Thực hiện Quyết định 10/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ở Đắk Mil: Kết quả còn thấp

Nguyễn Lương| 10/04/2014 09:24

Dù đã 2 năm thực hiện Quyết định 10/2012/QĐ-UBND (QĐ 10) của UBND tỉnh về việc hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng đến nay, huyện Đắk Mil mới chỉ có 40 hộ được tiếp cận, với tổng số vốn 445 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất của các hộ đồng bào khá lớn, nhưng vì nhiều lý do mà còn hàng trăm hộ vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn này.

ADQuảng cáo

Người dân khó tiếp cận vốn vay

Xã Đắk N’Drót có 2 bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với hơn 150 hộ, nhưng hiện mới chỉ có một gia đình tiếp cận được nguồn vốn theo QĐ 10. Ông Y Soai, ở bon Đắk R’la cho hay: “Gia đình tôi hiện có 1 ha cây cà phê, tiêu và 2 ha hoa màu. Thời gian qua, để có vốn sản xuất, tôi đã vài lần cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ra Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện để đề nghị vay vốn, nhưng phía ngân hàng không đồng ý nên đành quay về. Hiện tại, gia đình rất muốn vay một số vốn để đầu tư vào vườn tiêu nhưng thấy việc vay vốn khó khăn quá”.

Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, gia đình anh Y Thon đã nhiều lần ra các ngân hàng thương mại của huyện để vay vốn, nhằm mở rộng diện tích cà phê, nhưng đều bị từ chối.

Anh Y Thon bày tỏ: “Lần nào tôi cầm sổ đỏ ra ngân hàng đề nghị vay tiền cũng nhận được câu trả lời là không cho vay. Tôi có hỏi lý do thì ngân hàng bảo không đủ điều kiện, thậm chí có lúc cán bộ này đùn đẩy cho cán bộ khác nên cũng đành thôi”.

Gia đình anh Y Thon, ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’Drót có tài sản nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn theo QĐ 10 để đầu tư sản xuất

Theo ông Y Vít, Trưởng bon Đắk R'la thì hầu hết các hộ muốn tiếp cận nguồn vốn sản xuất đều rất chịu khó làm ăn, nhưng do thủ tục vay vốn qua ngân hàng thương mại khá rườm rà nên việc tiếp cận vốn rất khó.

Còn tại bon Sar Pa, xã Thuận An, hiện tại, toàn bon cũng mới có 13 hộ/200 hộ được tiếp cận nguồn vốn theo quy định này. Theo Ban tự quản bon, hầu hết các hộ đồng bào ở đây đều có đất, có rẫy để thế chấp, thậm chí có nhiều gia đình làm ăn rất khá giả. Thế nhưng, khi  họ cầm sổ đỏ lên các ngân hàng đề nghị vay vốn, về phía các ngân hàng lại “lắc đầu”.

Không những vậy, việc đi lại nhiều lần để vay được số vốn khiêm tốn khiến các hộ dân “nản” và không muốn tiếp tục. Mặt khác, về phía cán bộ ngân hàng, khi thấy bà con dân tộc cầm sổ đỏ lên vay tiền, họ cũng không thực sự mặn mà lắm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á cho biết: “Đơn vị rất muốn cho vay để “khơi thông” nguồn vốn, nhưng thông thường, các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ đều ở khá xa địa bàn của chi nhánh nên việc thẩm định tài sản thế chấp rất khó khăn. Còn một số hộ khác có phương án sản xuất không khả thi nên ngân hàng đành chịu”.

Tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil, ngoài cần tài sản đảm bảo, phương án sản xuất hiệu quả thì việc các hộ đồng bào làm thủ tục, hồ sơ không đầy đủ theo quy định cũng là lý do khiến cho đơn vị khó giải ngân nguồn vốn.

ADQuảng cáo

Theo đại diện của chi nhánh này thì hiện tại, đơn vị đã giải quyết vốn vay cho một số hộ nằm trong diện ưu đãi. Còn phần lớn các hộ đồng bào khác, khi mang sổ đỏ nhà, đất rẫy lên cầm cố nhưng luôn bị thiếu nhiều loại giấy tờ, mặc dù cán bộ ngân hàng đã hướng dẫn bà con nhưng rồi đâu lại vào đó.

Chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm

Thực tế, việc các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ chưa thể tiếp cận được nguồn vốn để hưởng lãi suất ưu đãi từ ngân hàng thương mại như quy định, một phần là do điều kiện của ngân hàng khá khắt khe, phần nữa là vì một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của bà con.

Ông Bùi Đình Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho hay: "Một trong những hạn chế trong việc triển khai QĐ 10 là lúc xã triển khai quy định vào các bon thì các trưởng bon, tổ chức đoàn thể chưa thực sự quan tâm lắm. Cụ thể như khi chính quyền xã phổ biến quy định về cho các trưởng bon thì họ chỉ nhắm vào những hộ có kinh tế khá giả, riêng số hộ còn lại họ không tuyên truyền. Cũng chính vì điều này mà mặc dù nhu cầu vay vốn rất nhiều, nhưng các hộ được tiếp cận lại cực kỳ khiêm tốn”.

Lý giải về vấn đề này, bà Đặng Thị Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drót phân trần: “Do trình độ dân trí của bà con còn hạn chế nên việc phổ biến quy định gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí về phía xã có tuyên truyền, nhưng chưa chắc bà con đã quan tâm”.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Theo ông Bùi Đình Hiển thì các hộ muốn vay vốn phải có phương án sản xuất, cũng như sổ đỏ thế chấp với ngân hàng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, đối với các hộ đồng bào trên địa bàn xã đang gặp khó khăn về quá trình làm thủ tục, hồ sơ vay vốn. Vì thế, trong thời gian tới, xã sẽ chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến QĐ 10 xuống tận các bon. Xã sẽ cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn bà con làm thủ tục, cũng như có phương án sản xuất hiệu quả để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn”.

Theo ông Cao Đại Nguyên, Phó Phòng Dân tộc huyện thì hiện tại, về phía các hộ đồng bào rất muốn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, họ vẫn có tâm lý ngại thực hiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn, cũng như việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế.

Trong quá trình triển khai, Phòng Dân tộc huyện cũng đã có ý kiến thành lập ra những tổ tín dụng để phổ biến, hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn. Thế nhưng, để thành lập được tổ này, đòi hỏi phải có sự nhất quán từ trên xuống, mà vấn đề này địa phương vẫn chưa làm được. Vì thế, trong thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ tham mưu với UBND huyện đưa các ngân hàng thương mại trên địa bàn vào trong hoạt động kết nghĩa bon, buôn.

Trên cơ sở này, các đơn vị kết nghĩa sẽ cùng trưởng bon, già làng hỗ trợ các hộ đồng bào phát triển kinh tế, trong đó, có việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Bởi, có như vậy thì việc thực hiện QĐ 10 mới mang lại hiệu quả cao, còn cứ để người dân tự tìm đến ngân hàng thì rất khó.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Quyết định 10/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh ở Đắk Mil: Kết quả còn thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO