Thêm nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh cho hộ dân, thương nhân vùng khó khăn

Đức Diệu| 26/04/2016 09:37

Các Quyết định 306 và 307/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn với mức vay tối đa đồng loạt nâng lên 50 triệu đồng/hộ thay vì 30 triệu đồng như trước đây (có hiệu lực từ ngày 15/3/2015).

ADQuảng cáo

Đây được xem là quyết định mở ra cơ hội cho các hộ nông dân cũng như thương nhân vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Phòng Giao dịch NHCSXH Chư Jút giải ngân vốn vay cho các hộ dân trên địa bàn xã Nam Dong

Sau khi có quyết định của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện của NHCSXH Việt Nam về nâng mức cho vay, Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông đã báo cáo với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp với phòng giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn để triển khai thực hiện. Hoạt động cho vay theo quy định mới đã được các phòng giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Chi nhánh triển khai đồng loạt đến tất cả các xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ đây, nhiều hộ dân và thương nhân đã sớm tiếp cận được nguồn vốn.

Theo ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông, tính đến hết quý I/2016, dư nợ cho vay đối với thương nhân, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt trên 490 tỷ đồng.  Số tiền trên đã tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao mức sống người dân vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nông Hà Phong, ở thôn Hà Thông, xã Đắk Wil (Chư Jút) là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn này cho biết: “Mức vay tối đa cho các hộ là thương nhân, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn lên 50 triệu đồng/hộ đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là động lực mạnh mẽ giúp cho gia đình tôi phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

ADQuảng cáo

Còn ông Nguyễn Xuân Thủy cũng ở thôn Hà Thông, xã Đắk Wil sau khi vay 50 triệu đồng từ chương trình đã giúp gia đình có thêm nguồn vốn để đầu tư vào kinh doanh vật tư nông nghiệp. Qua trao đổi, ông Thủy cho rằng, việc Chính phủ quyết định nâng mức vay tối đa đối với thương nhân và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lên 50 triệu đồng/hộ đã tạo “luồng gió mới” giúp người dân có thêm cơ hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Được biết, hiện đối tượng là hộ sản xuất, kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn có nhu cầu vay vốn ưu đãi lãi suất là khá lớn. Bên cạnh đó, điều kiện vay vốn cũng khá đơn giản, gọn nhẹ như không thuộc diện hộ nghèo, mới thoát nghèo, có phương án sản xuất được UBND xã xác nhận; hoạt động sản xuất, kinh doanh có mở sổ sách kế toán… sẽ được vay vốn.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Jút cho biết: “Ngay khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Phòng đã giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng có nhu cầu vay vốn theo đúng quy định. Theo đó, tính đến hết quý I/2016, Phòng đã giải ngân cho vay theo chương trình đối với thương nhân và hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt gần 70 tỷ đồng. Qua nắm bắt dư luận từ người dân, hầu hết các đối tượng vay vốn đều đồng tình và vui mừng khi được vay số vốn ưu đãi lãi suất lớn hơn trước đây”.

Được biết, Quyết định của Chính phủ cũng đã có hướng mở cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có thể nâng mức vay trên 50 triệu đồng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng, nếu có phương án sản xuất khả thi, nhu cầu nguồn vốn và khả năng trả nợ.

Cũng theo ông Hà thì việc điều chỉnh nâng mức cho vay đối với thương nhân và hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vào thời điểm này sẽ tạo tiền đề để xây dựng, phát triển kinh tế hàng hóa ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn của tỉnh. Do đó, thời gian tới, ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các đối tượng thụ hưởng về những quy định mới trong việc cho vay đối với thương nhân và hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Khi triển khai cho vay, đơn vị sẽ liên tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách trồng trọt, chăn nuôi, triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả để giúp họ sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh cho hộ dân, thương nhân vùng khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO