Thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an ninh lương thực

Văn Tâm| 30/03/2020 09:27

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là việc hỗ trợ người dân ổn định diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.

ADQuảng cáo

Để chủ động nguồn lương thực tại chỗ, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ để giúp người dân thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến 2020. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết về Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Nông dân Buôn Choáh (Krông Nô) thu hoạch lúa RVT. Ảnh: Đức Hùng

Cùng với việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt quy hoạch và phát triển sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Theo đó, căn cứ vào phân vùng khí hậu nông nghiệp, đất đai và yêu cầu của nền nông nghiệp bền vững, tỉnh Đắk Nông đã hình thành 2 tiểu vùng cây con.

Trong đó, tiểu vùng 1 (gồm huyện Cư Jút và một số xã phía bắc huyện Krông Nô) là nơi phù hợp để phát triển cây lương thực, cây ăn trái, cây công nghiệp hàng năm, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong… Tiểu vùng 2 (từ các xã phía nam huyện Krông Nô và các huyện còn lại) là nơi chuyên sản xuất cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc.

Đối với đất trồng lúa, trong giai đoạn 2008 – 2018, diện tích trồng lúa của tỉnh đã có sự gia tăng rất lớn. Cụ thể, năm 2008 chỉ có khoảng 11.578 ha, năm 2018 đã tăng lên 78.666 ha. Năng suất lúa năm 2008 đạt 44,5 tạ/ha thì đến năm 2018 đạt 59,37 tạ/ha.

Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất, tỉnh đã khuyến khích các địa phương chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang cây trồng các loại cây như: hoa màu, cây ăn quả… Từ năm 2008 – 2018, các huyện như: Krông Nô, Chư Jút, Đắk Glong, Đắk R’lấp… nông dân đã chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa sang cây hàng năm.

ADQuảng cáo

Trong sản xuất lúa, đến nay đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ và giống theo hướng tăng diện tích xuân muộn, mùa sớm, sử dụng các giống lúa lai, lúa chất lượng vào sản xuất. Đáng chú ý là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác mới đã được ngành Nông nghiệp triển khai rộng rãi, giúp nông dân gia tăng năng suất, chất lượng lúa.

Cụ thể như hệ thống thâm canh lúa mới (SRI), “3 giảm, 3 tăng” (ICM), quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cơ giới hóa khâu làm đất đạt 92%, cơ giới hóa khâu thu hoạch cũng cải thiện khoảng trên 60%... Các loại giống lúa chất lượng cao cũng được đưa vào sản xuất đại trà. Nhờ đó, diện tích canh tác lúa hiện nay đã đạt gần 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, bình quân lương thực đầu người đạt 700 kg/người…

Người dân thôn K62, xã Nâm N’đir (Kông Nô) chăm sóc lúa đông xuân vụ 2019 - 2020

Để phục vụ sản xuất hiệu quả, tỉnh đã quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Hiện trên địa bàn có 257 công trình thủy lợi có khả năng tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho trên 41.900 ha đất trồng lúa, hoa màu và cây lâu năm, đáp ứng được 75% nhu cầu tưới (dự kiến đến năm 2020 đạt 80%).

Ngoài ra, trên địa bàn còn có 120 sông, suối lớn nhỏ kết hợp với 1.540 đập tạm, đập bồi do dân tự làm, 19.582 ao chứa nước, 13.144 giếng khơi, giếng khoan… tạo nguồn nước phong phú, giúp người dân cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, thâm canh, tăng vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi. Hệ thống đường giao thông trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh có trên 805 km, trong đó có trên 157 km đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản, phân bón…

Đối với những vùng đất chuyên canh cây lúa còn lại được nông dân tập trung thâm canh, tạo ra những phong trào như xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất lúa chất lượng. Các huyện sản xuất lúa trọng điểm hiện nay gồm có Krông Nô, Đắk Mil, Chư Jút, trong đó Krông Nô có cánh đồng mẫu trồng lúa trên 50 ha.

Những năm qua, tỉnh cũng luôn chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất, thường xuyên quan tâm hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Các hợp tác xã và nông dân đã thật sự phát huy được tính tự chủ, thay đổi dần tư duy sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như phát huy thế mạnh của địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh, để thực hiện phương án phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục hoàn chỉnh chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, gắn với giải quyết những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an ninh lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO