Thu tiền tỷ nhờ phát triển rừng xoan trên vùng đất xấu

Đức Hùng| 01/12/2020 09:42

Sau thời gian trồng và chăm sóc, 5 ha rừng xoan đã mang về cho gia đình ông Trịnh Văn Lý, thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú (Krông Nô) gần 1 tỷ đồng. Đây là hộ đầu tiên ở Quảng Phú có thu nhập từ rừng và đang tạo nên phong trào phát triển kinh tế rừng trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Ngôi nhà xây kiên cố của gia đình ông Lý được bao quanh bởi rừng xoan hơn 13 năm tuổi. Rừng xoan này được ông Lý trồng thuần, đến nay mỗi cây cao từ 5-6 m, đường kính từ 25-30 cm và đang đến thời kỳ khai thác.

Rừng xoan của ông Lý đã trồng được 13 năm, đang trong thời kỳ thu hoạch

Theo ông Lý, năm 1998, gia đình ông rời quê hương Hà Nam vào thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, lập nghiệp. Thời điểm đó, dân cư ở Quảng Phú còn thưa thớt, giao thông khó khăn. Do ít vốn, nên ở đâu có thể mua được đất là ông ưu tiên mua ngay.

Sau một thời gian, gia đình ông Lý đã mua được 10 ha đất. Tuy nhiên, đây là vùng đất có nhiều rặng đá xếp lớp, không thể dùng máy móc để sản xuất. Bản thân ông cũng thiếu kinh nghiệm sản xuất trên vùng đất mới, nên ông chọn trồng các loại cây ngắn ngày để trồng.

Thu nhập từ các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp... cũng chỉ giúp gia đình ông đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng, canh tác được một thời gian, vợ chồng ông nhận thấy không hiệu quả vì đất quá xấu, nên đã quyết định chuyển sang trồng rừng.  

Năm 1997, ông Lý chuyển 5 ha đất sang trồng rừng (đối với 5 ha đất còn lại màu mỡ hơn, gia đình ông đã trồng 2.000 cây cà phê, 600 cây điều và trồng cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập hằng năm). Để có giống cây rừng, ông Lý phải chạy xe gần 100 km sang tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu, mua cây giống về trồng. Ông chọn trồng cây xoan vì theo ông, thị trường thời điểm đó rất chuộng loại cây này, giá cả gỗ xoan cũng cao.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, xoan là loại cây thường rụng lá vào mùa thu, nên hoàn toàn có thể trồng xen cây ngắn ngày vào mùa rụng lá. Chính vì thế, từ khi trồng xoan đến năm thứ 5, gia đình ông vẫn duy trì trồng xen cây ngắn ngày để bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống.

uGỗ xoan ông Lý đã khai thác để bán ra thị trường

Ông Lý cho biết: "Cách làm của tôi là "lấy ngắn nuôi dài" và hiệu quả kinh tế khá bền vững. Trồng rừng năm thứ nhất và năm thứ 2 đều có thể trồng xen cây ngắn ngày. Các năm tiếp theo chỉ tốn công chặt tỉa cành từ 2-3 lần/năm để rừng xoan lên thẳng. Sau đó thì rừng tự phát triển, hầu như không mất công chăm sóc".

Hiện nay, ông Lý bắt đầu khai thác, bán 5 ha rừng xoan với giá gần 1 tỷ đồng. Những diện tích rừng được khai thác, ông tiếp tục mua giống cây da lợn, gáo vàng về trồng lại.

Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú đánh giá, trước đây người dân còn e dè với việc trồng rừng. Thế nhưng, từ khi ông Lý bán rừng gỗ xoan và mang lại nguồn thu nhập lớn, phong trào trồng rừng trên địa bàn đã phát triển mạnh.

Trên địa bàn đã bắt đầu hình thành các phong trào phát triển "kinh tế rừng". Nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp không phù hợp sang trồng rừng.

Ông Hùng cho biết: "Tính đến cuối năm 2019, người dân trên địa bàn xã Quảng Phú đã bỏ vốn trồng tổng cộng 166 ha rừng. Riêng năm 2020, người dân Quảng Phú cũng đã trồng mới được gần 200 ha rừng. Đây là sự lan tỏa vô cùng lớn xuất phát từ vườn cây rừng của gia đình ông Lý".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu tiền tỷ nhờ phát triển rừng xoan trên vùng đất xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO