từ ngân hàng thương mại từ nhiều năm nay, nhưng ông K’Bang vẫn chưa được nhận hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 10

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Y’Thon, ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’drót (Đắk Mil) chia sẻ: “Để có vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân phải thế chấp rẫy, nhà vào ngân hàng. Hiện tại, lãi suất mặc dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với điều kiện của người dân. Chính vì thế, việc hỗ trợ lãi suất khi vay vốn của UBND tỉnh là một chủ trương đúng đắn, phù hợp lòng dân. Tôi mong rằng, về phía chính quyền địa phương cần phổ biến thông tin sâu rộng để bà con kịp thời làm thủ tục, hồ sơ theo quy định”.

Bà Nguyễn Thị Toản cũng cho biết thêm: "Trong thời gian tới, nếu xã nào đã được huyện thông báo quy định mà không triển khai đến các hộ dân thì Phòng Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND huyện có biện pháp xử lý quyết liệt hơn, chứ không để tình trạng có chính sách nhưng hộ đồng bào lại vô tình không được hưởng”.

Theo ông K’Bốt thì để thực hiện tốt quy định về hỗ trợ lãi suất cho đồng bào dân tộc, giai đoạn 2014 - 2016, về phía đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Dân tộc, các địa phương, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cũng cần nâng cao vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách. Về phía ngân hàng thương mại, các đơn vị cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn vốn để phục vụ sản xuất.

Có thể nói, đây là một chính sách mới, có tính chất đặc thù của tỉnh, do vậy, các địa phương, phòng, ban chức năng cần quan tâm, đẩy mạnh các giải pháp triển khai thực hiện, để tránh tình trạng “lãng phí” chính sách, nhất là đối với những ưu đãi đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Quyết định 10/2012-QĐ/UBND tỉnh: Kết quả chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO